Điều ít biết về Hoàng hậu Dương Thị Như Ngọc – Hoàng hậu đầu tiên của nước Việt độc lập, tự chủ

     Nếu như sử sách suy tôn Ngô Quyền là vị Tổ trung hưng thứ nhất, là vị vua “mưu tài, đánh giỏi, làm nên công nghiệp, dựng lại cơ đồ, đứng đầu các vua” (Đại Việt sử ký toàn thư) thì người phụ nữ được ông phong làm Hoàng hậu là Dương Thị Như Ngọc lại ít được sử sách biết đến…

Ban Biên tập xin được giới thiệu kỳ 1 của bài viết về Hoàng hậu Dương Thị Như Ngọc được đăng tải trên báo Pháp luật Việt Nam do Dương Hoàng sưu tầm.

     Sau chiến thắng Bạch Đằng năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền lên ngôi vua, lập ra triều Ngô – triều đại đầu tiên của thời kỳ độc lập, tự chủ, “đặt trăm quan, dựng nghi lễ trong triều, định màu sắc các đồ phẩm phục”. Về chốn hậu cung, chính sử có đoạn chép: “Kỷ Hợi (939) năm thứ nhất… Mùa xuân, vua xưng vương, lập Dương thị làm hoàng hậu” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Đội nữ binh đặc biệt

     Dòng dõi “trâm anh thế phiệt”

     Không rõ tên thật, nhưng chính sử cho biết xuất thân của bà thông qua đoạn viết về vua Ngô Quyền: “Vua họ Ngô húy là Quyền, người Đường Lâm, đời đời là quý tộc, cha là Mân làm châu mục châu ấy. Khi vua mới sinh, có điềm ánh sáng khắp nhà, hình dạng khác thường, lưng có ba nốt ruồi, người xem tướng cho là lạ, bảo rằng có thể làm chúa một phương, nên cha vua mới đặt tên là Quyền.

     Đến khi lớn lên, vẻ người khôi ngô, mắt sáng như chớp, đi thong thả như cọp, có trí dũng, sức có thể cầm vạc giơ lên. Làm nha tướng cho Dương Đình Nghệ. Đình Nghệ gả con gái, cho làm quyền quân Ái châu” (Đại Việt sử ký toàn thư).

     Như vậy người phụ nữ được Ngô Quyền phong làm Hoàng hậu là con gái của Dương Đình Nghệ, quê ở làng Ràng, xã Dương Xá, đất Ái châu (nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá). Theo dã sử thì bà hoàng này có tên là Dương Thị Như Ngọc, con gái cả của Dương Đình Nghệ, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, xinh xắn.

     Tương truyền khi mang thai, mẹ nàng mơ thấy có một tiên nữ từ trên trời giáng xuống trao cho một viên ngọc lớn trắng sáng lung linh. Sinh ra, cô bé có khuôn mặt trong ngọc trắng ngà, lớn lên sắc đẹp như tiên nga giáng thế nên được cha mẹ đặt tên là Như Ngọc.

     Xuất thân từ con nhà có thế lực, được rèn luyện trong lò võ Dương Xá ở quê hương nên từ nhỏ Dương Thị Như Ngọc đã được học võ nghệ, côn quyền tinh thông. Đến khi trưởng thành là một thiếu nữ dung nhan tuyệt đẹp không chỉ giỏi võ mà lại nổi tiếng về đức hạnh.

     Theo sử sách thì Dương Đình Nghệ, một hào trưởng có thế lực mạnh, nhiều uy tín. Thời chính quyền họ Khúc, Dương Đình Nghệ là một trong những bộ tướng đồng thời là một thủ lĩnh lớn ở Ái châu. Tháng 7 năm Qúy Mùi (923) vua Nam Hán sai tướng Lý Khắc Chính đem quân xâm lược nước ta, chính quyền họ Khúc tan vỡ thế nhưng lập tức Dương Đình Nghệ “tập họp quân sĩ, đánh bại Khắc Chính. Khắc Chính phải chạy về Nam Hán” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).

     Giải phóng được một phần lãnh thổ, Dương Đình Nghệ tiếp tục chiêu mộ quân lính, củng cố lực lượng chống nhau ở thế giằng co với quân Nam Hán do Lý Tiến cầm đầu và đến cuối năm Tân Mão (931) ông hiệu triệu hào kiệt bốn phương hợp sức xướng nghĩa. Sử viết: “Lý Tiến biết, cho người chạy báo với vua Hán.

     Năm ấy Đình Nghệ đem quân vây Tiến. Vua Hán sai Thừa chỉ Trần Bảo đem quân đến cứu, quân chưa đến, thành đã mất, Tiến chạy trốn về nước. Bảo đến vây thành. Đình Nghệ đem quân ra đánh, Bảo thua chết. Bấy giờ Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ, trông coi việc châu” (Đại Việt sử ký toàn thư).

     Kết nghĩa chị em với cô hầu gái

     Khi Dương Đình Nghệ tập hợp binh lực, chiêu hiền đãi sĩ để mưu việc lớn, chị em Dương Thị Như Ngọc rất tích cực giúp cha, đi nhiều nơi kết giao với anh hùng hào kiệt và các lực lượng dân binh chờ thời cơ cùng nổi dậy.

     Một hôm trên đường đi, Dương Thị Như Ngọc bất ngờ gặp một đoàn quân mặc áo tang trắng đang làm lễ tế cờ, bèn dừng lại xuống ngựa hỏi chuyện. Thì ra, khi quân Nam Hán xâm lược, một số kẻ cam tâm làm tay sai cho giặc, trong đó có một tên địa chủ họ Tiết. Bất bình trước việc làm của cha, con gái địa chủ là Tiết Thị Huệ ra sức can ngăn làm hắn nổi giận, ép con phải làm tì thiếp một tên tướng Nam Hán.

     Quyết không làm vợ giặc, Tiết Thị Huệ dũng cảm cự tuyệt, tướng giặc nổi giận, xuống tay sát hại nàng. Một người hầu gái thân cận của Tiết Thị Huệ vô cùng căm phẫn, ôm mối hận thù đó, tìm cách tập hợp, vận động những phụ nữ cùng hoàn cảnh để mưu đồ chống giặc. Lực lượng của cô hầu gái nhà họ Tiết dần lên đến hơn 300 người, chọn ngày tế lễ, dựng cờ khởi nghĩa quyết thề sống mái với quân thù thì Dương Thị Như Ngọc tình cờ đi qua.

     Khâm phục phí phách anh hùng, trung thành, nghĩa tình của cô gái họ Tiết cũng như việc làm của người hầu gái và những chị em trong đội nữ binh, Dương Thị Như Ngọc cho biết mình là con gái của Dương Đình Nghệ, hào trưởng đất Ái Châu đang đi liên kết với các nghĩa binh các nơi chuẩn bị đánh thành Đại La, tiêu diệt tên Thứ sử Lý Tiến. Nghe nói vậy, cô hầu gái nhà họ Tiết xin gia nhập nghĩa quân. Dương Thị Như Ngọc chấp thuận ngay, kết nghĩa chị em với cô hầu gái đó.

Khuyên con tìm chốn náu mình ẩn thân

     Không phải vợ đầu, được phong Hoàng hậu

     Theo dã sử và truyền tụng trong dân gian, trước khi Ngô Quyền lấy Dương Thị Như Ngọc, đã có một người vợ tên là Dương Phương Lan, người làng Yên Nhân thuộc miền Thượng Phúc (nay là thôn Yên Nhân, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội).

     Khi Ngô Quyền tìm về dưới trướng hào trưởng Dương Đình Nghệ, đã dẫn theo vợ là Dương Phương Lan. Thấy Ngô Quyền trẻ tuổi nhưng tài ba, dũng lược và có chí lớn, Dương Đình Nghệ phong cho làm Nha tướng và không lâu sau, quý mến và sự khâm phục tài năng của vị tướng trẻ, đã gả con gái cả Dương Thị Như Ngọc dù biết rõ Ngô Quyền đã có vợ.

     Thấy Dương Thị Như Ngọc xinh đẹp tài giỏi, là con gái vị hào trưởng danh tiếng vang dội, lại hơn mình một tuổi nên tuy lấy Ngô Quyền trước nhưng Dương Phương Lan khiêm tốn nhường cho Như Ngọc làm vợ cả ở địa vị chính thất, còn mình lui xuống làm vợ thứ. Sau này, khi lên ngôi vua, Ngô Quyền đã phong Dương Thị Như Ngọc làm Hoàng hậu, còn Dương Phương Lan được phong làm Vương phi.

                Mời độc giả đón đọc kỳ 2!

Dương Hoàng sưu tầm

Theo báo Pháp luật Việt Nam

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com