Đội quân 3000 người của Dương Đình Nghệ

Sử viết: “Dương Đình Nghệ người Ái Châu, nuôi ba nghìn giả tử, mưu đồ khôi phục Giao Châu. Viên tướng cai quản Giao Châu người Hán là Lí Tiến đã biết, nhưng ăn hối lộ của Nghệ nên làm như không nghe thấy. Năm này (tức năm Tân Mão 931), Đình Nghệ dấy quân bao vây Giao Châu, vua Hán sai Thừa chỉ Trình Bảo sang cứu, chưa đến nơi thành đã nguy ngập. Tiến bỏ trốn về bị vua Hán giết chết. Bảo vây Giao Châu, Đình Nghệ ra đánh, Bảo phải thua và tử trận.” [ Tư trị thông giám, quyển 277]. Dương Đình Nghệ tự xưng làm Tiết độ sứ, vua Nam Hán “biết chẳng thể tranh với ngài được nữa, đành bái tướng Tiết độ sứ châu Giao” [Tân Ngũ đại sử, quyển 60].

Đoạn trên đây trích từ quyển 277 trong bộ sách Tư trị thông giám, và quyển 60 sách Tân Ngũ đại sử, sách Đại Việt sử kí Toàn thư chép lại y nguyên, tuy chỉ có 84 chữ nhưng đã cho biết rõ quy mô hành xử của Dương Đình Nghệ:

1. Gây dựng được một tổ chức chính trị bí mật (có thể như một đảng) gồm hàng nghìn người (dưỡng giả tử tam thiên nhân), nêu mục tiêu của đảng là xây dựng lại Giao Châu độc lập như thời chưa có nền đô hộ của các vương triều người Hán (đồ phục Giao Châu);

2. Hoạt động uyển chuyển, trước hết làm tha hóa người Hán cai trị (Lí Tiến thụ kì lộ), khiến bộ phận chính quyền ở Giao Châu không liên hệ với trung ương Trung Quốc (bất dĩ văn), sau đó đánh đuổi khỏi lãnh thổ bọn người này (thị tuế, cử binh vi Giao Châu, thành hãm, Tiến đào quy);

3. Đủ sức đánh tan và tiêu diệt quân đội Trung Quốc xâm lược (Bảo vây Giao Châu, Đình Nghệ xuất chiến, Bảo bại tử);

4. Sáng tạo một hình thức chính quyền chuyển tiếp: Chưa phải là một quốc gia nhưng hoàn toàn do người Việt dựng nên và tự mình quản lí, khước từ mọi sự can thiệp từ bên ngoài (bất khả tương tranh, nhân tựu bái Giao Châu Tiết độ sứ).

Ảnh minh họa

Trước Dương Đình Nghệ, chưa có ai làm được như thế; sau Dương Đình Nghệ, những người khác chỉ kế tục và làm hoàn thiện sự nghiệp của Ngài mà thôi. Hành xử của Dương Đình Nghệ hết sức biện chứng, hết sức thực tế và hết sức có hiệu quả. Do đó, Ngài đã chứng tỏ mình là một tư tưởng gia và chính khách đầu tiên của dân tộc ta trong lịch sử lãnh vực đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng quốc gia tự chủ. Nói cách khác, ngắn gọn hơn, cách nay hơn một nghìn năm (930 ) Dương Đình Nghệ là người đã gây dựng nền móng tư tưởng cho công cuộc dựng nước và giữ nước Việt Nam chúng ta.

Bởi vì có những cách nhìn mờ nhạt bấy lâu về Ngài, chúng tôi buộc phải nêu lại những nhận định của chúng tôi từ 4 vấn đề nêu trên về Dương Đình Nghệ như sau:

1. Chỉ là “ba nghìn người con nuôi” hay thực sự là một đảng chính trị ?

Việt nam sử lược của Trần Trọng Kim viết: “Dương Diên (viết lầm chữ Đình) Nghệ là tướng của Khúc Thừa Hạo ngày trước mới nổi lên, mộ quân đánh đuổi bọn Lí Khắc Chính và Lí Tiến đi, rồi tự xưng làm Tiết độ sứ”, và cuốn Việt Nam thông sử của Quách Chấn Đạc và Trương Tiếu Mai (Trung Quốc) viết: “Viên Thú tướng châu Giao là Lí Tiến không có sức chống trả cuộc xung kích của ba nghìn người ngựa của Dương Đình Nghệ” [ Việt Nam thông sử của Quách Chấn Đạc và Trương Tiếu Mai, nhà xuất bản Đại học nhân dân Trung Quốc]. Rõ ràng các tác giả này đã bỏ qua mấy chữ dưỡng giả tử tam thiên nhân và cho rằng đó chỉ là số lượng binh sĩ của riêng Dương Đình Nghệ.

Đáng tiếc, viết thế là quá đại khái. Một là, mộ quân thì đã có chữ chiêu binh mãi mã; hai là nếu coi quân lính như con thì đã có chữ phụ tử chi binh; ba là, cuộc chiến tấn công giải phóng mà chỉ có 3.000 quân thì khó làm nên chuyện gì (biết rằng thập đạo quân của Lê Hoàn đã có tới 1 triệu người hoặc ít nhất cũng phải có 10 vạn); và bốn, nếu chỉ là con nuôi ăn nuôi dạy thì có chữ dưỡng tử hoặc nghĩa tử là được. Bởi vậy, thông tin chính ở chỗ Dưỡng giả tử (còn tam thiên nhân chỉ cách ước lượng số khoảng vài nghìn) này. Đó là những người con giả – giống như con mà không phải là con, gồm con nuôi thật, con là đệ tử, con rể, con của bác hoặc chú hoặc con cậu con dì, v.v… – để che mắt chính quyền người Hán; trong vòng 7 năm từ khi Khúc Thừa Mĩ bị bắt sang Trung Quốc mà Lí Tiến cai trị (923 – 930), Dương Đình Nghệ đã làm được việc này. Ngày nay, chúng ta chỉ biết vài người trong số đó, chính là Ngô Quyền và Đinh Công Trứ thân sinh của Đinh Bộ Lĩnh, những người Giả tử thật sự hiển danh, hoặc Dương Tam Kha con. Dương Đình Nghệ cùng những Giả tử của mình đồng tâm nhất trí đồ phục Giao Châu, nói đúng hơn gồm Giao Chỉ và Cửu Chân tức là phần đất mà sau này Lê Tắc gọi là An Nam theo cách gọi từ đời Nhà Đường.

Sự nghiệp ấy có mặt hay không có mặt Dương Đình Nghệ thì những của ông vẫn theo đuổi và tranh đấu. Vậy nên, chỉ ngay trong một năm khi Ngài bị Kiều Công Tiễn sát hại, Ngô Quyền đã tiêu diệt Kiều Công Tiễn và một lần nữa đánh bại quân xâm lược nhà Hán (trận Bạch Đằng lần thứ nhất), tiếp tục củng cố chính quyền tự chủ của người An Nam. Chúng ta lại biết rằng trước khi qua đời, Ngô Quyền đã giao quyền cho Dương Tam Kha trông coi hai người con vì lúc đó có lẽ chưa có kinh nghiệm thế tập.

Địa vị của Dương Tam Kha trong số Giả tử tất nhiên không nhỏ, vì vậy ông không thể bị giết bởi thủ hạ của Ngô Quyền, hơn nữa chính Đinh Bộ Lĩnh đã lấy một người con gái của ông là Dương Vân Nga làm hoàng hậu để tỏ lòng tôn sùng họ Dương. Sau nữa, Đinh Bộ Lĩnh chết rồi, Lê Hoàn cũng lại  tiếp tục tôn Dương Vân Nga làm hoàng hậu nữa. Rõ ràng là các ông ấy hết sức duy trì những người họ Dương, tôn vinh họ Dương như trách nhiệm giữa những người ruột thịt theo tập tục “anh chết thì em trai lấy chị dâu” để chăm sóc và tỏ lòng tôn kính. Thái độ đó của các họ Ngô, Đinh, Lê cho thấy sợi chỉ đỏ xâu suốt từ họ Dương với Ngô, Đinh, Lê chẳng phải là tư tưởng đồ phục giang sơn tổ quốc của họ hay sao?

Đền thờ Dương Đình Nghệ tại Thanh Hóa

2. Tư tưởng và chiến lược phục quốc của Dương Đình Nghệ.

Tư tưởng của con người ta không phải ngày một ngày hai mà có được, nó tất hình thành trong một quá trình. Dương Đình Nghệ là người dưới quyền họ Khúc, không thể không nhận thấy những hạn chế của họ Khúc. Một là, họ Khúc vẫn phải nhậm mệnh của triều đình Trung Quốc và là một quan chức của Trung Quốc (Khúc thị nhưng bị Đường nhậm mệnh vi Tĩnh hải Tiết độ sứ… Khúc Thừa Mĩ thụ Lương Thái tổ chi mệnh vi An Nam Tĩnh hải Tiết độ sứ) [Việt Nam thông sử. Sách đã dẫn]. Đó là một thổ hào – quan chức người địa phương theo quan niệm Trung Quốc, bất quá như một hình thái tự trị nhưng không ra ngoài chính quyền trung ương.

Tức là không độc lập thật sự và hoàn toàn. Sử Trung Quốc ngày nay gọi đó chỉ mới là bước khởi đầu của cuộc vận động độc lập tự chủ [Việt Nam thông sử. Sách dẫn]. Hai là, họ Khúc chưa có quân đội riêng và đủ mạnh để giành lấy và gìn giữ độc lập của mình. Kết cục là Khúc Thừa Mĩ bị Lưu Nghiễm bắt về Trung Quốc hành hạ và do đó cũng chấm dứt vai trò của họ Khúc (Thừa Mĩ đốn thủ phục tội, nãi xá chi) [Tân Ngũ đại sửSách đã dẫn]. Ba là, họ Khúc không gây dựng được một tổ chức rộng lớn trong toàn dân mà chỉ bó hẹp trong nội bộ cha con mình, khiến họ bất quá một thứ phủ đệ có thế lực sửa đổi được một số tổ chức làng xã và thuế khóa, mới đủ để tranh chức chứ chưa đủ để đoạt quyền tiến tới xây dựng chính quyền độc lập.

Do vậy, Dương Đình Nghệ nghĩ ra cách làm hơn họ Khúc. Để tránh được ba cái hạn chế nói trên của họ Khúc, Dương Đình Nghệ đã lập ra một tổ chức gồm hàng nghìn Giả tử xuất thân từ các họ tài năng khác nhau, che mắt được địch quân và xa trung tâm Giao Châu (tức là ở Ái Châu) để tập hợp được một lực lượng đủ mạnh.

Trước hết, người của Dương Đình Nghệ tiến hành sách lược mua chuộc Lí Tiến – viên quan đại diện cho chính quyền đô hộ bằng quà cáp, dần dần khiến cho y mất dần hiệu lực của chính quyền trung. Quân đội Dương Đình Nghệ bắt đầu công hãm Lí Tiến thì rõ ràng y chẳng còn sức lực nào chống đỡ được nữa.

Sau khi đoạt được chính quyền Giao Châu, Dương Đình Nghệ không cho phép người Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào Giao Châu, bất kể đó là Nhà Nam Hán hay Nhà Lương bằng những trận đánh tiêu diệt thẳng thừng. Lúc đó có những kẻ không tán thành tư tưởng ấy của Ngài, bằng chứng là Kiều Công Tiễn, y “phản đối những việc làm của Dương Đình Nghệ, bèn đem quân bản bộ giết Dương  Đình Nghệ” (ố Đình Nghệ sở vi, khởi sở bộ công sát Đình Nghệ) [ Nam Hán sử, quyển 18], và y “vì lợi ích bản thân, sai sứ đến Nam Hán thần phục vua họ Lưu” (vị bản thân lợi ích kế, khiển sứ chí Nam Hán nguyện thần phục Lưu chủ) [Việt Nam thông sử. Sách đã dẫn]. Sau đó chính y hoảng sợ sự trừng trị của Ngô Quyền, đã cầu rước quân Nam Hán xâm lược thực sự (Tiễn khiển sứ dĩ lộ cầu cứu ư Hán. Hán chủ dục thừa kì loạn  nhi thủ chi) [Tư trị thông giám, quyển 281]. Ngược với Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền theo hành xử của Dương Đình Nghệ đã tiêu diệt thẳng thừng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Từ chiến thắng này của Ngô Quyền, Việt Nam chúng ta mãi mãi không còn can hệ gì đến Trung Quốc nữa, trừ vài lần mưu toan thất bại của “chủ nghĩa Kiều Công Tiễn” về sau của bọn Trần ích Tắc, Mạc Đăng Dung và Lê Chiêu Thống.

Chẳng phải ở đây đã có một truyền thống quân sự từ Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, Lê Hoàn cho chí Triều Lí, Triều Trần, Triều Lê đó hay sao?

Thường trực Hội đồng Họ Dương Việt Nam cùng Hội đồng Họ Dương tỉnh Thanh Hóa, Ban Biên soạn Bộ sách Lịch sử Họ Dương Việt Nam thăm Đền thờ Dương Đình Nghệ

3. Tại sao Dương Đình Nghệ không xưng Vương?

Tại vì những điều kiện để xưng Vương chưa chín muồi. Ngay Ngô Quyền xưng Vương cũng chưa chín muồi. Thực tế, quốc gia và triều đình cũng chưa hình thành, và những nhận thức này phải dần dần mới có được. Việc hai anh em họ Ngô cùng nắm quyền và cục diện 12 sứ quân đã chứng tỏ điều đó. Đinh Bộ Lĩnh cũng chưa phải là một quốc vương vì ông chưa lập được cung cách một nền hành chính. Việc một viên hầu nấu nướng cũng giết được hai cha con ông một cách tùy tiện (vì y chẳng hề có chút vây cánh chính trị nào) và câu nói của Phạm Cự Lượng “công lao và sự hi sinh của chúng ta cũng chẳng ai biết cho” [Đại Việt sử kí toàn thư, Bản kỉ quyển 1]. Mãi đến thời Lê Hoàn, tức là sau 50 năm nữa, hình thể quốc gia và triều đình mới rõ rệt, tuy tính chất dân sự của nó phải một vài thế hệ nữa mới có.

Cho nên, việc Dương Đình Nghệ chưa xưng Vương cho hay Ngài vẫn già giặn hơn Ngô Quyền một bậc. Ngài bằng lòng với qui mô tiết độ sứ khi mà bộ máy hành chính bấy lâu chưa đủ sức để lớn hơn. Huống chi có thể, danh xưng vương hầu không những kích thích sự chia rẽ những bộ phận Việt và Hán quần cư trên lãnh thổ một cách không cần thiết mà còn kích thích những đầu óc ham hố quyền lực nhưng ấu trĩ một cách nguy hiểm.

Sáng tạo của Ngài là “tự xưng Tiết độ sứ, trông coi việc châu”(Đinh Nghệ tự xưng Tiết độ sứ, lĩnh châu sự [Đại Việt sử kí toàn thư, Bản kỉ quyển 1]. Nói về Khúc Thừa Hạo, sử kí không ghi chữ tự này. “Giao Châu nhân Khúc Hạo cứ châu trị, xưng Tiết độ sứ” [Đại Việt sử kí toàn thư, Bản kỉ quyển 1]. Đó là chính quyền đầu tiên của người Việt Nam, trên cơ sở ấy, Dương Đình Nghệ bổ dụng những viên thú châu dưới quyền, như Ngô Quyền ở Ái Châu, Đinh Công Trứ ở Hoan Châu chẳng hạn. Sử Trung Quốc gọi tình huống này là An Nam Tiết độ sứ của người Việt để phân biệt với Tĩnh hải Tiết độ sứ do người Hán cử đến [Việt Nam thông sử. Sách đã dẫn].

Tóm lại, theo quan điểm của chúng tôi, chính Dương Đình Nghệ đã khai sinh nền độc lập dân tộc Việt Nam chứ không phải ai khác.

             Nguồn: Nghiên cứu lịch sử.

Nguyễn Diên Niên –  Phan Bảo

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com