Bước đầu tìm hiểu phong tục thờ cúng Danh nhân Lịch sử Dương Tự Minh ở Thái Nguyên và Bắc Giang

Dương Tự Minh – một vị tướng tài triều Lý, thế kỷ 12 có công trấn giữ biên cương phía Bắc Tổ quốc, sống hòa mình trong đồng bào các dân tộc, giúp đỡ, che chở cho dân, được dân tôn quý thể hiện tình cảm trong nhiều truyền thuyết đẹp lưu truyền ở các vùng biên giới phía Bắc. Ở nhiều nơi nhân dân lập Đình, Đền, Miếu thờ cúng ông làm Thần Thành Hoàng làng. “Thượng tự Đu Đuổm, Hạ chí Lục Đầu”; Đu Đuổm chỉ vùng phủ Phú Lương thời xưa, “Hạ chí Lục Đầu” chỉ miền ven sông Lục Đầu Giang, như Bắc Giang, Bắc Ninh, có tới 200 nơi thờ cúng Dương Tự Minh. Riêng tỉnh Thái Nguyên có 125 Đình, Đền, Miếu thờ Dương Tự Minh (1). Đền Đuổm trên núi Đuổm thuộc xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên là Đền chính được lập từ khi Dương Tự Minh qua đời, thờ Ông, thân Mẫu và hai công chúa nhà Lý Diên Bình và Thiều Dung, hai vợ Ông.

Đoàn điền dã tại Đền Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương – Thái Nguyên

Các vị Hoàng Đế các triều đại cũng đều nhận thấy công lao đức độ của Dương Tự Minh, được Ông “Âm phù” linh ứng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nên thường có sắc phong ban tặng những danh hiệu cao quý cho Ông để nhân dân thờ cúng Ông. Sắc phong nhà Vua ban tặng, cùng với Thần tích, văn tế, bài vị … là những báu vật của làng được cẩn trọng lưu giữ ở đình làng, trong khám thờ, hay trong Hòm Sắc đặt ở Hậu cung”. Dựa vào Thần tích, tức sự tích vị Thần và Sắc phong có đánh giá công lao vị Thần qua các mỹ tự (lời hay ý đẹp) vua phong tặng cho Thần, cùng tỉnh cảm thiêng liêng của người dân dành cho vị Thành Hoàng của làng minh, mà người ta soạn ra bài văn tế Thần để tuyên đọc trong những ngày lễ trọng, như kỷ niệm ngày sinh, ngày hóa của Thần…

Tìm hiểu Thần tích, bài vị, sắc phong, văn tế Thần, chúng ta có thể hiểu biết nhiều điều về người có công với nước, với dân được nhân dân tôn kính, xem như ông vua của làng, như vị Thần hộ mệnh cho dân.

Trong bài viết này chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng bà con Dòng tộc một vài kết quả bước đầu tìm hiểu phong tục thờ cúng danh nhân lịch sử Dương Tự Minh (楊 嗣 明) qua nghiên cứu thần tích, sắc phong … tại một số đình đền ở Thái Nguyên và Bắc Giang.

Đoàn điền dã tại đình Thắng Núi, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa – Bắc Giang

I. THẦN TÍCH DƯƠNG TỰ MINH

Thần tích kể về sự tích vị thần được thờ cúng ở đình, đền, miếu … ở các làng quê Việt Nam là phong tục từ xa xưa. Mỗi làng thờ từ một đến nhiều vị Thần gọi là Thành Hoàng đương cảnh, hoặc Thành Hoàng bản cảnh. Thời xa xưa Thần tích các làng được các nhà Nho biên soạn. Các Thần tích xuất hiện nhiều vào triều Lê do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm đầu Hồng Phúc (1572) đời vua Lê Anh Tông. Sau được quan Giám Bách Thần Nguyễn Hiền sao y bản chính vào đời Lê Vĩnh Hưu (1735 – 1739). Thần tích được soạn vào triều Lê trên cơ sở các biên soạn của các nhà Nho ở địa phương, sử dụng tri thức dân gian; tôn giáo, địa danh, chức tước, cùng với cảm xúc, lòng ngưỡng mộ về vị thần, mà viết nên Thần tích, rồi khắc lên bia đá, viết lên giấy, cất kỹ trong hậu cung, gọi là Thần phả hay Ngọc phả.

“Các loại Thần phả (Ngọc phả) còn lại đến ngày nay có nhiều lớp thông tin khác nhau chồng chất, thêm bớt bịa đặt, hiện đại hóa Thần tích, qua các lần sao đi chép lại, hoặc soạn mới” (2).

Sử sách nước ta thời phong kiến viết nhiều về Dương Tự Minh, nhưng đó chỉ là những nội dung liên quan đến công lao, sự nghiệp của ông khi ông đã là Thủ lĩnh phủ Phú Lương, từ sau năm 1127, khi Dương Tự Minh được vua Lý Nhân Tông đem công chúa Diên Bình gả cho làm vợ (3).

Cho đến hiện nay, về cha mẹ, gia đình, thời thơ ấu và trai trẻ của Dương Tự Minh, chúng ta chỉ có thể biết được qua các tư liệu dân gian. Thần tích Dương Tự Minh ở đền Đuổm, đình Xuân La, đình Đồng Bẩm và câu chuyện truyền thuyết “Chiếc áo tàng hình” còn lưu truyền trong dân gian vùng đất Thái Nguyên, cho rằng: Dương Tự Minh là con độc nhất của đôi vợ chồng già nghèo khó họ Dương vùng Quán Triều – Phú Lương, mồ côi cha từ nhỏ; không nói cha mẹ ông tên là gì… (4).

Đọc, dịch sắc phong ở đình làng Cướm xã Minh Tiến huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên

Một số di tích khác ở Thái Nguyên, như: Đình Thanh Lương xã Tân Hòa – Phú Bình; đình thôn Đoài, thôn Đông, làng Hà Châu, tổng Hà Châu, phủ Phú Bình – Thái Nguyên … cũng có Thần tích Dương Tự Minh. Thần tích đình Hà Châu đoạn đầu viết: “Bản xã sự tích Thần trước quê ở xã Quán Triều, họ Dương, tên là Tự Minh, mẹ là người đoan trang trinh thục đã sinh ra Thần” …

Văn bản thần tích này được các chức sắc làng Hà Châu “phụng sao y như chính bản”, Lê Đình Đoài tri phủ Phú Bình ký tên, đóng dấu, được xem là “Văn bản thần tích gốc” cho việc thờ cúng Dương Tự Minh trong vùng. Thí dụ: Thần tích của đình Ba Xã, tức đình chợ Vân, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, đối diện với Hà Châu qua sông cầu, trước năm 1898 thuộc Bắc Ninh, cũng có thần tích Dương Tự Minh “ được biên chép ở sách cổ truyền lại, sách đó từ thời nhà Lê”, như lời người sao lục đã chỉ ra. Sách cổ đó ý nói đến nội dung của Văn bia đình xã Quang Vinh, Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Thần tích đình Phao Thanh, đình Xuân La – Phú Bình … cũng được nói đến nhiều ở Thái Nguyên … (5)

Trên tỉnh Bắc Giang có 9 di tích Dương Tự Minh, đều ở huyện Hiệp Hòa: Tổng Đức Thắng có đình làng Đông Ngoại, đình thôn Đông Chung, đình Đông Ngoại (thôn); Tổng Hoàng Vân có đình làng Âu Cập, đình làng Gấp (Âu Cập), đình làng Hoàng Liên, đình làng Khớm (Lạc Yên), đình làng Lạc Yên, đình làng San (làng Hoàng Liên). Nhưng rất ít làng có Thần tích – chỉ có 3 đình ở Tổng Đức Thắng xưa (6).

Qua một số Thần tích ở Hiệp Hòa, Bắc Giang, như Thần tích đình 3 làng Hoàng Liên, Lạc Yên, Âu Cập tổng Hoàng Vân và Thần tích đình Vạn Thạch xã Hoàng Vân, chúng tôi nhận thấy nội dung các Thần tích đó gắn với các điểm chính sau: Thần là người họ Dương, tên là Tự Minh, quê xã Quán Triều, nhà nghèo, làm nghề kiếm cá; là người con có hiếu với cha mẹ già. Một đêm đi câu cá được Tiên ông hiện lên trao cho chiếc áo “tàng hình” … Nhờ đó làm được nhiều việc phi thường, được vua Lý Anh Tông để ý đến, ra chiếu chỉ cho quan trấn thủ giam lại, đối đãi tử tế, chờ thời cơ trọng dụng …

Rồi quân Tống do Đàm Hữu Lượng cầm đầu tràn vào các tỉnh biên giới phía Bắc. Vua Lý Anh Tông ban chiếu chỉ tìm người tài trong thiên hạ đánh giặc. Dương Tự Minh kêu lên quan trấn thủ tâu vua cho ông đi dẹp giặc giữ yên thiên hạ, được vua Lý Anh Tông phê chuẩn tha tội, cho đi đánh giặc.

Đoạn sau các Thần tích nêu trên tương tự như Thần tích ở các nơi khác.

Những di tích thờ Dương Tự Minh không có thần tích khắc trên bia hay viết trên giấy, thì người ta vẫn nói đến công đức của Thần qua văn tế, bài mục lục hay qua truyền miệng nhiều đời ở quê hương, đặc biệt là vào ngày hội làng, kỷ niệm ngày sinh hay ngày hóa của Thần, thể hiện lòng biết ơn công đức che chở, giúp đỡ của Thần đối với dân làng. Ở đình thôn Thắng Núi, xã Đức Thằng, huyện Hiệp Hòa, trong ngày Lễ hội Thu mùng 10 tháng Chín và lễ hội xuân ngày 10 tháng Giêng có tiết mục kể chuyện về Thần Thành Hoàng Dương Tự Minh thu hút nhiều người tham gia.

Tiếp theo, tôi xin trân trọng trích giới thiệu cùng bà con Dòng tộc một vài đoạn trong tấm bia tại đình xã Quang Vinh, huyện Đồng Hỷ – Thái Nguyên thờ Dương Tự Minh làm Thành Hoàng, dựng vào triều Lê, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 45, năm Giáp Thìn (1784). Bia có nhan đề là “Quang Vinh phúc Thần sự lục bi ký”

nghĩa là Bia ghi sự việc về vị phúc thần xã Quang Vinh, do PGS. TS. Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) phiên âm và dịch nghĩa (7). Đáng chú ý là hai chữ tên xã Quang Vinh ở đầu tấm bia, người khắc bia chủ đích thêm vào bộ Ngọc (玉) có ý như muốn thể hiện sự sang quý, tôn vinh đầu đề tấm bia ghi sự tích vị Thành Hoàng được nhân dân vô cùng kính trọng; những chữ xã Quang Vinh khác trong lòng văn bia lại được khắc bình thường (光,榮).

1 – Mặt trước Bia

Bia Quang Vinh Phúc Thần sự lục bi ký tại đình Quang Vinh huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên (Bia có 2 mặt)

          Trích bia:

          BIA CHÉP SỰ TÍCH VỊ PHÚC THẦN XÃ QUANG VINH

          … Ngưỡng trông: Ngôi miếu thờ vị Thượng đẳng phúc thần ở xã Quang Vinh. Ngôi miếu này ở phía bên trái núi Cấm Sơn, thôn Quán Triều, huyện Phú Lương. Núi Cấm Sơn này có một tòa như các vòng tròn, mặt sau núi bao quanh là ba nhánh sông, còn có hai ngọn Tượng Sơn và Yên Mã sơn nằm phủ phục ở phía dưới trước và phía sau đền, đối nhau cao sừng sững. Thật là vùng địa linh nhân kiệt.

Có lẽ, cái thần khí của núi thiêng đã tụ lại vào cây tùng cao mà giáng sinh ra thần. Quả là như vậy, nơi đây đã chung đúc nên một ngọn núi đẹp đẽ. Kê cứu trong Quốc sử biết rằng: Thần họ Dương, húy Tự Minh, là bậc anh hào trong đám thổ tù Phú Lương. Thần làm quan dưới triều vua Lý Nhân Tông và được trao giữ chức Thủ lĩnh phủ Phú Lương, lại được nhà vua gả công chúa Diên Bình cho làm vợ, về sau làm quan dưới triều Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, cả thảy ba triều vua Lý.

Năm Đại Định thứ 3 [1142], triều Lý Anh Tông đặc sai Thần đến châu Quảng Nguyên để chiêu tập người châu ấy. Năm Đại Định thứ 4 [1143] vua xuống chiếu cho Thần cai quản công việc các khe động dọc biên giới về đường bộ. Năm Đại Định thứ 5 [1144], Thần được nhà vua gả công chúa Thiều Dung và phong làm Phò Mã lang. Năm Đại Định thứ 6 [1145] kẻ có yêu thuật người nước Tống là Đàm Hữu Lượng trốn sang châu Tử Lang tự xưng là Lữ Tiên sinh nói dối là vâng lệnh đi sứ để dụ An Nam. Các khe động ở dọc biên giới nhiều người theo, Hữu Lượng bèn đem đồ đảng đến cướp châu Quảng Nguyên.

Bấy giờ, Kinh lược súy ty lộ Quảng Tây nước Tống đưa thư nhờ đuổi bắt Hữu Lượng. Vua xuống chiếu cho Phò Mã lang [Dương Tự Minh] và các văn thần là Nguyễn Mậu Mai, Lý Nghĩa Vinh đi đánh. Đuổi tới ải Lũng Đổ châu Thông Nông, Hữu Lượng trốn thoát, bắt được bè đảng của Hữu Lượng là bọn Bá Đại 21 người, sau đó áp giải chúng trả về nước Tống.

Năm Đại Định thứ 11 [1150, triều Lý Anh Tông], Phủ quân(8) mê hoặc triều đình, bừa bãi phóng túng, mọi người không ai dám nói. Bấy giờ Phò Mã lang [Dương Tự Minh] cùng với Điện tiền đô chỉ huy sứ là Vũ Đái … cùng mưu bắt giam Anh Vũ …

Đến khi Anh Vũ nhận được sắc tha tội, phục hồi chức Thái úy phụ chính như trước, bèn nhớ đến việc báo oán cũ. Phò Mã lang [Dương Tự Minh], cuối cùng bị đi đầy ở nơi xa độc mà chết.

… Thần, khi sinh thời làm danh tướng, khi chết làm Thần thiêng. Thần là bậc chính trực và mênh mông, ngụ tại chốn cao vời vợi vậy. Vì tự lo nghĩ cho việc cơ đồ nhà Lý suy thoái mà bị chết, thật thương cảm cho Thần, nhưng chẳng qua cũng chỉ có thể ngưỡng trông lên nơi núi xanh mà thôi !

… Sự linh ứng của Thần như vậy đó ! Thần ngự nơi cao thiêng ! sự tích của Thần đã được ghi rõ trong Quốc sử. Triều đình ban sắc chỉ, cho tiền bạc xây dựng đền để thở phụ Thần.

Ngày tốt, tháng Giêng năm Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh                                       Hưng thứ 45 (1784) triều Lê.

Hiệu sinh Lê Hoàng Chúng, người xã Mường La, huyện Từ An,                         chức Hiệu lý, viện Hàn Lâm, thuộc Hiến sát sứ, xứ Hải Dương                               dựng bia.

Như chúng ta đã biết: Sự tích về một vị thần có thể do những người khác nhau, ở những địa phương khác nhau viết. Tâm lý chung là người ta muốn xây dựng một nhân vật chọn vẹn để lưu truyền: Có cha, mẹ, quê quán, trải qua thời thơ ấu, trưởng thành, lương thiện, lập công … lưu danh. Vì vậy xảy ra trường hợp: Một vị Thần hai xuất xứ; cha, mẹ, hoàn cảnh khác nhau …(9)

Khi đọc Thần tích, chúng ta nên tập trung vào những mốc chính, như tên nhân vật, thời đại, sự kiện nổi bật về đời tư, cống hiến … mà, đối với nhân vật lịch sử lớn, thì Quốc sử cũng đã đề cập tới. Còn về quê quán, cha, mẹ, gia cảnh … chỉ niên tham khảo, đối chiếu các bản thần phả khác nhau của nhân vật để tìm ra thông tin có thể chấp nhận được.

Cách làm này phù hợp với việc tìm hiểu thần tích, thần phả, tài liệu về nhân vật lịch sử Dương Tự Minh ở các địa phương khác nhau.

II. SẮC VUA PHONG VÀ DANH HIỆU THỜ CÚNG THẦN

          Khi xem một sắc vua phong cho một vị thần, người ta thường chú ý đến mấy điều sau: Vua nào ban sắc, năm nào; tên vị Thần được ban sắc; nội dung chính được phong, thể hiện lòng ngưỡng mộ, biết ơn của bậc Đế vương đối với người đã có công với nước với dân, qua các “mĩ tự”, chẳng hạn: Thượng Đẳng Thần; Hộ Quốc tí dân (giúp nước che chở cho dân); Dực bảo trung hưng chi Thần (Vị Thần có công lớn trợ giúp cho các triều đại vì sự hưng thịnh của đất nước); Trác vĩ thượng đẳng thần (Vị thần có công lao đặc biệt với nước với dân…

Trong nghi thức thờ cúng Thần, trước hết người ta phải nhắc đến tên của vị thần (gọi là danh hiệu thờ cúng Thần), thường được lấy từ các sắc phong, tiếp theo mới kể đến công lao của Thần qua các mĩ tự vua ban.

Qua danh hiệu thờ cúng Thần, giúp chúng ta biết được vị thần đang được thờ cúng là ai. Vì vậy, trong phần giới thiệu sắc phong về Dương Tự Minh dưới đây tại một số đình, đền ở Thái Nguyên và Bắc Giang, chúng tôi giới thiệu với và con Dòng tộc những danh hiệu các triều vua ban tặng cho Dương Tự Minh, nhằm góp phần giúp bà con khắc phục tình trạng khó phân biệt giữa thần Cao Sơn, Quý Minh thời Hùng Vương với Cao Sơn, Quý Minh Dương Tự Minh thường xảy ra ở các địa phương.

THÁI NGUYÊN

* Đình An Châu, xã Nga My, huyện Phú Bình (10)

– Sắc phong ban ngày 18-11 năm Cảnh Hưng thứ ba mươi sáu (1775)

Danh hiệu: Cao Sơn Dương Tự Minh Đại Vương

                                            

– Sắc phong ban ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ hai (1917)

Danh hiệu: Cao Sơn Dương Tự Minh Tôn Thần

* Đền Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương (11)

– Sắc phong ban ngày 18-4 năm Cảnh Trị thứ 8 (1670)

Danh hiệu: Quý Minh tộ quốc Đại Vương

Sắc phong ban ngày 5-9 năm Thiệu Trị thứ 9 (1844)

Danh hiệu: Cao Sơn Uy Viễn Chi Thần

– Sắc phong ban ngày 16-5, năm Tự Đức thứ 6 (1853)

Danh hiệu: Cao Sơn Tôn Thần

– Sắc phong ban ngày 11 – 8, năm Duy Tân thứ 3 (1909)

Danh hiệu: Cao Sơn Quý Minh Thượng Đẳng Thần

 Sắc phong ban ngày 25 tháng 7, năm Khải Định 9 (1924).

Đây là sắc phong vua Khải Định ban cho phu nhân của Dương Tự Minh.

Danh hiệu: Ngọc Dung phu nhân Tôn Thần

* Đình Lộng, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình

Sắc Duy Tân – 3, ngày 11 – 8 năm 1909 tại đình Lộng, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình – tỉnh Thái Nguyên

– Sắc Duy Tân – 3, ngày 11 – 8 năm 1909

Danh hiệu: Cao Sơn Quý Minh Thượng Đẳng Thần

明上

– Thần tích – Thần sắc làng Nhã Lộng thì ghi:

Cao Sơn Quý Minh Đại Vương Thượng Đẳng Thần, húy là Dương Tự Minh(12)

* Đình làng Cướm (đình Hạ Lãm), xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, thờ Dương Tự Minh với Danh hiệu: Hồ Sơn Đại Vương Tôn Thần.

 (Theo sắc Khải Định – 9, ngày 25/7 (1923) lưu tại đình Minh Tiến, đã phiên âm, dịch nghĩa).

Đồng thời tại đây còn thờ các vị Thần khác ở địa phương (13)

* Đình làng Xuân La, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình

Sắc Duy Tân – 3, ngày 11 – 8 – 1909

Cao Sơn Quý Minh Chi Thần

Sắc Khải Định – 2, ngày 18 – 3 – 1917

Cao Sơn Quý Minh Tôn Thần

Sắc Khải Định – 9, ngày 25 – 7 – 1924

Cao Sơn Quý Minh Tôn Thần

          Đáng lưu ý là, danh hiệu Cao Sơn hay Quý Minh có thể để chỉ vị thần khác. Chẳng hạn, ở đình làng Nhã Lộng, Phú Bình thờ Dương Tự Minh với danh hiệu Cao Sơn Quý Minh Thượng Đẳng Thần, thì còn có hai vị thần:

Cao Sơn Tế Thế Đại Vương Thượng Đẳng Thần, húy là Hiển Công. Và:

Quý Minh Hiển Ứng Đại Vương Thượng Đẳng Thần, húy là Dụ Công.

Hiện tượng tương tự như ở trên cũng xảy ra ở các di tích vừa thờ Dương Tự Minh, vừa thờ Thần Cao Sơn và Thần Quý Minh thời Hùng Vương.

BẮC GIANG

Tiếp theo, chúng tôi giới thiệu danh hiệu thờ cúng vua phong cho Dương Tự Minh tại một số đình ở tỉnh Bắc Giang, qua các nguồn tài liệu khác nhau, như sắc phong, thần tích, lý lịch di tích của Sở Văn hóa  – Thông tin tỉnh Bắc Giang.

Tọa đàm tìm hiểu nghi thức thờ cúng Dương Tự Minh tại đình làng Quế Sơn, xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang

* Lý lịch di tích Đình làng Quế Sơn, xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa (2003), trang 4:

          Tên húy của Thần là Dương Tự Minh, danh hiệu thờ cúng là:

Cao Sơn Quý Minh Đại Vương

          Tại đình còn thờ Thánh Cao Sơn và Thánh Quý Minh.

* Thần Tích – Thần Sắc đình 3 làng Hoàng Liên, Lạc Yên, Âu Câp, tổng Hoàng Vân – Hiệp Hòa, trang 573 – 574 [Viện Thông tin Khoa học xã hội, 1995]:

Thành Hoàng làng là Đức Thánh Cao Sơn, tên húy là Dương Tự Minh.

– Vua Lý Anh Tông phong cho Dương Tự Minh sau khi Ngài mất là Cao Sơn Đại Vương, .

Vua Tự Đức năm thứ 33 (1880) tặng danh hiệu:

Linh Đôn Tĩnh Hùng Tuấn Trác Vĩ Cao Sơn Thượng Đẳng Thần, .

          Ở đây, Dương Tự Minh được tặng danh hiệu Cao Sơn (nghĩa là Núi cao) đi liền với Đại Vương hay Thượng Đẳng Thần (Thần bậc cao).

* Thần tích đình Danh Thượng, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, trang 22 (bản sao quốc Ngữ viết tay) cho biết:

          Danh hiệu thờ cúng là Cao Sơn Quý Minh Thượng Đẳng Tôn Thần, húy Dương Tự Minh

  , .

* Lý lịch đình làng Thắng Núi, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, 2004.

Đình thờ Thành Hoàng tên là Dương Tự Minh (trang 3). Phần tư liệu Hán Nôm (trang 8) giới thiệu 06 đôi Câu đối và 04 bức Hoành phi; không có sắc phong và thần tích do đã bị mất từ lâu. Tại trang 11 tài liệu cho biết: Dương Tự Minh đã được vua Lý phong là “Đô Đốc Thống Binh” và ban cho “Thượng phương bảo kiếm”. Sau khi mất đươc vua tặng sắc phong “Cao Sơn Thượng Đẳng Thần”

Qua các sắc phong còn lưu giữu ở các đình, đền thờ Dương Tự Minh nêu trên có thể rút ra nhận xét: Phần danh hiệu (tên người được phong sắc) mở đầu cho nội dung vua ban mĩ tự cho Thần, là các cụm từ sau:

Cao Sơn Quý Minh Dương Tự Minh; Cao Sơn Quý Minh; Cao Sơn (nghĩa là núi cao);

– Quý Minh (Minh là trong sáng, rõ ràng; soi sáng; người sáng suốt …). Những đức tính, khả năng đáng quý như vậy hằn là đều có ở các vị thần có công lớn với nước, với dân. Vậy các vị thần khác nhau có thể được vua tặng cho cùng một danh hiệu. Vấn đề là ở chỗ, cần xác định vị Thần (người) được phong tặng là ai có tên thật là gì.

Thí dụ, Lý lịch Đình Vạn Thạch, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang cho biết: Bài vị và Văn tế tại đình cho biết đình Vạn Thạch thờ đức thánh Cao Sơn và Quý Minh đại vương, hai ông vốn là thuộc thời Hùng Vương thứ 18 (trang 2). Danh hiệu thờ cúng các vua phong cho hai ông như sau:

– Sắc Thiệu Trị – 6, ngày 15/11/1846:

Phong danh hiệu: Cao Sơn Chi Thần.

– Sắc Tự Đức – 3, ngày 20/12/1850:

Phong Danh hiệu: Cao Sơn Tôn Thần

– Sắc Tự Đức – 6, ngày 16/5/1853:

Phong Danh hiệu: Quý Minh Tôn Thần. Nguyên tặng Chiêu ứng anh thông, linh tế, linh diệu địch cát Thượng đẳng Thần.

– Sắc Tự Đức – 33, ngày 24/11/1880:

Phong danh hiệu: Cao Sơn Thượng Đẳng Thần.

– Sắc Đồng Khánh – 2, ngày 01/7/1887

Phong danh hiệu: Cao Sơn Thượng Đẳng Thần.

– Sắc Duy Tân – 3, ngày 11/8/1909

Phong cho Cao Sơn là: Cao Sơn Thượng Đẳng Thần

Phong cho Quý Minh là: Quý Minh Thượng Đẳng Thần

– Sắc Khải Định 9, ngày 25/7/1924.

Sắc: Cứ theo lệ cũ phụng thờ bậc Cao Sơn Tôn Thần và Quý Minh Tôn Thần.

Các danh hiệu này cho Cao Sơn và Quý Minh thời Hùng Vương, tương tự như các danh hiệu vua phong cho Dương Tự Minh, như đã thấy ở phần trước.

* Một thí dụ khác: Đình Ngọc Thành, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Theo lý lịch di tích đình – chùa Ngọc Thành, tháng 6 năm 2006, trang 3 và 4: Đình Ngọc Thành thờ các Thần là Cao Sơn và Quý Minh là hai anh em ruột, hai vị tướng tài đời Vua Hùng Vương thứ 18 – Hùng Duệ Vương và Lâm Giang Đô Thống; được cấp bằng di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh, thành phố ngày 15/12/2006.

Về danh hiệu thờ cúng Cao Sơn, Quý Minh, được các Vua phong như sau:

– Sắc Tự Đức – 7, ngày 11/10/1854, phong cho Cao Sơn là Cao Sơn Đô Thống; phong cho Quý Minh là Quý Minh Chi Thần.

– Sắc Đồng Khánh – 2, ngày 01/7/1886, phong cho Cao Sơn là Dực Bảo Trung Hưng Cao Sơn Đô Thống; cho Quý Minh là Quý Minh Thượng Đẳng Thần.

– Sắc Duy Tân – 3, ngày 11/8/1909, phong danh hiệu cho hai vị như danh hiệu trong sắc Đồng Khánh thứ 2 ở trên.

Tên cha mẹ đặt cho (trang 14) là Cao Sơn con trai lớn và con trai thứ là Quý Minh. Như vậy khi phong Thần cho các Ngài, vua giữ nguyên tên thần, rồi thêm danh hiệu cao quý khác kèm theo, như Đô Thống (quan võ chỉ huy các đạo quân thời xưa) thành Cao Sơn Đô Thống; hay Thượng Đẳng Thần (vị Thần bậc cao thượng đẳng) thành Quý Minh Thượng Đẳng Thần … Còn các từ Cao Sơn, Quý Minh hay Cao Sơn Quý Minh là những “mĩ tự” mang ý nghĩa cao đẹp được các triều vua sử dụng đi liền với các mĩ tự khác làm danh hiệu phong Thần cho Dương Tự Minh, như đã thấy ở các phần trước, để nhân dân thờ cúng.

Ở Bắc Giang có đến 158 di tích thờ cúng Thần Cao Sơn và Quý Minh (14). Ở một số di tích dạng này, nhân dân địa phương cũng lưu truyền có thờ Cao Sơn Quý Minh triều nhà Lý thế  kỷ 12 là Dương Tự Minh, nhưng vẫn chưa có đủ cơ sở để chứng minh thờ Dương Tự Minh.

Ở Thái Nguyên, qua khảo sát 200 di tích là đình, đền, nghè, miếu thuộc huyện Phú Bình và thị xã Phổ Yên, các nhà nghiên cứu thấy rằng số ngôi đình thờ Cao Sơn, Quý Minh thời Hùng Vương chiếm một phần đáng kể. Đồng thời, tại một số di tích đó các nhân chứng ở địa phương khai kể có thờ cả Cao Sơn Quý Minh thời nhà Lý. Số di tích thờ danh tướng Dương Tự Minh trên danh nghĩa theo khai báo chiếm tỷ lệ trên 60% tổng số đình, đền, nghè, miếu trong tỉnh Thái Nguyên (15).

Vậy phải hiểu như thế nào cho chính xác đâu là vị thần Cao Sơn, Quý Minh thời Hùng Vương, đâu là Thần Cao Sơn Quý Minh thời nhà Lý thế kỷ 12 ?

Thực tế đó đòi hỏi các nhà nghiên cứu lịch sử có sự đầu tư tìm hiểu làm sáng tỏ những vấn đề còn vướng mắc, giúp nhân dân các địa phương có di tích, có cơ sở để yên tâm trong việc thờ cúng các vị Thần tôn quý của làng minh. Bởi vì, như tục ngữ Việt Nam có câu “danh chính, ngôn thuận”.

III. VÀI ĐIỀU NHẬN XÉT

Qua những nội dung trình bày từ đầu bài viết, chúng tôi xin rút ra nhận xét bước đầu về việc xác định vị Thần Dương Tự Minh tại nơi thờ cúng như sau:

1. Căn cứ Thần tích cổ có nghĩa: Đình (hay đền), miếu thờ Thần là Dương Tự Minh. Chẳng hạn, Thần tích Đình xã Quang Vinh, huyện Đồng Hỷ – Thái Nguyên ghi Thần họ Dương, tên húy là Minh, làm quan ba triều vua Lý …

Hiển nhiên di tích này thờ Thần Dương Tự Minh.

2. Căn cứ sắc phong Thần có ghi rõ Dương Tự Minh. Chẳng hạn sắc phong (1775) Đình An Châu, xã Nga My, huyện Phú Bình; ghi danh hiệu là Cao Sơn Dương Tự Minh Đại Vương …

Trường hợp nay có thể xảy ra tại di tích đã bị mất Thần tích (theo lưu truyền), chỉ còn sắc phong.

Đây cũng là di tích thờ Thần Dương Tự Minh.

3. Trường hợp không còn thần tích, sắc phong (theo lưu truyền thờ cúng là có) thì căn cứ vào các tư liệu Hán Nôm, như hoành phi, câu đối, văn tế, bài vị có nói tới Dương Tự Minh, là những tài liệu được soạn qua nhiều thời kỳ thường xuất phát từ Thần tích, sắc phong cho Thần, được tích lũy qua nhiều đời mà có, cũng là cơ sở để tin được rằng di tích này thờ Dương Tự Minh.

4. Các di tích thờ Thần có nhắc đến các danh hiệu: Cáo Sơn, Quý Minh, hay Cao Sơn Quý Minh, mà không biết người được thờ cúng là ai, thì nên liên hệ với các cơ quan nghiên cứu hay quản lý, lưu trữ tài liệu lịch sử, văn hóa truyền thống nhờ tìm Thần tích, Sắc phong … , như: Sở Văn hóa Thông tin – Du lịch; Bảo tàng tỉnh; Viện Nghiên cứu Hán Nôm Quốc Gia; Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Quốc Gia – Viện thông tin khoa học xã hội …

Trên đây là vài điều suy nghĩ của chúng tôi giới thiệu nhằm để bà con tham khảo trong quá trình tìm hiểu về vị tướng tài Họ Dương thời nhà Lý, đã có công lớn trong việc bảo vệ vùng biên cương phía Bắc của Tổ Quốc, được các triều vua tặng Sắc phong Thần, được nhân dân thờ cúng tôn nghiêm từ xa xưa ở nhiều làng xã, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Chúng tôi chân thành cảm ơn bà con Dòng tộc quan tâm đến vấn đề chúng tôi nêu ra và gửi cho chúng tôi ý kiến đóng góp qúy báu.

Hà Nội, mùa Thu 2020

 Bài viết: Dương Văn Đảm

Ảnh: Dương Việt Hòa

Chú thích:

1. Nguyễn Đình Hưng. Tìm thấy 02 sắc phong cho Danh tướng Dương Tự Minh ở Thái Nguyên. Thế giới Di sản, số 7 – 2010 (46).

2. Lê Xuân Quang. Thần tích Việt Nam. NXB Văn hóa thông tin. Hà Nội 1995. Tr6.

3. Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên). NXB Văn học, H.2009, Tr 217.

4. Nguyễn Văn Bình, sở VHTT Thái Nguyên. Tài liệu Hội thảo khoa học Dương Tự Minh. Thái Nguyên 2003. Tr103.

5. Nguyễn Thị Việt, Nguyễn Đình Hưng sở VHTT và DL Thái Nguyên. Tìm thấy Thần tích Dương Tự Minh ở huyện Phú Bình. Thông báo Hán Nôm học năm 2015.

6. Viện Thông tin khoa học xã hội. Thư mục Thần tích, thần sắc tỉnh Bắc Giang. Hà Nội 1995.

7. PGS.TS. Nguyễn Minh Tường. Về nội dung tấm bia Quang Vinh Phúc Thần sự lục bi ký. Danh nhân lịch sử Dương Tự Minh. Kỷ yếu 5 Hội thảo Thái Nguyên 2003. Tr.225

8. Chỉ Thái úy Phụ Chính Đỗ Anh Vũ

9. Lê Xuân Quang. Thần tích Việt Nam. Tài liệu đã dẫn. Tr.8

10. Nguyễn Đình Hưng. Tìm Thấy 2 sắc phong cho danh tướng Dương Tự Minh ở Thái Nguyên. Tài liệu đã dẫn.

11. Nguyễn Văn Yên – Thái Nguyên. Sắc phong cho Phò mã Đô úy thủ lĩnh phủ Phú Lương Dương Tự Minh ở đền Đuổm. Thông báo Hán Nôm học 2014.

12. Thần tích – Thần sắc làng Nhã Lộng, Tổng Nhã Lộng, Phú Bình – Thái Nguyên. Viện thông tin khoa học xã hội. Hà Nội 1995. Tr.633

13. Lý lịch di tích đình làng Cướm, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Sở VH TT DL .7.201. Tr 8.

14. Viện thông tin khoa học xã hội. Thư mục Thần tích – Thần sắc tỉnh Bắc Giang. Tài liệu đã dẫn 42 trang.

15. Nguyễn Đình Hưng. Về Thần Cao Sơn, Quý Minh và Cao Sơn Quý Minh Dương Tự Minh ở tỉnh Thái Nguyên. Báo Văn Nghệ Thái Nguyên, số 47, 22-11-2016.

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com