HTX người Họ Dương nuôi bò 3B mang lại giá trị kinh tế cao
- 01/11/2023
- Ban Thông tin truyền thông
- 196
Nhiều hộ gia đình ở xã Nga My, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên chuyển sang chăn nuôi bò 3B vỗ béo với quy mô lớn và mang về nguồn thu nhập ổn định.
Chuyển từ nuôi lợn sang nuôi bò 3B
Anh Dương Văn Hồng hiện là Giám đốc HTX chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My (xã Nga My, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên).
Trước đây anh Hồng chăn nuôi lợn từ những năm 2010. Nhưng đến năm 2017, do giá cả không ổn định lại dịch bệnh liên miên nên anh Hồng đã quyết định chuyển hướng dần sang chăn nuôi bò 3B.
Tháng 8/2022, anh chính thức thành lập HTX với 25 thành viên và tổng số đàn bò khoảng 155 con. Trong đó, gia đình anh Hồng hiện có tất cả 30 con bò 3B.
Gia đình anh Dương Văn Hồng hiện có tất cả 30 con bò 3B
Anh Hồng cho biết, ưu điểm của bò 3B là nguồn thức ăn dễ kiếm, có thể tận dụng cây ngô, cây sắn làm thức ăn, do đó hiệu quả kinh tế cao hơn. Rủi ro từ chăn nuôi bò ít hơn hẳn so với nuôi lợn, chỉ cần tiêm phòng đủ vaccine là cơ bản bò sẽ không bị bệnh.
Tuy nhiên, nuôi bò đòi hỏi nguồn vốn lớn hơn nuôi lợn, có thời điểm giá cao, anh Hồng mua bò với giá 25 triệu đồng/con. Vào thời điểm giá rẻ, giá bò cũng từ 18 – 20 triệu đồng/con. Do đó, ngoài nguồn vốn sẵn có của gia đình, anh Hồng phải vay thêm tiền từ ngân hàng để chăn nuôi.
Bên cạnh nguồn vốn lớn, muốn nuôi bò cần phải có nguồn quỹ đất lớn mới có thể trồng cỏ.
Để nuôi bò 3B cho hiệu quả kinh tế cao cần chủ động được nguồn cỏ
Thông thường, anh Hồng lựa chọn những con bò 3B khoảng 6 tháng tuổi với trọng lượng trung bình 200kg/con để nuôi. Khi bò đạt 12 tháng tuổi với trọng lượng khoảng 400kg thì anh Hồng bắt đầu tiến hành quy trình vỗ béo.
Lưu ý, trước khi vỗ béo cho bò, cần tiêm phòng nhắc lại tất cả các loại vaccine, đặc biệt là việc tẩy ký sinh trùng để đảm bảo bò đạt hiệu quả cao nhất về trọng lượng.
Nguồn thức ăn của bò được thay đổi tùy theo từng giai đoạn phát triển của bò. Ở 5 tháng đầu khi bắt đầu mua bò về nuôi, nguồn thức ăn của bò chủ yếu là cỏ. Anh Hồng thường cho ăn 1kg cám, 3kg bã đậu, 3 – 4kg bã bia, khống chế chi phí thức ăn chăn nuôi dưới 20.000 đồng/ngày trong thời gian 5 tháng đầu.
Trong khoảng thời gian từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 10, chi phí thức ăn của bò trung bình khoảng 1 triệu tiền thức ăn/con/tháng. Từ tháng 12 trở đi, bắt đầu quá trình vỗ béo thì chi phí thức ăn cho một con bò được tăng lên gấp đôi khoảng 2 triệu đồng/con/tháng.
Khi đó, nguồn thức ăn chính của bò là cám, trung bình từ 3 – 5kg cám/con/ngày kết hợp ăn tinh bột, còn cỏ và phụ phẩm sẽ giảm xuống để tăng lượng thịt cho bò.
Lưu ý, cần cân đối làm sao để đảm bảo đến khi xuất bán, chi phí tiêu tốn thức ăn cho mỗi con bò chỉ khoảng 16 triệu đồng/con mới có lãi.
Thời gian nuôi bò 3B vỗ béo thường kéo dài khoảng 15 tháng
Thời gian nuôi bò vỗ béo của anh Hồng thường kéo dài khoảng 15 tháng, khi đó bò đạt trọng lượng khoảng 650kg/con. Thời điểm hiện tại, bò giống được bán với giá 85.000 đồng/kg, còn bò thịt 100.000 đồng/kg. Với giá cả như trên, trung bình mỗi con bò 3B của gia đình anh Hồng sẽ cho lợi nhuận khoảng 900.000 – 1 triệu đồng/con/tháng.
Anh Hồng cho biết, so với chăn nuôi lợn và gà mặc dù lợi nhuận từ nuôi bò không cao bằng, tuy nhiên mức độ rủi ro ít hơn hẳn và lợi nhuận ổn định. Ước tính với 30 con bò, nếu giá cả ổn định như hiện nay, trong năm 2022 gia đình Hồng sẽ thu về khoảng 300 triệu đồng tiền lãi.
Nuôi bò 3B cho thu nhập ổn định, không lo bão giá
Gia đình anh Dương Văn Chung, thành viên của HTX chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My, hiện có 20 con bò 3B.
Trước đây, gia đình anh Chung cũng chủ yếu chăn nuôi lợn. Nhưng do dịch bệnh, giá cả bấp bênh nên anh chuyển sang nuôi bò vỗ béo.
Theo anh Chung, nuôi bò 3B không quá vất vả mà rủi ro lại ít
Theo anh Chung, nuôi bò 3B không quá vất vả mà lại ít dịch bệnh, quan trọng là trong quá trình chăn nuôi cần chủ động được nguồn cỏ để phục vụ cho con bò. Do đó, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư và bước đầu nhận thấy đàn bò phát triển tốt.
Theo nhận định của anh Chung, nuôi bò sẽ cho nguồn thu nhập ổn định hơn so với chăn nuôi lợn và một số loại vật nuôi khác.
Ông Đặng Văn Ngọ – Chủ tịch Hội nông dân xã Nga My đánh giá: “Thực hiện kế hoạch của UBND xã Nga My trong năm 2022 giao cho Hội nông dân trực tiếp tuyên truyền, vận động bà con, các hội viên nông dân chăn nuôi bò trên địa bàn thành lập HTX chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My. Bước đầu nhận thấy HTX hoạt động tương đối tốt.”
Nhờ được sự hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi từ Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, sau hơn 1 tháng HTX đi vào hoạt động đến nay số lượng đàn bò đã tăng thêm hơn 30 con.
Trong thời gian tới, Hội nông dân xã sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND xã và phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Phú Bình, Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên để hỗ trợ, tư vấn kiến thức về phát triển kinh tế tập thể cho bà con.
Dương Hiên