“Tâm thế trong kinh doanh”: Kiềng 3 chân cho mọi doanh nghiệp phát triển bền vững
- 13/10/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 2689
Chiều 12/10/2019, tại sân Golf Tân Sơn Nhất, Toạ đàm Tâm thế trong kinh doanh đã diễn ra với sự tham dự của hàng trăm doanh nhân Họ Dương cùng một số khách mời khác. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn, Viện Quản trị Tinh gọn GKM, Công ty GKM Việt Nam là diễn giả chính trong buổi chia sẻ này.
Dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Đăng Minh, Tọa đàm Tâm thế trong kinh doanh đã mang đến cho các doanh nghiệp, doanh nhân Họ Dương những kiến thức quan trọng, góp phần xây dựng các doanh nghiệp vững mạnh hơn.
Những bài học thiết thực từ nghiên cứu khoa học quy mô lớn
Chủ đề Tâm thế trong kinh doanh được Tiến sĩ giới thiệu là một phần trong Mô hình Quản trị tinh gọn Made in Vietnam được giới thiệu năm 2018. Để xây dựng được mô hình này, tiến sĩ đã mất nhiều năm nghiên cứu và làm việc thực tiễn tại Nhật Bản – nơi giúp ông Nguyễn Đăng Minh được tiếp cận và dần hiểu được nội hàm của Hệ thống quản trị Made in Japan.
Ứng dụng điều đó vào mô hình kinh doanh của Việt Nam, Tiến sĩ đã xây dựng được hệ thống các yếu tố giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng và phát triển bền vững, gồm: Tâm thế, triết lý, tư duy Tinh gọn Made in Vietnam; Chiến lược Tinh gọn Made in Vietnam; Quản trị Nhân sự Tinh gọn Made in Vietnam; Khoa học giải quyết vấn đề theo tư duy Tinh gọn Made in Vietnam.
Tâm thế kinh doanh: Nền móng của sự thành công
Theo chia sẻ của tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh, tâm thế là một phạm trù triết học, được tồn tại với công thức sau đây: TÂM THẾ = Thấu 1 + Thấu 2 + Ý.
Diễn giả đã diễn giải chi tiết công thức này với những ví dụ thực tế từ chiến tranh đến kinh doanh sản xuất thời hiện đại để các doanh nhân Họ Dương tham dự chương trình hiểu rõ được về nền tảng quản trọng này. Cụ thể:
- Thấu 1: Thấu hiểu rằng công việc mà con người thực hiện là có ích cho bản thân mình (ÍCH = Lợi nhuận (Tiền) + Niềm vui)
- Thấu 2: Thấu hiểu rằng con người chỉ có làm thật nhiều công việc mới nâng cao được năng lực tư duy và năng lực làm việc của chính bản thân.
- Ý: Con người cần có ý thức, thái độ và đạo đức tốt đối với công việc của mình, để soi đường thực hiện hai ý ở trên.
Từ những phân tích đó, ông Nguyễn Đăng Minh đã đi đến kết luận: Tâm thế nói chung và tâm thế trong kinh doanh nói riêng như kiềng 3 chân giúp người làm kinh doanh có thể giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng, phát triển doanh nghiệp.
Xây dựng được tâm thế trong kinh doanh vững chắc chính là tạo nền cho hoạt động kinh doanh phát triển.
Các chủ doanh nghiệp đã có được tâm thế tốt nhất hay chưa?
Với 14 năm kinh nghiệm nghiên cứu, làm việc tại Nhật Bản cùng quá trình tiếp xúc và làm việc cùng một số doanh nghiệp tại Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh đã đúc kết rằng: Xây dựng tâm thế tốt, năng suất lao động của một đơn vị sẽ tăng lên 50%.
Đây chính là động lực để tạo nên một doanh nghiệp phát triển bền vững.
Vậy các doanh nghiệp, doanh nhân Họ Dương đang hoạt động đã có được tâm thế này hay chưa? Đặt ra vấn đề này trong buổi toạ đàm, nhiều doanh nhân, chủ doanh nghiệp Họ Dương bắt đầu cảm thấy lúng túng khi nhìn trực diện vào chính mình. Tâm thế chưa vững chắc thì việc xây dựng và phát triển hệ thống kinh doanh sẽ không bền vững được được.
Với những vướng mắc được một số doanh nhân nêu lên trong buổi toạ đàm này, Tiến sĩ đã có những định hướng để giúp các doanh nghiệp có thể “gỡ rối” ở thời điểm hiện tại. Để tạo được quy mô kinh doanh lớn mạnh và sự phát triển bền vững, chủ doanh nghiệp cần có tầm nhìn xa và kế hoạch dài hạn để chèo lái con thuyền của mình trước mọi khó khăn, thách thức được đặt ra dưới sự tác động của thị trường trong và ngoài nước. Nếu hướng đến sự hợp tác và liên kết, việc xây dựng vững chắc là cách tốt nhất để xoay trục tư duy của mọi thành viên trong một doanh nghiệp, tổ chức để cùng về một quỹ đạo nhằm hướng đến một mục tiêu chung.
Có thể nhận thấy rằng, với buổi chia sẻ về tâm thế trong kinh doanh, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh đã trang bị cho hàng trăm doanh nhân, doanh nghiệp Họ Dương tại buổi toạ đàm có được hành trang tối quan trọng để phát triển doanh nghiệp. Cùng với đó, tiến sĩ đã mở ra triển vọng về sự hợp tác, liên kết giữa các đơn vị trong Câu lạc bộ Doanh nghiệp – Doanh nhân Họ Dương Việt Nam bằng việc xây dựng và làm chủ một tâm thế chung xuyên suốt. Chắc chắn rằng, những chia sẻ của Tiến sĩ sẽ được những doanh nhân Họ Dương áp dụng vào thực tế cho doanh nghiệp của mình cho nhiều năm sau này.
So sánh sự khác biệt giữa doanh nghiệp có tâm thế và không có tâm thế:
Có tâm thế: Mang lại giá trị cho bản thân doanh nghiệp, khách hàng và xã hội; Luôn có động lực để phát triển, được khách hàng và xã hội ủng hộ; Phát triển bền vững. Không có tâm thế: Mất cân bằng trong hệ giá trị; mất sự ủng hộ từ xã hội và khách hàng; có thể phát triển nhưng không bền vững. |
Thuỳ Dương