Đón bằng di tích lịch sử – văn hoá cấp Quốc gia đền thờ Dương Trí Trạch
- 16/07/2022
- Ban Thông tin truyền thông
- 555
Đền thờ Tiến sĩ Bạt quận công Dương Trí Trạch (thôn Thạch Ngọc, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ, quý hiếm mang phong cách nghệ thuật của thời Hậu Lê và thời Nguyễn.
Sáng 15/7, UBND huyện Can Lộc phối hợp với xã Khánh Vĩnh Yên tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia đền thờ Dương Trí Trạch. Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Sở VH-TT&DL, huyện Can Lộc cùng đông đảo con cháu dòng họ, Nhân dân địa phương.
Đền thờ Dương Trí Trạch được xây dựng vào năm 1747 tại làng Sơn Huy, xã Bạt Trạc, huyện Thiên Lộc (nay là thôn Thạch Ngọc, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc). Đến năm 1881, đền thờ được di dời đến vị trí mới (cách nơi cũ khoảng 800m).
Trải qua thời gian, đền thờ đã có 4 lần trùng tu, thượng điện được trùng tu năm 1924, hạ điện trùng tu năm 1942, hiện nay diện tích còn 955,1 m2. Đền thờ có kiến trúc kiểu chữ Nhị quay mặt về hướng Nam bao gồm các hạng mục: cổng, tắc môn, hạ điện và thượng điện.
Theo gia phả dòng họ Dương, Tiến sĩ Bạt quận công Dương Trí Trạch sinh năm Bính Tuất (1586), trong một gia đình có truyền thống hiếu học và khoa bảng tại làng Sơn Huy, xã Bạt Trạc.
Thuở nhỏ Dương Trí Trạch là người thông minh, học giỏi, sau khi đỗ Hương cống, ông về làm việc cho làng xã một thời gian, sau đó tiếp tục học và đi thi. Đến khoa thi năm Kỷ Mùi (1619), niên hiệu Hoằng Định thứ 20, đời vua Lê Kính Tông, ông đỗ Tam giáp Đông tiến sỹ, lúc này ông 34 tuổi.
Sau khi đỗ đạt, Tiến sỹ Dương Trí Trạch được bổ dụng làm quan trong triều Lê và đã trải qua nhiều lĩnh vực về chính trị, quân sự, ngoại giao và văn hóa giáo dục.
Trải qua hơn 40 năm làm quan (từ năm 1620, đến năm 1661), ông giữ nhiều chức vụ như Thượng thư Bộ Lễ, Thượng thư Bộ Hộ, Thượng thư Bộ Lại, Hàn Lâm viện sự thị giảng, Tham chưởng Hàn lâm viện sự thiếu bảo, Bồi tụng, Tham tụng phủ chúa, Chánh sứ, Đốc thị tỉnh Cao Bằng.
Sử sách ghi nhận, Tiến sỹ Dương Trí Trạch là người có nhiều công lao đóng góp về các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao và văn hóa giáo dục cho đất nước trong những năm giữa thế kỷ XVII.
Năm Tân Sửu (1661), Bạt quận công Dương Trí Trạch về quê. Tháng 7, năm Nhâm Dần (1662) ông qua đời, thọ 77 tuổi, mộ ông được đặt trước cánh đồng làng Bạt Trạc.
Sau khi mất, ông được nhà vua cho khắc một bia vinh quy hồi hương, ghi nhận công lao đóng góp cho triều đình trong những năm ông làm quan. Tấm bia được tạc theo mẫu ở Văn Miếu và soạn lời bia đề năm Thịnh Đức thứ nhất (1653), hai mặt bia khắc chữ Hán.
Đền thờ hiện còn lưu giữ được các hiện vật cổ như: bia đá, bài vị, cờ lọng, nghi trượng, gươm đao, câu đối… chạm trỗ, điêu khắc mang phong cách nghệ thuật của thời Hậu Lê và thời Nguyễn.
Với những giá trị trên, đền thờ Dương Trí Trạch đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 3085/QĐ-BVHTTDL ngày 27/10/2020. Do điều kiện dịch COVID-19 nên đến nay địa phương mới tổ chức lễ đón nhận.
Nguồn: Báo Hà Tĩnh