Dương Không Lộ – Quốc sư triều Lý
- 29/02/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 4561
(Tiếp theo và hết)
III. Dấu tích Dương Không Lộ ở quê ngoại
Đó là ngôi chùa Hưng Long (Hưng Long tự), tên thường gọi là chùa Trông nằm trong cụm di tích đền, chùa Trông tại xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, quê hương thân mẫu Dương Không Lộ.
Đền Trông thờ Thiền sư Minh Không (1066 – 1141); chùa Trông thờ Phật và ba cao tăng thời Lý là Dương Không Lộ (1016 – 1094), Giác Hải, Đạo Hạnh (15). Đền và chùa Trông được xây dựng tại khu vực giáp ranh giữa hai thôn Hán Lý và Hào Khê của xã Hưng Long. Đây là khu di tích lớn thu hút đông đảo nhân dân trong vùng tham gia sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng.
Đền Trông được xây dựng ngay sau khi Thiền sư Minh Không qua đời (1141). Chùa Trông do Thiền sư Dương Không Lộ cùng hai Thiền sư Giác Hải và Đạo Hạnh xây dựng trong dịp về quê mẹ thời gian cuối đời, vảo khoảng thập kỷ 80 của thế kỷ 11, triều vua Lý Nhân Tông. Cuối đời Thiền sư Minh Không cũng về tu tại chùa Hưng Long.
Ba vị sư triều Lý có công dựng chùa Hưng Long, sau khi viên tịch, tỏ rõ đạo pháp, cầu đảo linh ứng, dân xã đã tô ba pho tượng để thờ trong chùa (16). Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, hiện nay trong chùa Trông không còn tượng thờ Không Lộ, Giác Hải và Đạo Hạnh. Còn Thiền sư Minh Không vẫn được thờ tại đền Trông.
Những dấu tích về Dương Không Lộ còn lưu truyền ở miền quê này nói lên phần nào bước đường tu hành và dấu ấn của vị Quốc sư triều Lý tại quê mẹ của ngài, ở Hán Lý – Ninh Giang.
IV. Tài chữa bệnh cứu vua
Vào thời vua Lý Nhân Tông (1072 – 1128) vua thường ngự tại điện Liên Mộng. Một hôm chợt có hai con tắc kè kêu trên xà nhà làm vua sợ hãi thành bệnh, thuốc gì cũng không khỏi. Vua sai sứ và hơn 50 người đi đón Không Lộ và Giác Hải. Không Lộ dùng ba thưng gạo nấu cơm cho quan quân ăn mà mãi không hết. Khi xuống thuyền đi Kinh Đô, trời đã tối, Thiền sư bảo hãy nghỉ, đến gà gáy lại đi. Đến lúc đi, Ngài gõ vào cột chèo ba tiếng. Một lát thuyền đã đến bến Kinh Đô Thăng Long. Ai ai cũng lấy làm kinh hãi.
Không Lộ và Giác Hải vào yết kiến vua. Không Lộ đọc 3 câu chú, tắc kè không kêu nữa. Rồi nhường cho Giác Hải. Giác Hải lấy tràng hạt ra và gõ vào cột điện. Cả hai con tắc kè liền rơi xuống đất, bệnh vua khỏi ngay. Vua phong cho Không Lộ làm Quốc sư, ban Quốc tính (họ vua) cho Giác Hải và ban khen bài thơ:
“Giác Hải như tâm hải
Thông Huyền, đạo hựu huyền
Thần thông, năng biến hóa
Nhất Phật, nhất thần tiên”
V. Tổ nghề đúc đồng Việt Nam
Triều Lý mở đầu thời kỳ thịnh vượng của đạo Phật ở nước ta, phát triển làm chùa, tạc tượng, đúc chuông… Giới tu hành thì chuyên cần hoằng dương thuyết pháp, truyền bá lòng nhân từ bác ái, cứu giúp chúng sinh của Đức Phật; người chân tu thành quả, lại có công giúp nước, thì được vua phong là Quốc sư, ghi danh trong lịch sử Phật giáo là Thiền sư.
Các vị Thiền sư thường vãng cảnh đó đây, gặp duyên thì lưu lại dựng chùa, đặt Phật, đúc chuông cho dân lễ bái; hay tạo cảnh đẹp lưu lại ở các miền đất nước cho dân đến chiêm ngưỡng, suy tư… Chúng tôi xin nêu một vài trường hợp như thế của Thiền sư Dương Không Lộ.
Về sự kiện đúc chuông chùa Phả Lại: “Năm Đại Định thứ 22 (1061), Không Lộ 46 tuổi, Thiền sư cho dựng chùa Nghiêm Quang (Chùa Keo Giao Thủy – Nam Định). Tục truyền từ đây phép Phật thông huyền … Thiền sư thường đi vãng cảnh các nơi, như làng Hành Thiện, làng Tương Đông đều thuộc phủ Thiên Trường – Nam Định; làng Lộng Khê (huyện Phụ Dực – Thái Bình); làng Lạc Lâm (Thạch Thất – Hà Tây); làng Đãi Nẫm (Quế Dương – Bắc Ninh), làng Dương Nham (Kinh Môn – Hải Dương) … Khi ở Phả Lại, Dương Không Lộ cho đúc một quả chuông to, sau chuông bị chìm xuống sông Lục Đầu” (18).
Đúc chuông chùa Nghiêm Quang, sách vừa dẫn cho biết: “Đến năm Không Lộ 62 tuổi, năm Đinh Tỵ, niên hiệu Anh Võ Chiêu Thắng, đời vua Lý Nhân Tông (1077), Không Lộ cho đúc chuông đồng chùa Nghiêm Quang nặng ba nghìn ba trăm cân”.
Về tượng Phật Di Lặc, tài liệu tại chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều, Quảng Ninh cho biết “Đến đời nhà Lý, Thiền sư Dương Không Lộ là Tổ sư đúc đồng của Việt Nam đã đúc tượng Di Lặc bằng đồng cao 18,6m. Tượng Di Lặc chùa Quỳnh Lâm được coi là “An Nam Tứ Đại Khí” (19).
“An Nam Tứ Đại Khí”, là bốn vật Quốc bảo cổ của nước ta, là biểu trưng “Nguyên khí ” của người Việt, được tạo tác vào các thời kỳ khác nhau:
Tượng phật Di Lặc chùa Quỳnh Lâm đứng đầu trong “An Nam Tứ Đại Khí” được đúc ở triều Lý, không rõ năm nào.
Tháp Bảo Thiên ở Thăng Long 30 tầng, tầng chóp bằng đồng đen, cao 20 trượng (70m), được xây cất năm Đinh Dậu (1057) triều Lý Thánh Tông.
Chuông Quy Điền chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) ở Thăng Long, nặng 12.000 cân (tương đương 7,3 tấn đồng), được đúc vào tháng 02 năm Canh Thân (1080), đời vua Lý Nhân Tông.
Vạc chùa Phổ Minh, Thiên Trường, Nam Định nặng 6.150 cân, được đúc tháng 2 năm Nhâm Tuất (1262), đời vua Trần Thánh Tông.
Tuy nhiên bốn vật Quốc bảo đó đã bị giặc Minh cướp phá khi sang xâm lược nước ta (1417 – 1427). Chúng phá tháp Bảo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh lấy đồng đúc súng, đạn, hỏa khí và cướp Phật Di Lặc chùa Quỳnh Lâm mang đi, nhằm làm mất đi một phần “Nguyên khí” của người Việt (?).
Đáng chú ý là, ngày nay ở Nam Định còn lưu truyền về một số công trình mà Dương Không Lộ Thiền sư đã mở cảnh trên bước đường tu hành ở các nơi, đặc biệt là ở Nam Định quê hương ông. Đó là chùa Phả Lại Bắc Ninh, chùa Keo Hành Thiện (Nam Định). Trên địa bàn Nam Định còn nhiều công trình khác, như chùa Din ở Nam Trực xưa có chuông do Dương Không Lộ đúc, nay không còn; chùa Cổ Lễ. Ở huyện Ý Yên hiện còn: Một dép đá to ở đầu làng Yên Lộc, một ở cửa làng Đồng Mẫu; 3 gian tam quan đá (đã phục chế) trên đường đi Độc Bộ (Ý Yên)…
Bài viết của chúng tôi chỉ có thể giới thiệu được phần nào về vị Quốc sư triều Lý họ Dương. Chúng tôi chân thành mong nhận được ý kiến đóng góp của bà con Dòng tộc về bài viết và gửi cho chúng tôi tài liệu sưu tầm được về Thiền sư Dương Không Lộ. Xin trân trọng cảm ơn.
Bài viết: Dương Văn Đảm
Ảnh: Dương Việt Hòa
Chú thích:
15 Lý lịch cụm di tích Đền, Chùa Trông, Sở Văn hóa TTDL Hải Dương, Tr.1 và 7
16 Đại Nam Nhất thống chí, tập 3. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1971.
17 Đại Nam Nhất thống Chí. Sách đã dẫn.
18 Ngô Vi Liễn. Địa dư các tỉnh Bắc Kỳ. NXB Văn Tân, Hà Nội, 1931.
19 Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tiên Du Sơn Quỳnh Lâm Đại Thiền Tự. Năm 2019