Bác sĩ Dương Thị Lợi – Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện đa khoa Bình Thuận: “Phần thưởng lớn nhất của người thầy thuốc là sức khỏe bệnh nhân”

“Em chưa về, còn túc trực ngày đêm/ Nhờ mai chiếu thuỷ gửi chút hương cho anh đó…/ Cảm ơn anh, cảm ơn tổ ấm nhỏ/ Gói ghém thương yêu cho em nơi tuyến đầu!”. Những câu thơ chan chứa cảm xúc, đọc cứ ngỡ như của một thi sĩ với tâm hồn lãng mạn. Thế nhưng, nó lại được viết bởi một bác sĩ – chị Dương Thị Lợi, bác sĩ CK1, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Bình Thuận – nơi đã điều trị cho 9 bệnh nhân nhiễm Cô vít -19. Những câu thơ bay bổng trên được bác sĩ Dương Thị Lợi viết trong những ngày cùng đồng nghiệp chiến đấu với dịch bệnh.

 Nước mắt của những thiên thần áo trắng

Những ngày tháng cam go ấy, khi bệnh nhân và cả những y bác sĩ đều rất hoang mang về căn bệnh mới, với vai trò là Trưởng khoa Nhiễm, nơi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, mặc dù công việc rất bận rộn, khó nhọc và hiểm nguy nhưng bác sĩ Dương Thị Lợi luôn lạc quan và còn truyền cảm hứng tích cực cho đồng đội. Bác sĩ Lợi kể: “Thời điểm dịch bệnh xảy ra ở Phan Thiết – Bình Thuận thì nước mình cũng có hơn chục ca đang điều trị nhưng rải rác ở các bệnh viện khác nhau. Bệnh viện lớn như Chợ Rẫy cũng chỉ mới có 2 ca, trong khi đó, Khoa Nhiễm của Bệnh viện đa khoa Bình Thuận chỉ trong 2 ngày đã có 9 ca dương tính và 12 trường hợp tiếp xúc F1. Với đặc thù là bệnh viện tuyến tỉnh, Khoa Nhiễm trước giờ chỉ điều trị các bệnh nhiễm thông thường nên cơ sở vật chất thiếu thốn, không có phòng áp lực âm. Thú thực, ban đầu chúng tôi rất bàng hoàng, ngơ ngác, lo sợ bởi không biết rằng với cơ sở vật chất như thế có đảm bảo điều kiện chữa trị cho bệnh nhân và phòng trừ lây nhiễm cho đội ngũ cán bộ y tế”.

Chị Dương Thị Lợi và các y bác sĩ Khoa Nhiễm trong những ngày điều trị cho bệnh nhân nhiễm Cô vít -19

Dù có chút hoang mang, lo lắng, nhưng với vai trò của người Trưởng Khoa Nhiễm, ngay từ ngày Bình Thuận chưa có dịch chị Lợi đã xác định tinh thần cho anh chị em trong khoa sẽ ở lại với bệnh nhân nếu như dịch xuất hiện. Chính vì vậy, khi được giao nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân không một ai cảm thấy bất ngờ và đều quyết tâm ở lại chiến đấu chống lại dịch bệnh.

Những ngày đầu điều trị, bác sĩ Dương Thị Lợi và anh chị em trong khoa gặp áp lực tâm lý rất lớn, bởi phải điều trị một căn bệnh hoàn toàn mới, kinh nghiệm điều trị được trao đổi từ Bệnh viện Chợ Rẫy không có nhiều. Hơn nữa, căn bệnh mới này lại dễ lây nhiễm nếu không được phòng hộ cẩn thận nên các nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Cô vít -19 dễ bị kỳ thị từ mọi người, thậm chí từ chính các nhân viên ý tế khác. Chị Lợi vừa phải động viên, an ủi, làm công tác tư tưởng cho bệnh nhân vừa phải động viên, khích lệ anh chị em trong khoa vững vàng tâm lý để chiến đấu với dịch bệnh.

Bác sĩ Dương Thị Lợi thăm khám cho bệnh nhân điều trị Cô vít -19

Nghề bác sĩ vốn đã nhiều vất vả, hy sinh thầm lặng mà không phải ai cũng nhìn thấy. Đối với đội ngũ y bác sĩ trong Khoa Nhiễm – Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận thì sự vất vả hy sinh ấy càng nhân lên gấp bội, bởi 14/17 y bác sĩ ở đây là nữ. Có những người con nhỏ phải gửi ông bà hoặc giao trách nhiệm cho chồng ở nhà trông. Con nhớ mẹ, mẹ nhớ con khóc hằng đêm. Có người, trong thời gian điều trị cho bệnh nhân thì mẹ bệnh đến khi mất vẫn không được về gặp mặt. Có chị, trong những ngày túc trực tại bệnh viện cũng là lúc con gái vượt cạn một mình mà mẹ không thể ở bên. Ngay cả mái tóc dài, vốn là vẻ đẹp của người phụ nữ, các chị cũng hy sinh bằng cách tự cắt tóc cho nhau để bảo vệ bản thân và đồng nghiệp trước nguy cơ lây nhiễm. Chị Lợi cho biết: “Nếu để tóc dài, sẽ có thể không nằm hết trong đồ bảo hộ. Như vậy nguy cơ lây nhiễm bệnh sẽ cao. Vì vậy, đội ngũ cán bộ y tế ở đây phải hy sinh những riêng tư vì mục tiêu chung lớn lao hơn”.

Chị Dương Thị Lợi và tập thể Khoa Nhiễm tập thể dục nâng cao sức khỏe trong những ngày túc trực tại bệnh viện để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Cô vít -19

Là người đứng đầu khoa trực tiếp điều trị, chị Lợi chịu rất nhiều áp lực. Phần lo điều trị bệnh, phần lo động viên anh chị em, phần trả lời báo chí gọi liên tục, phần lãnh đạo gọi chỉ đạo… Và nhiều nhất là trả lời tư vấn những cuộc điện thoại từ cộng đồng bất kể ngày đêm. Dù chịu nhiều áp lực như thế, nhưng chị Lợi luôn nghĩ: “Mình không vững thì đồng nghiệp sẽ sao đây?”. Thế là chị nén những riêng tư, động viên anh chị em cùng cố gắng để đi đến cùng cuộc chiến.

Bênh nhân Cô vít -19 được điều trị khỏi bệnh tặng hoa cho chị Dương Thị Lợi và tập thể y bác sĩ Khoa Nhiễm.

Những hy sinh thầm lặng, sự cống hiến hết mình với tất cả tinh thần trách nhiệm và tấm lòng tận tụy của bác sĩ Dương Thị Lợi và tập thể Khoa Nhiễm đã được đền đáp xứng đáng khi từng bệnh nhân khỏi bệnh và lần lượt được xuất viện. Chị Lợi kể: “Mỗi bệnh nhân được xuất viện là một niềm vui to lớn của anh chị em trong khoa. Nhớ nhất là trường hợp bệnh nhân 64 tuổi, khi đã có kết quả âm tính rồi dương tính trở lại, khiến anh chị em như ngồi trên đống lửa, bởi vừa lo kết quả điều trị, vừa lo an ủi để bệnh nhân yên tâm khi chỉ còn một mình tại nơi điều trị. Sáng hôm đó, lúc tôi đang đang ăn sáng, bác sĩ phó khoa nghe điện thoại xong bỗng ôm chầm lấy tôi òa khóc và thông báo kết quả âm tính của bệnh nhân. Nhận được tin cả khoa cùng ôm nhau khóc, những giọt nước mắt vui mừng cho bệnh nhân và cho những nỗ lực của mình. Vậy là công sức hơn 20 ngày của anh chị em đã được trả bằng những giọt nước mắt của niềm vui và hạnh phúc”.

Nỗ lực hết mình với nghề thầy thuốc

Chị Dương Thị Lợi vốn quê Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định nhưng Bình Thuận quê chồng lại là nơi chị lập nghiệp và gắn bó từ khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế.

Bác sĩ Dương Thị Lợi

Sinh ra ở một vùng quê mà tới nay vẫn chưa thoát khỏi cái nghèo, nhà chị cũng khó khăn như biết bao gia đình khác. Nhưng vốn là gia đình có công với cách mạng nên từ nhỏ các anh chị em luôn tâm niệm phải cố gắng học hành để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Học hết cấp 3 trường huyện chị Lợi thi đậu Đại học Y khoa Huế. Chị kể: “Con nhà nghèo đi học, mà lại học trường y vất vả cho cha mẹ lắm. Suốt những năm chị học đại học, từ 1988 – 1994, mẹ chị thức dậy từ 3 – 4 giờ sáng, đi bán từng lọn rau khoai lang. Suốt 6 năm đi học xa nhà mỗi năm chỉ được về thăm 2 lần. Thời đó sinh viên nghèo khó, có lúc nghe tiếng rao ‘ai bánh mì nóng đây’, bụng réo cồn cào mà không còn đủ tiền mua nổi ổ bánh mì. Lần hồi, cố gắng rồi cũng đến ngày ra trường. Nhưng xin việc cũng là một vấn đề nan giải, chị và người yêu (cũng học ngành y) quyết định đăng ký kết hôn rồi về quê chồng ở Bình Thuận xin việc.

Thời gian công tác ở Bệnh viện đa khoa Bình Thuận, chị đã trải qua nhiều khoa điều trị. Lúc mới về, chị công tác tại Khoa Nhi Lây. Cuối năm 2004 chị về làm tại khoa Hồi sức tích cực – chống độc. Đây vốn là khoa chịu áp lực nhất trong bệnh viện. Lịch sử khoa này của Bệnh viện đa khoa Bình Thuận không có nữ bác sĩ nào trụ nổi trong vòng 5 năm. Thế nhưng, với tất cả nỗ lực, chị là người đầu tiên và duy nhất làm ở đó trong suốt thời gian từ 2004 – 2016. Sau đó do khoa Truyền nhiễm (Nhi lây và Lây lớn) thiếu hụt nhân sự, nên lãnh đạo bệnh viện động viên và đưa chị xuống phụ trách khoa cho đến giờ.

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Những ngày mới cưới, hai vợ chồng chị vô cùng khó khăn khó khăn. Hơn 20 năm vợ chồng chị ở nhà trọ đến tận 2018 mới mua nổi căn nhà cấp 4. Dẫu khó khăn là vậy, chị vừa làm nuôi hai người con, vừa làm hậu phương để chồng chị – một bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện đa khoa Bình Thuận – học CK1 từ năm 1997 – 1999 ở ở thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2002 chị cũng thi đậu  CK1 và hoàn thành vào năm 2004.

Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về những thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Cô vít -19

Đến nay, con cái đã dần trưởng thành, con gái lớn đã nghiệp hạng ưu Đại học Ngoại thương và làm việc tại Singapore, con trai nối tiếp cha mẹ đang là sinh viên y khoa trường Phạm Ngọc Thạch.

Những phần thưởng xứng đáng

Với những cống hiến cho ngành y nói chung, ngành y tỉnh Bình Thuận nói riêng bác sĩ Dương Thị Lợi đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Liên đoàn Lao động, Sở Y tế, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Thuận. Đó là những phần thưởng cao quý dành cho những đóng góp thầm lặng của những người chiến sĩ áo trắng như chị. Trong đợt cả nước cùng căng mình chống dịch Cô vít -19 vừa qua, với những đóng góp của một bệnh viện tuyến đầu chống dịch, bác sĩ Dương Thị Lợi và tập thể y bác sĩ Khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Bình Thuận đã nhận được bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Công đoàn tỉnh Bình Thuận.

Bằng khen của Ban chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận về những thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Cô vít -19

Mặc dù vậy, khi được ai đó hỏi về những tấm bằng khen, giấy khen trong suốt quá trình công tác, bác sĩ Dương Thị Lợi chỉ nở nụ cười hiền hậu nói rằng: “Bằng khen, giấy khen thì vô cùng đáng quý, nhưng phần thưởng to lớn nhất đối với mỗi người thầy thuốc đó chính mỗi bệnh nhân sau thời gian điều trị tại bệnh viện được trở về nhà khỏe mạnh. Sức khỏe của bệnh nhân là niềm vui, hạnh phúc của những người bác sĩ như tôi mà không có phần thưởng nào sánh bằng”.

Dương Phạm Ngọc

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com