Chuyện dân gian về Quận công Dương Hùng Lượng

Đền thờ Quận công được khởi dựng từ thời nhà Mạc, ngay sau khi Quận công Dương Hùng Lượng hy sinh.

Vùng đất Tân Yên ngày nay, miền Yên Thế hạ xưa đã đi vào lịch sử với nhiều chiến công lẫy lừng của cha ông. Những phát hiện khảo cổ đã cho chúng ta biết sự có mặt của những con người cổ xưa nhất, sớm nhất là vào hậu kỳ thời đại đá mới đến sơ kỳ thời đại kim khí ở Việt Nam.

Đó là khu Lý Cốt, xã Phúc Sơn gần chân núi Đót, với những mảnh gốm, mảnh ghè đẽo… Đến đầu Công nguyên, các nghĩa binh dũng cảm trên mảnh đất này đã theo Nàng Giã Đại Thần (Dương Thị Giã) tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống quân Hán.

Hàng ngàn năm Bắc thuộc đi qua, đến thời kỳ phong kiến Lý – Trần – Lê, đặc biệt vào thời kỳ nhà Mạc, dòng họ Dương nổi lên có nhiều vị tướng giỏi ra giúp nước. Tiêu biểu ở đây là Quận công Dương Hùng Lượng.

Sau khi Quận công giúp triều Mạc đã hy sinh anh dũng, do vậy ở làng Dinh nhân dân đã lập đền thờ phụng ông để đời đời ghi nhớ công ơn của ông.

Làng Dinh, xã Cao Xá, Tân Yên , Bắc Giang hôm nay. (Ảnh XT)

Cụ Dương Văn Tước (100 tuổi) người cao tuổi nhất làng Dinh, xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang kể rằng: Đền thờ Quận công được khởi dựng từ thời nhà Mạc, ngay sau khi Quận công Dương Hùng Lượng hy sinh. Đền thờ Quận công xưa có sắc của nhà Vua có bia đá ghi công trạng của ông, song đã bị hư hỏng, thất lạc. Do vậy, nay đền thờ Quận công Dương Hùng Lượng có quy mô nhỏ gọn hơn. Gia phả họ Dương có ghi: “Dương phả chân truyền sơn Cốc mộ/Nhất gia thập bát nhị Quận công”.

Tại đền thờ Quận công còn lưu giữ được một bảng gỗ bằng chữ Hán thời Nguyễn cũng ghi khá rõ công trạng của ông: Dòng họ nhà ta vốn có Thượng tổ Dương Quý Công làm quan ở triều Mạc. Ông được nhà Vua ban cho tước Quận quốc công hàm nhất phẩm. Đó chính là người giống tiên. Đó chính là người giống rồng. Đó cũng chính là người ở trong vùng đất này.

Đền thờ Quận công Dương Hùng Lượng.

Từ đó đời nối đời đến nay đã nở ra cành lá tươi tốt phồn thịnh mà phát triển hưng thịnh lên. Lo sợ rằng ngày sau, có người con cháu trong dòng họ không biết rõ tổ tiên, lo sợ lâu ngày bị lãng quên những việc xưa mà phải ghi khắc vào bản mộc để lưu truyền mãi mãi về sau (Nhất phẩm Quận công: Dương Quý Công tự hiệu Hùng Lượng phủ quân. Nhất phẩm Quận công phu nhân cùng thờ phối hưởng .Vào ngày tốt, tháng 12 năm Quý Mùi, niên hiệu vua Tự Đức thứ 6 (1853).

Toàn tộc họ Dương ở làng Dinh, xã Yên Lễ khắc lên bảng gỗ. Dân gian vùng Phúc Sơn còn lưu truyền về ba anh em họ Dương ở Cầu Vồng, xã Vân Cầu, huyện Yên Thế. Ba anh em họ Dương vốn nhà nghèo, bố mẹ mất sớm. Lớn lên, cả ba anh em đều phải đi ở, mỗi người một nơi. Nhưng ba anh em đều có sức khoẻ phi thường, ham tập võ nghệ, giỏi đường cung kiếm.

Người anh cả là Dương Quốc Minh ở Vân Cầu, người em thứ hai là Dương Hùng Lượng ở làng Dinh – Yên Thế (nay làng Dinh, xã Cao Xá, huyên Tân Yên, Bắc Giang ), người em thứ ba là Dương Hồng Lương ở làng Châu – xã Lam Cốt.

Một hôm, lý trưởng làng Vân Cầu đến bảo người anh cả là Dương Quốc Minh đi gánh tiền về miền hạ Kinh Bắc đổ thuế cho triều Mạc, gánh đến nơi đổ thuế xong, được mấy đồng tiền công vào hàng ăn uống một bữa no say. Bỗng nghe tiếng loa của quan trường gần đấy gọi các nhân tài vào thi võ, thi cung kiếm.

Dương Quốc Minh bèn vào trường xin thi môn bắn cung. Quan trường giao cung tên, giao ngựa cho Dương Quốc Minh. Cầm cương nhảy phắt lên ngựa, đeo cung lên, giật cương cho ngựa phi ba vòng sân bãi. Vừa cưỡi ngựa dương cung bắn liền ba phát đều trúng mục tiêu, ba mũi tên bắn đứt dây, ba chiếc áo cẩm bào treo trên cành dương liễu rơi ngay xuống đất, tiếng hò reo cổ vũ khắp xạ trường nổi lên như sấm, quan trường chấm cho Dương Quốc Minh được đậu.

Dương Quốc Minh bảo với quan trường rằng: “Tôi có thằng em thứ hai còn bắn giỏi hơn tôi”. Quan trường mừng rỡ sai lính lên ngựa phi ngay về làng Dinh – Yên Lễ đón Dương Hùng Lượng vào trường thi. Hùng Lượng cầm cương, lên ngựa, phi ba vòng sân bãi, đến nơi, giật cương cho ngựa chồm lên, giương cung bắn liền ba phát, cả ba chiếc áo cẩm bào từ trên cành dương liễu lại rơi ngay xuống đất.

Tiếng hò reo cổ vũ lại nổi lên như sấm khắp xạ trường. Quan trường lại chấm cho Dương Hùng Lượng được đậu. Dương Quốc Minh lại bảo với quan trường: “Tôi có thằng em thứ ba còn bắn giỏi hơn nữa”. Quan trường lại cho lính phi ngựa về tận làng Châu – xã Lam Cốt đón Dương Hồng Lương về trường thi ngay.

Hồng Lương cầm cung tên, không cưỡi ngựa chạy như bay qua vòng sân bãi, đến chỗ bắn còn nhảy lộn một vòng, vừa đặt chân xuống đất, Dương Hồng Lương bắn liền ba phát ba chiếc áo cẩm bào treo trên cành dương liễu lại rơi ngay xuống đất. Quan trường lại chấm cho Dương Hồng Lương được đậu.

Trong thời gian chờ đợi, quan trường làm sớ tâu về Triều xin gia phong cho ba anh em họ Dương quyền chức. Cả ba anh em họ Dương về làng Nội Duệ – Cầu Lim – Bắc Ninh chơi. Rồi cả ba anh em đều lấy vợ Nội Duệ – Cầu Lim. Vua Mạc ra sắc chỉ phong cho ba anh em họ Dương chức Quận công, giao cờ, giao kiếm, giao quân cho ba anh em họ Dương đi đánh giặc.

Quê hương Quận công Dương Hùng Lượng ngày càng đổi mới.

Người anh cả Dương Quốc Minh kéo quân về đình Vồng, Vân Cầu – Song Vân, Tân Yên xây thành đắp luỹ phòng chống giặc vùng này. Người em thứ hai là Dương Hùng Lượng mang quân về làng Dinh, Yên Lễ (nay là xã Cao Xá) lập doanh trại, luyện quân sẵn sàng đánh giặc. Người em thứ ba là Dương Hồng Lương mang quân lên vùng Đu Đuổm – Thái Nguyên xây dựng phòng tuyến ngăn quân giặc không cho chúng tràn về Thăng Long.

Thế rồi vào một ngày quân giặc kéo đến khắp vùng. Cả ba anh em họ Dương mang quân ra đánh giặc. Với đường kiếm, tay cung lợi hại, cả ba anh em đã hạ được nhiều giặc, đánh thắng nhiều trận thật xuất sắc. Vào những ngày khác, quân giặc lại kéo đến đông gấp bội, cả ba anh em họ Dương chống đánh quyết liệt, nhưng bị thua, lính tráng, voi, ngựa bị thương vong nhiều.

Người anh cả Dương Quốc Minh cho gọi cả hai em về đình Vồng làm lễ ăn thề “Đồng sinh đồng tử”, “Thề sống cùng sống, chết cùng chết” quyết tâm đánh giặc giữ vững đất nước làng quê. Củng cố lực lượng ba anh em họ Dương lại mang quân đi đánh giặc, thế giặc càng to, quân ta thì ít. Ba anh em họ Dương chạy về đình Vồng, Vân Cầu – Song Vân đều nhảy xuống giếng tự vẫn để bảo toàn danh tiết.

Ba bà vợ từ Nội Duệ – Cầu Lim lên Cầu Vồng thăm chồng, nghe tin ba ông chồng đã tự vẫn, thương tiếc chồng quá, cả ba bà đều nhảy xuống giếng trước cửa đình Vồng tự vẫn theo, giữ tròn 4 chữ: Trung, trinh, tiết, nghĩa.

Từ đó, ở Vân Cầu thuộc xã Song Vân và làng Dinh thuộc xã Cao Xá đều lập đền thờ các ông cùng với phu nhân. Cũng từ đó xuất hiện câu ca: “Trai Cầu Vồng Yên Thế – Gái Nội Duệ Cầu Lim”.

Dương Thị Ánh (theo nguồn Báo Môi trường và Đô thị)

BBT sưu tầm

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com