Dương Văn Mận – Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Điện Biên…
- 06/05/2024
- Ban Thông tin truyền thông
- 93
Đi qua chiến tranh, ký ức về một thời hoa lửa với người lính – nói như một tác gia, tựa hồ đã như gió quét lá khô, để sống giữa đời thường bình dị, an yên. Thế nhưng, nước mắt hội ngộ lại trào ra bởi những khúc tráng ca dội về trong ngày gặp mặt. Họ, những người lính Nguyên Phong thời đại Hồ Chí Minh đã “Bạch đầu quân sĩ tại”, song mỗi người vẫn là một mảnh ghép sống động về Điện Biên Phủ, rất đỗi kiêu hùng mà sao bình dị đến thế. Báo Thanh Hóa lược ghi những dòng tâm sự trong ngày gặp mặt, trân trọng gửi tới quý độc giả.
Ông Dương Văn Mận (90 tuổi), hiện, sinh sống tại thị trấn Yên Cát (Như Xuân); nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 188, Trung đoàn 176, Sư đoàn 316.
Ông Dương Văn Mận kể; Tôi sinh ra tại Hà Nam, năm 1944 theo gia đình vào Thanh Hóa, năm 1953 vào bộ đội ở xã Hợp Thắng (Nông Cống (cũ), nay là huyện Triệu Sơn, lúc đó mới tròn 19 tuổi. Những ngày đầu tiếp xúc trong môi trường quân đội (Trung Đoàn 44, huấn luyện ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An còn nhiều bỡ ngỡ, song với các hoạt động tiếp cận cơ bản nhất trong 3 tháng đầu nhập ngũ đã giúp tôi nắm vững được các nội dung huấn luyện. Sau 3 tháng, đã biết bắn súng và được biên chế vào Tiểu đoàn 188, Trung đoàn 176, Sư Đoàn 316 hành quân lên Sơn La đánh phỉ. Đến tháng 11/1953, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, đơn vị được lệnh lên Điện Biên Phủ – lúc đó gọi là chiến dịch “Trần Đình”, anh nào anh nấy sung sướng không tưởng tượng được.
Tướng Navarre của Pháp cho rằng cứ điểm Điện Biên Phủ là bất khả xâm phạm. Chúng cho rằng Việt Minh không thể đánh nổi. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, Pháp không đánh giá được khả năng, tiềm lực của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta và Bác Hồ, đặc biệt không đánh giá được chiến lược, chiến thuật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Lúc đầu ta đã chuẩn bị và đã bố trí lực lượng tiến công thực hiện phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh”, các đơn vị chỉ cần chờ hiệu lệnh để nổ súng, nhưng có lệnh của Tướng Giáp dừng lại, bắt đầu kéo pháo ra. Toàn quân tiếp tục học tập thư của Bác Hồ, và mỗi cán bộ, chiến sĩ đều viết quyết tâm thư thực hiện phương châm “đánh chắc, thắng chắc”. Toàn quân quán triệt xây dựng trận địa và bảo vệ kho tàng bằng cách đào hầm, đào hào, đào đến đâu chiếm đến đấy không cho địch lấp. Thực hiện khắp chiến trường đều có hầm, có hào, đi đến đâu cũng thấy bộ đội dưới mặt đất bao vây từng cứ điểm khiến cho địch ngày càng lo sợ, hoang mang, giảm sút tinh thần chiến đấu. Một mũi tiến công đánh giải phóng Lai Châu, một mũi tiến công đánh Thượng Lào, cô lập Điện Biên Phủ.
Đến khoảng 3 giờ chiều ngày 13/3 ta bắt đầu đánh điểm Him Lam là đồn cửa ngõ của Điện Biên Phủ. Có tiểu đoàn lĩnh lê dương là quân thiện chiến nhất đồn trú nhưng chỉ trong một đêm địch đã thất bại. Ngày hôm sau đồn Nà Kéo bị bức lui. Ngay sau đó, quân ta liên tục tiến công đánh từng đồn theo chiến thuật “bóc vỏ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đồn chưa đánh thì bị quân ta bao vây, thành lập các tổ đi bắn “bia sống” – địch ra lấy dù thì ta bắn, bắn vào lỗ châu mai, chủ yếu làm cho địch căng thẳng cao độ, đến ngày 6/5/1954, quân ta tổng công kích. Đúng 8 giờ tối hôm đó, bộc phá nổ trên đồi A1 làm hiệu lệnh tiến công các căn cứ còn lại. Đến chiều 7/5, địch phải đầu hàng. Đợt tổng công kích này, tôi thuộc Sư đoàn 316, trung đoàn 176, phụ trách xạ thủ trung liên. Khi đánh vào giữa đồn thì tôi bị thương. Sáng 7/5, tôi nằm ở hầm cấp cứu, tôi may mắn hơn một số anh em khác.
Trong suốt 56 ngày đêm chiến đấu giữa ta và địch, ta càng đánh càng thắng, địch càng đánh càng thua, đúng như Bác Hồ nói: “Đánh thắng Điện Biên Phủ là làm thay đổi cả Đông Dương” – Chúng tôi càng củng cố lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhóm Phóng viên (Lược ghi)
Baothanhhoa.vn