Nhà thơ Dương Khuê với Hồng Hồng Tuyết Tuyết

Hồng Hồng Tuyết Tuyết là một câu rất nổi tiếng, lưu truyền trong dân gian. Ít ai biết rằng, câu trên nằm trong một bài ca trù “Gặp lại cô đầu cũ” của nhà thơ Dương Khuê. Không những thế, ông còn là tác giả của những câu thơ, mà đến nay ta cứ ngỡ là xuất phát từ dân gian.

Nhà thơ Dương Khuê

Dương Khuê là một Nho sĩ, nhà thơ nổi tiếng thời Nguyễn. Ông sinh sống cùng thời với nhà thơ Nguyễn Khuyến. Từ Nguyễn Khuyến, ta biết đến Dương Khuê nhiều hơn qua bài Khóc Dương Khuê: “Bác Dương thôi đã thôi rồi/ Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”.

Được biết, giữa hai nhà thơ nổi tiếng này đã có mối thâm giao từ lâu, hai người cùng khoa thi năm 1864, Dương Khuê đỗ cử nhân, còn Nguyễn Khuyến đỗ giải nguyên. Qua bài thơ của Nguyễn Khuyến, ta thấy hai ông như tri kỷ của nhau. Dương Khuê được Nguyễn Khuyến rất nể trọng.

Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước

Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau

Kính yêu từ trước đến sau

Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời?

Nhà thơ Dương Khuê (1839-1902), tự: Giới Nhu, hiệu Vân Trì; là người ở làng Vân Đình, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), sinh ra trong gia đình danh giá nhà Nho, là con cả Đô ngự sử Dương Quang, và là anh ruột của danh sĩ Dương Lâm.

Bốn năm sau đỗ cử nhân, với thời vua Tự Đức, tức ăm 1868, Dương Khuê đỗ tiến sĩ. Ông từng được bổ làm Tri phủ Bình Giang (Hải Dương), rồi thăng làm Bố chính. Dương Khuê được cho là con người khẳng khái, yêu nước. Có nơi viết:

“Đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ 19, tay lái buôn Jean Dupuis uy hiếp các quan chức người Việt ở Bắc Kỳ để tự do sử dụng sông Hồng, ông ở trong nhóm những sĩ phu cương quyết chống lại.

Ông dâng sớ về triều xin có thái độ quyết liệt với người Pháp, bị vua Tự Đức phê là “bất thức thời vụ” (không biết thời cuộc), rồi bị giáng xuống chức Chính sứ sơn phòng lo việc khai hoang.

Năm 1873, quân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất. Sau khi thương thuyết, họ chịu trả lại bốn thành cho triều đình Huế, thì Dương Khuê được điều động làm Án sát Hải Phòng”.

Có lẽ do tính cách quá cương trực, thẳng thắn nên con đường quan lộ của Dương Khuê cũng gặp nhiều thăng trầm, sóng gió, ông từng bị tạm giam do có liên quan trong vụ nhũng lạm công quỹ ở ở Nam Định-Hưng Yên, vào năm 1878. Nhưng may thay, sau đó không lâu, ông vua Tự Đức xuống chỉ cho ông làm Đốc học Nam Định.

Cuộc đời quan lộ sau này của Dương Khuê có trải qua các chức vị khác nhau: Bố chính, Tham tá Nha kinh lược Bắc Kỳ, Tổng đốc Nam Định-Ninh Bình. Năm 58 tuổi, lúc này Pháp đã lấn sâu vào chính sự Việt Nam, nên Dương Khuê cáo quan, được tặng hàm Thượng thư bộ Binh. Năm 1902, Dương Khuê mất.

Sự nghiệp văn chương ông để lại cho đời có Vân Trì thi thảo (Bản thảo thơ Vân Trì); và một số bài ca trù, bài văn, câu đối, trướng… Dường như, so với các nhà thơ có tiếng cùng thời thì ngày nay Dương Khuê chưa được nhìn nhận đúng đắn, đầy đủ, và vẫn có các ý kiến chưa được nhất quán về lối thơ của Dương Khuê.

Các nghệ sĩ biểu diễn bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết của Dương Khuê.

Có người nhận xét thơ Dương Khuê chủ yếu là thể hiện lối nhà Nho tài tử, kéo dài từ Nguyễn Du. Có người thì nhận định thơ ông chỉ cho thấy cái thú buông đời hưởng lạc. Bên cạnh đó là lối thơ chủ yếu tả cảnh, mà khó thấy rõ được cái tình, buồn vui thế nào của tác giả.

Tuy nhiên, có vẻ như những nhận định trên chưa được thuyết phục, bởi rằng, thơ Dương Khuê còn nói nhiều được hơn thế.

Ai ơi! má đỏ nên đầu bạc

Quá ngán! hơi vàng để dạ đen

Công đèo bòng nhận tính bấy nhiêu niên

Uổng thay! cử giăng đi, tuồng gió lại

Phai, thắm mùi trần ghê khéo quái

Hợp, tan cuộc thế uẩy là xinh!

Giời trêu người sao khoảnh độc trăm vành

Cho có mắt trắng nhiều, xanh lại ít!

Thôi từ đây nợ phong lưu giả hết!

Giả tấm lòng cho nước chảy hoa trôi!

Người mà đến thế thì thôi!

(Ai ơi má đỏ)

Bài thơ trên cho thấy Dương Khuê đã thể hiện được suy tư của một bậc muốn buông bỏ tục trần, đó là lối sống vừa ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo. “Thôi từ đây nợ phong lưu giả hết!/Giả tấm lòng cho nước chảy hoa trôi!”, đây là hai câu thể hiện được cái nghĩ về vô thường của Dương Khuê.

Và hơn hết, đến hôm nay, chúng ta nhiều người có lẽ không biết rằng, câu “Hồng Hồng Tuyết Tuyết” là câu trong bài ca trù “Gặp lại cô đầu cũ” của Dương Khuê:

Hồng Hồng, Tuyết, Tuyết

Mới ngày nào chửa biết cái chi chi

Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì!

Ngoảnh mặt lại, đã tới kỳ tơ liễu

Ngã lãng du thời, quân thượng thiếu

Kim quân hứa giá, ngã thành ông

Cười cười nói nói thẹn thùng

Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại

Riêng một thú Thanh Sơn đi lại

Khéo ngây ngây dại dại với tình

Đàn ai một tiếng dương tranh…

Theo nhạc sĩ Dân Huyền, Hồng Tuyết ngoài nghĩa “đen” là tên một cô đào hát hoặc hai cô đào hát, còn chứa đựng cái nghĩa “bóng” mà tác giả gửi gắm. Mới ngày nào bước vào quan trường ta như cánh chim. Hồng bay tung hoành nào có biết cái chi chi, thấm thoắt cuộc đời làm quan đã 15 năm (1868 – 1883) mới đó bây giờ nhìn lại cũng đã khôn ngoan, trưởng thành rồi.

Ngoài mối tình “trái khoáy” của một ông già với một cô đào trẻ, tác giả Dương Khuê còn gửi gắm tâm trạng của mình. Chính tâm trạng ấy cũng đủ làm nổi bật phẩm chất cao quý của một nhà nho, một viên quan đương thời trong sạch, có tấm lòng yêu nước, trăn trở với thế sự éo le lúc đó của đất nước.

Ngoài bài ca trù nổi tiếng trên, chúng ta cũng thật ngạc nhiên khi Dương Khuê chính lại là tác giả của bài thơ đi sâu vào tâm thức nhiều người như ca dao tục ngữ:

Phất phơ ngọn trúc trăng tà

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương

Mịt mù khói tỏa ngàn sương

Tiếng chày An Thái, mặt gương Tây Hồ.

(Hà Nội tức cảnh).

Đánh giá về nhà thơ Dương Khuê, Nhà phê bình Nguyễn Tường Phượng viết: “Sinh vào lúc Nho học tàn cuộc, quốc gia mất chủ quyền nên cũng như bạn đồng thời là Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê lấy thơ, rượu, ca xướng…để tiêu khiển”. GS. Phạm Thế Ngũ thì coi tác phẩm của Dương Khuê là “văn hành lạc và trào phúng”. Có người còn nhận xét thơ Dương Khuê đã đạt đến trình độ “thanh thoát, uyển chuyển và hóm hỉnh”.

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com