Bài thơ: Sự tích những ngọn núi của Dương Thuấn được đưa vào đề thi học sinh giỏi lớp 6

Dương Thuấn là nhà thơ dân tộc Tày, sinh ngày 7.7.1959 (bản Hon, xã Bành Trạch, Ba Bể, Bắc Kạn), là Hội viên Hội Nhà văn VN; hiện làm báo và sống tại Hà Nội. Ông đã có 21 đầu sách (thơ, trường ca, truyện ngắn, truyện thiếu nhi…). Giải thưởng: Giải A, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1992 và nhiều giải thưởng khác. Xác lập 2 kỷ lục Guinness: Người sáng tác song ngữ Tày – Việt đầu tiên và có Tuyển tập thơ dày nhất từ trước đến nay.

Nhà thơ Dương Thuấn

 ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 6

 (120 phút)

Đọc hiểu ( 5.0 điểm)

Đọc văn bản sau đây và thực hiện các nhiệm vụ bên dưới.

Sự tích những ngọn núi

Ngày ấy những ngọn núi

Kéo thành lũ thành đàn

Đi như trâu đen kịt

Đi qua bao vương quốc

Đi qua bao miền quê

Núi đi tìm nơi ở

Núi về đến quê mình

Có tiếng lượn[1] nàng ơi

Núi đứng nghe mê mải

Mà chân không muốn bước

Núi đứng đến bây giờ.

          ( Tuyển tập thơ Dương Thuấn – tập III- Nxb Hội nhà văn, 2010)

  1. Theo em bài thơ trên có sự kết hợp phương thức biểu cảm với phương thức biểu đạt nào? Dựa vào đâu em biết được điều đó ? (1 điểm)
  2. Chỉ ra 3 biện pháp tu từ có trong văn bản. (1 điểm)
  3. Sự lặp lại 3 từ “đi” ở đầu ba dòng thơ (3,4,5) trong văn bản có tác dụng gì? (1,5 điểm)
  4. Mở đầu văn bản là “Ngày ấy”, kết thúc văn bản là “bây giờ”, những từ loại này là thành phần gì trong câu? Nêu chức năng của thành phần này. Em hiểu “ngày ấy” và “bây giờ” là thời điểm nào? (1,5 điểm)

 

Viết : (15,0 điểm)

Câu 1 (5.0 điểm):

Từ nội dung bài thơ trên, hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ và cảm xúc của em trước một cảnh đẹp của quê hương mình.

Câu 2 (10 điểm): Cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ Sự tích những ngọn núi của Dương Thuấn.

—- HẾT—–

Giám thị không cần giải thích gì thêm.

GỢI Ý CHẤM BÀI ( ĐÁP ÁN) LỚP 6

  1. ĐỌC HIỂU
  2. Theo em bài thơ trên có sự kết hợp phương thức biểu cảm với phương thức biểu đạt nào? Dựa vào đâu em biết được điều đó ? ( 1 điểm)

– Bài thơ Sự tích những ngọn núi của Dương Thuấn có sự kết hợp giữa biểu cảm với các phương thức tự sự và miêu tả. Đây là loại thơ có yếu tố tự sự miêu tả đã học trong Ngữ văn 6, Bài 6, tập 2. Dựa vào nhan đề: chữ “sự tích” thường kể về câu chuyện nào đấy và các yếu tố miêu tả trong văn bản như: Kéo thành lũ thành đàn/ Đi như trâu đen kịt… và yếu tố tự sự ( kể chuyện) có cốt truyện, có sự việc và kết quả…

  1. Chỉ ra 3 biện pháp tu từ có trong văn bản. ( 1 điểm)

– Có thể nêu ba biện pháp tu từ trong văn bản như:

+ Biện pháp so sánh : Đi như trâu đen kịt

+ Biện pháp điệp các từ đi và núi trong các dòng thơ

+ Biện pháp nhân hóa: Núi kéo nhau từng đàn, núi đi, núi đứng nghe mê mải…

Cũng có thể nêu biện pháp liệt kê: đi qua bao vương quốc/ đi qua bao miền quê

  1. Sự lặp lại của 3 từ “đi” ở ba dòng thơ trong văn bản có tác dụng gì? (1,5 điểm)

– Thực chất đây là phân tích tác dụng của biện pháp điệp từ. Từ “đi” đước lặp lại trong mấy dòng thơ nêu trên đã khắc họa được ý tưởng: núi cứ đi, đi mãi, đi hết nơi này đến nơi khác mà chẳng có nơi nào đẹp, nơi nào đáng ở lại… cho đến khi gặp được quê mình thấy tiếng hát lượn hay quá nên đã ở lại thành dãy núi quê hương bây giờ.

  1. Mở đầu văn bản là “Ngày ấy”, kết thúc văn bản là “bây giờ”, những từ loại này là thanh phần gì trong câu? Nêu chức năng của thành phần này. Em hiểu “ngày ấy” và “bây giờ” là thời điểm nào? (1,5 điểm)

– Những từ “ ngày ấy”, “ bây giờ” là từ dùng để biểu thị thành phần trạng ngữ chỉ thời gian. Trạng ngữ chỉ thời gian thường có chức năng trả lời cho câu hỏi: Khi nào? Lúc nào? Trong bài thơ, “ngày ấy” là chỉ từ thời xa xưa, khi núi còn đang đi tìm chỗ ở; còn “bây giờ” là chỉ thời hiện tại, khi núi đã tìm được chỗ dừng chân, ở lại “quê mình” không đi đâu nữa thành dãy núi hiện nay.

  1. VIẾT

Câu 1 (5.0 điểm):  Từ nội dung bài thơ trên, hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ và cảm xúc của em trước vẻ đẹp của quê hương mình.

  • Nêu được khái quát nội dung chính của bài thơ Sự tích những ngọn núi là ca

ngợi quê hương. Nhà thơ đã kín đáo ngợi ca vẻ đẹp của quê mình bằng cách kể lại chuyện núi đi tìm chỗ ở. Núi tìm mãi chẳng được nơi nào; mãi tới khi đến quê mình nghe tiếng hát lượn hay quá nên mê mải và đứng lại mãi đến ngày nay.

  • Từ nội dung ấy, các em cần nêu lên được những suy nghĩ và cảm xúc về cảnh đẹp của quê hương của mình. Cụ thể cần nêu được một số ý như:

+ Quê em có cảnh đẹp gì và đẹp như thế nào?

+ Cảnh đẹp ấy để lại trong em những suy nghĩ và cảm xúc gì?

Câu 2 (10 điểm): Cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ Sự tích những ngọn núi của Dương Thuấn.

  • Đây là kiểu văn bản đã học trong sách Ngữ văn 6, tập hai ( Bài 7: Viết đoạn văn ghi lại những cảm xúc sau khi đọc bài thơ có yếu tố tự sự, miêu tả). Với yêu cầu của câu 2, HS cần trình bày thành một bài văn ngắn với một số ý cụ thể:

+ Mở bài (2 điểm): nêu tên bài thơ, tác giả và cảm nghĩ, ấn tượng chung nhất của người viết về bài thơ ấy.

+ Thân bài (6 điểm): Chỉ ra nội dung hoặc nghệ thuật cụ thể có trong bài thơ khiến em yêu thích và có nhiều cảm xúc, suy nghĩ. Ví dụ: Nội dung tình yêu quê hương và cách ngợi ca quê hương rất độc đáo, ngộ nghĩnh của nhà thơ. Hoặc cách sử dụng các biện pháp nghệ thuật (hình ảnh, từ ngữ, biện pháp tu từ…) có hiệu quả như thế nào?… Nêu lí do vì sao em yêu thích các yếu tố ấy.

+ Kết bài (2 điểm): Nêu khái quát những điểm mình yêu thích và tác động sâu sắc của bài thơ với bản thân. Ví dụ: bài thơ đã đánh thức và nhắc nhở em về tình cảm yêu quê hương. Gắn bó máu thịt với quê hương của mình hơn nữa…

Lưu ý cách cho điểm: Cần vận dụng linh hoạt, trên đây chỉ là gợi ý các ý chính cần đạt, HS có thể trình bày, diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau… Điểm ghi cho từng câu đã bao hàm cả yêu cầu hình thức trình bày và diễn đạt (chữ viết, chính tả, ngữ pháp…) và sự sáng tạo. Trong phần viết dành mỗi câu 1 điểm cho phần hình thức, diễn đạt và sáng tạo này; cũng như trừ điểm nếu HS chép lại văn của người khác.

Dương Lãng

[1] Hát lượn là một làn điệu dân ca của người Tày

 

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com