LƯỢC SỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
- 08/04/2016
- Ban Thông tin truyền thông
Nếu nhìn lại lịch sử đấu tranh dành độc lập dân tộc của nhân dân ta trong 1000 năm bị phương Bắc đô hộ, thì thấy các cuộc khởi nghĩa chống đô hộ nổ ra liên tục và mạnh mẽ nhất là vào đầu thế kỷ thứ VII đến đầu thế kỷ thứ X, tức là thời kỳ nhà Đường (618 – 907) và Ngũ đại Thập Quốc (907 – 960) của Trung Quốc, trong đó tiểu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (năm 722, Đường Huyền Tông, niên hiệu Khai Nguyên thứ 10), cuộc khởi nghĩa của Dương Thanh (năm 819, Đường Hiến Tông, niên hiệu Nguyên Hòa thứ 14), cuộc khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ (năm 905), cuộc khởi nghĩa của Dương Đình Nghệ (năm 931, đời Hậu Đường – Ngũ đại Thập quốc) và sự nghiệp của Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng (năm 938), đã chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc, mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự chủ cho dân tộc.
Trong bản tham luận này, chúng tôi có nhiệm vụ trình bày công lao và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của hai vị anh hùng Họ Dương là Dương Thanh và Dương Đình Nghệ.
Trước khi đi vào nội dung chính, chúng tôi nghĩ cũng cần nói tóm tắt về bộ máy tổ chức hành chính mà triều Tùy – Đường Trung Quốc áp đặt ở nước ta.
Nhìn chung, Trung Quốc coi nước ta như là một địa phương của họ, nên Trung Quốc chia nước ta ra thành quận, phủ, châu, huyện …
Nhưng do áp lực của những cuộc đấu tranh giành tự chủ, do các hào kiệt địa phương khởi xướng làm xã hội biến động, khiến chính quyền độ hộ phương Bắc phải luôn thay đổi, điều chỉnh.
Thí dụ, vào năm 622, đời Đường Vũ Đức thứ 5 (Cao Tổ Lý Uyên), An Nam Đô đốc phủ đổi làm Giao Châu Tổng quản phủ, thống lĩnh 10 châu. Giao Châu thời kỳ này lĩnh 4 huyện là Giao Chỉ, Hoài Đức, Nam Định và Tống Bình.
Tháng 8 năm 679, đời Đường Cao Tông, cải Giao Châu Đô đốc phủ làm An Nam đô hộ phủ (giao cho Lưu Diên Hựu làm Đô hộ kiêm Kinh lược chiêu thảo sứ. Từ đó, Giao Châu gọi là An Nam.
Về quan chức chính quyền ở nước ta thời Tùy – Đường đô hộ, có các chức Tổng quản, Đô đốc, Kinh lược sứ, Đô phòng ngự sử, Quan sát sứ, Tiết độ sứ, Thứ sử (Thái thú)…
Tất cả chức quan văn, võ cao cấp ở các địa phương đều do triều đình Trung nguyên trực tiếp bổ nhiệm hoặc bãi chức.
Khi nghiên cứu về phong trào đấu tranh giành quyền độc lập tự chủ của nhân dân ta bùng nổ mạnh mẽ, quyết liệt vào thế kỷ thứ IX, đặc biệt là thế kỷ X, chúng ta không thể không chú ý đến điều kiện khách quan, tức là tình hình chính trị, xã hội ở Trung Quốc có tác động thuận lợi như thế nào đối với Việt Nam (khi đó gọi là An Nam).
Nhà Đường tồn tại 289 năm, từ 618 đến 907 thì diệt vong. Sau khi nhà Dường sụp đổ, Trung Quốc bước vào thời kỳ gọi là Ngũ đại Thập Quốc.
Thời Ngũ đại (907 – 960) là chỉ thời kỳ các khu vực ở Trung Quốc lần lượt xuất hiện 5 triều đại: Hậu Lương (907 – 923), Hậu Đường (923 – 936), Hậu Tấn (936 – 947), Hậu Hán (947 – 950), Hậu Chu (951 – 960) [ngoại trừ nhà Hậu Đường đóng đô ở ngoài Lạc Dương (Hà Nam), còn đều đóng đô ở Khai Phong].
Thời Ngũ đại kéo dài 53 năm. Đồng thời với Ngũ đại, tại khu vực phương Nam và Hà Đông (thuộc trung bộ tỉnh Sơn Tây) lại xuất hiện trước sau 10 chính quyền cát cứ, sử sách gọi là “Thập quốc”, gồm Ngô, Nam Đường, Tiền Thục, Hậu Thục, Ngô Việt, Sở, Mân, Nam Hán, Nam Bình, Bắc Hán. Thời kỳ “Thập quốc” tồn tại từ năm 891 đến năm 979, tất cả 88 năm.
Cục diện đất nước Trung Quốc bị chia xé và các hỗn chiến ác liệt giữa các tập đoàn phong kiến phương Bắc đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình chính trị ở Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho những cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc của nhân dân ta, vì phong kiến Trung Quốc khi ấy không thể khống chế được miền đất xa xôi này. Các viên Tiết độ sứ hoặc Tĩnh hải Tiết độ sứ được cử sang cai quản nước ta rất nhiều, song đều chỉ là hư danh.
Nhân thời cơ Trung Quốc đại loạn, phong trào đấu tranh giành lại quyền độc lập, tự chủ do các bậc hào kiệt ở các địa phương lãnh đạo bùng nổ mạnh mẽ, tiêu biểu là sự kiện Khúc Thừa Dụ nổi lên tự xưng Tiêt độ sứ, Đồng Bình chương sự, kiến lập chính quyền tự chủ (năm 905). Sự kiện lớn tiếp theo là Dương Đình Nghệ đánh chiếm Giao Châu, xây dựng chính quyền tự chủ (năm 931 – 937) và sự kiện Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, tự lập làm vua (vương), xây dựng chính quyền độc lập hoàn toàn, chấm dứt 1000 năm đô hộ của phương Bắc.
Chúng tôi xin trở lại nội dung chính của bản tham luận.
1. Sự kiện Dương Thanh đánh chiếm thủ phủ (Tống Bình?) năm 819
Năm 819 là năm Nguyên Hòa thứ 14, đời Đường Hiến Tông (805 – 820), thời kỳ nhà Đường đã đi vào suy yếu.
Ở nước ta, Lý Tượng Cổ (một tông thất nhà Đường) được cử làm An Nam độ hộ. Lý Tượng Cổ là viên quan đô hộ tham tàn, bị lòng người oán ghét. Trong khi đó, Dương Thanh, một người thuộc dòng dõi nhiều đời làm hào trưởng, vốn căm ghét sự tham lam, độc ác của Lý Tượng Cổ, nên khi Lý Tượng Cổ cho Dương Thanh làm “Nha môn tướng”, sai đem quân đi đánh người Man Hoàng động, Dương Thanh nhân cơ hội đó, đem quân quay về vây đánh phủ thành, giết chết Lý Tượng Cổ. Nhà Đường cử Thứ sử Đường Châu là Quế Trọng Vũ làm Đô hộ, đồng thời ban chiếu dụ Dương Thanh, cho Dương Thanh làm Thứ sử Kinh Châu. Dương Thanh không chịu theo lệnh, chiếm giữ An Nam, cản trở Quế Trọng Vũ đến nhậm chức. Sau Quế Trọng Vũ dùng mưu dụ dỗ lôi kéo một số thổ hào, tập hợp được khá đông sĩ tốt, chiếm lại thành ấp, chém được Dương Thanh. Năm 820, Quế Trọng Vũ bình định xong cuộc khởi nghĩa của Dương Thanh.
Trong sử tịch Việt Nam ghi chép về sự kiện năm 819, Dương Thanh đánh chiếm phủ thành của chính quyền đô hộ (Tống Bình ?), có ba nguồn chính là: Việt sử lược (thế kỷ XIV), Đại Việt sử ký toàn thư (thế kỷ XV), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (thế kỷ XIX).
Nếu đánh giá ba bộ sử nêu trên về mặt văn bản học và sử liệu học thì thấy:
1. Việt sử lược (sách xưa nhất) chỉ ghi có một dòng về sự kiện Dương Thanh khi nói tới Các quan cai trị các đời: “Lý Tượng Cổ, đời Đường Hiến Tông làm Đô hộ, bị người trong phủ là Dương Thanh giết”.
2. Khâm định Việt sử thông giám cương mục: Trong sách ghi rõ theo sử Trung Quốc là Cương mục và Đường thư rồi kể lại sự kiện Dương Thanh đánh chiếm phủ thành đô hộ của nhà Đường và giết Lý Tượng Cổ, cũng như kết thúc sự kiện là Dương Thanh bị Quế Trọng Vũ giết. Sử bút gọn và rõ ràng.
3. Đại Việt sử ký toàn thư: Đây lại là bộ sử có vấn đề phải xem xét, giám định kỹ khi sử dụng.
– Về sự kiện Dương Thanh, Toàn thư chỉ viết một nửa, tức là không nói đến kết thúc Dương Thanh bị giết. Đoạn cuối của Toàn thư chép về sự kiện Dương Thanh: “Đường đế chiếu cho Quế Trọng Vũ đánh Thanh không được. Thanh vào trong người Man Lão đề làm loạn, cướp phá phủ thành. Đô hộ Lý Nguyên Gia đánh không được, dụ không đến. Do đấy, người Man Hoàng động dẫn người Hoàn vương vào cướp” (Bản dịch của Viện sử học).
– Viên quan đô hộ nhà Đường đánh bại Dương Thanh và giết được ông là Quế Trọng Vũ. Nhưng trong Toàn thư lại viết: “Đô hộ là Lý Nguyên Gia đánh không được, dụ không đến”.
Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, năm 824, Lý Nguyên Gia mới làm Đo hộ, mà Dương Thanh bị Quế Trọng Vũ giết năm 820, nên không có chuyện Lý Nguyên Gia dụ, đánh Dương Thanh được.
Lý Nguyên Gia tên thực là Lý Nguyên Hỷ, nhưng Đại Việt sử ký toàn thư và Việt sử thông giám cương mục in nhầm thành Lý Nguyên Gia có lẽ vì tự dạng Hỷ và Gia giống nhau. (Việt sử học và cổ tịch Trung Quốc đều viết Lý Nguyên Hỷ).
– Theo sách vở Trung Quốc, Dương Thanh làm Thứ sử Hoan Châu. Trong Việt sử thông giám cương mục, khi nói về sự kiện Dương Thanh năm 819, ở phần Cương, viết: “Thứ sử Hoan Châu là Dương Thanh làm phản, đánh úp phủ thành, giết đô hộ Lý Tượng Cổ”.
Năm 819 là thời gian Dương Thanh làm Thứ sử Hoan Châu là hợp lý. Song trong Đại Việt sử ký toàn thư, lại viết: “ Tướng của Tượng Cổ là Dương Thanh đời đời làm tù trưởng Man, khoảng năm Khai Nguyên nhà Đường làm Thứ sử Hoan Châu”.
– Khai nguyên là niên hiệu Đường Huyền Tông, từ năm 713 đến năm 741.
Nếu tính Dương Thanh làm Thứ sử Hoan Châu vào năm cuối cùng niên hiệu Khai Nguyên là 741 thì 78 năm sau (819), Dương Thanh mới khởi nghĩa giết Lý Tượng Cổ. Đó là điều phi lý ?
– Cũng trong Toàn thư chép: “Năm Mậu Thân (828) … Đô hộ Hàn Ước đánh Vương Thăng Triều ở Phong Châu, thắng được, sau bị Dương Thanh đuổi chạy về Quảng Châu ”.
Dương Thanh bị giết năm 820, đâu còn sống tới năm 828 ?
Khi nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa giành độc lập, tự chủ của Dương Thanh, chúng ta không thể không đọc sử tịch cổ Trung Quốc cũng như các sách người Trung Quốc nghiên cứu về sự kiện này. Vì qua sách vở Trung Quốc, chúng ta phát hiện khi Dương Thanh khởi nghĩa, bên cạnh ông còn có hai người con là Dương Chí Liệt và Dương Chí Trinh. Theo Quách Chấn Đạc và Trương Tiểu Mai, tác giả Việt Nam thông sử, thì “Dương Thanh cùng con là Dương Chí Liệt và thân thuộc Đỗ Sĩ Giao liên kết, thừa cơ đem quân quay trở lại đánh An Nam Đô hộ Lý Tượng Cổ, giết Đô hộ Lý Tượng Cổ …”.
Khi Quế Trọng Vũ tập hợp được lực lượng hơn 7000 người, chiếm lại thành ấp, “chém Dương Thanh và con là Dương Chí Trinh, tịch thu hết gia sản …”. Còn Dương Chí Liệt và Đỗ Sĩ Giao sau thất bại, đầu hàng nhà Đường.
2. Sự kiện năm 931 Dương Đình Nghệ khởi binh, đuổi giặc lấy lại Giao Châu, tự xưng là Tiết độ sứ, xây dựng chính quyền tự chủ (năm 931 – 937)
Về sự kiện lịch sử quan trọng này, sử sách Trung Quốc cũng như sử sách Việt Nam đều viết lại khá rõ ràng.
Dương Đình Nghệ (Việt sử thông giám cương mục viết là Dương Diên Nghệ (tự dạng Diên và Đình giống nhau), người Ái Châu (Thanh Hóa), là bộ tướng của Khúc Hạo. Ông là người giàu lòng yêu nước, có chí lớn muốn đánh đuổi quân đô hộ phương Bắc, giành lại quyền độc lập tự chủ cho đất nước. Là một hào trưởng có thế lực, Dương Đình Nghệ đã chiêu nạp 3000 người dưới hình thức con nuôi (“ dưỡng tử”). Thời kỳ này nước ta nằm dưới ách đô hộ của nhà Nam Hán, một trong “Thập quốc”, đóng đô ở Quảng Đông, Quảng Tây. Viên quan đứng đầu Giao Châu là Lý Tiến. Vào năm 931, Dương Đình Nghệ đem quân vây dánh và chiếm giữ được Giao Châu. Chúa Nam Hán sai Trình Bảo đem quân sang cứu viện cho Lý Tiến, chưa đến nơi thì thành đã bị Dương Đình Nghệ chiếm, Lý Tiến trốn chạy về nước, bị chúa Nam Hán chém đầu.
Trình Bảo đánh nhau với Dương Đình Nghệ bị thua và bị chết.
Dương Đình Nghệ sau khi giải phóng phủ thành, làm chủ hoàn toàn Giao Châu, bèn tự xưng là Tiết độ sứ và xây dựng một chính quyền độc lập tự chủ, tồn tại đến năm 937, là năm Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết.
Chính quyền độc lập tự chủ của Dương Đình Nghệ kéo dài 6 năm nhưng là một sự kiện rất quan trọng, khẳng định sức mạnh quật cường to lớn không gì ngăn cản nổi của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc. Vì chỉ một năm sau, tức là năm 938, Ngô Quyền một người anh hùng lỗi lạc, vừa là nha tướng, vừa là con rể của Dương Đình Nghệ đã đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ 1000 năm của phong kiến phương Bắc, mở ra một kỷ nguyên
mới độc lập, tự chủ cho dân tộc và Ngô Quyền được sử sách tôn vinh là vị Tổ Trung hưng thứ nhất của dân tộc.
Tạ Ngọc Liễn
Nguồn: KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC: Vai trò của các anh hùng dân tộc Khúc – Dương – Ngô ở thế kỷ thứ X ngày 15/10/2011
BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved
Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com