Thiếu tướng Dương Bá Nuôi với cách làm công tác dân vận độc đáo
- 21/12/2024
- Ban Thông tin truyền thông
- 51
(LSVN) – Thiếu tướng Dương Bá Nuôi xuất thân trong một gia đình quan lại triều đình Huế. Năm 1939, ông tham gia hoạt động Cách mạng, sau đó vào lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ông là một người chiến sĩ chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công vang dội; một vị tướng với cách làm công tác dân vận độc đáo.
Tháng 6 năm 1984, tôi đi cùng Thiếu tướng Dương Bá Nuôi vào làm việc với Tỉnh ủy Hà Tĩnh, vào đến thị xã Hồng Lĩnh thấy mấy người dân gồng gánh tất bật đi bộ, ông xuống hỏi: “Bà con đi đâu về mà gồng gánh thế này?”. Mấy người bảo: “Khổ quá bác ơi, chúng con đưa khoai lang ra chợ Hồng Lĩnh bán đi từ lúc 2 giờ sáng. Một gánh khoai mua chưa được 3kg gạo. Bán xong khoai vội về còn ra đồng cày cấy”.
Ông bảo mấy người cho quang gánh lên xe, nói anh em chúng tôi ngồi dẹp lại để cho bà con đi cùng. Một người phụ nữ ngoài 60 tuổi nói với Thiếu tướng Dương Bá Nuôi: “Bác ơi, bác tốt quá. Tôi chưa thấy ai cán bộ thương dân như bác!”. Ông nói: “Cơm tôi ăn hàng ngày, bộ quần áo tôi đang mặc đây là của dân. Tôi phải có trách nhiệm với dân. Không phải tôi thương dân mà tôi phải phục vụ dân, có dân tôi mới được làm cán bộ”.
Trong Chiến dịch mùa Xuân năm 1975, Thiếu tướng Dương Bá Nuôi, Ủy viên Thường vụ Quân khu ủy, Phó Tư lệnh Quân khu Trị Thiên chỉ huy đánh giải phóng Trị Thiên – Huế. Trong ảnh quân Giải phóng đánh chiếm thành phố Huế.
Khi đưa bà con về đến nơi, đoàn chúng tôi tiếp tục vào Hà Tĩnh. Ngồi trên xe, ông tâm sự khi tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nếu không có dân làm gì ta có thắng lợi. Có dân là có tất cả. Điển hình ở Thừa Thiên – Huế, sau Chiến dịch Mậu Thân 1968, địch dùng nhiều thủ đoạn tách bộ đội, cán bộ của ta ra khỏi dân. Chúng lập ấp chiến lược dồn dân vào canh giữ suốt ngày đêm. Ngoài miền Bắc chi viện không vào được, đường tiếp tế của dân bị cắt, quân ta lúc đó khó khăn, đói lắm. Chúng tôi chia nhau về bắt liên lạc với cơ sở, vận động dân phá ấp chiến lược. Dân vùng lên đấu tranh, lúc đó dân mua lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội. Tuy ăn cháo nhưng cầm hơi để sống, tiếp tục hoạt động.
Có một lần chúng tôi cùng ông vào làm việc với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa, nghe bà con kể lại chúng tôi mới biết tháng trước Thiếu tướng Dương Bá Nuôi ra Hà Nội họp, trên đường đi thấy mấy người gánh một người nằm trên võng chạy cấp tốc. Thấy thế, ông cho xe dừng lại hỏi mới biết người nằm trên võng bị đau nặng phải đưa ra Bệnh viện đa khoa Thanh Hóa cấp cứu. Từ đó ra Bệnh viện đa khoa Thanh Hóa còn trên 30km. Ông bảo cán bộ đi trên xe xuống cùng ông đi bộ, lệnh cho đồng chí lái xe chở bệnh nhân ra bệnh viện khẩn trương, rồi quay lại đón ông và cán bộ.
Thời đó, Bộ Tư lệnh Quân khu đóng ở 2 xã Nam Anh và Nam Xuân (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) dưới chân núi Đại Huệ. Gia đình Thiếu tướng Dương Bá Nuôi ở nhà cấp 4, xung quanh doanh trại rào bằng dây thép gai. Ông hay ngồi trò chuyện với các cháu thiếu nhi chăn trâu, chăn bò và gọi chúng là “chiến hữu” của ta. Khi có tiêu chuẩn là kẹo, đường, sữa của ông lại đem ra chia đều. Ông còn kể cho chúng những câu chuyện chiến đấu của quân và dân ta trong hai cuộc chống Pháp và chống Mỹ.
Năm nào cũng vậy, cứ đến Tết Nguyên Đán, Thiếu tướng Dương Bá Nuôi lại đưa tiền cho đồng chí công vụ ra chợ mua 2 – 3 tạ gạo nếp chia mỗi túi 5kg – 10kg. Ngày 28 Tết, ông cho mổ lợn do ông và đồng chí công vụ nuôi chia mỗi phần 3kg tặng bà con ăn Tết. Người dân xã Nam Xuân, Nam Anh xem ông là một thần tượng, một vị tướng thương dân.
Chuyện về Thiếu tướng Dương Bá Nuôi có rất nhiều, chuyện nào cũng sâu sắc, cảm động. Cuối đời, dù đi lại rất khó khăn nhưng mỗi khi biết đồng đội gặp khó, ông vẫn đạp xe đến thăm hỏi, động viên.
Ông ra đi để lại niềm thương tiếc vô hạn cho đồng đội và người dân. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Ông như một tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Theo LSVN.VN