Cô giáo, lương y Dương Thi Hải Yến: Gần 20 năm đồng hành cùng bệnh nhân Gout

 

Được xem là một bệnh lý lâu đời, được biết đến từ cách đây hơn 2000 năm, bệnh Gout – Thống phong là một trong những dạng viêm khớp gây rất nhiều đau đớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh. Không ít những bài thuốc chữa bệnh Gout từ Đông y đến Tây y được nhân dân truyền tai chia sẻ cho nhau; trong số đó, những bài thuốc chữa trị bằng cây thuốc nam luôn nhận được nhiều sự tin tưởng bởi sự lành tính, tiết kiệm nhưng không kém phần công hiệu.

 

Mang theo nỗi lo lắng có người thân bị bệnh Gout đã nhiều năm cùng với sự tò mò về bài thuốc bí truyền chữa căn bệnh này được một người quen chia sẻ lại, tôi lên đường tìm đến nhà lương y Dương Thị Hải Yến tại thôn Cao Đường, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Tôi hơi bất ngờ khi người dân nơi đây không thường gọi cô với danh xưng “lương y” mà họ nhắc đến cô là “cô giáo Yến”. Hỏi ra mới biết, người phụ nữ trạc ngoài tuổi 40 này hiện đang là một giáo viên đang tham gia công tác giảng dạy tại xã nhà và nghề bốc thuốc chỉ là một cơ duyên tay ngang đến với cuộc sống của cô.

 

Chào đón tôi tại ngôi nhà nhỏ với sự ấm áp và thân tình, cô Yến và gia đình chân thành chia sẻ với tôi về nghề thuốc gia truyền nhiều đời và những buồn vui của sự nghiệp bốc thuốc chữa bệnh. Vốn không phải một người được tiếp xúc với nghề thuốc từ nhỏ, cô Yến lựa chọn gắn bó sự nghiệp của mình với công việc dạy học. Cơ duyên đến với những cây thuốc nam bắt đầu khi từ khi cô lấy chồng. Gia đình chồng của cô Yến vốn có truyền thống chữa bệnh cứu người bằng cây thuốc nam. Thường xuyên được mẹ chồng chỉ dạy những kiến thức cơ bản về cây thuốc cũng như hướng dẫn bào chế cây dược liệu thành những bài thuốc chữa bệnh trong đời sống hàng ngày, cô Yến dần ghi nhớ được hàng trăm loại cây thuốc và công dụng của chúng đối với từng loại bệnh. Cô chia sẻ: “Bản thân vốn không có cơ hội học qua trường lớp đào tạo chính quy mà chỉ thuần túy được truyền dạy, tôi luôn cố gắng học hỏi trau dồi thêm, lên mạng nghiên cứu tài liệu, sách vở để mở mang hiểu biết về các loại cây dược liệu. Từ đó mà nâng cao chất lượng thuốc chữa bệnh cho mọi người”.

 

Vừa là nhà giáo vừa là thầy thuốc, tôi thắc mắc rằng cô Yến làm thế nào để đảm đương trọn vẹn được cả hai nghề nghiệp cao quý đó? Cô Yến cười, chia sẻ rằng dung hòa hai công việc đó không khó khăn đến thế, đặc biệt là khi cô luôn đặt tâm huyết của mình vào từng công việc. Học sinh trường làng thường chỉ học buổi sáng nên buổi chiều, nếu không có giờ họp chuyên môn trên trường thì cô đều dành trọn cho công việc bốc thuốc chữa bệnh. May mắn rằng gia đình bên nội có nhiều anh em làm nghề thuốc; hơn thế nữa cô còn luôn có sự hỗ trợ tuyệt đối của chồng nên công việc không lấy gì làm quá vất vả. “Bệnh nhân đến đây không đông đúc, tấp nập như ở các phòng khám, nhà thuốc. Chủ yếu là nhờ những người tôi chữa khỏi bệnh truyền lại địa chỉ cho người thân, bạn bè mà mọi người mới biết tiếng rồi tìm đến”. Nhưng điều đó cũng không khiến cô Yến phiền lòng. Thay vào đó, cô luôn tận tình chữa trị cho từng bệnh nhân bằng sự cố gắng và tận tình. Một số người bệnh ở xa, cô Yến và gia đình không ngần ngại đóng gói và gửi thuốc tới tận tay người bệnh qua đường bưu điện hoặc gửi tàu xe. Gần 20 năm theo nghề thuốc, cô Yến luôn quan niệm cứu chữa cho người bệnh trước nhất là vì cái tâm của người lương y chứ không phải vì suy tính những thiệt hơn về kinh tế. Với những người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cô cố gắng giúp đỡ phần nào tiền cước phí gửi thuốc hoặc đỡ đần tiền khám chữa để họ bớt đi vài mối lo toan trong cuộc sống. Tuy nhiên, bao năm qua cô Yến vẫn luôn trăn trở những mối bận lòng: “Hoàn cảnh của mình chưa hơn ai, tôi buồn vì không thể thực hiện được nhiều công tác từ thiện ở khắp mọi nơi. Với địa chỉ bốc thuốc quy mô nhỏ này, tôi cùng với gia đình chỉ biết cố gắng mỗi ngày, mang lại những hỗ trợ trong khả năng của mình để người bệnh có một cuộc sống khỏe mạnh, tốt đẹp hơn”.

 

Khi biết tôi có người thân bị Gout lâu năm, cô Yến chẳng những tư vấn tận tình về phương thức chữa bệnh mà còn chia sẻ rất nhiều điều về bài thuốc bí truyền mà cô được truyền lại từ gia đình chồng. Người ta gọi bệnh Gout là “bệnh của người giàu” nhưng theo cô Yến thì điều đó không hẳn là đúng. Bất cứ ai, không kể người giàu hay người nghèo, nếu không chú ý giữ gìn sức khỏe và có chế độ ăn uống sinh hoạt điều độ thì đều có khả năng mắc phải. Kết hợp những phương thuốc do ông cha truyền lại, cùng với việc nghiên cứu điều chế thêm các loại thảo dược với thành phần chủ yếu là các cây thuốc của dân tộc Mường như: chân chim, gió mốc, củ khúc khắc…, cô Yến kết hợp thành bài thuốc chữa Gout hiệu quả. Người bệnh chẳng những đỡ đau khớp chân tay nhờ công dụng chống viêm, bài trừ thấp khớp và sản sinh các chất bôi trơn mà còn được khỏe gân cốt và bồi bổ khí huyết, tăng cường sức khỏe. Khiêm tốn cho rằng năng lực của bản thân còn có những hạn chế nhất định, cô Yến chia sẻ: Với nhiều bệnh, mình chỉ có thể chữa khỏi 60 – 70% chứ không dám khẳng định là bệnh nhân có thể khỏe mạnh lại như chưa từng bao giờ mắc bệnh. Nhưng chính sự chân thành và khiêm tốn của cô mà các bệnh nhân vẫn tin tưởng tìm đến những bài thuốc với mong mỏi có thể phần nào hồi phục sức khỏe.

 

Hướng điều trị của cô Yến có điểm đặc biệt là sử dụng thuốc sắc – bốc thành thang và đun uống kết hợp với viên hoàn tán. Hỏi về nguyên do của sự kết hợp này, cô Yến cho biết: Vốn thuốc nam trước đây thường được sắc lên lấy nước uống. Tuy nhiên, ngày nay, mọi người luôn bận rộn với công việc và cuộc sống nên không có điều kiện để đun thuốc đều đặn mỗi ngày. Chính bởi vậy, bào chế thuốc rồi nén lại thành dạng viên vừa tiện lợi, dễ sử dụng vừa tiết kiệm thời gian cho người bệnh mà công hiệu của thuốc cũng không hề bị giảm đi.

 

Khi được hỏi về nguồn cung cấp cây thuốc chủ yếu cho việc chữa bệnh trong những năm qua, vợ chồng cô Yến đưa tôi ra thăm mảnh vườn của gia đình. Chồng cô tự hào chia sẻ: Chẳng những là bệnh Gout, các bài thuốc của gia đình còn chữa trị được nhiều bệnh như sơ gan bụng chướng, viêm gan, dạ dày, đại tràng…với những cây thuốc quý do gia đình tự gieo trồng và nhân giống tại khu vườn này. Tuy nhiên, mảnh vườn nhỏ chỉ có thể đáp ứng được phần nào lượng thuốc mà gia đình cô Yến sử dụng. Có những loại cây, vợ chồng cô phải thu mua ở trên rừng về, hoặc thậm chí đặt mua ở tận Thanh Hóa gửi ra mới có đủ để điều chế và chữa trị cho bà con. Vất vả là vậy, nhưng lời kể của hai vợ chồng cô vẫn luôn ánh lên niềm vui bởi mỗi ngày, họ vẫn đang góp phần mang lại cuộc sống khỏe mạnh, vững vàng cho rất nhiều bệnh nhân.

 

Thời gian không cho phép tôi nán lại lâu hơn ở mảnh đất Hòa Bình xinh đẹp và thân thiện này nên tôi đành tạm chia tay cô Yến cùng gia đình và hẹn một ngày gần nhất, khi có dịp nhất định sẽ quay lại. Xin được chúc cô giáo – lương y Dương Thị Hải Yến và gia đình thật nhiều sức khỏe để mang tài năng y thuật và tâm huyết của mình cứu chữa cho thật nhiều bệnh nhân trên khắp mọi miền Tổ quốc.

 

Để quý độc giả tiện liên hệ, Ban biên tập xin cung cấp một số thông tin liên lạc của cô Dương Thị Hải Yến:

 

Địa chỉ: thôn Cao Đường, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

 

Sưu tầm: Ban biên tập

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com