Giới thiệu phố Dương Lâm – Hà Đông – Hà Nội

     Sáng nay (5/12), với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc đặt tên mới 42 đường, điều chỉnh độ dài 5 đường và 1 công trình công cộng của 17 quận, huyện. Hà Nội chính thức có phố mang tên Danh nhân Dương Lâm, em ruột của Danh nhân Dương Khuê.

     Phố Dương Lâm dài 730m, rộng từ 13 đến 17m, lòng đường 9m, vỉa hè mỗi bên 2 đến 4m. Đường nhựa, đi qua trường THCS Văn Quán, giao cắt với đường Nguyễn Khuyến. Phố Dương Lâm cho đoạn từ ngã ba giao cắt với đường Nguyễn Khuyến tại chung cư CT3A, đến cạnh trụ sở Đoàn văn công bộ đội Biên phòng và trường THCS Văn Quán.

     Dài 730m, rộng từ 13 đến 17m, lòng đường 9m, vỉa hè mỗi bên 2 đến 4m, đường thảm bê tông nhựa áp phan, có vỉa hè hai bên, cây xanh, điện chiếu sáng, đi qua trường THCS Văn Quán, dân cư đông đúc gồm 600 hộ, 1.400 nhân khẩu.

     Dương Lâm (1851–1920), hiệu Vân Hồ, Quất Đình, tự Thu Nguyên, Mộng Thạch, người làng Vân Đình, huyện Ứng Hòa, là quan nhà Nguyễn, một danh sĩ Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Dương Lâm nổi tiếng về tài văn chương, tính tình tao nhã, lại là một nhà giáo có biệt tài.

    Năm 1873, Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất, ông cùng thân phụ chiêu mộ dân giữ thành, buộc Pháp phải rút lui, sau được triều đình ban thưởng Hàn Lâm viện cung phụng.

Ngày 15/7/2017, Đại diện lãnh đạo Hội đồng Họ Dương Việt Nam, Hội đồng Họ Dương Tây Hồ (TP. Hà Nội) đến thắp hương tại Nhà thờ hai cụ: Dương Khuê và Dương Lâm tại xã Vân Đình, huyện Ứng Hoà, TP. Hà Nội

     Năm Mậu Dần (1878), ông đỗ Cử nhân, đến năm Giáp Thân (1884), được bổ làm Huấn đạo Ý Yên, rồi thăng làm Tri huyện Hoài Yên. Ba năm sau, ông làm Bang tá Nha kinh lược Bắc Kỳ.

     Năm Kỷ Sửu (1889), ông được bổ Án sát Hưng Yên, rồi thăng làm Bố chính Sơn Tây, hàm Quang lộc tự khanh.

Lăng mộ danh nhân văn hóa Dương Lâm được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) tặng Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh, thành phố

     Năm Tân Mão (1891), ông về Hà Nội, làm chủ bút báo Đồng Văn. Năm sau, được bổ nhiệm làm Tuần phủ Thái Bình.

     Năm Ất Tỵ (1895), ông làm Tham tri Nha kinh lược Bắc Kỳ, sau đó về triều giữ chức Thượng thư Bộ Công kiêm Phó Tổng tài Quốc sử quán. Khi triều đình sửa đổi phép học, phép thi, ông được cử đứng đầu ban Tu thư, cùng với Đoàn Triển, Đỗ Văn Tâm, Bùi Hướng Thành cùng soạn sách Tân giáo khoa.

     Năm Canh Tý (1900), ông làm Tổng đốc Bình Phú (Bình Định và Phú Yên), gia hàm Thái tử Thiếu bảo. Vì quê làng Vân Đình nên người đương thời gọi ông là cụ Thiếu Vân Đình.

     Khi về hưu, ông được triều đình tặng hàm Hiệp tá Đại học sĩ, ông về quê nhà, mở trường dạy học.

     Ông mất năm Canh Thân (1920), hưởng thọ 69 tuổi, được truy tặng tước Khánh Vân Nam.

     Tác phẩm của ông có “Vân Đình thi văn tập” gồm cả thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm, ông được đặt tên phố cạnh phố Nguyễn Khuyến là người thời Nguyễn, lại có mối thâm giao với anh ruột của ông là Dương Khuê cùng có nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà.

Dương Minh Khải (trong bài có sử dụng tư liệu anh Dương Hồng Cường cung cấp)

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com