Họ Dương Quỳnh Đôi: Dòng Họ “Thanh Bạch Môn Phong, Thế xuất khoa bảng”

     Họ Dương Quỳnh Đôi tự hào là dòng họ “Thanh bạch gia phong, thế xuất khoa bảng” (nếp nhà thanh bạch, đời có khoa danh). Con cháu của dòng họ đã nối đời xây dựng nề nếp gia phong ngày càng trong sạch, bền vững.

     1. Theo sách Họ Dương Quỳnh Đôi (Hội đồng gia tộc Họ Dương biên soạn, in năm 2000) thì tiên Thái thủy tổ, húy là Cường, tự Đăng Hoành, nguyên quán thôn Đỗ Lâm, xã Ngàn Thông, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở nhỏ ông vãng hành đến xã Yên Lý, phủ Diễn Châu, được ông bà Nguyễn Huệ Hải nhận làm con nuôi. Ông đậu Hương cống, được vào học Quốc Tử Giám, làm quan Binh bộ khoa đô cấp, cáo thụ phụng phong Liệt đại Tả Thị lang. Con trai ông là Dương Văn Khai.

     Thái thủy tổ Dương Văn Khai, tự Ngộ Chân, đậu Hương cống thời Lê Hồng Đức (1470-1497), là Giám sinh Quốc Tử Giám. Ông dạy học ở làng, sau dời vào xã Lạc Xuyên, huyện Kỳ Hoa, sinh con trai trưởng là Dương Văn Giáo. Chi họ này có Dương Chấp Trung đỗ Tiến sĩ năm 1448, sau lại dời sang xã Long Phúc, huyện Thạch Hà. Một chi dời đến xã Bạt Trạc, huyện Thiên Lộc, có Dương Trí Dụng đậu Chế khoa Tiến sĩ đời Lê Anh Tông niên hiệu Chính Trị 8 (1565), cháu là Dương Trí Trạch cũng đậu Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi – Hoằng Định 20 (1619).

     Thủy tổ Dương Thế Thông là con trai thứ 4 của Dương Văn Khai, hiệu là Mai Hiên, đậu Hương cống khoa Bính Thìn – Hồng Đức 27 (1496) đời vua Lê Thánh Tông, làm quan Thái bộc Tự thiếu khanh. Ông sinh 2 con trai, trưởng là Dương Bảng, thứ là Lương Khê (ông thứ đến ở Chiêu Việt (Diễn Liên, Diễn Châu).

     Dương Bảng (Tổ đời 1), tự Cát Phủ, hiệu Phúc Sơn, đỗ Giải nguyên khoa Nhâm Ngọ – Thống Nguyên 1 (1522); đỗ Chế khoa Ngự thí (Tiến sĩ) niên hiệu Nguyên Hòa 14, năm Bính Ngọ (1546), đời Lê Trang Tông, được tổ chức tại sách Vạn Lại, Thanh Hóa (khoa này, Nghệ An có 10 người đậu). Ông làm quan đến Khiêm cung Kiệt tiết tuyên lực công thần, gia hạnh Đại phu, Đốc Trung tử, Lại bộ Hữu Thị lang.

     Đời 2 đến đời 13, họ Dương phân ra nhiều chi, chuyển cư đến ở các các huyện trong tỉnh: Dương Cẩn, con trưởng Dương Cát Phủ, lập nghiệp tại thôn Phú Thọ, xã Thái Xá (nay là Long Thành, Yên Thành); Dương Cát Trình, chuyển cư vào giáp Thạch Động, làng Đông Thái, xã Việt Yên (nay là Tùng Ảnh, Đức Thọ); Dương Tự Cường đến Yên Sơn, Đô Lương; Dương Thời Hy, đỗ Sinh đồ (1660) đến Thạch Cầu (Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu); Dương Ngô, đỗ Hương cống (1663), dời cư vào huyện Thiên Lộc; Dương Quốc Miên, đỗ Sinh đồ (1711) dời lên làng Đặng Thượng (Đặng Sơn, Anh Sơn); Dương Trúc, ra xã Đại Hoàng, huyện Nghi Dương, Hải Dương; 3 cụ Sinh đồ là Dương Thế Dy (Thế Thai), Dương Thế Mỹ, Dương Đương dời cư vào huyện Minh Nghĩa; Dương Dũng Căn, đỗ Hương cống (1726) di cư về Nghi Yên, Nghi Lộc; Dương Điều (tức Tư) chuyển lên làng Yên Lĩnh, xã Nam Cai (Gay, Anh Sơn); Dương Trừng chuyển cư vào Lệ Thủy, Quảng Bình; Dương Bá vào dạy học ở Cẩm Nam, Cẩm Xuyên, lấy vợ và lập nghiệp ở đây; Dương Hữu Vấn lên xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ).

     Từ đời 14 đến đời 16, Họ Dương có các chi phát tích ở Hà Nội và các tỉnh phụ cận; ở Thành phố Hồ Chí Minh và phụ cận; ở thành phố Vinh và phụ cận; ở các xã Quỳnh Mỹ, thị trấn Cầu Giát, Quỳnh Hoa, Quỳnh Châu, Quỳnh Diễn (Quỳnh Lưu); ở Nông trường Đông Hiếu, Nghĩa Đàn; Nông trường Bến Nghè và Quỳ Hợp; Diễn Thành, Diễn Thịnh, (Diễn Châu); Hậu Thành, Yên Thành; Nghi Trung, Nghi Lộc; một số tỉnh khác: Thái Bình, Hòa Bình, Nam Định, Hải Phòng…

Vùng đất Quỳnh Đôi – Quỳnh Lưu ngày nay

     Chi Họ Dương ở Yên Lý (Diễn Châu) là Dương Văn Đôn, con thứ 5 (út) của Dương Văn Khai, em ruột Dương Thế Thông là Đệ nhị đại tổ khảo, đỗ Hiệu sinh. Họ Dương Yên Lý có 4 chi: Trưởng ở Yên Lý Đông; Yên Lý Ngoại (chi 2 và 3); Diễn Trường (chi 4). Từ đây lại di cư phân nhánh đi: Thanh Đàm Đoài, làng Đường Quan (Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu); Truông Thọ (Quỳnh Mỹ); Khe Sái (Ngọc Sơn); Diễn Thành, Diễn Hồng (Diễn Châu). Chi này nổi lên các nhân vật: Dương Quản Trọng, đời 4, làm Đề đốc Tả Đô thống (4 tỉnh Nam Kỳ); Tiến sĩ Dương Đăng Khoa, làm Thượng thư bộ Lại; Dương Đăng sinh đỗ Tú tài, làm Giáo thụ…

     2. Họ Dương Quỳnh Đôi tự hào là dòng họ “Thanh bạch gia phong, thế xuất khoa bảng” (nếp nhà thanh bạch, đời có khoa danh). Con cháu của dòng họ đã nối đời xây dựng nề nếp gia phong ngày càng trong sạch, bền vững. Con trai thì nuôi chí theo đường Nho học, khoa bảng. Con gái, con dâu đều đảm đang, hướng về nếp nhà “công, dung, ngôn, hạnh”. Trong gia phả có ghi: “Hoàn cảnh nghèo túng, điều kiện chiến tranh có hạn chế việc học tập, song do được tổ tiên, ông cha xác định “Học vấn, khoa bảng là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp”, “Tiến vi quan, thoái vi sư” (tiến thì làm quan giúp nước, về thì làm thầy dạy học giúp dân và con cháu), nên đã rèn luyện cho con cháu họ Dương tinh thần chịu thương, chịu khó, miệt mài, bền bỉ học tập. Nhiều người gia cảnh nghèo túng nhưng học tập vẫn thành đạt. Dương thời Nghi (đời 7), cha chết, mẹ tái giá, nhờ chú bác giúp đỡ vẫn đạt đến thi Hội trúng Tam trường. Nhiều người đã trải qua nhiều năm lận đận trên bước đường lều chõng, nhưng vẫn kiên trì theo đuổi thi cử khoa danh. Một số người 2 lần thi đỗ Tú tài, Dương Đăng Hiển, Dương Đăng Cử, Tiến sĩ Dương Thúc Hạp phải trải qua 3 lần đỗ Tú tài (Tú đụp). Riêng Dương Quỳ (Dương Huệ) (đời 12) 6 khoa đều đỗ Tú tài. Cả đời người của ông trải qua 30 năm học tập thi cử mà vẫn không nản chí. Trong thi Hội cũng có người đã trải qua 2, 3, 4 kỳ trúng Tam trường (như Phó bảng triều Nguyễn) Dương Lễ, Dương Công Chưởng, Dương Trí Triết”.

     Toàn gia Họ Dương (từ đời 1 đến đời 13) thời học chữ Nho có 426 đinh (con trai) thì có tới 103 người đỗ đạt, trung bình cứ 4 đinh thì có 1 người có khoa bảng. Phả Họ có ghi “Đinh bất như Hồ, khoa như Hồ” (Số đinh Họ Dương không bằng họ Hồ, nhưng tỉ lệ khoa cử thì như họ Hồ).

     Theo sách Làng Quỳnh xưa học hành và khoa cử của Phan Hữu Thịnh (Nghệ An, 2010), Họ Dương theo đường khoa bảng có 114 người thi đỗ từ Tú tài, Cử nhân đến Tiến sĩ (chỉ xếp sau họ Hồ: 431 người). Trong đó có: 71 Tú tài, 16 Cử nhân, 12 Tam trường thi Hội và 2 Tiến sĩ. Nhiều người Họ Dương rất thông minh, tuổi trẻ đã thi đậu: 30 người tuổi từ 14 đến 21 đã đỗ Tú tài, như Dương Nho Lâm (14 tuổi), Dương Phương (15 tuổi)…; 11 người tuổi từ 18-24 đã đỗ Cử nhân, như Dương Phúc Toàn (18 tuổi), Dương Huân, Dương Trí Triết và 3 anh em ruột Dương Công Giản, Dương Công Chưởng, Dương Công Viễn (21-22 tuổi)… Làng Quỳnh Đôi có 13 người đậu Giải nguyên (đỗ đầu thi Hương) thì họ Dương có 4 người, trong đó Dương Cát Phủ là người đỗ đầu tiên (1522), sau lại đậu Thám hoa Tiến sĩ; 2 cha con Dương Doãn Hài và Dương Quế Phổ đều đỗ Giải nguyên. Dương Thúc Hạp đỗ Tiến sĩ Đệ nhất danh khoa Giáp Thân – Kiến Phúc nguyên niên (1884), là người kết thúc Đại khoa của làng.

     Trong số 33 người đỗ từ Cử nhân trở lên (kể cả các vị người họ Dương ở các địa phương ngoài làng Quỳnh Đôi) chỉ có 18 người ra làm quan gồm: 1 Hữu Thị lang bộ Lại; 8 Tri huyện, Tri phủ; 3 Võ quan, Tán lý công vụ, Bang biện quân vụ, Tướng sĩ lang; 6 Đốc học, Huấn đạo. Trong số Tri huyện, Tri phủ cũng có người từ Đốc học, Huấn đạo chuyển sang. Số người đỗ đạt còn lại hầu hết làm thầy dạy học (Nho) và thầy thuốc…

     Họ Dương có những nhà Nho nổi tiếng, làm thầy dạy học ở nhiều địa phương, đào tạo được nhiều học sinh thành đạt. Dương Lễ, hiệu Quỳnh Giang tiên sinh (đời 4) Hội thí trúng Tam trường, là một danh sĩ nhưng không ra làm quan mà ở nhà mở trường dạy học. Ông có học trò là Hồ Sĩ Dương (1621-1681) nổi tiếng học giỏi, thi đậu Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn – Khánh Đức 4 (1652), lại đậu tiếp khoa thi Đông các Vĩnh Thọ 2 (1659). Ông vinh dự 2 lần được Vinh quy bái tổ, làm quan đến Tham tụng, Thượng thư bộ Hình, kiêm Đông các Đại học sĩ, Giám tu Quốc sử, tước Duệ Quận công.

     Các ông Dương Minh Hiển (đời 5), Dương Thời Cử (đời 6), Dương Thời Nghi (đời 7) đều đỗ Tam trường thi Hội, buổi đầu cũng dạy học, sau mới được cử làm quan Huấn đạo.

     Dương Địch Mô (Phu Tiên) đỗ Hương cống, ở nhà dạy con cháu thành đạt. Con ông là Dương Doãn Nguyên đõ Sinh đồ, có 1 cháu và 1 chắt đều đỗ Giải nguyên. Hương cống Dương Chung Tú (đời 9) có công đào tạo Hồ Sĩ Đống (1739- 1785) thi đỗ Hội nguyên – Đình nguyên (Song nguyên) Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) khoa Nhâm Thìn – Cảnh Hưng 33 (1772), làm quan đến Thượng thư bộ Binh, tước Ban quận công, từng được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Dương Huân con của Chung Tú, nổi tiếng học giỏi từ nhỏ tuổi, Hội thí trúng Tam trường, là một danh sĩ nổi tiếng, bạn cùng Đặng Trần Côn. Hai ông được ví như 2 danh sĩ nổi tiếng đời Tống, Trung Quốc là Trần Võ Dĩ và Trần Thiếu Đạo. Dương Trí Tản (Tạn), hiệu Long Sơn, nổi tiếng có tài văn chương nhưng không đi thi, triều Nguyễn triệu ra làm quan nhưng không nhận, sống ẩn dật, làm bạn thơ cùng Hồ Xuân Hương và Chiêu Hổ. Đương thời có câu “Nghệ Long, Bắc Hổ” (Nghệ An có Long Sơn, Bắc có Chiêu Hổ).

     Dương Thúc Hạp (1835-1920) đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thân – Kiến Phúc (1884), làm quan đến Đốc học Nghệ An, từng hưởng ứng chiếu Cần Vương chống Pháp, mộ quân khởi nghĩa cùng Giải nguyên Dương Quế Phổ hoạt động ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Nghệ An. Ông từng nhiều lần từ chối ra đi làm quan, về nhà mở trường dạy học, có nhiều học trò thành danh. Ông còn là tác gia nổi tiếng với các tác phẩm: Nghệ Tĩnh sơn thủy vịnh, Nhàn trung vịnh, Cổ vịnh sử, Chiêu Quân xuất tái phú…

     Con trai Họ Dương thật thà, trung hậu, hiếu thảo, chăm chỉ học hành, nhiều người khoa bảng, số đông làm nghề dạy học, nên có cuộc sống thanh bạch, không có ai là phú nông, địa chủ. Con gái Họ Dương thủy chung, tần tảo, chăm lo giúp chồng, con đền sách thành đạt theo đường khoa bảng. Dân gian có câu ca ngợi con gái Họ Dương rằng: Nhân dụng hoàng kim bách lượng, bất như Dương thị nhất nương (Tạm dịch: Cho một nén vàng không bằng con gái Họ Dương đến nhà).

     Từ thời Hậu Lê, người ta đã rất coi trọng, biểu dương Họ Dương Quỳnh Đôi về nếp gia phong và truyền thống hiếu học, khoa bảng qua 8 chữ vàng: Thanh bạch môn phong, thế xuất khoa bảng (Nếp nhà thanh bạch, đời có khoa danh). Ngày nay con cháu Họ Dương Quỳnh Đôi vẫn kế tục phát huy rất tốt truyền thống đó của dòng họ và đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc./.

                                                                   Dương Việt Hòa sưu tầm

(Theo tạp chí KH&CN  Nghệ An – ngheandost.gov.vn)

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com