Quá trình xây dựng Đền thờ, Lăng miếu Cao Tổ Bình Vương Dương Tam Kha

Trong sự nghiệp dựng nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành và giữ độc lập dân tộc, lịch sử Việt Nam mãi mãi ghi nhận những cống hiến của Bình Vương Dương Tam Kha – Người là một trong số những nhân vật tiêu biểu ở thế kỷ thứ X trong bước chuyển biến mang tính bước ngoặt định đoạt của vận mệnh dân tộc.

Cao tổ Bình Vương Dương Tam Kha (895 –980) là một danh nhân lịch sử để lại những dấu ấn đậm nét trên các phương diện: chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội vào nửa cuối thế kỷ thứ X.

Về chính trị, quân sự: Cao tổ Dương Tam Kha là một bộ tướng tài giỏi ở thời Khúc – Dương – Ngô, đã từng đánh đông, dẹp bắc suốt từ năm 905 đến năm 938, đặc biệt là góp phần vào thắng lợi oanh liệt trong trận Bạch Đằng (938), chấm dứt hoàn toàn thời kỳ đô hộ hơn 1000 năm của các triều đại phong kiến phương Bắc, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc lâu dài và phát triển rực rỡ của đất nước. Bình Vương tiếp nối sự nghiệp của Ngô Quyển, làm chủ và củng cố đất Việt trong 6 năm từ năm 945 đến năm 950, một vị vua sánh ngang bất kỳ một vị nguyên thủ quốc gia nào thời bấy giờ như Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền.

Về kinh tế, xã hội: Bình Vương có công lớn trong việc khai khẩn tạo lập vùng đất Chương Dương (Hà Tây, nay thuộc Hà Nội) và Cổ Lể (Nam Định). Khi Bình Vương tới vùng đất Chương Dương, Cổ Lễ biến các bãi đất hoang hóa, sình lầy, lau lác um tùm thành những cánh đồng trù phú.

Sau gần 30 năm xây dựng phát triển kinh tế, mở mang văn hóa, duy trì thuần phong mỹ tục vùng đất Chương Dương, Cổ Lễ, năm Canh Thìn (980), Bình Vương Dương Tam Kha trở lại quê cũ Làng Giàng – nay là thôn Thành Đạt (Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Bình Vương đã mất tại đây vào ngày mùng 10 tháng 8 năm Canh Thìn.

Mộ của Bình Vương trước đây được táng trên một ngọn đồi hình con voi, uy nghi, tương truyền mộ của cụ ở nơi này rất linh thiêng. Thế nhưng thời gian trên 1000 năm cùng với thế thái thăng trầm đã biến mộ đài của Bình Vương thành mặt đất bằng (hiện nay núi con voi cũng bị san phằng). May thay, nhờ sự linh thiêng báo ứng, Dòng tộc Họ Dương chúng ta đã tìm được mộ phần của cụ, đó là một điều phúc đức của tổ tiên. Nhưng khi chứng kiến cảnh mộ phần bị hoang phế, con cháu xa gần cùng nhân dân, xã hội đều chung một ý chí, quyết tâm xây dựng khu Lăng Mộ và Đền thờ khang trang để tỏ lòng thành kính với cụ và tổ tiên.

Bởi vậy, ý tưởng xây dựng Lăng Miếu Bình vương đã hình thành như một lẽ tự nhiên trong ý nguyện của Dòng tộc Họ Dương, coi đây là nghĩa vụ, là nhu cầu của mọi người trong dòng họ, thể hiện lòng tri ân của các thế hệ sau đối với Tiên linh, Tổ phụ của mình.

HĐHDVN đã họp bàn, ra chủ trương và hạ quyết tâm thực hiện bằng được ý nguyện “Đầu tư tu tạo và xây dựng Lăng Miếu Bình vương Dương Tam Kha tại chính khu mộ của Người”. Tháng 10 năm 2013, HĐHD VN đã gửi thư phát động phong trào hướng tâm công đức, kêu gọi toàn thể bà con Họ Dương trong và ngoài nước, các Doanh nghiệp, Doanh nhân Họ Dương Việt Nam góp sức để xây dựng đền thờ Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ và khu Lăng Miếu Bình vương Dương Tam Kha tại Thanh Hóa.

Đặc biệt, tại Lễ hội Mùa Xuân năm 2014, HĐHDVN đã phát động tất cả những người con của Dòng tộc Họ Dương hãy cùng nhau chung sức xây dựng đền thờ Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ và đền thờ lăng mộ Cao tổ Bình Vương Dương Tam Kha. Như điềm trời phật sắp đặt và sự linh thiêng phù hộ độ trì của tổ tiên, khi chủ trương xây dựng Lăng Miếu được phát động, lập tức được tất cả mọi người đồng lòng, nhất trí hưởng ứng với quyết tâm cao. HĐHDVN đã nhận được sự tự nguyện hưởng ứng của đông đảo con cháu Họ Dương, và ngay tại Lễ hội Mùa Xuân năm 2014, ông Dương Công Thuyên là người con thành đạt của dòng tộc, với tấm lòng thành kính và nghĩa cử cao đẹp đã tự nguyện công đức toàn bộ để xây dựng khu Đền thờ và Lăng Mộ Cao tổ Bình Vương.

Ngay sau lễ hội Mùa Xuân 2014, Ban tổ chức chỉ đạo xây dựng được thành lập, tiến độ đầu tư Dự án được tiến hành khẩn trương tích cực.

Ngày 23/6/2015, Họ Dương VN long trọng tổ chức lễ động thổ công trình Đền thờ, Lăng Mộ Bình Vương Dương Tam Kha.   

Quần thể di tích Bình Vương Dương Tam Kha gồm 2 khu chính là khu Lăng Mộ và khu Đền thờ được xây dựng trên khuôn viên có diện tích trên 1.500m2, mảnh đất vuông vắn nhìn ra đường trục, thuận về phong thuỷ được thiết kế theo lối kiến trúc cổ kính, khang trang, bề thế uy nghiêm, mang đậm phong cách Á Đông.

Các hạng mục bao gồm:

– Mộ được xây bao hình bát giác, phía trên có họa tiết hoa văn, xung quanh khắc kiểu chữ vạn. Phần mộ có diện tích gần 20m2.

– Đền thờ chính có diện tích 210m2, thiết kế theo kiểu chữ Đinh gồm khối nhà 5 gian mái đao có chính đường, có hậu cung; kiến trúc theo trục trung tâm đăng đối, chính đường có hoành phi, cửa võng, hai bên có hàng tượng quan binh, voi, ngựa; hoa văn theo lối đình, chùa Việt Nam, nóc Đền đắp rồng chầu nguyệt, 4 đầu đao cũng là đầu rồng với cổ ngước chếch lên cao. Mẫu đắp rồng theo hình tượng rồng thời Lê, hình tượng con rồng thời kì này mang nhiều khát vọng của người dân: mong mưa thuận, gió hòa, khát vọng công bằng xã hội.

– Nhà Tả vu và Hữu vu ở hai bên Đền chính, kiến trúc kiểu cung đình, sử dụng trong đền dùng để sắp lễ, mỗi nhà có diện tích gần 30m2.

– Gác bia có kiến trúc theo truyền thống đình, đền, chùa có 8 mái cong.

– Cổng thiết kế theo truyền thống cổng của các đền thờ thờ đức thánh: kiểu tam quan tứ trụ.

– Nhà khách có diện tích 54m2.

– Tượng, Voi, Quan canh.

– Tường bao.

– Bãi đỗ xe: trên 500m2 cách Lăng Mộ chừng 200m.

Trong quá trình xây dựng, chất lượng công trình và an toàn trong thi công luôn được đặt lên hàng đầu. Các đội thợ phải luôn luôn bám sát bản vẽ, vật liệu thường vượt trội so với thiết kế để đảm bảo độ bền chắc. Kỹ sư và một số bác trong Hội đồng Họ Dương xã Thiệu Long thường xuyên có mặt tại công trình để giám sát chặt chẽ chất lượng, kỹ thuật và tiến độ. Ngoài ra, toàn bộ họa tiết, rồng chầu, tượng, voi cho đến các cánh cửa của Đền thờ đều được vẽ mẫu. Lực lượng lao động lúc cao điểm đã huy động trên 50 người thợ có tay nghề cao tham gia, chỉ có điều khác biệt là những người thợ này hầu hết là con cháu Họ Dương của thôn Thành Đạt. Những chi tiết đắp tinh xảo do thợ từ Hà Tây vào thi công. Việc chọn mẫu các hạng mục nội thất đã được những thành viên có chuyên môn của HĐHDVN, HĐHD Thanh Hóa bàn bạc lựa chọn kỹ càng từ khâu thiết kế, chọn nhà thầu thi công, kiểm tra chất lượng từng hạng mục cả khi chế tác (vật liệu, độ tinh xảo…): Đồ gỗ do thợ thủ công của xã Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Tây thi công; Đồ đá do các nghệ nhân ở làng đá Ninh Vân, Ninh Bình chế tác.

Sau gần một năm thi công, với sự quyết tâm của HĐHDVN, HĐHD Thanh Hóa, của nhà tài trợ, của đơn vị thi công; với sự động viên, giúp đỡ của Hội đồng Họ Dương xã Thiệu Long cùng các cơ quan Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp tỉnh Thanh Hóa và bà con nhân dân thôn Thành Đạt, đến nay tất cả các hạng mục nội, ngoại thất đã được hoàn thiện.

Có được quần thể di tích Bình Vương Dương Tam Kha như ngày hôm nay, Dòng tộc Họ Dương Việt Nam khắc ghi tấm lòng công đức của ông Dương Công Thuyên là người làng Bất Phí, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Việt Phú An tại Tp.HCM phát tâm công đức xây dựng toàn bộ các hạng mục công trình. Ngay khi thiết kế, do diện tích khuôn viên Mộ quá hẹp, ông đã bỏ tiền ra mua 1166m2 là diện tích ở của hai hộ dân trong khu vực mộ cổ; đồng thời mua đất đền bù và hỗ trợ hai hộ chuyển ra nơi ở mới. Lại mua thêm 266m2, diện tích ba nhà bên cạnh cho thế đất thêm linh. Quy đổi ra tiền ông đã công đức trên 10 tỷ. Thật là một người Họ Dương giàu tâm huyết.

Đền thờ thờ Bình Vương được xây dựng ngay trên mảnh đất có phần mộ của Người – ngôi mộ hết sức linh thiêng, từng chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, từng phải chịu sự bào mòn dữ dội của thời gian với biết bao nhiêu biến cố, dông bão… Ngôi mộ và Hồn thiêng của Bình Vương từng chờ đợi bàn tay con cháu Họ Dương thắp lên ngọn lửa, không phải chỉ để khói hương tưởng nhớ, mà còn để duy trì sự hiện tồn của dòng tộc, để lưu giữ và phát huy các giá trị của truyền thống, giống nòi…nay đã hiện hữu uy nghiêm. Và như vậy, sau nhiều năm ấp ủ, chúng ta đã ấm lòng hơn khi Đền thờ, Lăng mộ của Bình Vương được xây dựng khang trang, sạch đẹp; Đền thờ với các hạng mục chính uy nghi, bề thế, thoáng mát và thanh tịnh. Công trình được hoàn thành đã thể hiện tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm của HĐHDVN, nguyện vọng của bà con Dương tộc và của mọi người dân.

Khu di tích Đền thờ, Lăng Mộ này cùng với các Đền thờ đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử ở xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội; Đền thờ tại thị trấn Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định; Đền thờ ở xóm Kiều Nguyễn, xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, Hưng Yên. Đền thờ tại làng Thành Đạt, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa sẽ trở thành những di tích văn hóa tâm linh, tạc ghi công đức Cao Tổ Bình Vương Dương Tam Kha, người đã được các triều đại truy tặng 38 đạo sắc phong.

Kể từ đây, trên địa bàn thôn Thành Đạt, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, bà con Họ Dương nói riêng và người dân Thanh Hóa nói chung có thêm một công trình văn hóa tâm linh, một công trình được thiết kế và xây dựng đẹp, bền vững, xứng tầm với công đức của Cao tổ Bình Vương Dương Tam Kha. Rất mong HĐHD các cấp tỉnh Thanh Hóa, Ban Di tích xã Thiệu Long cùng bà con thôn Thành Đạt bảo vệ, giữ gìn, tu tạo để khu Đền thờ, Lăng Mộ ngày một khang trang, tôn nghiêm và ấm cúng, phục vụ tốt nhu cầu thăm viếng của nhân dân cả nước.

Để hoàn thành tốt đẹp công trình như ngày hôm nay, cho phép chúng tôi gửi lời cám ơn tới Hội đồng Họ Dương các cấp; chính quyền, đoàn thể các cấp tỉnh Thanh Hóa và bà con thôn Thành Đạt, cám ơn bà con trong Dòng tộc đã có tâm công đức; xin gửi lời tri ân đến các bác trong Hội đồng Họ Dương Thiệu Long đã làm việc liên tục từ lúc khởi công cho đến hôm nay. Để có thể tổ chức lễ khánh thành vào đúng ngày giỗ của Bình Vương, rất cám ơn các đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công, tư vấn giám sát, các cơ quan thẩm định, các kỹ sư, kiến trúc sư, nhà văn hóa, các nghệ nhân, công nhân, thợ thủ công, các tập thể, cá nhân đã tích cực tham gia, đóng góp tâm sức, trí tuệ, tiền bạc cho sự hiện hữu các hạng mục công trình hôm nay. Một lần nữa, xin ghi nhận tấm lòng của ông Dương Công Thuyên, người con của Họ Dương đã thể hiện tình cảm thiêng liêng đối với tổ tông, Dòng tộc.

Trước Anh linh Cao tổ Bình Vương Dương Tam Kha, HDVN nguyện đoàn kết một lòng, phát huy được truyền thống của tổ tiên, kết nối và xây dựng được khối đại đoàn kết Dòng tộc, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho HDVN

Cầu nguyện Cao Tổ Bình Vương Dương Tam Kha phù hộ độ trì cho con cháu dòng họ chúng ta được hồng ân phúc ấm, cát tường như ý; phù hộ cho đất nước được yên bình, thịnh vượng, trăm họ kết đoàn cùng nhau phát triển.

Dương Quốc Sỹ – PCT HĐHDVN

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com