Thạc sĩ, giảng viên Dương Trọng Thành: Người lính là cảm hứng vô tận trong sáng tác

Dương Trọng Thành sinh năm 1981, hiện là giảng viên thanh nhạc tại Trường Văn hóa Nghệ thuật quân đội. Bên cạnh công tác giảng dạy, Dương Trọng Thành còn sáng tác, phổ nhạc nhiều ca khúc được đánh giá cao như: “Đại tướng – người sống mãi với non sông”, “Chùa Đậu”… Anh đã dành cho Bản tin Họ Dương Việt Nam cuộc trò chuyện về những đam mê, về “lửa” nghề trên con đường nghệ thuật.

Chào anh Dương Thành, anh có thể chia sẻ một chút về con đường đến với nghề giáo – nghệ sĩ của mình?

Tôi sinh ra trong một gia đình công chức, bố mẹ đều làm bên ngành bưu điện. Nhưng có ông ngoại cũng có thời gian là nhạc công quân nhạc. Mẹ tôi cũng rất yêu ca hát, có cậu ruột cũng hiện nay là giáo viên âm nhạc tại một trường trung học cơ sở tại quận Ba Đình.

Từ khi học cấp 2 tôi đã yêu thích âm nhạc, thích học đàn organ và ca hát. Lên cấp 3 thì tố chất về giọng hát càng phát triển nên quyết tâm thi vào các trường nghệ thuật để thỏa niềm đam mê ca hát. Và các ngôi trường tôi đã được học tập rèn luyện về thanh nhạc trong quãng thời gian 10 năm tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và được giảng dạy trực tiếp của những nghệ sĩ tên tuổi như NSND Phan Muôn, NSND Quang Thọ…

Trong quá trình học, tôi thường xuyên dự thi các chương trình nghệ thuật của thành phố và nhà trường tổ chức và cũng đã giành được một số giải thưởng: Huy chương Vàng đơn ca Hội diễn nghệ thuật quần chúng Bộ Giao thông Vận tải năm 2005, giải Khuyến khích Cuộc thi đơn ca giọng hát hay Hà Nội năm 2006 và vào đến đêm chung kết giải Sao Mai khu vực Hà Nội năm 2007… Đồng thời tôi tham gia giảng dạy thanh nhạc tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô Hà Nội, đội Sơn Ca nhà hát đài tiếng nói Việt Nam… và tham gia hướng dẫn thanh nhạc cho các đợt hội diễn nghệ thuật quần chúng của các đơn vị trên địa bàn Hà Nội.

Quá trình làm việc, tôi thấy mình hợp với công tác sư phạm. Do đó, khi tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam, tôi xin về giảng dạy thanh nhạc tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội từ năm 2011 đến nay.

Giảng viên Dương Trọng Thành

Là một người thầy trong lĩnh vực nghệ thuật, đó cũng là một công việc truyền cảm hứng, nhưng sao anh lại chọn môi trường quân đội thay vì lựa chọn một môi trường nghệ thuật khác?

–  Hồi học cấp 3, tôi thường xuyên xem các chương trình ca nhạc trên tivi và thấy rất nhiều chương trình có sự tham gia của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Hình ảnh các nghệ sĩ mặc quân phục biểu diễn trên sân khấu khiến tôi rất thích và lúc ấy tôi đã mong muốn được học tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). Nhưng thời điểm những năm 2000 nhà trường chưa có cơ chế tuyển sinh dân sự mà chỉ đào tạo trong quân đội. Khi tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tôi may mắn được về công tác tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội, như vậy là tôi đã thực hiện được ước mơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Khi được công tác trong môi trường “chiến sĩ – nghệ sĩ” tôi càng cảm nhận rằng đây chính là một cái nôi đào tạo văn nghệ sĩ uy tín của quân đội cũng như bên ngoài quân đội. Được tham gia tập huấn văn hóa văn nghệ tại các đơn vị cơ sở trong quân đội giúp tôi nhận ra là trong quân đội có rất nhiều tài năng nghệ thuật. Những ca khúc cách mạng đã truyền cảm hứng tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn giúp bộ đội ta giành thắng lợi. Môi trường quân đội là một nguồn cảm hứng vô tận trong nghệ thuật, quân đội từ nhân dân mà ra. Từ biên giới hay hải đảo xa xôi, từ những nhiệm vụ đời thường của người lính là nguồn cảm hứng vô tận trong sáng tác và thể hiện những tác phẩm nghệ thuật.

Giảng viên Dương Trọng Thành trong buổi bảo vệ luận văn gthajc sĩ

Được biết anh đã có nhiều sáng tác được đánh giá cao, nguồn cảm hứng nào giúp anh có những sáng tác ấy? Là một người sáng tác, theo anh, để có được một sáng tác chạm đến trái tim khán giả thì cần có những yếu tố nào?

Cảm ơn câu hỏi rất thú vị của chị! Hiện tại, công việc chính của tôi ở trường là giảng dạy thanh nhạc. Nhưng bên cạnh đó sáng tác ca khúc cũng là một niềm đam mê của tôi. Những bài thơ hay, những  cảnh đẹp, những truyền thống của các đơn vị trong quân đội là nguồn cảm hứng để tôi sáng tác, hay phổ nhạc cho các bài thơ thành những ca khúc. Việc sáng tác ca khúc, thu thanh giọng hát cũng là một cách ghi lại nhật ký của cuộc sống. Tôi không dám nghĩ là những sáng tác của mình được đánh giá cao. Nhưng việc sáng tác vừa là một đam mê cũng là một nhiệm vụ của người hoạt động nghệ thuật, để ghi lại hình ảnh cuộc sống bằng âm nhạc.Tôi cũng vinh dự khi được kết nạp là Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội.

Theo cá nhân tôi, một ca khúc muốn chạm đến trái tim của người nghe thì người sáng tác phải có rung động thật, có cảm xúc thật trước những gì mà mình cảm nhận trong cuộc sống. Đồng thời phải có những kiến thức nhất định về âm nhạc, đặc biệt là tính chất của từng giọng hát để ca khúc khi viết lên phù hợp với khả năng thể hiện của người biểu diễn. Nhưng yếu tố cảm xúc vẫn phải đặt lên hàng đầu, có như vậy tác phẩm mới có thể chạm đến trái tim người nghe.

Anh đã từng đạo diễn và tham gia dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật chào mừng những ngày lễ lớn của quân đội, của Nhà nước cũng như các đoàn văn công quân khu, binh chủng, anh có thể chia sẻ một chút về những chương trình này? Cho đến giờ, kỷ niệm nào làm anh nhớ nhất trong quãng thời gian hoạt động nghệ thuật của mình?

Ngoài công tác giảng dạy về thanh nhạc, tôi cũng được tham gia dàn dựng các chương trình nghệ thuật, các hội diễn nghệ thuật quần chúng cho các đơn vị trong quân đội. Trong môi trường quân đội thì công tác chính trị rất quan trọng và phong trào văn hóa văn nghệ được các cấp lãnh đạo, chỉ huy rất quan tâm. Mỗi khi có một chương trình hội diễn thì công tác chuẩn bị đều được lên kế hoạch rõ ràng, phân công nhiệm vụ tỉ mỉ đến từng bộ phận với thời gian được đầu tư từ một đến hai tháng, thậm chí còn lâu hơn. Các hạt nhân văn nghệ được tuyển chọn kỹ từ các đơn vị cơ sở, nhiều đồng chí đã được đào tạo chuyên nghiệp. Cơ sở vật chất phục vụ tập luyện đầy đủ nên có hiệu quả cao. Nhiều chương trình tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quân của các đơn vị có chất lượng chuyên nghiệp cao, khoảng cách không xa so với các đoàn văn công chuyên nghiệp của các quân khu, quân chủng hay các đoàn nghệ thuật của các tỉnh.

Giảng viên Dương Trọng Thành cùng các sinh viên

Mỗi một chương trình nghệ thuật thường có thời gian tập luyện dài nên những kỷ niệm với tôi rất nhiều. Năm 2019, là một năm đáng nhớ đối với tôi khi được tham gia dàn dựng cho các đoàn nghệ thuật quần chúng của các đơn vị như: Sư đoàn 325 Quân đoàn 2, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Binh Chủng Hóa học, Học viện Quân y, Trường Sĩ quan Chính trị, Sư đoàn 395 Quân khu 3. Do rất nhiều đơn vị tham gia thi nên thời gian để chạy chương trình trên sân khấu của Nhà hát Quân đội rất ít và kéo dài. Đoàn nghệ thuật quần chúng sư đoàn 325 Quân đoàn 2 phải đợi đến 1h giờ sáng mới được chạy chương trình. Khi chạy chương trình xong là 3h sáng, diễn viên chỉ được nghỉ 2 tiếng, sau đó tiếp tục làm công tác chuẩn bị để biểu diễn báo cáo ban tổ chức vào 7h sáng. Vất vả là thế những các diễn viên vẫn biểu diễn hết mình, điều đó khiến tôi rất cảm phục tinh thần vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, đúng là chỉ có quân đội mới có thể làm được những việc như vậy.

 Anh có thể chia sẻ một chút về gia đình nhỏ của mình? Người ta thường nói, làm bạn đời của một người nghệ sĩ phải thật sự cảm thông và thấu hiểu, chắc hẳn anh có một hậu phương rất vững chắc để anh yên tâm phát triển trên con đường nghệ thuật?

Vợ chồng tôi có hai con, cháu trai năm nay lên lớp 4, cháu gái được 5 tuổi. Vợ tôi dạy tiếng Anh, cũng khá bận rộn vì vừa giảng dạy vừa theo học cao học. Nhưng vợ tôi được cái nhanh nhẹn, tháo vát nên tôi cũng rất yên tâm công tác. Khi rảnh tôi đều bố trí hỗ trợ vợ trong công việc gia đình.

Anh có thể chia sẻ cùng bạn đọc dự định của mình trong thời gian sắp tới?

Trong năm 2022 này tôi sẽ dự định sẽ thi nghiên cứu sinh sau khi hoàn thành xong chương trình học tại Khoa Tiếng Anh – Đại học Mở Hà Nội. Tôi cũng có một mong muốn là được Hội đồng Họ Dương tạo điều kiện cho tôi được giảng dạy thanh nhạc miễn phí cho bà con Họ Dương có niềm đam mê ca hát. Bên cạnh đó, tôi cũng mong mình sáng tác được nhiều ca khúc về Họ Dương để góp thêm công sức nhỏ bé của mình vào phát triển dòng họ mãi trường tồn, tỏa sáng.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện. Chúc những dự định của anh sớm thành hiện thực.

Dương Phạm Ngọc thực hiện

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com