Bài phát biểu của Giáo sư Sử học Lê Văn Lan tại Lễ trao bằng Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đền thờ Dương Tam Kha thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định

Kính thưa các vị lãnh đạo, kính thưa các vị đại biếu và khách quý, thưa các cụ, các bà, các ông, các chị, các anh

 

Giáo sư Sử học  Lê Văn Lan phát biểu tại Lễ trao bằng Di tích lịch sử cấp  Quốc gia Đền thờ Dương Tam Kha ngày 23/03/2025

Xin trước hết bây giờ cùng Tôi ngước lên cao xanh kia, trời quang, mây tạnh gió hiền hoà, thưa quý vị đấy là Thiên thời. Hãy nhìn ra xung quanh, màn, trướng, cửa nhà khang trang, sạch đẹp, thưa  đó Địa lợi. Bây giờ, hãy nhìn vào chính chúng ta, những khuôn mặt rạng ngời, những bộ trang phục đẹp đẽ và những tấm lòng thành kính, thưa đó là Nhân hoà. Đó là Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà, học thuyết Tam tài ấy hôm nay tụ hội ở đây để chứng kiến, chứng giám phù hộ, độ trì cho một sự kiện quan trọng của quê hương, của Dòng tộc và của đất nước chúng ta. Ngôi đền thờ Bình Vương,  Chương Dương Công – Dương Tam Kha được công nhận là di tích Quốc gia. Sự kiện này cực kỳ quan trọng, chúng ta đã chiêu tuyết được cho một nhân vật lịch sử quan trọng mà công tích từ trận Bạch Đằng lần thứ nhất, từ việc lập ra ấp Chương Dương. Vừa rồi, vị Chủ tịch kính mến của Chúng ta có nhắc qua đến ấp Chương Dương (Chủ tịch thị trấn Cổ lễ phát biểu tại buổi lễ), nó đang ở huyện Thường Tín, cách phía Nam Hà Nội 20km bên bờ phải, đó là địa điểm mà Thượng tướng – Thái Sư Trần Quang Khải đã đánh trận Chương Dương năm 1285 và đã vào thơ lịch sử.

Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù

Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy nghìn thu.

Chương Dương đấy là nơi ngài Bình Vương Dương Tam Kha khai cơ lập nghiệp. Còn Cổ Lễ nữa, chúng ta ở đây đều đã thấm nhuần ân đức của Ngài khi Ngài sáng nghiệp lập ra miền đất này để lại truyền thống cho đất và người, cho Dòng tộc, cho Họ Dương ở đây. Rồi quê hương Làng Giàng, Dương Xá, Thanh Hoá của Ngài nữa, tất cả quê hương Dòng dõi của  Dương Tam Kha là hiển vinh. Nhưng mà vì sao lại có chuyện lâu đến thế? Ngôi đền thờ thiêng liêng, đẹp đẽ ở chính nơi đất khai cơ của Ngài là Cổ Lễ lại chậm được công nhận và xếp hạng ở mức xứng đáng như vậy?

Thưa quý vị:  Vấn đề này từ nàm 1960, cách đây đã  60 năm, khi chúng tôi còn trẻ và cách đây 60 năm và  bây giờ đã 92 tuổi vẫn theo đuổi để trả lại cho  lịch sử, cho nhân vật lịch sử sự minh bạch, sự công bằng. Và chúng tôi rất cám ơn Cục di sản, ngài Dương Quốc Trọng đã truyền tải, đã chấp nhận ý kiến nghiên cứu của chúng tôi. Cụ thể là như sau: Cái đầu mà chúng ta còn lăn tăn về Ngài Bình Vương Dương Tam Kha ấy là chuyện; Cụ Ngô Sỹ Liên ở thế kỷ 15 với quan điểm của Sử thần, sử gia phong kiến chính thống đã chép vào Bộ quốc sử Đại Việt Sử ký toàn thư những cái dòng mà theo quan điểm của nho giáo chính thống lúc đấy trở thành Quốc giáo ở thế kỷ 15. Mà theo quan điểm thế kỷ 15 ấy phóng ngược lên úp vào thời gian 5 thế kỷ trước là thế kỷ thứ 10, thế kỷ của Ngài Dương Tam Kha. Năm  thế kỷ quan điểm khác rất nhiều, cho nên, chúng ta phải trở lại gốc của cái sự khác biệt ấy. Tư tưởng chính thống của nho giáo lên án Dương Tam Kha là tranh quyền, cướp  ngôi của các cháu của mình là con trai của  chị mình  Dương Thị Như Ngọc,   là con trai của anh Rể của mình là Ngô Quyền. Nhưng ở thế kỷ thứ 10 có tồn tại 1 phong tục từ thời nguyên thủy truyền về và nó còn truyền về với thời gian gần đây với tàn dư còn mềm mại, nhỏ nhắn hơi đó là phong tục mà dân tộc học gọi là (Avanculát) dịch sang tiếng Hán việt đó là  “ Quyền cữu phụ” tức là “ Quyền ông cậu”.  Cho đến thế kỷ 20 ở dân tộc Vân Kiều nơi bảo lưu rất nhiều tàn dư của các phong tục cổ thập chí đến , dân tộc Vân Kiều đến thế kỷ 20 vẫn chưa có họ, cho nên mới xin Bác Hồ cho mượn họ Hồ, thế mới thành ra họ của người dân tộc Vân Kiều. Anh hùng Vai chẳng hạn, chỉ có 1 tên Vai, không có họ, nhưng giờ trở thành Hồ Vai. Chị Can Lịch chỉ có 1 cái tên Can Lịch như thế rồi trở thành Hồ Can Lịch. Ở Vân Kiều ấy cho đến bây giờ vẫn còn tồn tại cái “Quyền ông cậu”, Cữu phụ (Avanculát), có nghĩa cụ thể là Người em trai của bà mẹ có quyền rất lớn đối với các cháu là con của chị mình, của anh rể mình. Cụ thể trong việc hôn nhân, không phải là mẹ, là cha sắp xếp việc hôn nhân cho các con mà ông cậu đứng ra lo liệu và tất nhiên cuối cùng bao nhiêu sính lễ, quyền lợi lễ vật không phải là cha, mẹ trong cuộc hôn nhân ấy được hưởng mà ông Cậu hưởng. Chúng tôi đã nghiên cứu 1 nhân vật ở thế kỷ thứ 17 là Đại vương Đào Quang Nhiêu, ông này gốc họ Nguyễn, nhưng mà cha mất sớm từ năm ông lên 3 tuổi, thế là ông Cậu Đào Quang Huynh, em trai của mẹ đẻ của ông ấy đứng ra bảo vệ, nuôi dưỡng lớn và cân nhắc, đào tạo, huấn luyện để cho Đào Quang Nhiêu trở thành danh tướng và được nhận tới chức Đại Vương, đấy là Quyền ông cậu. Trở lại với thế kỷ 10, Quyền ông cậu càng nặng, càng nghiêm trọng , càng trọng đại. Do đó, việc Bình Vương Dương Tam Kha lấy Quyền ông cậu để bảo hộ, để giữ gìn, để giúp đỡ, để thi  hành các quyền lực của những đứa cháu là đương nhiên, không có chuyện tranh, dành cướp ngôi gì cả, chỉ làm theo đúng phong tục nếp sống ở một thế kỷ trước nhiều thế kỷ 15, mà thế kỷ 15 thì quan lập và tư tưởng viết sách nó đổi khác.

Các đại biểu tham dự buổi lễ 

Thưa quý vị;  đấy là tóm tắt học thuyết mà chúng tôi đã theo đuổi để chiêu thuyết cho ngài Bình Vương Dương Tam Kha cũng là trả lại cho lịch sử sự công bằng, công minh và chúng tôi một lần nữa cảm ơn Cục di sản, cảm ơn Anh Dương Quốc Trọng và tất cả các vị ở đây đã đồng tình như vậy, để hôm nay chúng ta có thành quả quan trọng và ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống, tới sự nghiệp, vì đây là sự phấn khởi, sự văn minh mà nó trở thành nguồn lực cho phát triển. Trong thời buổi mà từ khẩu hiệu của Đảng, Đại hội lần thứ 13 cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh 4 chữ “ Khát vọng phát triển”. Và bây giờ, hướng tới Đại hội lần thứ 14 Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh 4 chữ  “ Đất nước vươn mình”. Trong sự nghiệp Khát vọng phát triển, Đất nước vươn mình ấy, nguồn lực văn hóa tư tưởng, lịch sử là cực kỳ quan trọng. Cho nên, hôm nay chúng ta ngồi ở đây không chỉ vui mừng đón nhận tấm bằng cao quý, tấm bằng công minh mà còn hưởng thụ, tạo ra, đón nhận một nguồn lực để từ đây đóng góp vào sự nghiệp của quê hương, của đất nước, của thời đại chúng ta.

Nguyện trên cao xanh kia, Đức Bình Vương Dương Tam Kha chứng tấm lòng của chúng ta. Ngài hiển hiện, phù hộ, giúp đỡ chúng ta trong sự nghiệp của quê hương, Dòng tộc, đất nước và thời đại.

Cẩn cáo, cẩn cẩn cáo.

Toàn văn bài phát biểu bằng hình ảnh tại đường link dưới

https://www.youtube.com/watch?v=lzaAUMfjr8U

 

Dương Lan Anh

Ghi chép tại Lễ trao bằng Di tích lịch sử cấp  Quốc gia Đền thờ Dương Tam Kha ngày 23/03/2025

 

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com