Truyện ngắn tác giả trẻ Phát Dương ở Cần Thơ

Cây bút trẻ Phát Dương tên thật Dương Thành Phát, sinh năm 1995, Hội viên Hội Nhà văn thành phố Cần Thơ. Anh đã xuất bản 3 tập truyện ngắn: “Tự nhiên say” – NXB Trẻ 2018, “Mở mắt mà mơ” – NXB Văn hóa Văn nghệ 2020, “Bộ móng tay màu đỏ” – NXB Tổng hợp TPHCM 2020; được trao Giải nhì truyện ngắn Cuộc thi Bút ký – truyện ngắn của Tạp chí Cửa Việt 2018 – 2019, Giải Tư Cuộc thi “Một nửa làm đầy thế giới” năm 2019,…

Tôi mới biết Phát Dương mới độ hai năm đổ lại đây, cũng vì nhờ cái duyên cùng đam mê viết lách mà tình cảm hai con người xích lại gần nhau. Đây là chùm truyện ngắn cậu ấy gửi tặng tôi lần đầu tiên ra mắt. Đọc qua một lượt tôi đã ấn tượng và nhận định cây bút này có thể đi xa tiếp bước con đường văn chương của các thế hệ đàn anh.

TRẦN ĐỨC TĨNH giới thiệu

Tác giả trẻ Phát Dương

CÔ GÁI ĐI TÌM BẦY VOỌC

Tôi thích ra bờ sông ngắm cảnh, trong một ngày nắng đẹp như thế này. Sắc vàng đầy ứ, như người ta đổ ụp can mật ong sóng sánh vừa lấy được từ rừng. Tôi thích ngồi dưới tán cây, để nắng xuyên qua cành lá tìm những kẽ hở tha hồ nhảy nhót trên da thịt. Lúc đó, nhờ sự chọn lọc của biết bao lớp lớp lá dày, nắng vừa đủ để tôi tiếp nhận: Không quá sáng chói và nóng. Điều này cho phép tôi ngắm nắng lâu mà không thấy khó chịu. Ngồi dưới cái nắng chói chang của bầu trời mà báo chí đang bàn luận về biến đổi khí hậu mấy tiếng liền chắc tôi chết khô. Cái gì quá mức cũng không tốt…

Tôi thích ánh sáng. Nhưng thích nắng hơn, thứ ánh sáng tự nhiên nhất của đất trời. Có nắng, tôi thấy được bóng của mọi vật. Hình khối nghiêng nghiêng của cái bàn cái ghế, cong cong mềm mại dáng người, ngộ nghĩnh như con chó con mèo, và đặc biệt là khoảng sân rợp mát bóng cây. Bóng cây kì lạ lắm, một hình thể ghép nối bởi đủ loại hình khối có dày mỏng đậm nhạt đan xen nhau. Có chỗ dày bóng đậm đen mát rượi. Có chỗ mỏng bóng nhờ nhờ, nắng xuyên qua ấm ấm. Có chỗ trống giữa những kẽ lá, nắng tràn qua sáng rực giữa cái đậm-tối-mát của toàn khối bóng.

Tôi ngồi đếm những chỗ trống nắng xuyên qua như vậy, lấp lánh trên mặt đất. Có nắng tôi mới biết được tán cây dày ken lá như kia mà còn biết bao nhiêu là chỗ hở. Có nắng tôi biết chỗ nào nhiều bóng râm mà đứng. Chứ thấy đâu đứng đại, lát xui rủi ngay chỗ nắng hắt có mà nóng bể đầu. Thi thoảng, nhìn nắng tôi lan man nghĩ về lòng người. Giá rõ ràng như bóng cây dưới nắng, tôi đã có thể thấy để chọn chỗ mà đứng cho êm tình mình. Lòng người sao mà y hệt bóng cây, ngó đặc quánh đó mà thật ra bọng xốp lỗ chỗ. Ai xui xẻo đứng chỗ hở thì chịu nắng hành suốt đời nóng lạnh.

Tôi gặp cô gái ấy giữa buổi chiều chang chang nắng. Một cô gái kì cục hơn tất cả những người tôi từng gặp trong suốt hai mươi mấy năm tồn tại gộp lại. Tóc dài đẹp, da mướt rượt, dáng nhỏ nhắn thon gọn. Mà chắc có vấn đề. Ai đời con gái người ta giờ này chui tuốt trong nhà coi tivi hay ngủ trưa, hoặc đắp mặt nạ, để hưởng cảm giác mát mẻ và giữ làn da trắng trẻo thì cổ ngồi dưới nắng mà bưng mặt khóc. Khóc kì cục lắm, không có tiếng mà chỉ có nước ứa khỏi kẽ tay rớt lộp độp xuống đất loang ướt. Mà nhiều nắng quá, thành ra đất vừa điểm lốm đốm đậm màu bởi nước mắt đã nhanh chóng trả lại màu nâu bạc nứt nẻ.

Thấy con gái khóc mà phớt lờ coi cũng kì. Mà quan tâm lỡ nói đụng chạm gì người ta khóc dữ hơn còn kì gấp bội. Định để yên cho cô nhỏ khóc chán thì tự đứng lên phủi đít quần đi về, nhưng không hiểu sao tôi nổi cơn cất tiếng trống không:

– Vô đây khóc cho mát nè. Khóc chỗ đó ai coi.

Nghe tiếng, cô gái ngẩng đầu khỏi hai bàn tay với những ngón thon dài ngó về phía tôi. Chắc xác định chủ nhân tiếng nói là một thằng ấc ơ vô duyên, cổ ngó tôi lom lom. Đôi mắt loang ướt của cô gái xoáy vào tôi, nghe chết điếng. Một đôi mắt nhiều tròng đen, sâu thẳm như mặt hồ buồn bã có thể nhấn chìm cả thế giới, dĩ nhiên nhấn chìm tôi cái một. Một đôi mắt biết nói, vừa trong veo trẻ thơ vừa trầm mặc nét đời. Chắc đã trải qua nhiều lận đận.

Khi tôi tỉnh hồn, cô gái ấy đã tiến tới sát rạt. Cổ ngó tôi, ý hỏi chừng nào mới chịu dịch sát vô cho người khác ngồi. Tôi lúng túng quay mặt chỗ khác, nhích người khỏi điểm giữa của cái ghế đá gãy càng sứt gọng cho cổ ngồi xuống. Vừa an vị, cô gái lập tức triển khai tư thế cũ, tức là chụm hai bàn tay cũ rồi úp mặt vô trỏng khóc. Hệt như trên đời này cổ chỉ có một việc duy nhất là khóc. Thiệt tình…

– Mắc gì khóc hoài vậy? Bồ đá hả? – Tôi lại hỏi trống không, cho có chuyện để nói.

Hình như chán khóc rồi, cổ ngồi dậy, đưa tay chùi chùi khóe mắt.

– Tôi đi kiếm bầy voọc.

Tôi giật mình vì giọng nói. Không phải giọng đặc sệt miền Tây như tôi mà là giọng miền Trung hơi khó nghe đối với những người suốt ngày chỉ quen tai rặt giọng làng giọng xóm xung quanh. Nhưng tôi giật mình về cái thứ hai nhiều hơn. Cái trớt quớt của câu nói. Điên hả trời, hết chuyện ở Sóc Trăng mà kiếm voọc. Trong vùng này kiếm khỉ thì may ra còn có, mà phải vô tuốt trong rừng rú, vô mấy chỗ hoang sơ chớ ở ngoài người ta bắt bán hết rồi. Tới chuột đồng còn hiếm, nói chi thú rừng.

Tôi biết con voọc. Biết qua báo chí thôi. Nghe nói ở bán đảo gì đó tuốt mị ngoài Đà Nẵng.

– Có tiền không? – Tôi ngó lên trời, giống như là hỏi cái cây đang cho bóng mát.

– Chi? – Cô gái nhìn tôi, đôi mắt đen càng tròn (lòng tôi càng muốn chết trong cái đen tròn đó).

– Bắt xe ra Đà Nẵng chớ chi, ở đó voọc thiếu cha gì.

– Không… – Cô gái lắc đầu, mái tóc dài rung rung theo rồi im lặng rất lâu. Khi bóng lá đã chệch hướng khác, cổ mới buông giọng nghe buồn như buông rớt một viên sỏi đẹp vào lòng sông ngầu đục – Đi hết rồi. Tôi theo dấu không kịp.

Tôi nhếch miệng, nửa như cười, nửa như không. Trời trời, cổ nói chuyện giống như mới ở Đà Nẵng về cái độp. Mà thật thì liên quan gì tụi voọc bỏ đi. Con người còn không rời nổi quê mình, nói chi con thú là đi dễ vậy. Người gì càng lúc càng thấy kì cục. Chắc là trời nóng nên đầu óc không minh mẫn mấy. Hoặc mới ngoài miền Trung vô chưa quen khí hậu nên đâm sảng. Hoặc bị bồ bỏ nên sinh vấn đề. Hoặc cổ giỡn chơi, nên lấy chuyện con voọc mới coi trên mạng ra nói đại khỏa lấp cái buồn của mình. Cũng phải, tôi với cổ là người dưng mới gặp, mắc gì phải nói thật với nhau. Gặp giờ, ai chắc mai gặp nữa mà thật thà chi cho mệt lòng.

Tôi bỏ vô nhà. Tới giờ đi rước má ăn đám xóm trên về rồi. Đợi lâu má rầy chết. Tôi vô mà không từ biệt. Cô gái cũng không nói gì. Tôi đi, bỏ lại tán cây xiên lỗ chỗ nắng và cô gái có ánh mắt đeo đá ngoài sông.

***

Bữa nay tôi không định ra ngoài mé sông đếm bóng nắng nữa. Tôi sợ gặp cô gái kì quặc hôm bữa. Tôi sợ cái ánh mắt đen thẳm ấy nhấn xuống đáy sâu, trong khi lòng tôi vốn đã thừa mứa nỗi buồn.

Tôi mới bị bồ đá. Ừ, là tôi chứ không phải cô gái kì cục đó. Quen nhau từ hồi giành chiếc dép chơi tạt lon tới hồi lần đầu biết đỏ mặt khi mắt chạm phải ngực áo căng tròn, tưởng cuối năm có cái đám cưới để sống chung ấm áp tới cuối đời như ba má mà không được. Bồ tôi lấy chồng rồi. Đám nói mới tuần trước. Cuối tháng làm luôn đám cưới. Lấy chồng thành phố xong dọn ra đó ở. Nực cười là gửi thiệp mời cả tôi, và ba má. Chắc tôi sẽ đi, sẽ ăn nhậu ừng ực hết chai rượu đế, sẽ chờ rượu hâm nóng máu lên mà giựt lấy micro hát một bài máu lửa. Hừng hực vô, vui tươi vô cho bồ hụt biết dù bị nó đá đau điếng nhưng tôi không hề gì. Mà tôi sợ mình không làm được. Rượu làm người mất kiểm soát. Ai chắc được mình không yếu mềm. Xỉn rồi ôm mặt khóc phá đám cưới người ta thì nhục.

Vậy là sang tháng bồ cũ thành người thành phố. Sang năm thì tới tôi. Không phải tôi cưới vợ thành phố rồi ở rể, tôi đi hiên ngang hơn. Chú Út mới về hôm bữa, đòi má tôi bán hết ruộng đất ông bà rồi lên thành phố ở. Lên Sài Gòn hẳn hoi. Má không chịu thì chú quậy, đem nước mắt đem nợ nần đem đủ thứ chuyện ra kể, van nài, kêu la. Đem cái chết của ba tôi ra làm cớ. Tôi chưa đủ lớn để hiểu sự rắc rối của câu chuyện, chỉ thấy thương má mà đâm ra giận chú. Má khóc nhiều, rấm rức trong đêm. Còn ban ngày là những lần tay áo bà ba úa màu quẹt ngang dòng nước mắt mới ứ.

Má người vùng này. Lấy chồng cũng ở quê. Từ ngày ba tôi mất vì tai nạn, nghe đồn đại là do không hợp tuổi cất nhà mà còn cố, má một mình nuôi tôi khôn lớn cũng ở đây. Má nói tôi ăn tình làng, uống nghĩa xóm mà cao mà khỏe. Hợp đất nên tôi mau lớn, thịt da chắc nịch, ít có ngày đau ốm. Chẳng bù cho ba mày, má hay thở dài khi nhắc.

Cứ tưởng má sẽ chết ở vùng này, nằm xuống cạnh ba tôi, cạnh ông bà đã bao đời ngủ sâu dưới lớp đất quê. Chết ở đây cho hòa làm một với đất mà nhìn con cháu đời sau lớn tiếp. Vậy mà khi tóc đã rõ hai màu rạch ròi, đùng một cái cậu bắt rứt ruột mà đi. Rời đất này, chắc má chết liền chứ chờ chi tới ngày xuống lỗ. Không phải cái chết sinh học thể xác, mà là bởi nhát chém bén ngọt của tình người trong lòng. Má không chịu đi, cậu Út kiện ra thì cuối cùng cũng giành đất mà bán được. Lúc đó thì còn gì tình nghĩa. Má nghĩ tới tôi nữa, tới lời hứa cậu sẽ lo cho tôi một tương lai sáng lạn hơn trên Sài Gòn nên đành nuốt nước mắt mà gật đầu. “Chị muốn thằng nhỏ cắm mặt ăn sình ăn đất ở chỗ quỷ này rồi chết như anh Hai tui sao?”. Cậu ác chi mà nỡ xát muối vô lòng người đàn bà đã có quá nhiều vết thương được gọi là chị dâu hả Út?

Tôi không biết làm người thành phố có gì vui. Người người xung quanh tôi ùn ùn kéo nhau ra phố. Đi kiếm tiền, đi trả nợ, đi đổi đời. Ai cũng mơ một cái gì đó sáng sủa ập chiếu vô đời họ. Họ không nghĩ được tới lúc khi ánh sáng ập tới, họ sẽ để cả thế giới nhìn rõ ra mình khuyết bao nhiêu lỗ rồi. Càng gần ánh sáng, cái bóng của mỗi người càng đen và đậm đặc, càng hiện rõ rạch ròi chỗ khuyết.

Tôi không biết mình đi là để thay đổi tương lai, đi như một cơ hội hay lủi thủi vì bị đuổi khỏi cái bóng mát an toàn ruột thịt. Đất không đuổi, mà lòng người đuổi. Chắc lên đó rồi tôi với má khó lòng quen nổi. Tôi sẽ nhớ biết bao mùi sông ngan ngát phù sa, nhớ tấm lưới tôi đã bao lần bắt cá, sẽ nhớ khu vườn có trái chín theo mùa tôi ăn đến ngán, sẽ nhớ con cá câu dưới mương ỏng eo chê ít thịt, sẽ nhớ ngay cả cái chỗ ùn con trùn đất mé vườn hay con mối bay lạc đầy trời khi mùa mưa tới… Sẽ nhớ cả chính tôi, một thằng bé được nuôi lớn hoàn toàn bởi đất này, chưa một lần pha tạp một luồng không khí vùng khác. Ai dám khẳng định rằng khi bị bứng khỏi đây và cắm rễ ăn nhờ đất khác, tôi vẫn còn vẹn nguyên là tôi nữa? Chắc sẽ buồn lắm, khi hai mẹ con ngồi canh chương trình tivi có vài phút ngắn ngủi lia máy quay qua một huyện nhỏ ở Sóc Trăng. Chắc sẽ xót xa lắm, khi má không nói câu: “Mày y hệt tánh cha mày”, mà ngậm ngùi “hai chú cháu mày giống hệt nhau”.

***

Tôi định tắt điện thoại bỏ vô túi sau khi đọc cho má nghe tin nhắn cậu Út gửi. Nhưng buồn quá, tôi lên mạng chơi. Coi hài chán tôi chuyển qua coi lung tung mấy tin tức tầm phào. Mắt tôi lướt qua những bài báo giật gân không vô tới não. Lướt hoài, lướt hoài vô định. Ngón tay chỉ khựng lại, giẫy lên trên màn hình điện thoại rồi truyền tín hiệu cho não tỉnh dậy. Tin con voọc.

Chèn ơi, cô gái kì cục hôm bữa nói không sai. Chắc do cổ đọc báo nhiều. Bầy voọc trên bán đảo Sơn Trà đã mất dấu sau mấy đợt người dân lén phá rừng. Lâu rồi không ai nhìn thấy mấy con voọc ngũ sắc chuyền cành kiếm ăn trong lá phổi xanh của Đà Nẵng. Tự dưng, tôi thấy cô gái ấy nói thật mọi chuyện. Có lẽ, cổ có mối bận tâm gì đó sâu sắc lắm đối với những con linh trưởng quý hiếm ấy. Hoặc có lẽ, cổ muốn mượn chuyện con voọc để gửi gắm những tổn thương của lòng mình, chờ một người tinh ý đủ tế nhị và kiên nhẫn bóc tách ra để hiểu. Hoặc có lẽ, cổ giống tôi, giống con voọc, sắp bị gạch tên khỏi vùng đất từng chứa đựng mình.

Tôi lang thang ra mé sông. Hôm nay không nhiều nắng. Cô gái kì cục ngồi trên cái ghế đá sứt mẻ của tôi, bên mé phải, chừa mé trái như chờ đợi tôi. Hôm nay cổ không khóc, tôi thấy vậy mà yên lòng. Chắc cổ hết nước mắt, hoặc nghỉ sức cho đợt khóc kế. Tôi thì mong thời gian đã xoa dịu chút nào đó trong lòng cổ hơn.

Tôi ngồi xuống bên mé trái. Hai chúng tôi không biết nói gì với nhau, cứ ngồi im lặng như vậy nhìn bóng cây chuyển hướng dần. Như thể chúng tôi muốn hòa tan vào bóng cây để đất nuốt hết, để được nhập trong đất này mà ở lại. Có như vậy mới không bị bất cứ lý do nào bứng đi được. Hoặc chỉ có tôi muốn vậy. Chúng tôi ngồi im, như hai con linh trưởng muốn từ bỏ sự tiến hóa mà trời đất hào phóng ưu tiên để trở về cuộc sống hoang dã công bằng. Chắc chúng tôi sẽ ngồi im như vậy mãi, chờ cho đến bữa cơm chiều mạnh ai nấy về nhà xúc một tô bự bỏ bụng để có sức mà tiếp tục tồn tại. Tiếp tục ngồi im nhìn những thứ yêu thương bị giựt khỏi tay mình. Nhưng, cổ không muốn im lặng cam chịu.

– Anh sắp đi, phải không? – Cổ lên tiếng, ném ánh mắt lặn ngụp xuống lòng sông.

Tôi hơi giật mình. Rồi tôi gật đầu, rất nhẹ, như gió khều cho chiếc lá vẫy. Đa phần người ở đây đều sắp rời đi mà. Chắc cổ hỏi chỉ có chuyện để hỏi. Hay con gái vốn nhạy cảm với những chia ly?

– Tôi cũng sắp đi – Cổ quay qua nhìn tôi, đôi mắt tròn đen thoáng nét buồn rấm rứt.

– Đi mô? Lên thành phố hề.

– Không. Tôi tránh xa những chốn ồn ào. Tôi đi về vùng yên tĩnh theo dấu bầy voọc của tôi. Tôi đã đi qua Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… xuôi xuống Lâm Đồng, Đồng Nai… rồi tới đây mà vẫn không thấy tin bầy voọc. Tôi lại đi tìm tiếp.

Tôi thôi ngạc nhiên. Tôi thôi nghi ngờ. Tôi dùng sự im lặng cố vá những lỗ hổng của mình, để lắng nghe câu chuyện của cô gái. Tôi không thắc mắc vì sao một cô gái bé nhỏ lại có thể đi xa như thế chỉ vì một bầy voọc. Cổ là một nhà khoa học? Một nhà sinh vật học hay cụ thể hơn là một nhà linh trưởng học như báo chí hay nói? Tôi không quan tâm. Giờ đây, tôi chỉ biết là tôi sắp sửa cũng sẽ như cô ấy. Sau khi lăn lộn, sau khi trộn tạp nham đủ thứ nhu cầu mưu sinh như cậu Út, biết đâu tôi sẽ sẵn sàng đi khắp nơi để tìm kiếm bất cứ thứ gì khả thi liên quan chắp vá lại mình. Tự dưng, nếu không phải lo cho mẹ, tôi cũng có mong muốn được đi theo cô gái kì quặc này trong hành trình tìm bầy voọc. Trên hành trình ấy, biết đâu tôi tìm được chính mình.

– Cô định đi đâu tiếp theo? – Thật lâu sau tôi mới buông được câu hỏi nhát gừng.

– Tôi không biết nữa –  Cô gái lắc lắc lắc mái tóc đen – Tôi cứ đi vậy thôi. Chỗ nào có tin tôi lại đi.

– Sao cô tìm tới chỗ này?

– Tôi nghe nói ở đây có người mua được một con voọc ngũ sắc bắt trộm từ Đà Nẵng. Tôi muốn gặp nó, hỏi nó tin về bầy. Mà người đó mang nó đi rồi, tôi không tìm kịp.

Tôi tự nhiên cười. Thấy mình điên khùng quá đỗi. Tôi không hiểu mình đang làm gì nữa. Sao tôi lại ngồi đây, nghe câu chuyện tầm phào từ cô gái xa lạ. Nghe câu chuyện về bầy linh trưởng bị đuổi khỏi vùng đất của mình. Sao dù đã cố gắng, tôi vẫn không hiểu được những ý nghĩa cô gái gửi gắm bên dưới câu chuyện hoang đường về người nói chuyện được với voọc. Tôi cười, mà nước mắt ứa. Tôi úp mặt vào tay, khóc như một đứa trẻ. Khóc ngon lành như cô gái buổi đầu tôi gặp. Tôi cảm nhận một bàn tay nhỏ nhắn mềm mại xoa xoa lưng mình. Chắc ai đó sẽ buồn cười lắm khi nhìn cảnh này: một cô gái mảnh dẻ ngồi dỗ thằng con nít đen đúa to xác.

Khi tôi khóc chán chê, cô gái đã không còn ngồi cạnh nữa. Cô ấy đã đi đâu mất rồi. Chỉ có cành lá rung rinh, rung rinh như vừa có thứ gì lướt qua đi vào vườn thẳm.

***

Đêm qua, tôi có một giấc mơ kì quặc. Tôi thấy mình là một con voọc ngũ sắc sống trong rừng rậm. Cô gái kì lạ tôi đã gặp là một con voọc ngũ sắc khác, tôi nhận ra bằng đôi mắt biết nói. Chúng tôi có bầy. Tất cả sống cùng nhau yên bình. Ngày ngày, chúng tôi ăn trái sung, lá đa và nhiều loại lá cây khác tôi không biết tên. Lúc trời mát, chúng tôi ôm nhau ngủ trưa trên cây. Cuộc sống êm ái như tuổi thơ tôi vậy.

Tự nhiên, mắt chúng tôi cay. Nước mắt ộc ra. Khói đến, khói nhiều lắm. Hung thần lửa lè lưỡi liếm cháy xém hàng cây. Chúng tôi bỏ chạy tán loạn, mỗi người một ngả. Chúng tôi phờ phạc sau cuộc xua đuổi của con người. Đói, có đứa lén bò ra đường để băng sang rừng cây bên kia, chết ộc máu dưới bánh xe máy vội vã. Có đứa sa bẫy, bị bắt lên đĩa nhậu. Có đứa đói ăn quá, hoảng loạn ăn nhầm ni lông, nghẹn cổ chết. Bầy chúng tôi thưa dần. Nhiều đứa bỏ đi xa, thật xa, xa nhất có thể. Miễn là thoát khỏi tay người.

Tôi tự trấn an mình sau giấc mơ quái dị. Có lẽ là do tôi ám ảnh bởi câu chuyện của cô gái có đôi mắt loài voọc. Câu chuyện ám ảnh đến mức tôi bỏ thời gian tìm hiểu về loài linh trưởng được mệnh danh nữ hoàng. Đọc nhiều, tự dưng thương.

Nghe đâu người ta sẽ xây những tòa nhà chọc trời ở Sơn Trà. Những khu vui chơi, khu du lịch. Người người sẽ ùn ùn kéo tới, vui vẻ và hớn hở. Bầy voọc sẽ bị xua đuổi, sẽ phải bỏ trốn khỏi quê hương có mình. Tôi tự thấy chúng có khác gì mình đâu. Tôi cảm thấy mình chẳng qua chỉ là một con voọc lạc bầy. Tại sao tôi không cảm nhận được điều này sớm hơn, sự thương cảm ấy, khi hàng ngày đập vào mắt tôi ra rả thông tin tuyệt chủng của từng loài? Sao tôi không nhìn ra sự bất công sớm hơn?

Có lẽ, vì khi ấy tôi chưa bị ép rứt rễ rời khỏi vùng ruột thịt. Thói thường là thế mà. Người ta không nhìn thấy sự bất công khi nó chưa xảy đến với người ta. Cũng như người ta sẽ không thể thật sự đồng cảm khi chưa trải qua những điều tương tự.

Đêm nay, tôi sẽ rời đi khỏi vùng đất này. Mọi thứ đã xong hết rồi. Đất đã bán, cậu Út đã nhận tiền. Tất cả kỉ niệm và linh hồn sẽ nằm lại đây giẫy chết từ biệt hai thân xác rỗng rời đi. Thứ gì sẽ chờ đợi tôi nơi ngập tràn ánh sáng nhân tạo? Chắc là những lỗ hổng vuông vức, to lớn rực sáng giữa những cái bóng khổng lồ dài sọc đan chéo, dùng để phân biệt lồng chứa của người với người.

Cậu Út dẫn má con tôi vào nhà cậu. Nhà cậu lớn lắm. Chắc bằng cả ngôi nhà của tôi cộng khu vườn cộng mồ mả ông bà gộp hết lại. Mỗi người có phòng riêng, để ngăn sự phiền phức chung chạ. Sau chuyến đi dài như đời người, má tôi thấm mệt nên theo mợ lên phòng nghỉ. Tôi cũng mệt, nhưng tôi muốn tìm một thứ gì khả dĩ mang chút đỉnh hơi thở quê hương để hít căng lồng ngực trước khi bị pha tạp. Tôi lần ra vườn, cái vườn cậu hay khoe với mọi người có đầy đủ thứ cây cảnh quý hiếm lẫn thú nuôi độc lạ.

Đúng như lời cậu. Tôi đảo mắt xung quanh. Những cây bon sai đặt ngay hàng cắt tỉa cầu kì không thèm nhìn tôi. Những con cá vàng đầu lân bự hơn nắm tay trong cái hồ to ở giữa vườn thì ngây ngô ngó tôi như chào mừng một đồng loại mới bị nhốt vào vườn. Hoa lan rực rỡ đủ màu treo đầy trên những nhánh cây. Lũ chim trong lồng đua nhau nhảy nhót, hót loạn xạ. Một tổng thể lượm lặt cố bày trí bắt chước cảnh rừng nhưng chỉ đủ thể hiện gu thẩm mĩ hời hợt của chủ nhân.

Mắt tôi dừng lại ở cái chuồng bự đặt trên cây nhãn cổ thụ. Đôi mắt của loài vật trong chuồng nhìn tôi như gửi một sự cầu cứu yếu ớt. Một đôi mắt to tròn đầy tròng đen ướt nước. Đôi mắt như đáy hồ sâu có thể nhấn chìm tôi vào đó. Đôi mắt như đôi mắt cô gái ngày nào ngồi khóc ở mé sông.

Cậu bước vào, đập tay lên vai tôi bất ngờ.

– Đẹp he mày? Tao mua hồi đợt về quê đó. Nghe nói giống voọc này hiếm lắm.

Tôi không nói gì cả, chỉ đứng im nhìn con voọc ngũ sắc. Mắt chúng tôi chạm nhau đau đớn. Chúng tôi đứng nhìn nhau từ hai cái chuồng, một nhỏ hữu hình, một lớn hơn vô hình.

Tôi đứng yên mà mơ về giấc mơ bầy voọc.

NHÀNH CỦI KHÔ TRỔ LÁ

Coi bộ lần này dì làm thiệt. Mất một triệu, dì tin chắc mẹ lấy, bù lu bù loa chạy lên Sài Gòn méc ngoại. Ngoại móm mém kêu bây coi kĩ chưa, con Hai nó đâu có tham. Dì lau nước mắt, chân mày nhướn lên, chớ lần trước con bắt gặp chỉ lấy năm trăm ngàn má nói sao. Ngoại thở dài, chỉ biết ờ ờ, không vắt nổi lý do nào cho đứa con gái lớn nghèo khổ của mình mà vừa lòng được đứa con gái nhỏ.

Mẹ không lấy một triệu đó, nhưng dì không tin. Một lần bắt gặp, dì đổ hết những mất mát đều do mẹ. Dù mẹ khóc giơ tay thề nói xạo xe đụng, dì vẫn tỉnh bơ giữ nguyên mặt lạnh, ủa lần trước sao xe chưa đụng chị ta. Mẹ cứng họng mắc nghẹn tiếng nấc, thở không được ôm ngực bỏ về. Dì đứng ngó theo dáng chị mình xiêu xiêu như đám lá khô bị gió đẩy, chửi đổng con chuột ăn quen mò hoài hủ gạo. Suốt đoạn đường về nhà, mẹ rải nước mắt ướt đầm chân.

Nguyên cớ năm trăm ngàn là do tôi, đứa con yếu ớt ba bốn bữa bệnh một lần nhẹ, nửa tháng nhập viện một lần. Té cầu thang ruột xoắn vô nhau phải mổ gấp để gỡ, không có dì ở nhà để hỏi, mẹ tính mở tủ lấy đỡ đóng viện phí rồi nữa trả lại sau. Dì về ngay lúc cánh tay run run của mẹ nhét tiền vô túi quần, cửa tủ tiền còn chưa đóng. Hình như nắng hôm đó cháy quá, hình như dì mới cãi lộn với chồng, hình như lô quần áo kì này âm vốn; tất cả khiến dì nổi điên trước khi kịp nghe mẹ giải thích. Dì la làng, để hàng xóm xông vô coi chị mình ngồi bệt dưới đất, mồ hôi cùng nước mắt đã đẫm ngực áo.

Mẹ không lấy gì cả. Tiền cũng đã trả lại. Những lần sau ai biết cơn cớ gì mà mất, tiếng oan vẫn lôi mẹ ra chồng tên. Mẹ bị hai chữ “ăn cắp” đè lên, đi chợ không ngẩng mặt nổi chào bà con. Bữa dì nói mẹ không cần ra coi phụ tiệm quần áo của dì nữa, mẹ cũng khóc. Nước mắt chảy ra như máu trắng của cây, khi người ta rạch dao vào thân gỗ từng nhát bén ngót.

Dì nói từ mặt mẹ, khi tiền hốt hụi không cánh mà bay. Đúng bữa mẹ ghé ngang, xách theo con cá lóc mập ú ba câu được ngoài ruộng cho dì. Dì khóc ngất, hỏi sao chị ác với tui vậy. Dì chặt đứt tiếng ú ớ tìm câu đáp lại của mẹ, thôi thôi chị đừng nói nữa tui không muốn nghe. Mẹ chỉ biết chết trân, con cá lóc tuột khỏi tay còn nguyên cọng dây xỏ ngang mang lách tìm chỗ thoát.

Mẹ về, lượm giữa đám củi đang phơi trong sân một cây khô đét. Đít quần đáp đất như đứa nhỏ dọc dơ, hì hục đào, cắm, vun. Mẹ trồng cây củi khô, đưa tay áo quẹt nước mắt nghẹn biểu khi nào nó lên chồi tao mới nhìn mặt dì mày. Mẹ đi ra nhà sau, không màng phủi đất cát bám đầy người. Bóng tối như đang phủ lấy mẹ, nuốt mẹ vào bụng của nó, hay chính mẹ đang trốn vào nó, trở thành một phần của nó…

***

Đi thăm thầy ngang qua tiệm dì, tôi nói thấy ế quá, mẹ coi như không nghe. Mẹ vẫn lựa những hạt đậu hư ra khỏi rỗ đậu, chuẩn bị ngâm qua đêm mai nấu chè cúng rằm. Chè đậu trắng, thứ chè dì thích nhưng chẳng bao giờ ăn nữa, nếu là mẹ nấu.

Tôi vuốt đầu con mèo đen, nó kêu ngao ngao trộn trong lời tôi, con nghe người ta nói dì dượng ly thân rồi. Con Mì ở với dượng, dì ra tiệm ở luôn. Mẹ vẫn điềm nhiên lựa đậu, quăng cả những hạt nguyên căng mẩy ra sân. Lũ gà khoái chí ùa tới nhặt, lâu lâu mới được bữa ngon.

Tôi dò coi ý mẹ, nhưng không thấy gì trên gương mặt mà những nếp nhăn đang đậm thêm mỗi ngày. Mẹ tỉnh bơ như nghe kể chuyện người ta đi chợ mua rau, như thể thằng nam chính trong bộ phim Đời giang hồ chiều nay có bị bọn ác hãm hại không còn đáng để quan tâm hơn.

Tôi ngó ra sân, đâu hay vô thức đụng ánh nhìn của mẹ, khi cả hai đều cắm mắt vào cây cũi khô đứng sững kế bàn ông thiên. Mưa tới, mặc cỏ đã phún lên xanh rì dưới chân, mặc mớ dây leo lấn lên nhờ chỗ tựa; nó vẫn tong teo như trước. Nước có ngấm vào trở nên sậm màu hơn, nắng lên vài trận trở lại khô cong như đá tảng. Củi khô đời nào mọc chồi nổi.

Đời nào?

***

Mẹ hầm hầm về nhà, quật đám rau muốn tan nát xuống sàn nước. Mấy con cá rô trong bọc xổ ra đành đạnh búng thân, mẹ thò tay chụp lấy, gai cào ngón cái bật máu không hay, quăng vô rổ dộng mạnh cán dao. Mấy con cá nằm ngay đơ, đuôi không giẫy nổi, máu ọc ra khỏi mang. Mẹ mở vòi nước, dòng lạnh xối ào ào tuôn. Cuốn hết máu, cuốn sạch nhớt, ống bọng uống quá nhiều nước kêu òng ọc mấy tiếng, mẹ mới hay. Ngó ề rau bầm dập lá nằm một bên, mấy con cá trắng ớn nằm một bên, nước linh láng chảy, bọc trứng còn trong giỏ không biết bể hết chưa tươm lòng trắng ra nhớt nhợt; mẹ thờ thẫn đứng lên. Lại ngồi xuống, nước không khóa ngấm vào quần. Ngấm lên áo. Như ngấm ngược luôn lên đầu. Mẹ ngồi giữa sàn nước, ôm mặt. Ngón tay máu vừa kịp đông giờ gặp nước mắt lại rỉ ra, thành những dòng máu mặn luồn theo kẽ tay ngả đỏ.

Đợi mẹ bình tĩnh lại, tôi mới dám hỏi chuyện. Hồi nãy mẹ đi chợ trên thị trấn, gặp dì. Mẹ cất tiếng định kêu, dì coi như không thấy, đi phớt ngang qua. Vai dì né mẹ, chân theo đà nghiêng đạp xuống vũng sình văng tung tóe dơ óng quần kaki trắng nõn. Dì ưa sạch sẽ, vậy mà…

Nếu có nhiêu đó, mẹ còn nhịn được. Sượng trân cầm giỏ bước đi, chưa kịp quẹo vô quầy thịt đã bị tiếng dì cùng mấy người bạn níu dép. Nghe đâu bàn vụ án trên tivi, anh em trong nhà giành miếng đất chém nhau đổ máu. Vụ đó lớn, mẹ cũng biết. Biết cả câu dì sẽ nói, anh em khác cha bởi đâu có thương nhau. Dì lặp lại mấy lần, bằng cái cách người ta khoan đi đi khoan lại mũi chồng mũi lên bức tường để lần lượt bắt từng con ốc vít lớn hơn. Tới khi chỗ khoan tuầy huầy người ta nhổ ốc bỏ đi, để cái lỗ sâu hoắm trơ đó vĩnh viễn trên bức tường. Mắt dì liếc hờ về phía mẹ, khi nói. Khi lặp lại. Khi nhấn từng tiếng như nhấn mũi dao vào da thịt mẹ. Từng tiếng trì nặng, tới mức chân mẹ đi không nổi phải lê, đôi dép lào nổi tiếng bền đứt quai nằm lại bên sạp rau.

Tôi dán băng keo cá nhân vô gót chân mẹ, sau khi đã chùi sạch máu đông bện cục. Mẹ khóc bằng lời. Mẹ kể lại những chuyện tôi đã nghe tới thuộc lòng. Rằng dù mẹ với dì khác cha, mẹ vẫn thương dì gần chết. Tôi không cản, để mẹ cứ nói. Không thể ngăn đợt lũ bằng con đập chắn dựng lên đột ngột. Phải mở cửa xả bớt áp lực nước đi, con đập mới mong chịu tiếp nổi lâu dài.

Ông ngoại bỏ mẹ đi khi còn nhỏ xíu, ông ngoại ruột của tôi. Bà ngoại đi thêm bước nữa, bỏ mẹ cho ông cồ nuôi. Tới lúc đẻ dì, bà ngoại xuống bắt mẹ tôi về giữ em. Một tay mẹ lo cho dì, chứ bà ngoại đi suốt đâu dòm ngó gì hai chị em. Dì bám dính lấy mẹ, đi đâu cũng phải cặp nách ngang hông. Đi chợ, nấu cơm, chẻ củi, gánh nước. Đi học cũng đem theo, gửi hàng xóm sợ họ không coi dì đàng hoàng, thời đó nhà nào cũng con đông nhờ vả khó lòng. Mẹ vừa kể vừa vạch áo chỉ cho tôi coi vết sẹo trên lưng quần, chỗ dì tì bám vô, ẵm riết bí da mồ hôi ăn tới vầy nè. Hai chị em thân nhau, đi đâu cũng có cặp, cho tới lúc dì đi học. Mẹ bị ngoại bắt nghỉ ngang, nhường cho dì học. Mẹ ở nhà phụ ngoại, lúc đó ngoại ra bán gạo, thòm thèm nhìn em cắp sách tới trường, tối tối chỉ biết đợi em học bài xong mượn sách mượn tập lật coi chơi chơi cho đỡ cơn ghiền học. Vậy đó mà mẹ có than lời nào đâu.

Rồi mẹ lấy chồng, dọn theo nhà chồng về Kiên Giang. Đẻ tôi cũng ở dưới, tôi năm tuổi mới dọn về quê. Dì lúc đó cũng đã lấy chồng. Hai chị em chỉ còn thân được mấy lúc giỗ quải túm tụm gói bánh, nấu chè xôi cúng kiếng. Hoặc nhờ vả nhau thứ này thứ kia, mà chủ yếu là mẹ nhờ dì, vì nghèo. Dì cũng giúp, vui vẻ có, hờn mát có, quạu quọ có. Dần dần từ chối nhiều hơn, khi con Mì ra đời. Tiền bạc đâu dư hoài để lấp vô chỗ thiếu giùm, mà mẹ thì luôn luôn hẫng hụt (phần nhiều do sự yếu ớt của tôi). Lãng tránh từ từ bằng câu hỏi mượn, mẹ với dì cũng cạn bớt dòng máu chung mà nhiều người ác ý hay xỏ xiên đâu có chung được bao nhiêu.

Dì ra mở tiệm bán quần áo, kêu mẹ ra phụ. Vừa có chuyện làm vừa có dịp gần gũi chị em, mẹ mừng húm. Mẹ có duyên buôn bán, nhờ vậy tiệm dì mới đông khách. Khách toàn quay lại vì mẹ, nói mẹ vui vẻ, lựa đồ khéo. Không có mẹ chắc dì dẹp tiệm sớm. Không nhờ mẹ cản chắc dì ham rẻ nhập mấy lô hàng lỗi, đem về bán không được sạch vốn chắc. Từ từ thấy tiệm bán được quá, dì nhập thêm đồ. Coi có mình mẹ sợ bán không nổi, dì kêu thêm đứa cháu của cậu qua phụ. Cậu là em trai cùng cha khác mẹ của dì. Sau đó thì tôi té lầu nhập viện, mẹ lén mượn đỡ tiền dì để rồi từ đó khô hẳn nghĩa tình.

Kể tới đó, mắt mẹ càng đỏ. Mẹ đứng lên, chân rời khỏi tay tôi, miếng băng cá nhân tuột ra để vết thương mới khô miệng lại chà xuống đất. Tôi chậc lưỡi, xót, không biết đương không mẹ đi đâu. Mẹ vô buồng, tìm gì đó.

Tôi chưng hửng nhìn mẹ đem xấp vải cất kĩ dưới đáy tủ ra. Mẹ cầm theo hộp quẹt, trải tấm vải ra đất, châm lửa. Xấp vải mẹ mua chung với dì hồi trước, định may hai bộ đồ giống nhau mặc cặp. Bù cho ngày còn nhỏ nghèo quá có cái áo đẹp nhường tới nhường lui, mẹ chị lớn luôn giành phần cho em, chưa từng thử cảm giác người ta khen hai chị em bận đồ cặp đẹp dữ.

Lửa nhai ngọt từng sợi vải, bùng lên, mùi cháy lan ra theo khói chảy ngược lên trời. Mẹ đứng trong vũng khói xoáy, nước mắt rớt từng giọt vô lửa cũng cháy. Nhìn bóng lưng mẹ mờ trong khói, tôi nhào ra ôm lấy. Tôi sợ mẹ sẽ bước vô đó, cháy như cách tấm vải đang lụi tàn dần, trong ngọn lửa rực rỡ hung hãn.
Bên bàn ông thiên, cây củi càng cằn khô.

***

Thứ có thể khiến một người bám riết đất này mấy mươi năm muốn rời đi, hẳn là ghê gớm lắm. Tôi ngạc nhiên nghe dì đòi theo qua Lào, như đợi sẵn chỉ chờ tôi kể. Tôi có người chị quen biết lâu trong xóm định qua đó mở quán ăn, cần người phụ nên rủ tôi theo.

Chuyến này đi thăm thầy, tôi không định ghé qua chỗ dì. Đường cứ thế mà ngang, tôi chỉ là người đi đường không có nhu cầu sắm sửa, lướt ngang thì nghe tiếng dì kêu lại. Tiếng quen, chỉ người là lạ. Dì nhìn khác quá, ốm đi hẳn. Người đàn bà đẹp ngày xưa khô quắt lại, như cách người ta ướp khô mớ bông thơm. Chỉ đường nét còn gợi chút hương quá khứ từng bung cánh mê dụ bướm ong.

Dì nói sắp đóng tiệm. Chứ buôn bán ế vầy, cầm cự chỉ thâm vốn thêm. Tôi nhìn cửa tiệm của dì, ngày mẹ còn phụ bán nó treo đầy quần áo kiểu cách rực rỡ xếp lớp, giờ thưa thớt những kiểu đồ lỗi thời đóng bụi. Dì có ý định thanh lý hết chỗ đồ còn lại rồi kiếm việc khác làm, như theo tôi qua Lào chẳng hạn. Tôi không biết nói sao, chỉ ừ ừ theo. Những nét mệt mỏi trên mặt dì như cố kể những chuỗi ngày khó khăn đã qua, mà ít nhiều tôi đoán được. Tôi nhìn dì, nhớ mẹ, chỉ biết lén thở dài. Lúc tiễn tôi về, dì đứng trong góc khuất của cánh cửa nhìn ra, như sắp tan vào bóng tối. Tôi chợt thấy hiện lên hình ảnh của mẹ tôi ngày trước, bụng gợn quặn chua xót không rõ nguồn cơn.

Về kể cho mẹ nghe, mẹ chỉ cười trừ. Mẹ trộn cám cho heo ăn, coi như nghe chuyện mấy bà hàng xóm cãi lộn. Mẹ than mấy con heo kén ăn quá, ráng chăm chút tụi nó Tết mới có tiền trả bớt nợ. Tôi cười, mẹ tính trộn cám cho heo ăn nguyên tuần hay gì. Mẹ liếc tôi, tần ngần nhìn thau cám ứ hự, lũ heo cũng giơ mũi đầy cám hít hít người đàn bà đột nhiên bữa nay hào phóng cho ăn quá trớn. Gác thau cám còn quá nửa lên nóc chuồng, mẹ bỏ đi gom củi.

Tôi nói dì có gửi lời hỏi thăm mẹ. Dì kêu đang có dịch bệnh, mẹ đi chợ cẩn thận đeo khẩu trang vô. Mẹ tôi ừ hử, tay cứ đảo đi đảo lại trên ề củi, hết lượm rồi buông. Tôi đoán mẹ đang cười, dù mẹ quay lưng với tôi. Nhưng tấm lưng đó dựng thẳng hơn ngày thường, vai mở ra, giống hệt một nụ cải sắp bung xanh. Mà mẹ làm như không, quay qua nạt tôi, đứng đó nói tào lao mấy chuyện mèo khóc chuột, lo rinh củi vô để mưa ướt hết giờ nè.

Trời có chuyển mưa đâu. Chắc chỉ có lòng mẹ chuyển, cơn mưa sẽ tưới mát đợi chờ đã sắp bạc màu. Bất giác, lòng tôi bị rút mất một khoảng. Khi mắt mẹ nhìn cây củi vẫn đứng kế bên bàn ông thiên, chưa từng có dấu hiệu nào sẽ trổ lá mọc chồi. Tôi lơ đãng nghĩ không biết tối nay mẹ có ngủ sớm không. Nửa đêm ra tráo một cây củi, cũng đáng.

***

Đứa cháu của cậu cuối cùng vẫn không nhận chuyện nhiều lần lấy tiền dì. Chẳng ai rửa sạch chữ “ăn cắp” cho mẹ. Mẹ cũng không màng nữa, khi người mẹ muốn nghe nhất đã không thể nghe.

Trước bàn thờ của dì, đứa cháu cậu vẫn điềm nhiên khấn xin trúng số. Nó nghe ai đó đồn người tự tử chết linh. Mẹ không trách cứ gì, lẵng lặng nhìn khói nhang bốc dày lên, sánh đặc lại, cố cắt nghĩa có lời nhắn nào người đi muốn gửi lại.

Dì đi đột ngột không trăn trối gì. Tin dì tự tử tới lúc mẹ đang đi đám cưới xóm trên, mẹ lăn ra ngất xỉu giữa đám phải nhờ người khiêng về. Không ai biết tại sao dì lại chọn cách đó, dù ai cũng lờ mờ có những dự đoán của riêng mình.

Những bàn tán bỏ mặc mẹ ngồi một góc, chăm chú nhìn đứa em gái cười tươi trong tấm hình chữ nhật lộng khung được rọi ra từ mớ hình hồi còn rạng rỡ của dì. Mẹ đã không kịp gặp dì, không biết được rõ ràng em mình hốc hác ra sao, chưa kịp nghe một câu thở than nào, cũng chưa được đong ngọt tai một lời hỏi thăm trực tiếp.

Cây củi kế bên bàn ông thiên đã được tôi tráo, mọc lá xanh um. Nó lọt thỏm giữa những mỡ màng xanh, bình thường như đám cây cỏ xung quanh. Mẹ biết tôi tráo, mà làm như không hay. Như thật sự có kì tích, ông trời khiến khúc cây khô quắt hồi xanh tràn nhựa, chứ không phải thằng con trai hăm mấy tuổi đầu giữa đêm lui cui cắm xới đã làm điều mình định làm trước mình.

Chỉ là mẹ chần chừ chưa muốn gặp dì ngay lúc đó, dù cớ đã có. Cớ hỏi thăm. Cớ cảm ơn. Cả cớ củi khô trổ lá. Tất cả đã sẵn sàng, chỉ là không biết nói gì khi gặp nhau. Chữ “ăn cắp” ai biết có còn đọng môi người kia, buồn không biết có còn sót men trong lòng người này; gặp nhau lỡ miệng một câu chắc sợi tơ mành khó khăn lần được biết đâu đứt phựt. Vậy thì hối hận cả đời.

Và giờ, mẹ cũng đang hối hận. Khi đã nghĩ quá nhiều, khi không đọc được tín hiệu chới với thông qua tôi mà dì hình như cố gắng thả đi. Thả hư bỏ thư vào chai thả xuống biển mịt mùng rồn rộn sóng mông lung niềm tin có người nhặt được. Nhặt chứ chưa nói đến chuyện đọc. Đọc cũng chưa nói tới chuyện tin. Tin cũng không thể nói chắc chuyện hiểu. Hiểu cũng không hoàn toàn có nghĩa sẽ dang tay.

Phải chi mẹ chịu nhún nhường, làm bộ đảo qua chỗ dì một chút. Vài phút thôi cũng được. Biết đâu sẽ đọc được trong ánh mắt thâm quầng tín hiệu, biết đâu sẽ lượm được trong nếp nhăn trán uất ức, biết đâu sẽ soi ra trong mớ tóc bạc niềm chới với. Hoặc dì sẽ có cớ vịn, bước ra gặp chị mình, mà tìm sợi dây leo lên khỏi giếng sâu hun hút. Một ngọn đèn soi đường đi, trước khi bóng tối kịp quánh đặc khuấy tan cùng nhau thành một khối.

Lần này mẹ không khóc, sao tôi thấy dòng mặn đắng vẫn tồn tại. Đầy ứ hự, sóng sánh, cuộn tròn. Như chính tấm lưng còng khiến dáng mẹ ngồi mang dáng hình giọt nước mắt câm.

Cây củi khô tôi quăng bỏ sau hè, ngày giỗ dì tôi ra dọn vườn bắt gặp. Không biết có phải là rêu không, mà từ kẽ nứt thớ gỗ còi tứa ra nét xanh nhỏ xíu.

NƯỚC MẮT HÌNH NGỌN LỬA

Chị nhìn người đàn bà ôm búp bê ầu ơ ru con, thở dài đưa cây kem dâu, nè ăn chơi. Cô rạng rỡ cầm, bẻ một miếng đút cho con búp bê vải cũ mềm mặt đã rách lòi mớ bông  xơ. Kem tan ra, thấm vào vải, cô hồ hởi nghĩ nó đang ăn thật sự. Ngồi bệt xuống kế bên, chị ăn cây kem đậu xanh của mình.

Nghe đâu người đàn bà này điên vì mất con, tội nghiệp. Mà thật ra ở đây ai cũng tội nghiệp. Ai cũng có nỗi khổ, có lý do để chọn trốn tránh bằng cách điên. Điên là kiểu lãng quên đau đớn của những người chọn cách chối bỏ thực tại mà họ cảm thấy giữa họ và nó không còn hiện hữu sợi dây liên hệ nào. Họ gặp nhau ở đây, nhà thương điên, bằng cách này hay cách khác.

Người ta thường nói người điên đáng sợ. Chị thấy điều đó bình thường. Ai điên lên thì cũng có lúc đáng sợ, và ai mà không từng điên một vài lần trong đời. Chị chỉ thấy thương họ, như thương chính mình. Chị cũng vừa lội khỏi vũng điên của mình, rũ nước chờ lòng khô tỉnh lại. Khi thấy đã khỏe, chị xin làm việc công ích cho bệnh viện. Chị muốn làm điều gì đó cho nơi này, trước khi rời đi. Như làm bạn với những người ngủ trong cơn mê mệt mỏi mà chị đã từng ngủ.

Người đàn bà cắn miếng kem, bật khóc u u. Nước mắt đổ ra ràn rụa, chảy xuống đôi môi thâm nứt nẻ đang trào kem hồng sánh. Tôi nhớ hiệp sĩ mùa đông của tôi. Chị nhặt trong nhiều lời đứt quãng  của cô ráp thành một câu trọn vẹn như vậy. Cũng lạ, chị không hiểu sao mình lại hiểu được cô, như hiểu những người ở đây, bằng khả năng cắt nghĩa thứ ngôn ngữ không rõ lời.

Người đàn bà nói hiệp sĩ mùa đông của bà đẹp trai lắm. Hiệp sĩ đi bỏ nước đá cho mấy quán cà phê.  Cô lúc đó là nhân viên quán Ba Chuồn, một trong những chỗ hiệp sĩ giao nước đá. Nhưng là chỗ ghé lại lâu nhất.

Chị lắng nghe, cắn một miếng kem đậu xanh bùi bùi. Thứ kem quê mùa này ít người chuộng, dù buồn cười là nó thật sự làm bằng đậu xanh, chứ không phải hương liệu pha loãng như dâu như sô cô la như sầu riêng. Cái lạnh ngọt ngào thấm vô kẽ răng, hợp với câu chuyện quá. Chị nhắm mắt, tưởng tượng thành phim cho dễ hình dung. Người đàn bà vẫn ư ư kể, tay không ngừng vuốt tóc con búp bê vải đầy trìu mến.

***

Anh giao nước đá tướng người cao lớn, mặt vuông, vai rộng, da ngăm rắn rỏi. Anh tròng bên ngoài áo cái bao ni long cứng trong suốt cắt hai bên đáy để xỏ tay, ngăn không cho hơi lạnh thấm vô người. Tay đeo găng, chân mang ủng, eo buộc dây cố định bao ni lông. Anh đi làm mà như đi chơi, mặt lúc nào cũng thư thả nhìn về phía trước, ngực ưỡn vai mở, oai như đang đi lập chiến công. Bởi vậy mà Đỗ Miên (tên đi bán cà phê của người đàn bà đang kể chuyện, còn tên thật bà làm rớt mất rồi) tưởng tượng ra anh thành hiệp sĩ.

Anh trút bao nước đá vô thùng, chưa vội đậy nắp mà nán lại làm bộ ngó ra hồ cá coi mấy con cá sáng sớm giành mồi. Mộng Cát đưa cùi chỏ thúc hông Miên chọc, hiệp sĩ mùa đông của mày tới kìa. Anh ngẩng lên hỏi, ủa hiệp sĩ gì cô Cát. Miên xấu hổ không dám nhìn anh, cầm cái mâm nhựa để bưng cà phê che ngang chân mày cũng không giấu nổi màu đỏ đang lan dần. Cát cười cười giải thích, mặc kệ Miên lắc đầu ra hiệu đừng đừng, thì nó nói nhờ anh giao nước đá, quán mới có đá bào bán cho tụi nhỏ. Nên nó nói anh y chang hiệp sĩ đem mùa đông mát lạnh tới, coi khùng không.

Anh gãi đầu, cười hiền. Miên cười ngại ngùng. Cát cười hớn hở.  Bà chủ quán Ba Chuồn tằng hắng, rồi thùng đá hổng đóng tan hết lấy gì bán ta. Anh hết hồn, đậy lại lẹ lẹ. Bà liếc qua hai cô nhân viên, bàn ghế chưa dọn đứng đây dẹo trai tao trừ lương à. Ba người lập tức giải tán, việc ai nấy về làm.

***

Anh hiệp sĩ ngồi bứt trụi hết đám rau dền mọc dại, vẫn chưa sắp xếp được câu trả lời hợp ý người thương. Đỗ Miên hỏi có năm chữ, mà đầu anh ngổn ngang suy nghĩ. Chừng nào anh cưới em?

Miên vẫn nhìn chờ đợi. Cô không bứt lá, không đá sỏi, không làm gì cả. Như ngừng luôn thở. Chỉ chờ đợi. Giương đôi mắt đỏ hoe chờ đợi. Như đó là lẽ tồn tại duy nhất của cô, câu trả lời từ người thương.

Cuối cùng anh chỉ bật được tiếng thở dài. Miên nghe đầu mình đau rần khi thất vọng đập vào. Cô đã từ chối đám giạm hỏi thứ ba, má cô chịu không nổi đòi tự tử ép cô cưới lẹ. Anh biết quá rõ, nhưng anh có gì trong tay để cưới cô bây giờ. Anh giao nước đá, cô bán cà phê, sống qua ngày cầm cự lấy đâu ra tiền cưới. Rồi lỡ có con? Nợ mỗi nhà còn treo trên đầu, đến hạn chủ nợ thiếu điều muốn tới siết cổ.

Miên đứng dậy, phủi đít quần, quăng lại một câu trước khi tê dại bước về. Em cho anh một năm.

***

Đủ một năm, Đỗ Miên từ Bình Dương về. Lương công nhân tằn tiện nhẹ được mấy phần nợ. Anh ngồi đợi cô chỗ cũ, với câu nói lồng lộn cắn đau trong miệng sẵn. Cô vừa ngồi xuống, anh đã nói. Rất nhanh, nhưng không phải câu mà Miên chờ đợi.

Miên tưởng mình đã bị chặt đôi, nửa thân trên lăn lông lốc bằng câu nói đó. Tháng sau anh cưới Mộng Cát. Không có câu nói nào thể hiện được sự bùng nổ trong người cô. Sức nén không chịu nổi bung ra, nổ thành tiếng nấc. Và nước mắt rớt. Cố gắng chờ đợi để nhận bẽ bàng, ông trời có thấu không.

Anh cũng khóc. Không giải thích không phân trần. Chỉ khóc. Lần đầu tiên Miên thấy hiệp sĩ của mình yếu đuối. Cô tưởng như đây không phải anh, hay là ai đang đóng giả anh? Phải rồi, một trò đùa ác ý. Ai đó mặc lớp da y hệt anh để gạt cô. Cô cầm cục đá lên, vung tay đập bể lớp vỏ giả tạo. Nhưng chỉ có máu trào ra. Anh vẫn khóc, không phản kháng gì. Cô vừa khóc vừa đập, đập cả vào chính mình.

Cơn tức tưởi dần nuốt chửng lấy Miên, cô buông đá sụp xuống. Cô nhìn máu. Máu của anh hòa máu của cô. Cô vươn tới, tìm mặt anh. Đặt môi lên môi cho hai dòng nước mắt hòa một. Giữa đêm tối, hai bóng người cũng trộn vào nhau.

***

Miên đốt lửa đi tìm con. Đứa con chưa có hình dạng, nhưng cô biết nó ở đây. Ở ngôi nhà mới xây của anh và Mộng Cát.

Đã quá rõ sự thật, Cát tìm người lắp vào vị trí cha cho cái bầu không chủ. Đã hơn một lần cô thấy Cát ghi vội số điện thoại vào hóa đơn cho những ông khách đi xe hơi ghé quán. Anh hợp tuổi hợp mạng, vừa hợp mẹ anh cần tiền trả nợ. Màn kịch chưa bao giờ cũ, một trận say khướt sáng ra hai người không quần áo nằm chung, đàn ông thì phải chịu trách nhiệm. Nhất là đàn ông tốt.

Miên đã chịu lùi bước. Cô có muốn giành giật gì nữa đâu. Cô chỉ muốn thứ thuộc về mình. Thứ của cô chỉ của cô. Thì có đứa con trong bụng, cô sẽ ở với nó suốt đời này.

Mà sao người ta tàn nhẫn cũng cướp đi. Cát gửi qua chai thuốc bổ, lấy danh anh. Thứ thuốc tẩm bùa, vừa để đứt duyên còn lại của hai người vốn đã không thể gần. Vừa để bắt hồn đứa nhỏ về làm vật trấn cho nhà ăn nên làm ra, con ruột thì thương ba nó. Tất cả, chỉ từ lời của ông thầy bói.

Miên hềnh hệch tưới xăng trong đêm. Anh? Cát? Đứa con? Ai đang ở đây ai đang ở đâu. Ai thương ai vì ai làm ai đau. Cô cười khùng khục, nhìn ngọn lửa trên tay mình. Nhìn từng hy vọng đang tí tách cháy lép bép, đỏ rực. Ngọn lửa nặng quá, và nóng. Tay cố giữ càng ngày càng mỏi. Thì buông. Nước mắt hình ngọn lửa rơi xuống.

Thùng đá đặt ngoài nhà bén lửa. Mút xốp cháy ngọt, đá bên trong chảy ta. Như chính Miên đang tan chảy. Họ định mở quán cà phê tại nhà, anh thôi đi giao nước đá. Hiệp sĩ của cô không mang mùa đông tới nữa. Hiệp sĩ không chiến công, hiệp sĩ ngoan ngoãn làm chồng.

Ngôi nhà đứng im giữa những bông lửa thi nhau nở. Miên phá ra cười, bất chấp đánh thức bầy chó thi nhau sủa rân. Bất chấp ai thức dậy. Bất chấp ngọn lửa có thể bùng lên, lan ra, ôm cả cô vào lòng nó.

***

Khi tỉnh dậy, người đàn bà được đưa vô đây. Không biết ngọn lửa có được dập tắt không, không biết có ai bị đốt chết không. Không biết sau đó họ ra sau, nếu họ còn sống. Anh có đau buồn. Cát có hả hê. Đỗ Miên quăng cả cái tên, màng gì đâu nữa. Cô cũng chẳng muốn nhớ bất cứ gì, chỉ nhớ mình được ẵm con vào lòng. Ai đó đã cho cô con búp bê. Cô chỉ cần ở bên con ầu ơ cả ngày là đủ. Tỉnh hay điên cũng được. Ngoài đời thiếu gì kẻ điên cho là mình tỉnh.

Chị nhìn người đàn bà mút hoài cây kem đã rớt hết chỉ còn que gỗ, thở dài. Cây kem trong tay chị cũng sắp tan hết. Câu chuyện buồn quá. Những câu chuyện như vầy, người ta muốn quên cũng phải. Tốt nhất là xé nó ra, thả xuống xoáy nước, cho cuốn trôi đi. Hoặc được xóa trắng thì quá tốt.

Người đàn bà la, bướm kìa, chỉ tay về phía gầm ghế đá. Con bướm vàng nhỏ xíu, chấp chới, bay tới lui trong khoảng râm. Không, nó không phải bướm. Chị căng mắt nhìn kĩ. Nó chỉ là một cái lá me bị mắc vào sợi tơ nhện căng giữa hai chân ghế, gió xô đẩy không ngừng. Chiếc lá me vàng như đang bay, hóa ra mắc kẹt.

– Uống thuốc chưa mà ra ngồi đây mình ên đó? Ai cho kem ngon vậy ta?

Tiếng nói làm chị giật mình. Người đàn ông mặc áo trắng cúi xuống nhìn chị, có vẻ quan tâm.

Chị nhìn ông ta. Nhìn lại mình. Con búp bê mặt lem luốc kem giương mắt nhìn chị. Người đàn bà kia đâu rồi, sao lại đặt con búp bê trong lòng chị.

Cây kem trên tay chị tan ra, chảy xuống đất nhoe nhoét. Cây kem màu hồng. Chị ngơ ngác ngó quanh, tìm người đàn bà có cái tên bán cà phê Đỗ Miên. Tự nhiên con búp bê cất tiếng oe oe. Chị ôm nó áp vào ngực, bật khóc ngon lành.

Nguồn: Website Hội Nhà văn Việt Nam

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com