Dương Thị Xuân – Một trong mười cô gái thanh niên xung phong hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc
- 26/10/2016
- Ban Thông tin truyền thông
- 1902
Chiến tranh đã qua đi, thời gian và lịch sử đã ghi lại những năm tháng hào hùng, oanh liệt của cả dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Các thế hệ người Việt Nam đã in sâu trong tâm thức của mình sự hy sinh của những con người anh hùng, kiên trung, họ không tiếc máu xương và đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Đặc biệt là sự hy sinh khi đang làm nhiệm vụ của 10 cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc. Ngã ba Đồng Lộc – địa danh đã trở thành huyền thoại và linh thiêng, các chị Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc,… và Dương Thị Xuân đang yên nghỉ – những cái tên đã trở nên quen thuộc, thân thương và ấm áp trong tim hàng triệu người dân Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đức Tân – Đức Thọ, trong một gía đình đông con, chị Xuân sớm ý thức được trách nhiệm người chị cả của mình. Là con gái đầu lòng nên Xuân khá vất vả. Bố làm thợ mộc, mẹ bận bịu với nghề bán hến ở chợ. Nhiều khi Xuân phải nghỉ học để trông nhà, trông em. Xuân hiền hậu, nhu mì, mẹ mắng không bao giờ cãi lại.
Học hết lớp 7, Xuân xin cha mẹ cho đi làm trên nhà máy đường Sông Lam gần Rú Thành. Sống cuộc đời công nhân, Xuân phổng phao và đẹp hẳn lên. Xuân chăm làm, chịu khó học hành, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ nên được nhà máy nhiều lần khen thưởng. Năm 1965-1966, Xuân được thưởng chiếc áo lụa hoa rất đẹp, thỉnh thoảng mới diện đôi chút. Nhằm ngăn chặn sự tiếp tế của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam, nhà máy đường Sông Lam bị giặc Mỹ tàn phá, công nhân phải tạm chuyển đi làm việc khác. Xuân tham gia vào TNXP. Ra đi Xuân vẫn nhớ ngọn núi Thành cao chót vót bên nhà máy, nhớ Ngã ba Sông Lam và Sông La, nhớ khu nhà tập thể bên sườn núi đất.
Chị Dương Thị Xuân
Ông Quý – bố Xuân rất chiều con. Những lúc rảnh rỗi trước đây, ông thường xuống đơn vị thăm con. Nhiều bạn Xuân thầm ước ao có một người cha như thế, nhất là Nhỏ, Cúc và Hường.
Trước khi đi TNXP Xuân có quen anh Tân người cùng xã. Gia đình anh rất quý Xuân nhưng anh Tân chưa dám ngỏ lời với cha mẹ Xuân. Xuân mến anh Tân nhưng chưa muốn vấn vương chuyện gia đình, chuyện chồng con. Xuân hẹn anh khi nào thống nhất đất nước thì hẵng liệu. Anh Tân nghĩ vậy là đúng. Trước khi Xuân lên đường, anh trao cho xuân một quyển điều lệ Đảng mà anh vẫn dùng. Anh nói với Xuân:
– Anh cũng đi bộ đội. Sau này trở về chúng ta sẽ là hạnh phúc riêng. Anh lấy sợi ni lông xanh, đỏ buộc vào cổ tay Xuân rồi nói:
– Màu đỏ là của anh, màu xanh lam này là của em. Khi nào nhớ đến anh, em hãy nhìn chiếc vòng này.
Cũng như mối tình Tần – Hồng, Xuân và anh Tân đã không thực hiện được lời hẹn ước vì đất nước còn có giặc, chuyện riêng tư đành gác lại. Và ngày toàn thắng thì đã đến nhưng Xuân, chị Tần và 8 chị em trong A4 cùng như bao nữ TNXP khác mãi mãi không trở về, gửi lại tuổi trẻ và tình yêu trên những tuyến đường.
Ban biên tập sưu tầm