Từ chương trình “Tri ân Tổ tiên” nghĩ về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

Bước sang năm thứ 2 triển khai đồng loạt trên diện rộng, chương trình “Tri ân Tổ tiên” 2021 – đã thành công ngoài mong đợi và thực sự để lại những cảm xúc sâu lắng, ấn tượng không hề nhỏ đối với thế hệ trẻ Họ Dương Việt Nam.

Có thể nói “Tri ân Tổ tiên” đã lan tỏa được những thông điệp rất ý nghĩa và rõ ràng về đạo lý làm người: “Uống nước nhớ nguồn” của cha ông ta. Trong quá trình tham gia chương trình, thế hệ trẻ Họ Dương Việt Nam đã tự thân cảm nhận rõ ràng hơn tinh thần đền ơn đáp nghĩa là như thế nào. Thúc đẩy từ bên trong lòng tự hào, niềm yêu thích và mong muốn tìm hiểu văn hóa và lịch sử Họ Dương Việt Nam nói riêng, văn hóa – lịch sử dân tộc nói chung, từ đó nâng cao tinh thần Dòng tộc, tích cực học tập và làm theo tấm gương của các vị tiền nhân, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp hơn.

Mỗi lần về quê (nội và ngoại) tôi đều tranh thủ tham dự và tìm hiểu các hình thức sinh hoạt họ hàng, truyền thống cũng như mới xuất hiện, không chỉ của dòng họ mình mà còn cố gắng tiếp cận được thực tế này của các dòng họ bạn. Tôi chưa có điều kiện để bàn về nội dung và chất lượng của các sinh hoạt họ hàng (xin để một dịp khác), ở đây tôi chỉ xin nêu lại một điều băn khoăn của nhiều bà con cứ mãi ám ảnh tôi hàng nhiều chục năm nay, mà tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng.

Chúng ta cứ nhìn vào các ngày giỗ (của đại gia đình, nhánh họ, chi họ, dòng họ…), đều chỉ thấy đa phần là người già đến dự, còn các cháu trẻ lại ít khi có mặt, và số có mặt ở diện này thường lá số ít, và đáng buồn hơn là số các cháu có chút ít chữ nghĩa do được học hành hơn người (đang đi học hoặc đã đi làm) lại càng hiếm hơn trong các dịp này! Nếu lân la hỏi thăm bố mẹ các cháu vắng mặt thì đều được trả lời là các cháu bận (bận học, bận công việc, bận…!), không xin phép được hoặc không thu xếp được (mặc dù có những dịp ngày giỗ rơi đúng vào các ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật, ngày lễ). Tôi cho rằng sự thiếu vắng này không thể được coi là chính đáng, dù luôn được biện minh bằng nhiều kiểu lập luận, lý giải có vẻ hợp lý và phải đạo. Nhất định phải có lý do trực tiếp của mỗi trường hợp, và có nguyên nhân sâu xa cho tình trạng chung tương đối thường xuyên và phổ biến này. Thực trạng trên đã kéo dài nhiều chục năm nay rồi mà vẫn chưa được cải thiện, mặc dù các vị trưởng lão và Ban liên lạc trong các chi họ, dòng họ đã nhìn thấy sự bất ổn đáng buồn và đáng lo này. Chả thế mà, có đại gia đình đã qua 5 thế hệ, với trên dưới 100 thành viên, nhưng ngót thế kỷ nay vẫn chưa một lần họp mặt được đông đủ con cháu, vẫn có nhiều thành viên chưa hề biết mặt nhau, biết tên nhau, chưa hề biết ngôi thứ họ hàng của nhau, biết nơi cư trú của nhau…! Chả thế mà có nhiều cháu vị thành niên (tuổi học trò phổ thông) và cả các cháu thanh niên (tuổi sinh viên hoặc đã đi làm) vẫn chưa biết đến tên tuổi vị thủy tổ của chi họ, dòng họ mình, vẫn chưa biết đúng ngày giỗ của đại gia đình mình, chi họ mình, dòng họ mình, và thậm chí chưa một lần về dự giỗ để thắp một nén nhang bày tỏ lòng tri ân đối với người đã sinh thành ra cả gia đình, chi họ, dòng họ! Thế mà sao nhiều người chúng ta lại có thể dửng dưng với chuyện không bình thường này nhỉ? Sao chúng ta lại có thể coi đó là chuyện nhỏ, chuyện tất yếu của thời nay được nhỉ? Tôi thật sự ngạc nhiên khi được nghe những lời biện minh cho chuyện vắng mặt này, từ chính các cháu hoặc từ các bậc phụ huynh.

“Tìm về cội nguồn – Tri ân tiên tổ – Kết nối họ hàng đã luôn được coi là nhu cầu văn hóa tinh thần muôn thuở của con người, ở mọi quốc gia, mọi dân tộc, và trong mọi thời đại. Đối với người Việt ta thì nhu cầu này lại càng sâu đậm đặc biệt. Từ ngàn đời nay đã là như thế, và dù nay mai nước Việt Nam và toàn nhân loại có bước vào cuộc cách mạng 4.0 để đi đến một xã hội văn minh vượt bậc đi nữa, thì cũng sẽ vẫn là như thế! Nhu cầu tinh thần này luôn gắn liền với trách nhiệm phụng dưỡng ông bà già, cha mẹ già, thờ cúng tổ tiên của các lớp con cháu, và luôn thấm đượm trong nội dung các hoạt động tình nghĩa của cộng đồng các dòng họ.

Giá trị văn hóa tinh thần đó trước hết là bắt nguồn từ sự ràng buộc huyết thống trong một gia đình, một dòng họ, tức là quan hệ họ hàng. Nhìn nhận một cách khoa học thì quan hệ họ hàng vừa có tính khách quan lại vừa có tính chủ quan. Tính khách quan là do cùng huyết thống (bất kể là nội hay ngoại), nên không phải ai muốn nhận họ hàng hay muốn phủ định nó đều không thể được, sau khi ra đời thì đã có sự mặc định tự nhiên đó rồi. Tính chủ quan thể hiện ở chỗ độ đậm nhạt của quan hệ lại tùy thuộc vào từng người, từng hoàn cảnh, nếu không nuôi dưỡng nó, không vun trồng nó, không gìn giữ nó, không thật lòng với nó… thì nó sẽ phai nhạt dần đi, thậm chí lụi tàn, trở nên hầu như thành “người dưng nước lã”! Bởi vì đó là tình cảm, là nhận thức, tức thuộc phạm trù tâm lý, phụ thuộc vào trình độ nhân cách của mỗi người, mà nhân cách là do giáo dục (và tự giáo dục) mới có được. Nên chi, nhiều cụ già đã từng khuyên dạy con cháu rằng: Là họ hàng mà không quan tâm đến nhau, không năng đi lại, thăm hỏi nhau, mà bàng quan, vô cảm với vui buồn của nhau, không thật lòng thương yêu, quý mến nhau… thì rồi sẽ mất dần họ hàng đấy!

“Đi xa vẫn nhớ quê nhà

Ai ai cũng có ông bà tổ tiên

Tổ tiên đã sinh ra ta

Sinh cha, sinh mẹ, sinh bà, sinh ông

Các ngài đã có nhiều công

Công sinh nuôi dạy mênh mông đất trời

Các ngài đã hiến trọn đời

Vì đoàn con cháu rạng ngời hôm nay

Hôm nay trong dịp lễ này

Ở xa xin được tỏ bày tình con

Tình con bằng nén hương lòng

Gửi về xin được tỏ lòng tri ân

Ở gần con chẳng phân vân

Phận làm con cháu trước sân lễ đài

Đoàn người xếp thành hàng dài

Tay cầm hương khấn lên đài Thiên cung

Xin cho các bậc thuỷ chung

Cả đời ngài đã một lòng chung tin

Một lòng con nguyện khấn xin

Xin cho các bậc tổ tiên về trời

Hưởng nhan thánh Chúa đời đời

Xin ngài nhớ đến cõi đời cháu con

Hàng ngày vất vả héo hon

Tìm cơm kiếm áo nuôi con tháng ngày

Xin cho cuộc sống mỗi ngày

Hàng ngày dùng đủ đức tin vững vàng

Xin cho nội ngoại họ hàng

Xin cho tất cả xóm làng quê hương

Xin cho giáo cũng như lương

Gia đình hạnh phúc dương gian hoà bình

Xin cho Tổ quốc, gia đình

Ngày càng thịnh vượng thắm tình quê hương…”

Những dòng tâm sự ở trên của tôi cũng xin được coi như là góp phần kiến giải điều băn khoăn, lo lắng chung đã nêu, và rất mong được cùng trao đổi rộng rãi với bà con xa gần trong cộng đồng dòng họ!

Thế hệ người già trong từng gia đình và dòng họ rồi cũng sẽ lần lượt ra đi, nhiệm vụ phụng thờ tiên tổ, giữ gìn đạo lý, phát huy nề nếp gia phong… sẽ dần chuyển giao cho các thế hệ kế cận. Rất mong các cháu trẻ hãy sẵn sàng, chuẩn bị tâm thế để có thể đảm nhận tốt nhất trách nhiệm nặng nề đó!

Dương Hồng Ngọc

(Bài viết đạt giải Ba Cuộc thi viết “Câu chuyện Họ Dương tôi”)

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com