Bác sĩ Dương Cẩm Chương – Người con ưu tú của họ Dương ở Hưng Yên

Bác sĩ Dương Cẩm Chương là con trai của nhà cách mạng Dương Bá Trạc. Chú của ông là Dương Quảng Hàm, mẹ là cháu ngoại của nhà thơ Chu Mạnh Trinh, vợ ông là nhà thơ nổi tiếng của đất Thần Kinh( xứ Huế)  – bà Thân Thị Ngọc Quế…

Bác sĩ Dương Cẩm Chương

Trong một dịp tình cờ, tôi nhận được một tâp sách nhỏ, song ngữ, dành cho thiếu nhi, viết về tuổi thơ của những nhân vật đương thời, nổi tiếng. Bỗng nhiên có tên lạ, mà lại là người đồng hương với tôi làm tôi chú ý. Tôi cùng bạn đồng hương An Giang đi tìm nhiều ngày, ngay cả trên websites cũng không có địa chỉ. Mục đích chúng tôi chỉ muốn tìm để đưa về Hội đồng hương, để làm lễ chúc thọ cho ông, một con người đa tài, năng động, minh mẫn khi đã ngoài 100 tuổi.

Sách ghi, ông sinh ra tại Long Xuyên – An Giang, tên ông là Dương Cẩm Chương, khi xưa là một cậu bé thông minh, sớm có năng khiếu hội họa, giờ là một đại lão 103 tuổi, minh mẫn, sức khỏe tốt, đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông là một bác sĩ yêu nghề, ham học hỏi và là một họa sĩ, một nhà thơ. Nhưng điều làm tôi bất ngờ nhất: ông là con của nhà yêu nước Dương Bá Trạc.

Ngoài ra ông còn có hai người chú ruột là: nhà nghiên cứu văn học Dương Quảng hàm và nhà giáo tiến bộ Dương Tụ Quán. Mẹ của ông là bà Nguyễn Thị Lan (cháu ngoại của nhà thơ Chu Mạnh Trinh) và người bạn đời của ông là nhà thơ nổi tiếng của đất Thần kinh – bà Thân Thị Ngọc Quế (1918 – 2007).

Ông Chương, một trong những người đương thời cao tuổi, đầy tài năng và với một gia thế “lẫy lừng” như thế khiến cho chúng tôi mong muốn có được một cuộc trò chuyện liên quan đến phả tộc.

Người đi qua thế kỷ

Một sáng đầu xuân 2014, mang theo một chút nắng, một chút se lạnh và bao nhiêu sự ngưỡng mộ, chúng tôi đến thăm ông. Một đại lão bác sĩ – họa sĩ vừa bước qua tuổi 103 khỏe mạnh, minh mẫn: Dương Cẩm Chương. Ông ngồi đó với nụ cười hiền, mái tóc trắng phau, trong gian phòng nhỏ đơn sơ, yên tĩnh, ấm áp và chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông.

* Kính chào ông, ông có khỏe không?

– Cám ơn. Chào chị. Hôm nay tôi cũng khá.

* Sinh ra tại Bình Đức, Long Xuyên, ông đã ở đó bao lâu?

– Tôi chỉ ở đó 3 năm với cha mẹ. Sau đó về Hà Nội, sống với các chú tôi.

* Ông có 2 người chú được nhắc đến. Ai đã nuôi ông thay cha mẹ? Ai đã ảnh hưởng đến ông nhiều nhất?

– Đó là chú Dương Tụ Quán và chú Dương Quảng Hàm. Nhất là chú Hàm, đã thay cha mẹ lo cho tôi ăn học.

* Sài Gòn có phải là nơi ông ở làm việc lâu nhất không?

– Không. Nhưng là nơi học hành và làm việc đầu đời của tôi. Tôi tốt nghiệp y khoa Hà Nội với hạng ưu và đã từng làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn.

* Ông có thường đi dự các hội nghị hội thảo chuyên ngành, hoặc ban liên lạc họ Dương?

– Vẫn thường xuyên họp mặt Ban liên lạc dòng họ. Năm 2010 tôi còn dự hội nghị y khoa tại TP.HCM và diễn thuyết, năm đó đã 99 tuổi.

* Ông còn nhớ gì về những kỷ niệm của trăm năm xưa?

– Tôi có một cuốn nhật ký và hầu như hằng ngày tôi vẫn đọc lại từng trang. Nay sức khỏe có giảm, nhưng có cháu nội hỗ trợ.

* Ông còn bạn cùng thời không?

– Từ 2 năm nay tôi đã về ở hẳn Việt Nam. Tôi chỉ còn người em trai út hơn 80 tuổi ở Pháp.

* Ông còn nhớ tên thầy học cũ? Sau khi thành đạt, ông có dịp nào thăm thầy như nhân vật Socarno khi xưa không?

– Tôi không quên thầy học nào của mình, và luôn nhớ ơn các thầy.

* Ông có vui lòng cho cháu xem phả tộc họ Dương?

– Rất sẵn lòng. Xin mời chị đến vào một dịp khác để tôi có thể chuẩn bị.

* Ông là đời thứ mấy trong tộc họ?

– Chúng tôi có tất cả 8 anh em. Tôi thứ ba. Trong tộc họ Dương, chúng tôi đời thứ XV.

* Ông có một tên thật đẹp, thưa ông?

– Khi sinh ra, tôi được đặt tên là Long. Nhưng do kỵ húy, nên cha đổi thành tên Chương.

* Ông có thể cho biết tên một vài đời trực hệ?

– Đó là cha tôi Dương Bá Trạc, ông nội là Dương Trọng Phổ, ông cố tôi là Dương Duy Diễn…

* Ông có biết nhiều về người cha dũng cảm của mình, danh nhân Dương Bá Trạc?

– Tôi đọc lịch sử thì biết về cha của mình. Tôi không may mắn được sống gần cha mẹ. Khi ở nước ngoài về, tôi thấy có con đường mang tên cha của mình. Tôi thật xúc động và tôi đã vẽ nó nhiều lần, khi nó còn là con đường rất hẹp ở quận 8.

* Để trở thành một bác sĩ nổi tiếng chắc hẳn gian nan lắm, thưa ông?

– Cố nhiên rồi, nhưng đó là niềm say mê của tôi. Không có cha mẹ bên cạnh, tôi may mắn được họ hàng và thầy học tận tình giúp đỡ. Năm 1936, tôi ra Hà Nội làm việc tại Sở Y tế, có thời gian ở Thanh Hóa, rồi lại vào Nam.

* Tháng 8/1945, ông đang ở đâu?

– Tôi đang làm việc tại Sở Y tê Hà Nội, tôi tham gia Thanh Niên Tiền Phong. Sau đó theo gia đình vào Nam, xây dựng làng SOS. Do công trình nghiên cứu y học lôi cuốn, tôi lại trở qua Pháp. Cho đến năm 1990 tôi trở về Việt Nam lần đầu tiên.

* Trong ông luôn có 2 con người hỗ trợ nhau?

– Tôi có năng khiếu hội họa. Nhưng khi xưa nước ta chưa có trường kiến trúc. Tôi muốn học ngành này. Cuối cùng tôi chọn y khoa.

* Là một thầy thuốc giỏi, nhưng ông còn là một họa sĩ có nhiều giải thưởng?

–  Hội họa là môn yêu thích của tôi. Nó làm cân bằng đời sống. Tôi cũng có nhiều giải thưởng trong nước và nước ngoài.

* Và hơn thế nữa, ông còn là một nhà thơ?

– Trong mỗi con người Việt Nam đều tiềm ẩn một nhà thơ từ tiếng ru của bà, của mẹ. Tôi cũng vậy. Tôi và nhà tôi, nhà thơ Thân Thị Ngọc Quế xướng họa cho vui trong tuổi già.

* Xin cám ơn ông những chia sẻ chân tình. Kính chúc ông tuổi hạc vạn thọ.

*********
Vài nét về bác sĩ Dương Cẩm Chương (19/12/1911 – 9/8/2014)

Tổ phụ của ông Dương Cẩm Chương là ở tỉnh Hưng Yên, nhưng ông sinh ra tại Long Xuyên, An Giang, nơi cha ông (Dương Bá Trạc) bị đi đày trong ba năm.

Do hoàn cảnh khó khăn, suốt thời tuổi trẻ, ông phải sống xa cha mẹ. Dù vậy, cậu bé Dương Cẩm Chương vẫn bộc lộ bản chất thừa hưởng từ họ tộc: yêu con người, yêu đất nước, yêu nghề, tận tụy với công việc.

Ông được mọi người biết đến không hẳn vì là con trai của một nhà yêu nước nổi tiếng. Trên các websites có rất nhiều thông tin về ông. Như một vài bác sĩ cùng thời, ông cùng lúc mê hội họa và làm thơ.

Theo tác giả Tuổi thơ tấm gương Việt, cậu bé Chương rất mê vẽ. cậu vẽ khắp nơi chỉ cần mẫu than, que tre, thỏi gạch… là bức vẽ thành hình. Năm 10 tuổi, Chương vẽ một tên lính Pháp, được mọi người khen. Đó vào khoảng Thế chiến I. Như các bạn trẻ cùng thời, Chương cũng được học chữ Nho. Ông nội (Dương Trọng Phổ) là thầy giáo đầu tiên của cậu. Cậu viết chữ rất đẹp, thường làm mẫu cho các bạn cùng lớp. Gần như suốt thời thơ ấu, cậu ở với các chú. Cậu thích nhất là nhà chú có rất nhiều sách. Cậu thích xem hình vẽ trong ấy. Biết thế, chú cậu đưa cậu đến trường học văn hóa. Chú nói: “Không có kiến thức, cháu chỉ là một thợ vẽ mà thôi!”.

Sống giữa lòng Hà Nội, Chương thích ngắm nhìn kiến trúc của thủ đô, cậu tìm hiểu từng công trình và lịch sử của chúng. Cậu ham đọc sách đòng thời cậu cũng tham gia lao động gia đình. Càng lớn cậu càng ngoan và học rất giỏi. Khi ấy nước ta chưa có trường kiến trúc. Thế nên cậu được chú khuyên vào học y khoa.

Sau nhiều năm miệt mài đèn sách, chàng sinh viên Dương Cẩm Chương nổi tiếng trong ngành phẩu thuật. Ra trường với cấp bằng hạng ưu của Đại học Y Hà Nội, anh được bổ về phụ trách bệnh viện huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa rồi vào Nam tham gia Thanh niên Tiền phong tháng 8/1945. Nam bộ Kháng chiến, ông được đưa ra Bắc làm việc ở Sở Y tế Hà Nội.

Là bác sĩ phẩu thuật giỏi, ông được qua Pháp học và đến nhiều nước khác nghiên cứu về ngành y. Không chỉ sau khi nghỉ hưu, ông mới học thêm về hội họa. Hội họa như là nỗi đam mê luôn khao khát trong ông. Cùng lúc với công việc bận rộn ở bệnh viện, ông được nhiều họa sĩ hướng dẫn học vẽ. Ông cũng đã tham gia triển lãm tranh ở nhiều nước trên thế giới. Ông trở về Việt Nam nhiều lần để diễn thuyết và dự các cuộc hội thảo về y học. Năm ông 88 tuổi, ông được nhận Huy chương vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam tạii Hà Nội.

Cho đến lúc đã học hết những gì cần học, khi đã đi qua gần hết các nước xa xôi nổi tiếng, ông trở về xứ sở thì cũng vừa tròn thế kỷ. Thành phố Hồ Chí Minh đón mừng ông đầy 100 tuổi. Ông ở lại trong căn nhà nhỏ đơn sơ với cháu nội.

Có phải ngay từ khi chào đời, ông đã là con của đất phương Nam này rồi? Bởi trong thời gian cha ông bị đi đày biệt xứ, khi đến Long Xuyên, mẹ đã sinh ông và gởi ông cho những người chú nuôi dưỡng. Ông đã được sống trong môi trường giáo dục tốt từ bé bên cạnh một nhà giáo (Dương Tụ Quán) và một nhà nghiên cứu văn học lịch sử (Dương Quảng Hàm).

Kỷ niệm về những bức tranh và thơ

Có một hôm, đáng lẽ đi vào chùa lễ Phật, họa sĩ Dương Cẩm Chương bị thu hút bởi quang cảnh đẹp đẽ thờ Phật ngoài vườn nên đã miệt mài vẽ. Đó là bức Phật đản ở Washington (1983). Một bức tranh khác, ông nói, ông đã vẽ trong nhiều năm liền, mà lúc nào ông cũng vẽ trong một tâm trạng “như chìm đắm, như chưa tan một giấc mơ”…

Ông đã đi khắp các châu, từ Á, Âu, Mỹ, Phi, ở đâu ông cũng có những bức tranh đầy ắp tình người và thiên nhiên. Thế nhưng với ông nơi đẹp nhất vẫn là chốn quê hương, là góc phố, mái tranh, bờ tường, ao làng, rừng thông, bãi biển …

Đó là bức tranh Bàn Cờ, vẽ về một xóm nhỏ nổi tiếng thời chống Mỹ, ở quận 3. Đó là bức tranh vẽ con đường Dương Bá Trạc, một con đường bên kia cầu Chữ Y, quận 8.

Rồi ông vui vẻ soạn và ký tặng cho chúng tôi tập thơ Thi Tâm, ông viết và xướng họa cùng vợ và bạn bè.

Năm ông đã ngoài 100 tuổi, ông đã về VN nghỉ ngơi vì tuổi cao, hay vẫn còn muốn đi, đi mãi trên con đường thật dài, dường như không hề mệt mỏi? Một hậu duệ họ Dương, một dòng dõi khoa bảng, một nhân tài vượt số phận, đã thành công trong sự chọn lựa của mình.

Bức tranh vẽ  đường Dương Bá Trạc ở quận 8, TP.HCM của Dương Cẩm Chương

Bức tranh “Dalat” của Dương Cẩm Chương

Trong định luật đời người

Trang phỏng vấn trên chưa kịp gởi đi, chưa kịp đọc lại cho ông nghe, chưa kịp tổ chức cho ông lễ thượng thọ… thì ngày 26/9/2014, thật quá muộn khi chúng tôi trở lại thăm ông. Ông đã yên nghỉ từ 49 ngày trước đó rồi…

Hơn một thế kỷ trôi qua, con người tài hoa, đầy ắp tình người ấy, ông Dương Cẩm Chương vẫn luôn minh mẫn, sáng suốt đến giờ phút cuối. Trong khoảnh khắc bất chợt hiếm hoi, ông nói, nghe chừng trong người không được khỏe, ông muốn được nằm nghỉ. Lao lực cả một đời rồi còn gì! Rồi ông nằm nghỉ, ông yên lặng, bình thản, như thật hài lòng với chính mình, yên lặng mãi mãi…

Kính chúc ông một giấc miên trường đầy hoa cỏ thơm ngát cùng tiếng chuông thu không đưa tiễn. Những nhánh hoa tươi bên cạnh bài vị, những trang kinh A-Di-Đà trên kệ sách trong khói hương hòa quyện, như vẫn nghe âm vang nỗi nhớ tiếc một con người tài hoa, phóng khoáng.

Xin cám ơn ông đã một đời miệt mài cho y học, đã đi khắp hành tinh mà vẫn thấy chỉ yêu Tổ quốc mình! Và ông đã thật hạnh phúc, đến cuối đời được nằm xuống giữa lòng quê hương!

Bài viết này, chúng tôi đã nhờ luật gia Dương Thủy Hoán. Ông là con trai đầu của bác sĩ Dương Cẩm Chương và là cháu đích tôn của chí sĩ Dương Bá Trạc. Ông Hoán đã chỉnh giúp chúng tôi những sai sót, đồng thời ông tặng chúng tôi quyển gia phả họ Dương. Điều này khiến chúng tôi muốn tìm hiểu thêm một tộc phả với nhiều thành viên nổi tiếng một thời…

HỒ VIỆT KIM CHI

 

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com