LƯỢC SỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
- 08/04/2016
- Ban Thông tin truyền thông
“Làm thuê hay làm chủ?”, đâu là con đường dẫn đến thành công. Đây là một câu hỏi lớn, không chỉ được sự quan tâm của riêng thanh niên Họ Dương Việt Nam mà được sự quan tâm của thanh niên cả nước và cả xã hội. Nhằm giúp các bạn thanh niên có cái nhìn rõ hơn về “làm chủ” và “làm thuê”, Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương Việt Nam đã tổ chức chương trình chia sẻ đào tạo với chủ đề “Làm thuê hay làm chủ”.
Chương trình có sự tham gia của 2 diễn giả GS.TSKH Dương Quốc Thái – Phó Chủ tịch Viện kỷ lục Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng Phát triển Siêu trí nhớ Việt Nam – TT Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam, Tổng lãnh sự danh dự vĩnh viễn của nước cộng hòa hồi giáo Pakistan tại Việt Nam – Phó Ban đào tạo Câu lạc bộ Doanh nghiệp – Doanh nhân Họ Dương Thành phố Hồ Chí Minh và ông Dương Xuân Đệ: Tổng Giám đốc Tập đoàn Hawee – Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp – Doanh nhân Họ Dương TP.Hà Nội.
Tham gia chương trình còn có 3 vị khách mời là những thanh niên Họ Dương Việt Nam đã khởi nghiệp, đứng vai trò “làm chủ”: Dương Thị Thu Định sinh năm 1989 – giải Nhất cuộc thi “Cùng lên võ đài khởi nghiệp” năm 2019, Dương Hữu Hoàng sinh năm 1986 – thí sinh vừa được giải ngân 100 triệu đồng dự án nghiên cứu khoa học trong cuộc thi Những ngôi sao nhỏ Họ Dương năm 2020 và Dương Tiến Đoàn sinh năm 1992 – thí sinh vòng 2 cuộc thi “Cùng lên võ đài khởi nghiệp” năm 2019. Ngoài ra, còn có sự tham gia của 70 thanh niên ưu tú trên cả nước.
Dưới sự điều hành của 2 diễn giả Dương Quốc Thái và Dương Xuân Đệ, các khách mời và các bạn thanh niên đã trao đổi thẳng thắn, làm rõ quan điểm “làm thuê”, “làm chủ”. Đóng vai người “làm thuê”, ông Dương Xuân Đệ đưa ra quan điểm làm thuê là làm công ăn lương, tức là đi làm thuê cho người khác hoặc cũng có thể làm thuê cho chính mình, tức là tự kinh doanh nhỏ. Làm chủ là nhóm làm chủ một hệ thống, tài sản là do người khác làm ra cho họ hoặc bỏ tiền ra đầu tư vào các doanh nghiệp. Ở góc độ này, theo ông Dượng Xuận Đệ, đối với thanh niên mới ra trường nên chọn làm thuê thay vì làm chủ để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức là kiến tạo cơ hội. Bởi vì khi mới chập chững bước vào cuộc sống, bắt đầu kiếm tiền thanh niên chưa có trải nghiệm, chưa có kiến thức, trải nghiệm, làm chủ sẽ dễ rất đến thất bại nên làm thuê là một lựa chọn an toàn. Chỉ đến khi nào bản thân có kiến thức về tài chính, quản trị, xây dựng được mối quan hệ, lấp đầy được những kiến thức còn trống và có đầy đủ trải nghiệm mới đi làm chủ để tránh thất bại
Ngược lại, trong vai người làm chủ, TS Dương Quốc Thái đưa ra quan điểm, làm chủ là làm chủ cuộc sống của mình, làm chủ chính kiến của mình, làm chủ con đường đi của mình để tạo ra giá trị cho xã hội. Theo ông Thái, không nhất thiết phải qua quá trình làm thuê tích lũy kinh nghiệm mới lên làm chủ. Trong thực tế có những người ra làm chủ luôn không qua làm thuê, cho nên con đường làm chủ không nhất thiết phải ta trường làm thuê rồi mới ra làm chủ.
Phản bác quan điểm này, ông Dương Xuân Đệ dẫn chứng thực tế, có những doanh nghiệp người đứng đầu rất thành công, làm chủ không trai qua làm thuê nhưng để có được thành công đó họ đã gặp thất bại, đã “chết đi sống lại” không biết bao nhiêu lần. Trên thực tế, khi đưa ra kế hoạch làm chủ rất ít người đưa vào đó sự thất bại, nên nếu làm chủ thất bại sẽ khó đứng dậy. Người làm chủ phải có ý chí, thái độ tốt, nền tảng tốt cộng với sự may mắn. Nếu trong kế hoạch làm chủ của một người đã chuẩn bị sẵn sàng đón nhận vấp ngã và đứng dậy thì sẽ khuyến khích người đó làm chủ. Theo quan điểm của ông Đệ, dù có những ngoại lệ làm chủ không qua làm thuê và rất thành công nhưng đó là số thiên tài ít ỏi.
Các bạn thanh niên Họ Dương tham gia tại buổi chia sẻ đã có rất nhiều trao đổi với hai vị diễn giả để làm rõ khái niệm “làm thuê”, “làm chủ”. Bạn Dương Thị Thu Định kể câu chuyện làm chủ của mình sau khi làm giảng viên được 3 tháng. Theo bạn Thu Định, “làm chủ” hay “làm thuê” đều tốt nếu chúng ta nhận biết rõ hai con đường đó khác nhau như thế nào và chọn được con đường phù hợp với mình. Khi xác định chọn làm chủ hay làm thuê thì ngoài xác định những thứ “được” ra thì ta cần phải xác định “cái giá phải trả” nữa thì ta sẽ biết được xem nó có phù hợp với mình hay không. Mỗi người cần đặt ra mục tiêu cho mình trước, sau đó tìm con đường để đạt được mục tiêu. Chọn làm chủ hay làm thuê là phương tiện để đạt mục tiêu mình hướng tới.
Bạn Dương Tiến Đoàn đưa ra quan điểm làm thuê hay làm chủ không phải là vì tài chính mà vì đam mê. Theo đuổi đam mê của mình, làm theo đam mê của mình chính là làm chủ. Bạn Dương Hữu Hoàng cũng chia sẻ câu chuyện thay đổi liên tiếp từ người “làm chủ” và “làm thuê” sau khi tốt nghiệp đại học và đưa ra quan điểm, “làm thuê hay làm chủ cái nào có lợi ích với mình thì làm”.
Nhiều bạn thanh niên tham gia trực tiếp cũng như theo dõi qua Fanpage Thanh niên Họ Dương Việt Nam đã có những câu hỏi, những câu chuyện kể và những trao đổi xung quanh khái niệm “làm chủ”, “làm thuê khiến buổi chia sẻ diễn ra rất sôi nổi. Các diễn giả và các bạn thanh niên đã có những trao đổi, chia sẻ, thậm chí phản biện để làm rõ khái niệm “làm chủ”, “làm thuê”.
Sau khi lắng nghe rất nhiều ý kiến, ở “vai trò” người “làm thuê” ông Dương Xuân Đệ đưa ra quan điểm kết luận, “nếu làm người làm thuê thì phải là người làm thuê chuyên nghiệp”. Còn khi đổi vai ở người “làm chủ”, ông Dương Xuân Đệ cho rằng, điều quan trọng là làm sao để làm chủ thành công. Trước khi chọn làm thuê hay làm chủ hãy trả lời: Đã chuẩn bị hành trang sẵn sàng cho việc đó chưa, đã có kiến thức về nghề định làm (thị trường, về quản trị…); đã có kỹ năng chưa. Nếu chưa có thì cần phải chuẩn bị để có đủ, dám đương đầu, làm chủ doanh nghiệp bản chất là làm chủ bản thân mình. Hãy phá tan rào cản, thoát khỏi cái kén để làm chủ nhưng phải là làm chủ thông minh: Chọn ngành có cơ hội phát triển, có thế mạnh, phải chọn lĩnh vực kinh doanh chứ không phải nhắm mắt mà làm. Sau khi chọn được ngành, phải xem lợi thế cạnh tranh của mình, giá trị cốt lõi của mình là gì khi chúng ta gia nhập thị trường này. Trong một sân chơi, chúng ta phải định hình một cách chiến lược, với ngành chúng ta chọn, với bối cảnh hiện tại chúng ta cần phải làm gì, phải có chiến lược hoạch định và phải có đầu tư để có thể đưa đến thành công. Phải xác định được lợi thế cạnh tranh, phải định dạng được phân khúc thị trường.
Ngược lại, TS Dương Quốc Thái lại đưa ra quan điểm: Nếu chọn là chủ phải chuẩn bị để nếu mình chán làm chủ thì có thể làm thuê hoặc nghỉ ngơi. Đó là sự chủ động và làm chủ cuộc sống.
Phát biểu tại buổi chia sẻ, bà Phạm Thị Thu Hằng – Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội đồng Họ Dương Việt Nam cho rằng, buổi chia sẻ đã đưa ra những ý kiến trái chiều, nhưng rất sôi nổi và có nhiều ý kiến rất hay. Tuy nhiên, tại Việt Nam phần lớn vẫn là kinh tế hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ, cho nên chúng ta nên hiểu rằng làm chủ không phải ngay lập tức trở thành chủ doanh nghiệp lớn, quy mô hàng trăm hàng nghìn nhân viên mà có thể bắt đầu từ việc làm chủ một mô hình kinh tế gia đình do chính mình và người thân trong gia đình làm việc. Từ đó từng bước phát triển quy mô theo định hướng phát triển của bản thân, hoặc tìm ra những con đường mới để phát triển doanh nghiệp của mình.
Qua buổi chia sẻ, các bạn thanh niên đã nhìn nhận rõ hơn về khái niệm “làm chủ” và “làm thuê” để từ đó lựa chọn cho mình con đường đi phù hợp, để phát triển mình thành một người thật sự có giá trị.
Dương Phạm Ngọc
BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved
Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com