Công lao đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc của cụ Dương Đức Hiền

Dương Đức Hiền sinh ngày 16/9/1916, trong một gia đình viên chức nhỏ ở làng Vụi, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm đất Bắc Ninh xưa, nay là thôn Linh Quy, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Mồ côi mẹ từ lúc mới lên 5, mẹ kế khắc nghiệt, cụ phải bỏ nhà ra đi. Từ năm 16 tuổi cụ đã phải tự kiếm sống bằng việc đi dạy học tư để lấy tiền ăn và đi học tiếp. Cụ “là người có chí, học giỏi, tính tình trung thực và rất hiền như chính tên của mình”(1) . Đỗ tú tài xong, cụ vào học trường Đại học Đông Dương và đi làm giáo viên ở một trường tư thục của huyện Hoài Đức, Hà Đông (cũ). Năm 1940 cụ tốt nghiệp khoa Luật, Đại học Đông Dương.

Cụ Dương Đức Hiền

Sinh thời, khi còn là sinh viên Đại học Đông Dương, mặc dù ở trường Đại học Đông Dương, thực dân Pháp kiểm soát hết sức gắt gao, nghiêm ngặt, song cụ Dương Đức Hiền vẫn cùng với năm, bảy bạn thân chí thiết đã nhóm lên được phong trào sinh viên yêu nước với một lòng tin tưởng trong sáng nhất về ngày mai của đất nước. Ở tuổi 20 – 22 cụ đã cùng với những người bạn thân chí cốt và Tổng hội sinh viên “Châm ngòi, nuôi dưỡng” phong trào sinh viên yêu nước phát triển thành khuynh hướng yêu nước nảy nở trong những phong trào hợp pháp của thanh niên và sinh viên như: Đi thăm các di tích lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của Tổ tiên, tổ chức kỷ niệm giỗ Tổ Hùng Vương, Hai Bà Trưng với hàng chục ngàn người tham dự; tổ chức nói chuyện về lịch sử, văn hóa, về con đường của thanh niên cho sinh viên, trí thức; nói về những cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược như: Chiến thắng Bạch Đằng, khởi nghĩa Lam Sơn với Bình Ngô Đại cáo, rồi tính dân tộc trong ca dao, dân ca Việt Nam… nhằm nâng cao trình độ hiểu biết về lịch sử, văn hóa cho anh, chị em sinh viên và thanh niên trí thức. Cụ cũng đã cùng với các bạn tâm huyết nhất trong Tổng hội vận động, động viên sinh viên nghệ thuật sáng tác những ca khúc, những vở kịch lịch sử yêu nước, yêu dân, đoàn kết một lòng đấu tranh cho độc lập, phụng sự quốc gia, tất cả vì dân tộc, vì truyền thống hơn 4.000 năm lịch sử. Khuynh hướng mang tên Dương Đức Hiền, Đặng Ngọc Tốt… lợi dụng công khai mà vận động giải phóng.

Ông Dương Đức Hiền và vợ – nhà báo Thanh Thủy (Tết 1958). Ảnh: Dương Thanh Mai

Cùng với việc truyền bá tư tưởng và tình cảm yêu nước cho sinh viên và tuổi trẻ qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ và báo chí, cụ còn là một trong những người quyết tâm nhất trong Tổng hội sinh viên lúc bấy giờ với việc mở các trại hè sinh viên “là nơi thao diễn của tuổi trẻ cần lao, chân đạp đất, đầu đội trời, rèn đúc tính tình, chí khí… cho sinh viên, tuổi trẻ đồng thời cũng nơi truyền bá, bồi dưỡng tư tưởng mới, tình cảm mới cho đông đảo bà con, nhân dân và thanh niên lao động.

Đánh giá về vai trò của cụ Dương Đức Hiền ở giai đoạn những năm 40 của thế kỷ 20 – Báo Thanh Nghị của nhóm trí thức cấp tiến viết: “Ở trường anh Hiền chỉ là một người bạn, một người bạn ít tuổi hơn nhiều anh em khác. Ở đây anh là người cầm đầu, có uy quyền, có trách nhiệm, mệnh lênh của anh được anh em thận trọng tuân theo” (2).

Cũng ở giai đoạn này cụ “Dương Đức Hiền đã có mối quan hệ chặt chẽ từng bước, với sự nghiệp cách mạng do Đảng cộng sản lãnh đạo” (3). Cụ đã cùng với bạn bè thân thiết nhất “tự nguyện thành lập Đảng Dân chủ (bí mật) làm mối dây liên lạc giữa trí thức và Mặt trận Việt Minh, phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xóa bỏ chế độ thực dân cướp nước, giành độc lập tự do cho quê nhà” (4). Đảng Dân chủ được thành lập ngày chủ nhật 30/6/1944. Cụ “Dương Đức Hiền là Tổng thư ký đầu tiên của Đảng Dân chủ” (5) và từ những năm này nói như cụ bà – Nguyễn Thị Khánh Thuận – người bạn đời yêu quý của Cụ: “Tôi cũng thấy anh khác hẳn mọi người quanh tôi, tôi tưởng tượng ra một cuộc sống rất lạ, rất mới, đầy ý nghĩa cao đẹp, vì Tổ quốc, vì nhân dân, nhưng cũng đầy bí mật, nguy hiểm mà anh đang cố tìm kiếm” (6). Một cuộc sống khác hẳn với cuộc sống mà tên Chánh mật thám đưa ra để dụ dỗ cụ, để cụ suy nghĩ sau khi chúng đã bắt cụ tại nhà (số 70, phố Jắc Quin, Hà Nội):

“- Anh thôi không làm chính trị nữa, không theo Việt Minh nữa.

– Anh thôi không làm Hội trưởng Tổng hội sinh viên nữa, không làm gì trong phong trào sinh niên nữa.

– Anh đi làm Tri huyện, nó sẽ giành cho một huyện thật tốt” (7).

Cụ Dương Đức Hiền – người Hội trưởng Tổng hội sinh viên thời ấy, đã kiên quyết từ chối và đã ra đi tìm đường cứu nước với lời chào tạm biệt bạn bè: “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc”, “Việt Minh muôn năm”.

Từ đây đến khi trút hơi thở cuối cùng của cuộc đời vào ngày 19/2/1963. Cụ Dương Đức Hiền đã có những đóng góp lớn lao vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Dân tộc:

– Là Hội trưởng Tổng hội sinh viên Đông Dương các năm 1942, 1943 và 1944 đã đưa phong trào sinh viên, thanh niên yêu nước trước cách mạng tháng 8 phát triển sôi nổi, mạnh mẽ trở thành khuynh hướng yêu nước trong phong trào hợp pháp của học sinh, sinh viên – Khuynh hướng Dương Đức Hiền.

– Sáng lập và lãnh đạo Đảng Dân chủ Việt Nam, là Tổng thư ký đầu tiên của Đảng Dân chủ. Tham gia mặt trận Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam góp phần xứng đáng vào cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đưa nước Việt Nam đến độc lập, tự do, dân chủ.

– Là Đại biểu chính thức tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào và được Đại hội bầu làm ủy viên Ủy ban dân tộc giải phóng, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 trở thành chính phủ cách mạng.

– Được cử làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong chính phủ cách mạng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa do Bác Hồ làm Chủ tịch.

– Là ủy viên ủy ban Thường trực của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa I, II.

– Là Tổng thư ký Đảng cộng sản Việt Nam, ủy viên Tổng bộ Việt Minh, Tổng thư ký và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Liên Việt và là Ủy viên Ban thứ ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Với công lao, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc cụ Dương Đức Hiền đã được tặng và truy tặng: Huân chương Độc lập hạng Nhì, truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh (ngày 6/11/2001) và Huân chương Đại đoàn kết dân tộc (ngày 31/10/2006).

Tên tuổi và công lao của cụ đã được ghi nhận trong sử sách:

– Sách “Danh nhân lịch sử Việt Nam” Tập 3 giai đoạn Cách mạng tháng Tám năm 1945.

– Sách “Từ điển Bách khoa Việt Nam” tập I.

– Sách “Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Những gương mặt trí thức” do Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin ấn hành H.2010.

– Sách “Họ Dương trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam” nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin ấn hành H.2010.

Nhiều đường phố ở ba miền đất nước mang tên cụ: Ở quận Tân Bình – TP Hồ Chi Minh, ở quận Liên Chiểu – T.PĐà Nẵng và tới đây theo Nghị quyết ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội khóa XVI, tại chính quê hương cụ xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội.

Chúng ta những con cháu Họ Dương ngày nay luôn tự hào về cụ Dương Đức Hiền – Danh nhân Lịch sử – Văn hóa Việt Nam.

Dương Đức Quảng

Tài liệu tham khảo

(1) , (6), (7): Tình yêu và lý tưởng – bà Nguyễn Thị Khánh Thuận, trang 12, 13 và 41.

(2), (3), (4), (5): Lịch sử văn hóa Việt Nam – Những gương mặt trí thức tập 1, NXB Văn hóa – Thông tin H.1998.

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com