Người truyền lửa và thổi hồn cho những tác phẩm – nghề đúc đồng thị trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định
- 22/05/2017
- Ban Thông tin truyền thông
- 3530
Ở nước ta, làng nghề truyền thống đúc đồng trên cả nước có rất nhiều, nhiều làng nghề tồn tại hàng trăm năm, như làng nghề Tống Xá (thuộc thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) nơi đây khi ghé thăm dường như ai cũng không khỏi ngạc nhiên bởi sự phát triển của một làng nghề truyền thống, bởi sự gắn bó, yêu nghề của những con người nơi đây. Họ sống và làm việc bởi sự đam mê, trong tâm hồn họ nghề đúc đồng như máu thịt của mình.
Nghề đúc đồng không chỉ mang lại một cuộc sống đầy đủ, khấm khá hơn mà còn là động lực để phát triển, để cống hiến và truyền dạy nghề cho thế hệ mai sau. Vì vậy làng nghề truyền thống không chỉ các tầng lớp trung niên, cao niên theo nghề mà nay còn tầng lớp thanh thiếu niên cũng yêu nghề, đam mê với nghề như chính cha ông mình vậy. Dù còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng mỗi khi cất cặp sách họ lại tìm tòi, tỉ mỉ với những tác phẩm đồng. Nhiều thanh niên trong làng rời giảng đường đại học với tấm bằng khá giỏi họ có nhiều cơ hội để tìm kiếm một công việc “nhàn hạ”, vậy nhưng họ vẫn về với làng mang những kiến thức đã học để đưa nghề của quê hương ngày một phát triển, dù nghề ấy vất vả khó nhọc đến mấy.
Làng nghề đúc đồng tại Thị Trấn Lâm đã tồn tại cách đây gần 1 thế kỷ, không chỉ có vậy, đây còn là nơi sản sinh ra nhiều truyền nhân nghề đúc đồng. trong đó điển hình chính là ông Dương Bá Kiên (Doanh nghiệp đúc đồng Dương Bá Kiên).
Tuy mới thành lập doanh nghiệp năm 2013, nhưng thâm niên đúc đồng của gia đình ông Dương Bá Kiên đã có từ vài trăm năm với 5 đời liên tục làm nghề đúc đồng truyền thống. Vì vậy, tay nghề của ông được xem là bàn tay tài hoa và điêu luyện bậc nhất Thị trấn Lâm.
Theo ông Kiên, để làm được một sản phẩm đúc đồng được nhiều người biết đến thì điều quan trọng bậc nhất đó chính là thổi hồn vào trong những sản phẩm đó. Thậm chí, người nghệ nhân phải coi đó chính là đứa con tinh thần của mình, phải có sự đầu tư trí tuệ và tâm huyết. Chính việc gửi hồn vào trong tác phẩm nghề mình đã chọn mà ông Dương Bá Kiên đã được bạn bè đồng nghiệp xa gần đánh giá rất cao khi chiêm ngưỡng những tác phẩm của ông.
Một trong những sản phẩm được xem là sự hội tụ của tinh hoa đó chính là những tác phẩm như tượng đồng ở chùa Bái Đình – ngôi chùa lớn nhất Việt Nam hay các tác phẩm tại đền Trần, đền ông Hoàng Bảy…Để ghi nhận những cống hiến và đóng góp của nghệ nhân đúc đồng Dương Bá Kiên, không chỉ có địa phương ghi nhận mà Doanh nghiệp đúc đồng Dương Bá Kiên còn đạt danh hiệu “thương hiệu truyền thống gia truyền nổi tiếng”. Điều đáng nói hơn nữa đó chính là tầm nhìn xa trông rộng của nghệ nhân Dương Bá Kiên, bởi trong số 50 công nhân tại 2 xưởng sản xuất của doanh nghiệp và 1 khu trưng bày sản phẩm luôn được ông Kiên truyền lửa tâm huyết và hết lòng truyền nghề, chỉ dạy cho các thợ như chính những đứa con của mình. Ông quan niệm, có được nghề truyền thống như ngày hôm nay là nhờ sự ân cần chỉ bảo của các nghệ nhân xưa vì vậy bây giờ mình cũng phải có trách nhiệm truyền dạy cho các thế hệ sau. Vì vậy, ông đã đào tạo được những nghệ nhân trẻ vừa có tâm, đức, tài.
Ngay cả con trai ông Dương Bá Kiên là anh Dương Bá Hưng, tốt nghiệp trường Đại học Kinh doanh Công nghệ chuyên ngành quản trị kinh doanh, nhưng “máu nghề” đã ngấm quá sâu vào tư tưởng cũng như tâm trí của anh từ khi sinh ra và lớn lên, nên anh Hưng đã quyết định khởi nghiệp ở quê không phải nghề nào khác đó chính là đúc đồng.
Anh Hưng chia sẻ: “Hiện anh đang cùng cha phát triển nghề đúc đồng tại quê hương với mong muốn lưu giữ được truyền thống của cha ông để lại”.
Là một nghệ nhân trẻ và gia đình có 5 đời đúc đồng nhưng anh Hưng luôn có ý thức không ngừng học hỏi tìm tòi để các sản phẩm đúc đồng của doanh nghiệp ngoài sự tinh tế và đặc sắc còn mang được các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.
Dương Thị Thức