“Doanh nhân tương lai” Dương Diệu Linh: Trong khó khăn ai cũng nên chung tay gánh vác

Giữa lúc dịch Cô vít -19 “càn quét” Việt Nam cùng làn sóng trở về quê hương của nhiều người Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi có cơ hội lắng nghe những suy nghĩ rất chững chạc của một “người trẻ” đang sống tại khu cách ly để chờ đợi được về nhà sau 14 ngày…

Đó là “cuộc trò chuyện online” chỉ dài 44 phút với cô gái 20 tuổi Dương Diệu Linh – du học sinh từ Thuỵ Sĩ trở về Việt Nam – hiện đang được cách ly tại Sư Đoàn 390 Bỉm Sơn, Thanh Hoá về sau chuyến bay dài 15 tiếng.

Về Việt Nam vì biết “không đâu bằng nhà”

Chào Linh, lý do gì khiến Linh, giống như nhiều du học sinh khác, lựa chọn quyết định trở về Việt Nam vào thời điểm nhạy cảm này? 

Quyết định trở về Việt Nam của em có lẽ cũng giống rất nhiều bạn du học sinh khác. Đó là vì gia đình lo lắng, đặc biệt là mẹ em. Mẹ em kinh doanh trong lĩnh vực thép nên có sự dứt khoát, mạnh mẽ và kiên cường của một doanh nhân. Nhưng khi nói đến sự an toàn của con mình, mẹ em cũng giống như bao người khác. Đó chính là một phần lý do vì sao em quyết định mua vé – rất vội vàng để trở về.

Bạn nói vì không muốn mẹ lo lắng chỉ là “một phần của lý do”. Vậy phần còn lại kia là gì? 

Nửa kia của lý do chính là vì Việt Nam là quê hương của em. Với em, không nơi đâu sánh bằng nhà mình.

Đọc thông tin trên các phương tiện truyền thông quốc tế, mọi người đều biết rất rõ thái độ của người Châu Âu về đại dịch này. Chỉ khi Tổ chức Y tế thế giới khẳng định, virus Cô vít -19 là thảm hoạ toàn cầu; khi số người mắc bệnh lên đến hàng nghìn người, chính phủ và người dân Châu Âu mới bắt đầu nhìn nhận lại.

Đơn cử, tại Thuỵ Sỹ và ngay ngôi trường mà em đang theo học, chỉ khi số người mắc bệnh lên đến 8.000 người chỉ trong 3 tuần, Chính phủ mới bắt đầu lo ngại. Thuỵ Sỹ là một quốc gia khá nhỏ nên đây thực sự là một vấn đề lớn.

Tại trường em, khi sinh viên bị ho và sốt mới được nhà trường cách ly. Khi số người nhiễm bệnh lên đến 800 người trong một ngày, nhà trường mới bố trí thêm nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn nhưng vẫn không cho chúng em nghỉ học; đi học cũng không được khuyến cáo đeo khẩu trang…

Khi lượng người bị nhiễm lên đến 1.000 người, nhà trường mời một bác sỹ Thuỵ Sỹ đến để thuyết giải về dịch bệnh này nhưng bằng phương pháp “online”. Tức là toàn bộ sinh viên tập trung tại sân trường để nghe bác sỹ trò chuyện trực tuyến thông qua màn hình lớn.

Khi được sinh viên đặt câu hỏi nếu bị nhiễm thì làm thế nào? Bác sỹ nói rằng, chúng em còn trẻ, sức đề kháng cao nên không cần lo ngại. Câu trả lời này tạo nên tranh cãi trong cộng đồng sinh viên.

Em nhận thấy sự nguy hiểm tiềm tàng của dịch bệnh này khi theo dõi diễn biến của dịch từ lúc xuất hiện đến khi bùng phát tại Vũ Hán – Trung Quốc, lan sang Hàn Quốc và giờ là Châu Âu. Việt Nam đã nhìn nhận rất chính xác về sự lây lan của dịch bệnh và có biện pháp phòng ngừa rất sớm. Đó là lý do khiến em quyết định trở về.

“Ai cũng mệt cả rồi”

Chuyến bay trở về Việt Nam kéo dài 15 tiếng của bạn diễn ra như thế nào?  

Em bay từ Thuỵ Sỹ, quá cảnh ở sân bay Doha (Quatar), sau đó mới bay về sân bay Nội Bài. Chuyến đi không có nhiều bão táp như các bài viết trên facebook của một số du học sinh đâu ạ (cười).

Vì em mua vé khá vội nên cũng không có nhiều thời gian chuẩn bị. Em chỉ cố gắng tránh quá cảnh vào thời điểm có các chuyến bay quá cảnh từ Mỹ về Doha để giảm nguy cơ lây nhiễm. Em ở Doha mất 3 tiếng và có mặt tại sân bay Nội Bài vào ngày 18/3. Tuy nhiên, em phải đợi 6 tiếng ở Nội Bài để làm thủ tục nhập cảnh, khai báo y tế, đo thân nhiệt… sau đó được đưa về Sư Đoàn 390 Bỉm Sơn, Thanh Hoá để cách ly.

Đi từ Nội Bài về cách ly ở Thanh Hoá có khiến bạn “sốc” không?

Sốc chứ ạ vì xa quá (cười lớn). Nhưng lượng người từ nước ngoài trở về Việt Nam quá lớn dù em không biết con số cụ thể. Vì thế nên khu cách ly tại Sơn Tây đã đủ người. Chúng em, gồm 5 xe, phải chia làm 2 nhóm, 2 xe di chuyển về Hưng Yên, 3 xe còn lại (có em) phải về Sư đoàn 390 ở Bỉm Sơn, Thanh Hoá.

Thậm chí, khi về đến Sư đoàn 390, khoảng 10 giờ đêm, em và mọi người trên xe đều đã rất mệt. Nhưng em vẫn cảm nhận được, lực lượng bộ đội còn mệt hơn. Có lẽ, họ không thể ngờ, số lượng người được đưa đến lại lớn như vậy. Bằng chứng là mọi sự chuẩn bị đều trở nên vô cùng gấp gáp. Ai cũng mệt cả rồi.

“Ở thời điểm này, không nên đòi hỏi mà phải nghĩ sâu hơn…”

Bạn cảm thấy khu cách ly này thế nào? 

Khu cách ly em ở là doanh trại quân đội. Về cơ bản, khá sạch sẽ. Chúng em được chuẩn bị đầy đủ chăn, màn, vật dụng cần thiết. Các chú bộ đội rất thân thiện, nhiệt tình. Dù mệt vì phải hỗ trợ rất nhiều người nhưng họ chưa bao giờ phàn nàn.

Điều ai cũng quan tâm nhất có lẽ chính là bữa ăn. Chúng em được các chú bộ đội mang cơm đến 3 bữa/ngày. Đúng giờ lắm, chắc do môi trường quân đội (cười). Bữa cơm luôn đầy đủ các món ăn mặn, rau và canh. Với em, lượng thức ăn trong bữa cơm như vậy là no rồi. Ngoài ra còn có hoa quả tráng miệng nữa. Như vậy là quá đủ (tiếp tục cười).

Với Diệu Linh, đây là một bữa cơm “hợp khẩu vị”…

Những bữa ăn ấy rất đảm bảo vệ sinh, được để trong những hộp xốp dùng một lần. Điều em thích nhất là có hương vị Việt Nam. Đối với du học sinh như em, trở về quê hương trong một hoàn cảnh nhạy cảm như vậy, được chăm sóc và ăn món ăn đậm đà hương vị quê nhà thì còn gì tuyệt vời hơn.

… và rất đậm hương vị Việt Nam với món mặn, canh và rau

Được biết, bạn học chuyên ngành về quản lý khách sạn. Bạn nhận xét thế nào về chất lượng của khu cách ly này? 

Em biết, có nhiều người than phiền về các bữa ăn do không hợp khẩu vị, không đa dạng… Nhưng chúng ta phải biết, chúng ta không ở trong khách sạn 4* hay 5*. Những người chăm sóc và phục vụ chúng ta là bộ đội, họ không có kỹ năng hay được đào tạo bài bản để đáp ứng nhu cầu, dù là nhỏ nhất, của bất kỳ ai.

Chúng em cũng không phải là khách hàng, không trả tiền để được sống ở đây. Chúng em trở về từ những nơi có dịch, có thể trở thành nguồn lây bệnh. Vậy tại sao chúng em lại có quyền đòi hỏi một sự đáp ứng lớn hơn?

Một doanh trại quân đội được sử dụng làm nơi cách ly cho hàng nghìn người vốn là một điều không tưởng. Để đánh giá chất lượng, chúng ta không thể mang tiêu chuẩn khách sạn để chấm điểm.

Em muốn nhấn mạnh về thái độ và hành động của các chú bộ đội nơi đây. Như em đã chia sẻ, ai cũng đều mệt. Bộ đội cũng vậy nhưng họ vẫn vui vẻ đáp ứng mọi nhu cầu của người đến cách ly, từ đổi chăn ga mới cho đến mua hộ vật dụng cần thiết.

Không gian rộng và vô cùng thoáng đãng tại Sư Đoàn 390 mà Diệu Linh đang cách ly

Được biết, bạn đang có ý định kêu gọi mọi người ủng hộ một khoản tiền cho khu cách ly này? Bạn có thể chia sẻ về kế hoạch này được không? 

Theo quan điểm của em, đây là thời điểm mà tất cả mọi người cần phải nghĩ sâu hơn về mọi thứ, về điều được và mất của mỗi người và của đất nước.

Em luôn băn khoăn một điều: Nếu chúng em ngủ trong những chiếc giường sạch sẽ của các chú bộ đội, họ sẽ ngủ ở đâu??? – Đó là điều em không bao giờ nhận được câu trả lời từ họ (dù cũng không dám hỏi).

Ngày 15/3, Vietnam Airlines đã thông báo hoãn mọi chuyến bay từ Anh, Đức, Pháp nhưng chỉ vài ngày sau, lại thông báo mang máy bay đón người Việt Nam ở nước ngoài trở về. Hãy nghĩ về tổn thất kinh tế của mỗi chuyến bay ấy. Đó là những chuyến bay mà chiều đi không hề có khách hàng và chiều về là những người Việt Nam KHÔNG CẦN TRẢ PHÍ. Hãy nghĩ về về nguy cơ lây nhiễm của những lực lượng phi công, tiếp viên hàng không trên những chuyến bay đó phải đối mặt…

Và hãy nghĩ nhiều hơn về chi phí mà khu cách ly Sư đoàn 390 – nơi em đang sống – phải bỏ ra để đáp ứng nhu cầu của hàng nghìn người trong một ngày. Hãy nhìn những gì đã xảy ra ở Vũ Hán, Hàn Quốc để soi chiếu về Việt Nam. Được ăn uống, được sống, được đảm bảo các nhu cầu tối thiểu và quan trọng nhất, là được ĐẢM BẢO AN TOÀN đã thật sự là điều tốt đẹp giữa thời dịch bệnh này rồi.

Hiện, vẫn còn rất nhiều du học sinh, người Việt Nam đang sống tại nước ngoài chưa thể về nước. Việt Nam vẫn tiếp tục mở các chuyến bay đón họ trở về. Trong thời điểm này, đó là một hành động vô cùng đẹp đẽ mà ít quốc gia nào làm được.

Chính hành động đó khiến em thật sự cảm động, cảm thấy Việt Nam có tinh thần vì dân rất lớn nên em muốn ủng hộ 20.000.000 đồng cho Sư đoàn 390 nơi đây.

Em có ý định kêu gọi du học sinh và mọi người đóng góp cho khu cách ly của Sư đoàn 390 cùng nhiều nơi cách ly khác. Em thực sự muốn tạo nên sự lan truyền trong cộng đồng du học sinh và tất cả mọi người để giảm gánh nặng cho đất nước và thể hiện lòng biết ơn với những chú bộ đội đã dang tay giúp đỡ chúng em thời gian này. Bởi em nghĩ, đây là nguồn kinh phí – mặc dù chính em cũng không biết sẽ có thể kêu gọi được bao nhiêu – nhưng rất đáng quý và vô cùng tiềm năng.

Cô gái trẻ luôn vui tươi và hồn nhiên nhưng kèm theo đó là một lối suy nghĩ rất trưởng thành

Quê hương không từ bỏ mình khi hoạn nạn, mình cũng sẽ không thể thờ ơ với đất nước khi khó khăn. Đó chính là ý thức trách nhiệm cũng như lòng yêu quê hướng đất nước một cách cụ thể!

Thương Gia cảm ơn Linh về cuộc trò chuyện này. 

Với chất giọng trầm khàn, Dương Diệu Linh đã cho Thương Gia thấy hình ảnh về một cô gái còn rất trẻ nhưng lại trưởng thành trong suy nghĩ: nhận thức đúng hoàn cảnh, hiểu được bản chất của vấn đề đang đối mặt.

Cô nhấn mạnh, đừng so sánh chất lượng sống của Việt Nam với các nước phát triển vì chúng ta là nước đang phát triển. Là người đã du học ở Mỹ rồi sang Thuỵ Sỹ, Linh nhận thức sâu sắc sự khác biệt về môi trường sống của từng quốc gia. Nhưng dù đi đến đâu, Linh vẫn chọn trở về Việt Nam, tiếp nối công việc kinh doanh của gia đình và đem những tinh tuý đã học được – như cô nói – “Em muốn góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia đáng sống như thế”.

Nguồn: Báo Thương gia

 

 

 

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com