Điền dã nghiên cứu di tích lịch sử văn hóa, nhà thờ Họ Dương tại tỉnh Hải Dương
- 03/10/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 3046
Ngày 19/9/2019 Ban nghiên cứu lịch sử Hội đồng Họ Dương Việt Nam đã tổ chức điền dã nghiên cứu, tìm hiểu về di tích lịch sử văn hóa, nhà thờ Họ Dương ở một số địa phương của tỉnh Hải Dương. Đoàn điền dã do ông Dương Văn Đảm – Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Nghiên cứu lịch sử Hội đồng Họ Dương Việt Nam làm trưởng đoàn và các thành viên: ông Dương Đức Quảng – Phó Ban Nghiên cứu lịch sử, ông Dương Việt Hòa – Nhân viên Ban Nghiên cứu lịch sử. Cùng đi với đoàn có ông Dương Đình Lung – Phó Chủ tịch, kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ Lão thành Hội đồng Họ Dương tỉnh Hải Dương.
Đoàn đã đến dâng hương và làm việc với Ban quản lý các di tích lịch sử, Nhà thờ Họ Dương của huyện Ninh Giang, Kinh Môn và Nam Sách tỉnh Hải Dương; Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia chùa Quỳnh Lâm – thị xã Đông Triều tỉnh Quảng Ninh.
1. Đền Khúc Thừa Dụ thờ 3 đời Tiết độ sứ: Khúc Thừa Dụ (905 – 907), Khúc Hạo (907 – 917) và Khúc Thừa Mỹ (917 – 930) tại thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Trong thượng điện có 03 pho tượng đồng Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ uy nghi nặng 12,5 tấn.
Tại đền có 02 bức hoành phi chữ Hán đáng chú ý:
- Chữ Hán: 曲 主 英 靈
Phiên âm: Khúc Chúa Anh Linh.
Nghĩa là: Chúa họ Khúc, anh hùng và linh thiêng.
- Chữ Hán: 洪 州 英 傑
Phiên âm: Hồng Châu Anh Kiệt
Nghĩa là: Anh hùng hào kiệt đất Hồng Châu (Hải Dương).
Đoàn đã được ông Bùi Quang Triệu – Cử nhân văn chương là thủ từ nhà đền đón tiếp. Ông Triệu cho biết theo tương truyền năm 923 cụ Dương Đình Nghệ là Bộ tướng – Tổng chỉ huy quân sự đã dẫn 3000 nghĩa sĩ – nghĩa tử từ Cúc Bồ theo đường Cửa Hộ (Diêm Điền) ven theo đường biển vào Châu Ái chuẩn bị lực lượng đánh thành Đại La năm 931.
2. Đình Cúc Bồ: Theo thư tịch Cúc Bồ là quê hương của Khúc Thừa Dụ, Cúc Bồ theo tên làng xã Việt Nam thế kỷ 19 lại thuộc tổng Can Trì, huyện Tứ Kỳ, theo thực tế Cúc Bồ lại thuộc tổng Bồ Dương huyện Vĩnh Lại, nay là Ninh Giang. Tại đây có một ngôi đình lớn thờ cụ Dương Quý Hiển một danh tướng của Lý Thường Kiệt, đã hy sinh anh dũng tại Khâm Châu, Trung Quốc, năm 1075 khi Lý Thường Kiệt mang quân đánh Châu Ung, Châu Khâm ngăn chặn tận gốc nơi xuất phát của quân xâm lược phương Bắc.
3. Đền (Chùa) Trông: Tại thôn Hán Lý, xã Hưng Long, huyện Ninh Giang – Hải Dương di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia thờ Thân mẫu Quốc sư triều Lý Dương Không Lộ.
Ban thờ gian giữa Đền có bức hoành phi: 南 天 聖 祖,phiên âm: Nam Thiên Thánh Tổ, nghĩa là: Thánh Tổ nước Nam.
Cửa Đền có đôi câu đối:
Chữ Hán: 西 竺 有 经 传 佛 道
南 天 生 聖 渡 民 間
Phiên âm: Tây Trúc hữu Kinh truyền Phật Đạo
Nam Thiên sinh Thánh độ dân gian
Nghĩa là: Tây Trúc hữu kinh truyền đạo phật
Nước Nam sinh Thánh giúp dân lành
4. Nhà thờ Tổ Họ Dương thôn Hiệp Thượng xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn:
Nhà thờ thờ cụ Tổ của 03 chi, được xây dựng khang trang cách đây gần 200 năm, có bia dựng năm Tự Đức thứ 35 (1883) ghi về việc xây dựng Từ đường tại đây còn giữ được gia phả nhiều đời của 03 chi. Đến nay cả 3 chi vẫn đoàn kết gắn bó hương khói, sinh hoạt nề nếp và đã xây dựng được hệ phả cả 03 chi chuẩn chỉ đẹp đẽ.
5. Đoàn đã dâng hương tại chùa Quỳnh Lâm – Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia tại xã Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, nơi được suy tôn là “An Nam cổ tích Danh lam đệ nhất”. Đời nhà Lý, quốc sư Dương Không Lộ – Tổ sư nghề đúc đồng Việt Nam đã đúc tượng Di Lặc bằng đồng cao 18,6 m được công nhận là một trong “An Nam Tứ Khí”. Đến triều nhà Trần chùa Quỳnh Lâm đã trở thành trung tâm đào tạo Tăng tài cho cả nước và chính nơi đây vua Trần Anh Tông đã kêu gọi Tăng nhân và mọi người trích máu in kinh Đại Tạng để lưu giữ tại chùa.
5. Đoàn đã đến thắp hương và khảo cứu thực tế Nhà thờ Họ Dương Tông Phố, khang trang tráng lệ ở xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Nhà thờ có gia phả chữ Hán nhiều đời đã được dịch ra tiếng Việt. Thủ hương nhà thờ là ông Dương Đình Thạch. Tại đây đoàn điền dã đã nhận thấy “cái tâm” và sự đóng góp to lớn của bà con Họ Dương Tông Phố đền ơn đáp nghĩa và tri ân tổ tiên của mình.
Sau một ngày điền dã tích cực không quản mưa gió, đường xá khó khăn đoàn điền dã đã thu được kết quả tốt đẹp vượt quá chỉ tiêu đã định. Đoàn xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình, hợp tác đầy trách nhiệm của Thường trực Hội đồng Họ Dương tỉnh Hải Dương đặc biệt là ông Dương Đình Lung, cảm ơn sự giúp đỡ chân thành của Hội đồng Họ Dương huyện Kinh Môn và Ban quản lý các di tích lịch sử văn hóa , các Nhà thờ Họ Dương tại các địa phương đã giúp đỡ đoàn hoàn thành tốt những nội dung công việc đề ra. Một lần nữa xin trân thành cảm ơn.
Dương Đức Quảng – Dương Việt Hòa