Thưởng ngoạn cổ vật với chủ đề “đôn voi” trên đất Tây đô
- 30/08/2022
- Ban Thông tin truyền thông
- 702
Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi, những người con Họ Dương của thành phố Cần Thơ đã đến tham quan cà phê Cổ Ngoạn toạ lạc số 8 Xuân Hồng, quận Bình Thuỷ, thành phố Cần Thơ. Tại đây đang tổ chức trưng bày chuyên đề “Voi Nam Bộ” của các nhà sưu tầm đồ cổ ở miền Tây với 500 hiện vật độc đáo được làm bằng gốm mang hình ảnh voi Nam Bộ qua từng thời kỳ. Nhà sưu tầm nổi tiếng Dương Gia Chi Bảo chia sẻ: Voi mang ý nghĩa về tôn giáo, tạo vẻ uy nghi trước bàn thờ của các ngôi nhà xưa, ngoài ra còn tượng trưng cho sức mạnh và tuổi thọ. Bộ sưu tập được trưng bày cho mọi người ngắm thưởng cổ vật gồm sứ của cha ông thì càng có ý nghĩa hơn, như sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại đồng thời thông qua cổ vật để đưa những giá trị lịch sử, mỹ thuật vô giá của hiện vật, nhất là giá trị phi vật thể hàm chứa trong mỗi hiện vật đến với công chúng. Các hiện vật gốm trừng bày đều có dấu ấn của thời gian và luôn được tham gia vào các hoạt động hàng ngày của người dân Nam Bộ.
Hàng trăm cổ vật voi bằng gốm sứ có tuổi đời hàng trăm năm được xếp thành những tháp voi rất ngộ nghĩnh và đẹp mắt. Những hiện vật bằng gốm sứ như bình, chén, chậu, đôn và những cổ vật xưa được bày trí công phu trong gian nhà 2 tầng làm thoả lòng đam mê và mãn nhãn người thưởng ngoạn.
Nhà sưu tầm Dương Gia Chi Bảo tâm sự, ngay từ nhỏ khi đến những ngôi nhà xưa anh rất thích những đồ xưa từ gốm và tình yêu lớn dần theo năm tháng, anh đam mê tìm hiểu và muốn lưu giữ, sưu tầm. Anh chia sẻ trong niềm vui, niềm tự hào về gốm, gốm sứ Nam Bộ được hình thành và phát triển từ những năm đầu thế kỷ XX gồm: Gốm Cây Mai (Sài Gòn, Gia Định), gốm Biên Hoà (Đồng Nai), gốm Lái Thiêu (Bình Dương), trong đó gốm Cây Mai có hoạ tiết con rồng cực kỳ quý hiếm, có giá trị thời gian trên 100 năm tuổi, có thời điểm lên tới 500.000.000 đồng/cặp.
Gốm Nam Bộ đẹp giản dị, đậm chất dân gian, là tâm tư nguyện vọng và trí tuệ, công sức của cha ông ta trong lao động, trong sáng tạo nghệ thuật. Được sản xuất thủ công và trong 2 cuộc chiến tranh bị tàn phá rất nhiều, còn ít nhà giữ được và họ xem như báu vật của ông cha để lại. Anh Bảo đã đi khắp nơi và đến từng nhà để gặp và nói về ý nghĩa, thương lượng bằng tình cảm, kể cả kinh tế thì người ta mới chịu nhường lại để anh quy tụ về đây. Anh cho biết, việc sưu tầm này tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc nhưng anh làm vì cái tâm, vì niềm đam mê, làm không biết mệt mỏi, chính vì thế anh có được những cổ vật đẹp. Đến nay anh đã có trong tay hàng trăm cổ vật qua các niên đại. Niềm đam mê của anh cùng 10 nhà sưu tầm đã làm ra cuộc trưng bày để giới thiệu những cổ vật hiện hữu cho mọi người chiêm ngưỡng mà điều quan trọng là để cho thế hệ ngày nay hiểu được văn hoá, đôi bàn tay khéo léo của cha ông; đồng thời lan toả tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ ngày nay.
Trong ngày đầu của triển lãm, chúng tôi cùng với khoảng 300 người đã đến tham quan. Đây là sự kiện văn hoá đầu tiên trưng bày gốm sứ Nam Bộ do các nhà sưu tầm tổ chức tại tư gia trên mảnh đất Tây Đô, là niềm tự hào của bà con miền Tây Nam Bộ nói chung và của những người con Họ Dương nói riêng. Dương Gia Chi Bảo đã góp phần sưu tầm và gìn giữ văn hoá của cha ông. Khi ngắm nhìn cổ vật, chúng ta như gặp lại các vị tiền hiền, đắm chìm trong không gian của người xưa để thấy trân trọng, tự hào hơn.
Hy vọng không gian trưng bày sẽ mang lại sự cảm nhận sâu sắc và ý nghĩa đối với khách tham quan, đồng thời góp phần tôn vinh bàn tay tài hoa, nghề thủ công truyền thống, những giá trị tinh hoa văn hoá dân tộc, nét độc đáo, đặc trưng văn hoá Việt Nam và bạn bè thế giới.
Dương Hồng Nương