Cần có cách đánh giá nhân văn hơn về người phụ nữ “có một không hai” trong tiến trình lịch sử dân tộc: Thái Hậu Dương Vân Nga

Theo Đại Việt sử ký toàn thư (xuất bản năm 1972), sau khi dẹp xong “loạn 12 sứ quân”, thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, lấy tôn hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thái Bình. Là vị vua “tài năng, thông minh hơn người, dũng lược nhất đời, quét sạch các hùng trưởng, nối lại đại thống của Triệu Vũ Đế” (trang 126).

Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình

Theo truyền thuyết, trong một lần đến vùng Nga My (Ninh Bình), Đinh Bộ Lĩnh nghe tiếng hát của một cô gái trong trẻo, Đinh Bộ Lĩnh xuống ngựa và tìm gặp cô gái. Khi thấy Dương Vân Nga là người phụ nữ rất xinh đẹp. Bà có gương mặt bầu bĩnh phúc Hậu nhưng vẫn đầy nét thanh tú, cao sang. Nước da bà trắng hồng, mắt phượng mày ngài luôn long lanh, tình tứ. Đinh Bộ Lĩnh đón Dương Vân Nga về làm Hoàng Hậu. Thái Hậu Dương Vân Nga sinh vào khoảng năm 952 và mất năm 1000 tại cố đô Hoa Lư. Chính sử chỉ cho biết bà Họ Dương, không ghi rõ tên và nguồn gốc xuất thân. Sau này, nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng bà tên Dương Ngọc Vân, là con gái của Dương Tam Kha…

Đinh Bộ Lĩnh làm vua được 12 năm. Tháng 10 năm 979, Đinh Bộ Lĩnh và Hoàng tử Đinh Liễn bị hoạn quan Đỗ Thích giết hại. Triều thần tôn Vệ Vương Đinh Toàn (mới được 6 tuổi) lên ngôi Hoàng đế, tôn Dương Vân Nga làm Hoàng Thái Hậu. Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn (Lê Đại Hành) được Dương Thái Hậu chọn làm Nhiếp chính, tự xưng là Phó Vương.

Năm 980, Vua mất để lại cho bà vị Vua quá trẻ. Phía Bắc quân Tống chuẩn bị xâm lược Đại Việt. Trước bối cảnh đất nước rơi vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Vận mệnh đất nước lúc này phụ thuộc vào quyết sách của Dương Vân Nga. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Lạng Châu nghe tin quân nhà Tống sắp sang, làm tờ tấu lên, Thái Hậu sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ để chống cự, cho Phạm Cự Lạng xuất quân. Cự Lạng cùng với các tướng quân đều mặc đồ nhung phục đi thẳng vào trong phủ bảo mọi người rằng: “Thưởng người có công, giết kẻ không theo mệnh lệnh là kỷ luật hành quân. Nay chúa thượng trẻ thơ, chúng ta dù hết sức liều chết chống kẻ địch bên ngoài, may lập được chút công thì ai biết cho. Chi bằng trước hãy tôn Thập đạo tướng quân làm thiên tử, rồi sau sẽ đem quân đi đánh thì hơn”. Quân sĩ nghe nói thế đều hô “Vạn tuế”. Thái Hậu thấy mọi người đều vui lòng quy phục, sai lấy áo long cồn mặc cho Hoàn, mời Hoàn lên ngôi Hoàng đế…” (trang 134). Tháng 7/980, quân Tống xâm lược Đại Cồ Việt. Lê Hoàn vừa lên ngôi đã phải triển khai lực lượng kháng chiến đánh giặc bảo vệ đất nước. Đến tháng 3/981, cuộc kháng chiến chống Tống do Lê Hoàn trực tiếp chỉ huy thắng lợi hoàn toàn. Năm 982, Lê Đại Hành phong Dương Vân Nga là Đại Thắng Minh Hoàng Hậu.

Như vậy, Dương Vân Nga là người phụ nữ đặc biệt, Hoàng Hậu của 2 vị Hoàng đế thời kỳ đầu lập quốc. Bà đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê. Trong bối cảnh triều đình nhà Đinh đang lúng túng, rối bời chưa biết xử trí ra sao, thì bà Dương Thái Hậu, lấy áo hoàng bào khoác vào Lê Hoàn và mời ông lên ngôi vua. Hành động mạnh dạn và sáng suốt của bà mở một lối thoát cho triều đình, tạo cơ sở pháp lý cho Lê Hoàn để lên thay nhà Đinh mà vẫn không mang tiếng là cướp ngôi của nhà Đinh

Tuy nhiên, Đại Việt sử ký toàn thư chỉ cho biết bà là người Họ Dương, không nói bà tên là gì, xuất thân của bà ra sao. Gần đây, cuốn “Phả hệ họ Ngô Việt Nam” đã đặt vấn đề bà là Hoàng Hậu 2 triều – trước khi lấy Đinh Tiên Hoàng, bà đã là vợ Hậu Ngô vương Ngô Xương Văn, và sinh ra Ngô Nhật Khánh (?). Các tác giả Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ trong tác phẩm “Nhìn lại lịch sử” (Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2003) đã ủng hộ giả thiết này nhưng còn nhiều tranh cãi và chưa có luận chứng thuyết phục.

Lịch sử đã chứng minh, Dương Vân Nga là người phụ nữ đặc biệt của thế kỷ X. Nhưng các sử gia thời phong kiến như Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ, Lê Văn Hưu – với cái nhìn Nho giáo khắt khe – đã gay gắt chỉ trích khía cạnh luân thường đạo lý,  đều thống nhất ở một điểm, coi Dương Hậu là sự vi phạm đạo đức vợ chồng, lễ tiết, cần được phê phán để răn dạy cho các bậc Vương Hậu đời sau. “Đại Việt sử ký toàn thư” đã ghi lại lời Ngô Sĩ Liên: “Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm quẻ Hằng lên đầu là tỏ rằng lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại hành thông dâm với vợ vua, rồi nghiễm nhiên lập Hoàng Hậu, thì không còn có lòng hổ thẹn gì nữa. Lấy lối ấy truyền lại đời sau, chính con mình lại bắt chước mà gian dâm quá độ đến nổi mất nước, há chẳng phải do Đại Hành gây mối họa loạn ư? (trang 140).

Dương Vân Nga là người phụ nữ có tài sắc vẹn toàn nhưng tại sao chính sử lại ít đề cập về bà? Chúng ta biết rằng, trong xã hội phong kiến, quan niệm phổ biến thể hiện sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Phụ nữ được cho là nguyên nhân của mọi sự rắc rối, tội lỗi. Thời xưa, việc xem thường phụ nữ được thể hiện trên nhiều phương diện của cuộc sống. Trong đó đáng chú ý là quan niệm đố kỵ “trọng nam kinh nữ” được chuyển hóa thành vấn đề đạo đức xã hội.

Với quan niệm mới, gần đây các nhà nghiên cứu đã có cách nhìn nhận về vai trò đặc biệt của Thái Hậu Dương Vân Nga. Những nghiên cứu của các nhà chuyên môn trong thế kỷ XX đánh giá bà Dương Vân Nga như là một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam biết hy sinh hạnh phúc của cá nhân, gia đình mình để giữ gìn sự thống nhất và bảo vệ nền độc lập dân tộc. Nhiều nhà nghiên cứu đã có cái nhìn mới, nhân văn hơn đối với Dương Vân Nga. Những quan điểm này đã có chung tiếng nói, bênh vực bà và cho rằng, trong khi đất nước đang lâm nguy – phía Bắc, quân Tống đang chuẩn bị xua quân xâm lược, phía Nam, quân Xiêm cũng đang chuẩn bị binh lực để phục thù – thì những quyết sách của Dương Vân Nga lúc đó là mang tính chính trị hết sức sáng suốt, thông minh với cách suy nghĩ sắc sảo, kịp thời vì nghĩa lớn của dân tộc. Việc làm của bà lúc đó đã đưa dân tộc Đại Việt vượt qua thời khắc hiểm nghèo của họa xâm lăng, giữ vững sự toàn vẹn lãnh thổ. Rõ ràng, hành động của Thái Hậu Dương Vân Nga lúc đó xứng đáng được tôn vinh Anh hùng.

Sử gia Nguyễn Khắc Thuần trong “Việt Sử Giai Thoại” cũng cho rằng: “Đinh Tiên Hoàng mất, vua nối ngôi là Đinh Toàn chỉ mới được 6 tuổi, Lê Hoàn làm Phó Vương, giữ quyền nhiếp chính, ấy là vì sự thể lúc đó buộc phải làm như vậy. Trong lúc vận nước lâm nguy, xã tắc không thể phó thác cho Đinh Toàn bé nhỏ, chư tướng cùng Dương Thái Hậu tôn Lê Hoàn lên ngôi, và Lê Hoàn đã vui nhận ý tôn lập đó, ấy cũng bởi sự thể lúc bấy giờ buộc phải làm như vậy đó thôi. Ai lên ngôi để hưởng cuộc đời nhung lụa, còn Lê Hoàn lên ngôi trước hết là để nhận lấy sứ mệnh vinh quang mà cực kì khó khăn, đó là chỉ huy cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lăng, bảo vệ nền tự chủ và thái bình cho xã tắc, kính thay”.

Nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương lại cho rằng: Thái Hậu Dương Vân Nga, được biết đến nhiều vì liên quan đến cả ba họ Ngô-Đinh-Lê. Cho đến nay, người ta vẫn không hết tranh luận bà là một gương mặt phụ nữ kỳ lạ nhất của thế kỷ X và cũng là người phụ nữ đáng nhớ nhất trong lịch sử trung đại. Dù các nhà sử học ngày xưa cố quên đi vai trò quan trọng của Dương Vân Nga nhưng đây cũng là lần đầu tiên đã thể hiện, trong lịch sử thế kỷ X, một người phụ nữ đã lên tiếng và được ghi vào chính sử…Toàn thư ghi: Thái Hậu sai Lê Hoàn chọn Phạm Cự Lạng làm Đại tướng quân. Đại tướng họ Phạm liền tấu thẳng giữa triều đình về việc tôn Hoàn lên làm Hoàng Đế. Lạng nói xong thì quân sĩ đều hô vạn tuế. Lúc này bà mới sai người mang áo long cồn đến khoác lên mình Lê Hoàn, mời ông lên ngôi Hoàng Đế, đổi niên hiệu là Thiên phúc.

Đến nửa sau thế kỷ XX, cùng với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và hệ tư tưởng mới, Dương Thái Hậu đã được cởi bỏ diễn ngôn đạo đức Nho giáo và khoác lên mình màu áo vàng son mới với các thuật ngữ mới về “quốc gia”, dân tộc” và “chủ nghĩa yêu nước”

Năm 1942, Tạp chí Tri Tân đã dành riêng một số chuyên đề về Đinh Tiên Hoàng, trong đó có bài của Song Cối với nhan đề “Nhân nói đến gia đình vua Đinh”. Ông viết: “nói đến Dương thị, một vị Hoàng Hậu trước đã đẹp duyên với Đinh Tiên Hoàng Đế, sau lại nối dây cầm sắt với vua Lê Đại Hành, nhiều người tin trí rằng bà là một gái phụ tình, một nàng dâm phụ; rồi vì thành kiến đã in sâu hàng nghìn năm nay, người ta vội cho ngay là một vết nhơ trên lịch sử. Cái án ấy quả có đúng không, công bằng không, nay cần phải lập một “tòa án công luận”, xét lại hồ sơ mà phúc xử mới được…”. Tác giả đã giũ bỏ hoàn toàn quan niệm về Trung – Trinh, về tiết hạnh, về đạo phu phụ (nhân luân) của Nho giáo. Đàn bà (dù là Hoàng Hậu) thì không nhất thiết phải thủ tiết với một đời chồng, nhất là khi chồng đã chết. Ông đã tiếp thu các tư tưởng duy vật của phương Tây để lý giải chuyện nam – nữ cũng chỉ là vấn đề sinh lý tự nhiên, và ông đã bảo vệ Dương Thái Hậu.

Năm 1971 và sau đó năm 1981, Văn Tân đã có nhiều bài viết lên tiếng bảo vệ Dương Vân Nga. Trong bài “Nhân dịp kỷ niệm 900 năm chiến thắng Chi Lăng lần thứ nhất” (981), Văn Tân đã lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ Dương Thái Hậu. Ông đã mô việc sử dụng lực lượng quân sự của Lê Hoàn và Phạm Cự Lạng để thực hiện cuộc chuyển ngôi từ Đinh sang Lê. Trong khi “triều đình còn đang lúng túng chưa biết xử trí ra sao, thì bà Dương Thái Hậu, mẹ Đinh Toàn, lấy áo hoàng bào khoác vào Lê Hoàn và mời ông lên ngôi vua. Hành động mạnh dạn và sáng suốt của bà mở một lối thoát cho triều đình, tạo cơ sở pháp lý cho Lê Hoàn để ông này có thể lên thay nhà Đinh mà vẫn không mang tiếng là cướp ngôi của vua nhà Đinh”.

Nhiều tác giả ở thời điểm này như Nguyễn Danh Phiệt, Đặng Thai Mai, Nguyễn Huệ Chi cũng có những tiếng nói tương đồng về việc đánh giá vai trò của Dương Thái Hậu. Sau này, có những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử phân tích hình tượng Dương Thái Hậu, rất đáng được chú ý. Trong đó đáng chú ý là ý kiến của Lee Seon Hee. Bà là người phụ nữ Hàn Quốc đầu tiên phân tích về hình tượng Dương Thái Hậu dưới góc độ “phê bình nữ quyền”. Lee Seon Hee đã sử dụng các khái niệm như “nữ tính”, “quyền tự do yêu đương”, “quyền tự do hôn nhân”… trong lập luận của mình. Bà cho rằng, hành động Dương Thái Hậu yêu Lê Hoàn, trao ngôi cho Lê Hoàn, làm Hoàng Hậu của Lê Hoàn được nhận định như là chuỗi hành động thuộc về “tính nhân bản”. Theo Lee Seon Hee, Thái Hậu đã “chứng minh giá trị lớn lao của người phụ nữ không chỉ ở sự giác ngộ tự thân về quyền lợi về địa vị của mình phải gắn liền với quyền lợi và địa vị của quốc gia dân tộc mà còn ở cả trí thông minh, tầm nhìn chiến lược đồng thời lại cũng rất nữ tính nữa”. Dương Vân Nga là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên trong lịch sử đã nêu một tấm gương sáng về quyền tự quyết định vận mệnh của bản thân mình – quyền tự do yêu đương, tự do hôn nhân mà không bị lệ thuộc vào giáo lý phong kiến. Giá trị cuối cùng là bà đã được nhân dân thờ ở vị trí trung tâm, coi bà như một biểu tượng “của một tinh thần xả thần vì cộng đồng,…, của một trái tim phụ nữ nhân Hậu, tha thiết yêu đương, nhưng cũng vô cùng dũng cảm để tự quyết định tình yêu của mình”. Lee Seon Hee đứng hẳn về phía phụ nữ, muốn phá bỏ sự bất bình đẳng giới đối với Dương Thái Hậu, phản đối cách nhìn của đàn ông Nho giáo đã áp đặt lên.

Sau năm 1975, hình tượng Dương Vân Nga được sân khấu tái hiện mang đậm tính nhân văn. Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh có tác phẩm rất nổi tiếng ca ngợi Thái Hậu Dương Vân Nga, gắn liền với vai diễn bất hủ của cố nghệ sĩ Thanh Nga. Đó là vở cải lương “Thái Hậu Dương Vân Nga” (Huy Trường chuyển thể cải lương từ kịch bản chèo của Trúc Đường; đạo diễn: Ca Lê Hồng, ra mắt năm 1977). Kịch bản này từ đó đến nay được tái dựng nhiều lần trên sân khấu.

Hình ảnh tại vở cải lương “Thái hậu Dương Vân Nga”

Như vậy, gần đây hình ảnh Thái Hậu Dương Vân Nga được các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ đưa ra những quan điểm mới, tích cực và nhân văn hơn. Nhiều tỉnh/thành phố đã đặt tên đường phố mang tên Dương Vân Nga. Ngày nay, nhìn lại tiến trình lịch sử lúc bấy giờ, chúng ta thấy Dương Vân Nga là gương mặt tài sắc vẹn toàn, đặc biệt không chỉ trong thời khắc rối ren của lịch sử lúc bấy giờ mà là người phụ nữ đặc biệt trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Trong điều kiện mới hiện nay, hành động thông minh, cao thượng biết hy sinh quyền lợi cá nhân, gia đình để bảo toàn lợi ích đất nước, dân tộc của bà Dương Vân Nga, xứng đáng được sử sách tôn vinh như là một Anh hùng dân tộc.

Dương Thanh Biểu

Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com