Dương Ngọc Ảnh – người đưa phở sắn xứ Quảng ra thế giới
- 22/10/2019
- Ban Thông tin truyền thông
- 1703
Nhiều người vẫn nghĩ phở sắn – món quà quê đã có gần 100 năm nay ở của vùng đất Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam – rồi cũng chỉ như bao đặc sản địa phương khác, luẩn quẩn trong làng, trong tỉnh. Vậy nên, khi những món quà quê ấy xuất hiện trên kệ hàng ở Thái Lan, ở Australia, nhiều người Việt ngỡ ngàng. “Đưa phở sắn ra thế giới giờ đây không còn là giấc mơ” – anh Dương Ngọc Ảnh, người con Quế Sơn với dự án khởi nghiệp từ phở sắn – nói.
Làm lớn từ món quà quê
Năm 2018, một thương hiệu sản phẩm phở sắn được đưa ra thị trường có tên Caromi khiến nhiều người dân Quảng Nam, Đà Nẵng tò mò. “Đặc sản Quế Sơn có phở sắn, bún sắn nhưng trước đây chỉ được bán ở chợ quê, không có thương hiệu dù làng nghề này đã có tuổi đời gần 100 năm. Vậy nên, muốn món đặc sản này bước ra khỏi tỉnh, mình đã lập dự án khởi nghiệp. Caromi có nghĩa là mì có hình caro” – Dương Ngọc Ảnh vui vẻ chia sẻ.
Phở sắn là món quà quê có hình dạng lưới, được làm công phu từ củ sắn (khoai mì) tươi qua rất nhiều công đoạn thủ như cạo vỏ, rửa sạch, xay bột, ngâm chắt lọc 2 ngày 2 đêm, đánh bột thật nhuyễn, kéo sợi, phơi và thu hoạch dưới cái nắng chói chang của miền Trung. Sản phẩm này không chứa bất kỳ một loại phụ gia, phẩm màu hay chất bảo quản nào vẫn có thể sử dụng trong một năm.
Năm 2009, tỉnh Quảng Nam đã chính thức công nhận làng nghề phở sắn Đông Phú. Thế nhưng, do công đoạn làm phức tạp, lao động địa phương đi nơi khác tìm việc nên hiện chỉ có vài hộ còn trụ với nghề.
Là dân công nghệ, Dương Ngọc Ảnh từng lập công ty và tham gia vào cộng đồng khởi nghiệp Đà Nẵng. Năm 2018, khi có cuộc thi khởi nghiệp, ý tưởng loé lên trong đầu lúc bấy giờ của người con Quế Sơn là tìm cách phát triển loại hình du lịch tại làng nghề phở sắn. Nhưng có một người đã nhắc anh rằng, “có thể làm lớn được từ món quà quê này”.
“Lúc đầu mình thấy lạ, cái món lâu nay chỉ quanh quẩn trong làng không thoát khỏi Quế Sơn mà sao làm lớn được” – anh Ảnh nói. Thế nhưng cũng từ gợi ý đó, anh bắt đầu mày mò nghiên cứu kỹ hơn về phở sắn từ dinh dưỡng, công thức, điểm mạnh điểm yếu của sản phẩm khi ra thị trường.
“Phở sắn vốn là món ăn quê, người “nhà quê” như mình dùng nhiều nhưng xem nhẹ nó như món ăn chơi. Trong khi đó, đây lại là sản phẩm từ tinh bột củ, một loại thực phẩm tốt cho sức khoẻ. Không như gạo hay lúa mì có thể gây dư thừa năng lượng, phở sắn sau quá trình chế biến vẫn có giá trị dinh dưỡng cao với hàm lượng chất xơ rất nhiều, hoàn toàn phù hợp với những người mắc bệnh tiểu đường, những người không muốn nạp nhiều tinh bột. Đó chẳng phải là xu hướng của ẩm thực mà chúng ta đang hướng đến còn gì” – vỡ ra nhiều điều từ lợi ích món ăn quê nhà, anh Ảnh bắt tay vạch ra chiến lược để đưa phở sắn ra thị trường.
Niềm vui đến ngay khi mới ở bước khởi động, dự án của anh Ảnh nhận giải nhì của cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp năm đó, hai nhà đầu tư đã đồng ý đồng hành với khoản đầu tư 800 triệu đồng. Được đà xông lên, anh Ảnh đóng cửa công ty công nghệ đang ăn nên làm ra để tập trung thời gian nghiên cứu và thực hiện các chiến lược bán hàng, giới thiệu sản phẩm.
Lựa chọn một hướng tiếp cận riêng, sau khi cho ra đời thương hiệu Caromi, anh Ảnh không đẩy mạnh bán ra thị trường đại trà ngay mà tìm cách sống riêng cho phở sắn. “Tôi tìm đến những đầu bếp hàng đầu để hỏi các công thức chế biến mới, lạ cho món phở sắn, đề cập đến việc đưa nguyên liệu này vào các nhà hàng để phục vụ thực khách. Đến nay, món phở sắn Quế Sơn đã có mặt ở một số nhà hàng lớn tại TPHCM, Hội An, Đà Nẵng. Dù là với số lượng không nhiều nhưng đó sẽ là khởi đầu để người dân và du khách nhìn thấy, nếm thử và ghi nhớ về món quà quê này” – anh Ảnh nói.
Đến nay, cơ sở sản xuất của gia đình cho ra thành phẩm 120kg/ngày nhưng vẫn không đủ đáp ứng cho nhu cầu “khách quen” chứ chưa nói đến việc bán đại trà. Thậm chí, một đơn vị tại Australia đã có đề nghị đưa phở sắn sang tiếp cận thị trường này. “Có được những điều đó là thành công bước đầu của thương hiệu Caromi, việc còn lại là tự động hoá quy trình sản xuất, tăng sản lượng đủ đáp ứng nhu cầu các thị trường có sẵn. Tôi không đặt nặng về việc phải bán được nhiều sản phẩm mà là tạo một thị trường riêng cho mình đi từ cao cấp xuống bình dân. Bởi, với người dân Quế Sơn, trước đây mỗi kilôgam phở sắn thành phẩm họ chỉ lãi 3.000 đồng. Nay, giá bán đã tăng lên, tiền lãi 6.000 đồng nghe có vẻ chưa là bao nhiêu nhưng đã là gấp đôi so với ngày trước, như vậy đã là rất phấn khởi rồi” – anh Ảnh lạc quan.
Mơ lớn với “Spaghetti Việt Nam”
Là một người sống trong gia đình có truyền thống làm phở sắn hơn 20 năm, anh Ảnh hiểu rõ những nhọc nhằn của người dân làng nghề để khi làm ra một mẻ phở hoàn chỉnh. Vì vậy, khao khát lớn nhất của anh không chỉ là bán vài trăm tấn hay mấy nghìn tấn phở sắn mà là làm sao Quế Sơn sẽ có một hợp tác xã với nghề làm phở sắn được khôi phục, người dân sống được từ nghề. Ý nghĩ về những tour du lịch trải nghiệm cho du khách tìm hiểu về món ăn quê này vẫn được người con Quảng Nam ấp ủ.
Chính vì vậy, dù hơn một năm nay với không ít những lần thất bại trong việc tìm cách chế tạo các loại máy móc, nhưng anh Ảnh vẫn không nản lòng. Anh khoe với chúng tôi về một nhà xưởng mới dựng, “đây là xưởng phơi sấy sắn giúp gia đình có thể sản xuất ngay cả trong mùa mưa. Tôi đã đặt hàng trường ĐH Nông Lâm TPHCM làm, trong tháng 9 này, họ sẽ đến lắp đặt thử nghiệm đồng thời nghiên cứu cách tạo máy ép, tạo hình cho phở. Trường hợp thất bại, tôi sẽ mời các chuyên gia Hà Lan sang nghiên cứu, chắc chắn sẽ có cách”.
Với những nỗ lực đó, một ngày không xa, cơ sở của anh Ảnh có thể sản xuất từ 500kg đến 1 tấn phở sắn với mục tiêu cung cấp được cho 1.000 gia đình.
“Ổn định được việc sản xuất rồi tôi sẽ tính toán xin mở Hợp tác xã, đưa ra quy trình chuẩn cho bà con làm để sản phẩm đặt chất lượng cao, để phở sắn Quế Sơn sẽ có thương hiệu” – anh Ảnh chia sẻ.
Còn riêng với giấc mơ Caromi, anh Ảnh đặt mục tiêu có thể đưa phở sắn thành “Spaghetti Việt Nam”. “Tự động hoá rồi mình sẽ ép sợi phở thành hình dài như sợi mì Ý, người tiêu dùng nước ngoài sẽ dễ tiếp cận và thử nghiệm sản phẩm hơn khi cân nhắc giữa một bên là thực phẩm nhiều tinh bột và một bên thực phẩm nhiều chất xơ, biết đâu người ta sẽ chọn mình và dần quen với một loại mì spaghetti Việt Nam” – Dương Ngọc Ảnh nói về giấc mơ lớn mà chắc là của người dân Quế Sơn.
Thuỳ Trang (Theo Lao Động)
Ban Biên tập sưu tầm