Dương Hữu Miên – Vị tướng Trung thành, Dũng cảm, Mưu lược, Nhân hậu của họ Dương Việt Nam
- 03/08/2016
- Ban Thông tin truyền thông
- 3171
Dương Hữu Miên-bí danh Chính Tâm, sinh tháng 5-1912 tại làng Bảo Châu (nay là xã Bảo Châu), huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên…
Dương Hữu Miên-bí danh Chính Tâm, sinh tháng 5-1912 tại làng Bảo Châu (nay là xã Bảo Châu), huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Ông từng là cựu binh sĩ (làm lính, rồi lên cai, đội, phó quản-chuyên về văn phòng). Thời kỳ Tiền khởi nghĩa, lòng yêu nước đã đưa Dương Hữu Miên đến với cách mạng. Ông bắt liên lạc với đồng chí Phiếm (Trần Dương-cán bộ Đảng ở Thái Bình). Được đồng chí Phiếm giác ngộ, ông đã bí mật tổ chức lấy được 50 khẩu súng của địch, giao cho Việt Minh.
Khi Tổng khởi nghĩa nổ ra, ông Miên đã vận động các binh sĩ thuộc quyền về với cách mạng và trở thành một trong những lực lượng bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân những ngày đầu tiên. Trong khoảng thời gian từ tháng 8-1945 đến tháng 5-1946, ông được chính quyền cách mạng lần lượt giao các chức vụ: Chỉ huy đại đội, chi đội; rồi chỉ huy bộ đội Hải Dương, Tham mưu trưởng liên quân tiếp phòng ở Hải Dương. Từ một công dân yêu nước, ông Miên sớm giác ngộ giai cấp, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 4-1946.
Những tháng cuối năm 1946, thực dân Pháp liên tiếp gây ra nhiều vụ khiêu khích, ráo riết chuẩn bị đánh chiếm thành phố cảng Hải Phòng-cửa ngõ của Bắc Bộ để làm bàn đạp đánh lên Hà Nội và đánh rộng ra các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Đồng chí Dương Hữu Miên được cử vào Ủy ban Bảo vệ thành phố, giữ chức Phó chủ tịch rồi Chủ tịch; Trung đoàn phó rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 41 (sau đổi thành Trung đoàn 42); Chỉ huy trưởng mặt trận Hải Phòng-Kiến An kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến liên tỉnh Hải-Kiến.
Thu đông năm 1947, quân và dân ta thắng lớn trong Chiến dịch Việt Bắc. Bộ Tổng tư lệnh và Liên khu ủy 3 quyết định thành lập Bộ chỉ huy Mặt trận Đường 5. Để thống nhất sự chỉ đạo và chỉ huy tác chiến đối với một số đơn vị chủ lực thuộc Trung đoàn 42, bộ đội địa phương, du kích và nhân dân dọc theo trục giao thông huyết mạch này, đồng chí Dương Hữu Miên được cử làm Chỉ huy trưởng Mặt trận Đường 5.
Trong những năm tháng đó, đồng chí Dương Hữu Miên đã luôn có mặt trên cương vị chỉ huy của mình. Khi thì với cương vị Trung đoàn trưởng, lúc thì là Chỉ huy trưởng mặt trận, rồi Phó tư lệnh khu. Đồng chí Miên đã cùng các đồng chí: Đỗ Mười, Nguyễn Khai, Đặng Tính trong Bộ tư lệnh Khu Tả Ngạn thực hiện nghiêm túc và sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh đối với chiến trường Khu Tả Ngạn sông Hồng-một chiến trường ở sâu trong vùng địch tạm chiếm, đưa Khu Tả Ngạn vượt qua thời kỳ đen tối, cực kỳ khó khăn, gian khổ; góp phần quan trọng tạo được phong trào du kích phát triển cao trong lòng địch; giành được thắng lợi ngày càng lớn, tạo điều kiện cho chiến trường chính đánh những đòn quyết định, tiêu diệt chủ lực địch, phá tan âm mưu chiến lược của chúng… Tên tuổi Trung đoàn trưởng Dương Hữu Miên gắn liền với lịch sử xây dựng, chiến đấu anh dũng và chiến thắng vẻ vang của Trung đoàn 42-Trung Dũng; với lịch sử cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta và các lực lượng vũ trang Đồng bằng sông Hồng.
Ônh làm việc tưởng như không lúc nào ngơi nghỉ. Phong độ điềm đạm, bình tĩnh, kể cả những khi đạn pháo của địch rơi trúng nơi đóng quân của cơ quan Bộ tư lệnh. Trong những cuộc càn quét lớn của địch, chẳng hạn như cuộc càn mang tên Trái Quýt, đánh phá khu căn cứ liên hoàn các huyện Tiên-Duyên-Hưng (Thái Bình), giữa vòng vây dày đặc của bộ binh, pháo binh, không quân và giang thuyền địch đang dần dần khép lại, ông vẫn bình tĩnh, không hề tỏ ra nao núng, tính toán một cách thận trọng hướng và thời cơ di chuyển, luồn tránh, đưa cơ quan Bộ tư lệnh và chỉ đạo các lực lượng vũ trang Khu Tả Ngạn rút an toàn ra khỏi nơi địch định cất vó quân ta…
Chiều 1-7-1954, như một định mệnh, vừa từ Việt Bắc, vượt qua tuyến Đường 18 và sông Đuống, về tới bắc Đường 5; ngay tối hôm đó, ông đã vội lên đường, vượt Quốc lộ 5 để sớm đưa mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh về khu. Nhưng viên đạn độc ác của quân thù đã bất ngờ cướp đi sinh mạng người đảng viên, người chỉ huy tài ba, người cán bộ đầy đức độ đang trong thời kỳ sung sức và đầy triển vọng của lực lượng cách mạng trên địa bàn!
Đồng đội đã đưa ông về yên nghỉ trên mảnh đất đã chứng kiến sự ra đời của một người con trung dũng, quả cảm của làng quê mình.
Với những công lao to lớn đóng góp cho kháng chiến, liệt sĩ Dương Hữu Miên đã được nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tặng 8 chữ vàng: Trung thành, Dũng cảm, Mưu lược, Nhân hậu.
Năm 2011 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hưng Yên lấy tên ông đặt cho một con đường tại xã Quảng Châu, Thành phố Hưng Yên – quê hương của ông.
Con cháu Dương Hữu Miên
Dương Hữu Miên có 3 người con: 2 gái, 1 trai.
Người con gái trưởng Dương Thị Miến từng là thành viên đội nữ du kích Hoàng Ngân. Trong thời gian hoạt động, bà bị địch bắt tra tấn cực kì dã man nhưng với bản tính gan dạ của người họ Dương, bà quyết không khai 1 lời nhằm bảo vệ đồng chí, đồng đội.
Người con trai Dương Hữu Điềm cũng la 1 chiến sĩ. Trong quá trình tham gia chiến đấu, ông đã bỏ lại 1 con mắt nơi chiến trường. Đau đớn thay cho ông Điềm, vợ và 3 người con trai của ông đều đã qua đời khi tuổi còn trẻ. Nhưng ông trời vốn có đức hiếu sinh, người con trai thứ hai trước khi qua đời cũng để lại một bé trai tên Dương Hữu Hồng Phúc để nối tiếp nghiệp cha ông. Em Dương Hữu Hồng Phúc có tài đá bóng, là thành viên đội bóng đá thiếu niên nhi đồng của tỉnh Hưng Yên.
Người con gái út là Dương Thị Độ phục vụ trong ngành quân y. Chồng bà là Trung Tướng Đinh Ngọc Duy- nguyên viện trưởng viện 108.
Gia đình ông Dương Hữu Miên