Hội đồng Họ Dương Việt Nam – 25 năm hình thành phát triển
- 14/01/2017
- Ban Thông tin truyền thông
- 11718
Nhân kỷ niệm 25 năm (1992-2017) thành lập Hội đồng Họ Dương Việt Nam (HĐHDVN), tiền thân là Ban liên lạc Họ Dương Việt Nam (BLL HDVN), chúng tôi xin giới thiệu với toàn thể bà con Dòng tộc một số mốc quan trọng đánh dấu quá trình hình thành và phát triển của HĐHDVN.
Năm 1991
Khởi đầu từ các ông Dương Văn Kiện, Dương Văn Thiều, Dương Hồng Kỳ hợp thành “Nhóm kết nối”, quyết định đi vào Hà Tĩnh kết nối, thành lập Ban liên lạc Họ Dương tỉnh đầu tiên, làm mẫu, để từ đó mở rộng sang các tỉnh khác, làm tiền đề cho việc thành lập Ban liên lạc Họ Dương toàn quốc.
Ngày 31 tháng 8 năm 1991, lễ ra mắt Ban liên lạc Họ Dương Hà Tĩnh được tổ chức, cử ông Dương Xuân Thâu làm Trưởng Ban; Phó Trưởng Ban: Dương Văn Quý, Dương Đình Tuyến; các thành viên: Dương Lê Nhưỡng,…
“Nhóm kết nối” có thêm người tham gia, đặt ra nhiệm vụ cơ bản cần quán triệt đến Ban liên lạc các cấp là: Kết nối họ hàng, tương thân tương ái; sưu tầm gia phả; tìm hiểu nhà thờ, lăng mộ…
“Nhóm kết nối” phân công nhau đi tuyên truyền vận động kết nối đến nhiều địa phương: Nghệ An, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ, Lạng Sơn, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Nam…
Năm 1992
Ngày 22-3-1992, tại số nhà 48 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội, Hội nghị toàn thể Họ Dương Việt Nam lần thứ I được triệu tập, với sự có mặt của gần 50 địa biểu đại diện cho Họ Dương các tỉnh, thành phố.
Hội nghị đã ra quyết định thành lập Ban liên lạc Họ Dương Việt Nam, cử ông Dương Văn Kiện quê Vĩnh Phúc, sinh năm 1931, nguyên chánh văn phòng Bộ kế hoạch – đầu tư làm Trưởng Ban liên lạc Họ Dương Việt Nam. Ông Dương Văn Thiều sinh năm 1928 tại Nghệ An làm Thư ký Ban liên lạc kiêm Trưởng Ban nghiên cứu Lịch sử Họ Dương; ủy viên Ban liên lạc gồm các ông bà: Dương Văn Dật nguyên Thứ trưởng Bộ tài chính, Dương Viên, Dương Văn Thâu, Dương Danh Nhượng, Dương Lê Nhuận, Dương Hồng Kỳ, Dương Thụ, Dương Văn Dân (Hưng Yên).
Việc kết nối mở rộng đến nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Ông Dương Xuân Thiều được phân công soạn thảo Quy chế hoạt động của Ban liên lạc Họ Dương Việt Nam.
Ngày 28-4 Nhâm Thân (1992), Ban liên lạc HDVN cùng đại diện Họ Dương các tỉnh họp mặt nhân ngày giỗ cụ Nghĩa Yêm, hiệu Nhụ Nhân, là thân phụ Trạng Nguyên Dương Phúc Tư tại Lạc Đạo – Văn Lâm – Hưng Yên.
Sau lễ dâng hương, hội nghị thảo luận và thông qua Quy chế hoạt động của Họ Dương Việt Nam chính thức ban hành, làm cơ sở cho mọi hoạt động của Dòng tộc.
Cụ Dương Văn Kiện – Trưởng ban liên lạc đầu tiên của Họ Dương Việt Nam
Năm 1995
Ngày 4-9-1995 (10-8 Ất Hợi), Ban liên lạc HDVN tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ II, tại số nhà 12 phố Lê Lai – Hội trường UBND thành phố Hà Nội, nhằm tổng kết công tác kết nối 3 năm qua, đưa ra kế hoạch xây dựng và phát triển Ban liên lạc Họ Dương Việt Nam. Hội nghị tiến cử ông Dương Văn Quý – Giám đốc sở thương nghiệp Hà Nội làm phó Ban liên lạc Họ Dương Việt Nam. Ông Dương Xuân Thìn quê Lạc Đạo làm thư ký giúp việc ông Dương Văn Thiều Trưởng ban nghiên cứu Lịch sử Họ Dương, Trưởng Ban biên soạn lịch sử.
Năm 2001
Ngày 25-3-2001(1/3 Tân Tỵ), tại Phân viện Báo chí và Tuyên truyền ở quận Cầu Giấy – Hà Nội, Ban liên lạc HDVN tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ III, với đông đảo đại biểu đại diện cho hơn 100 chi Họ Dương cả nước đến dự…
Ông Dương Văn Kiện thay mặt Ban liên lạc báo cáo kết quả hoạt động trong những năm vừa qua. Ông Dương Văn Thiều báo cáo kết quả sưu tầm tài liệu lịch sử Dòng tộc, phấn đấu hoàn thành tập Lược sử Họ Dương Việt Nam vào năm 2003. Bà Dương Thị Lục thành viên Ban sử trình bày báo cáo về truyền thống phụ nữ Họ Dương trong lịch sử. Ông Dương Văn Dật báo cáo về Họ Dương trong triều Lý. Tiếp theo là 30 bài phát biểu của các đại biểu đến từ Đà Nẵng , Quảng Nam, Hưng Yên (ông Dân), Lạng Sơn (ông Hán), Lạc Đạo (ông Phiến), Hà Tĩnh (ông Thâu), Bắc Ninh (ông Lạc), Quảng Bình, Huế, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng…
Hội nghị thông qua nghị quyết:
– Suy tôn Dương Thanh là Viễn tổ, Dương Đình Nghệ là Khởi tổ HDVN.
– Các chi họ biên soạn bổ sung gia phả, sưu tầm tài liệu phục vụ cho biên soạn sử Họ.
– Cử ông Dương Văn Linh làm Phó Ban thường trực Ban LLHDVN.
– Thành lập Ban liên lạc Họ Dương miền Nam, cử ông Dương Đình Tú – phó ban liên lạc Họ Dương Việt Nam làm Trưởng Ban liên lạc Họ Dương miền Nam.
– Bổ sung 12 ông vào Ban LLHDVN: Ông Minh (Hà Nam), ông Bái (Hải Phòng), ông Bờ (Bắc Giang), ông Thềm (Hải Dương), ông Long (Thanh Hóa), ông Hán (Lạng Sơn), ông Hiền (Hưng Yên), ông Thắng (Quảng Bình), ông Thìn (Đông Anh), các ông Đạo, Cường, Quát (Quảng Nam).
– Cử ông Dương Văn Hán phụ trách 4 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn.
Cụ Dương Văn Thiều – Trưởng Ban nghiên cứu Lịch sử Họ Dương Việt Nam đầu tiên
Năm 2005
Ngày 11-5-2005 Hội nghị thường trực Ban LLHDVN, ra nghị quyết:
– Tổ chức lễ kỷ niệm 500 năm sinh Trạng Nguyên – Dương Phúc Tư tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội vào 16-11-2005.
– Tiếp tục làm văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc đặt tên đường phố Dương Đình Nghệ.
– Cử ông Dương Ngọc Sơn làm Phó Ban LLHDVN; ông Dương Viết Khớ làm Phó Trưởng Ban liên lạc Họ Dương miền Nam.
– Kêu gọi ủng hộ quỹ Ban LLHDVN.
Năm 2008
Ngày 6-4-2008 (2-3 Mậu Tý), Hội nghị toàn thể Họ Dương lần thứ IV được tổ chức tại Học Viện Hành chính Quốc gia Hà Nội. Báo cáo nêu rõ:
Tính đến tháng 3-2008, đã có 114 chi Họ Dương ở cả ba miền tham gia hoạt động Dòng tộc, kể cả địa phương có Ban liên lạc, cũng như chưa có Ban liên lạc – sinh hoạt trực tiếp với Ban LLHDVN. Đặc biệt, nhiều tỉnh miền Nam đã có Ban liên lạc như Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị.
Phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội thảo về thân thế sự nghiệp Dương Đình Nghệ, khẳng định Cụ thực sự là anh hùng dân tộc ở thế kỷ X.
Một số hội thảo khác: Hội thảo về thân thế và sự nghiệp Trạng nguyên Dương Phúc Tư (1505-1563), tại Văn Miếu Quốc Tử Giám – Hà Nội; Hội thảo về Dương Tam Kha – Ngô Quyền trong trận đánh thắng Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938; cộng tác với các nhà sử học sưu tầm, nghiên cứu thần phả và truyền thuyết dân gian về Dương Tam Kha ở Chương Dương (Hà Nội), ở Cổ Lễ (Nam Định), về Dương Đình Nghệ ở làng Giàng (Thanh Hóa) và các hội thảo khác ở Vĩnh Mỗ (Vĩnh Phúc), Bật Trạc (Nam Định), Vân Đình (Hà Nội)…
Kêu gọi hướng tâm công đức xây dựng Lăng Miếu Bình Vương Dương Tam Kha ở Thanh Hóa.
Năm 2009
Tháng 8-2009, Hội nghị Thường trực Ban LLHDVN được triệu tập, ra nghị quyết:
– Ông Dương Thanh Xuân làm Trưởng ban liên lạc Họ Dương Việt Nam thay ông Dương Văn Kiện từ trần ngày 26-5-2009 (3-5 Kỷ Sửu). Ban thường trực mới tiếp tục hết nhiệm kỳ V là Dương Thanh Xuân; Dương Tự Đam – Phó ban thường trực; Dương Xuân Thìn – Phó trưởng ban kiêm Tổng thư ký. Phó trưởng ban gồm các ông: Dương Quốc Sỹ, Dương Quang Ngọc; Dương Kiện. Các ông UVTT: Dương Văn Sao; Dương Đình Giám; Dương Thúy Mỹ; Dương Văn Niết; Dương Viên; Dương Đình Tước; Dương Quang Cẩn; Dương Thị Thanh Mai; Dương Văn Thật; Dương Đình Khải.
Cố vấn Ban liên lạc HDVN: Dương Văn Dật, Dương Văn Thiều.
Năm 2010
Ngày 26-6-2010, Hội nghị toàn thể HDVN lần thứ V, được tổ chức tại Hội trường Trường Đại học Công Đoàn Hà Nội. Báo cáo nêu lên kết quả hoạt động trong 2 năm qua, nổi bật là:
– Xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức Họ Dương từ chi họ đến dòng họ trên phạm vi cả nước.
– Nghiên cứu lịch sử đạt nhiều thành tích: Nhiều nhà thờ họ được công nhận Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia và tỉnh – thành phố; hoàn thành biên soạn nhiều tài liệu trong đó có lược sử và truyền thống Họ Dương Việt Nam; cộng tác với VTV lập các đĩa VCD về Họ Dương Việt Nam, phân phối đến các chi họ trên cả nước. Nhiều tên tuổi các anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa Họ Dương được tôn vinh…
– Nghị quyết của Hội nghị: Đổi tên Ban liên lạc Họ Dương Việt Nam thành Hội đồng Dòng tộc Họ Dương Việt Nam.
Cụ Dương Thanh Xuân – CT Hội đồng Dòng tộc Họ Dương Việt Nam nhiệm kỳ 2009 – 2013
Năm 2011
Ngày 15-10-2011, Hội đồng Dòng tộc Họ Dương Việt Nam phối hợp với Viện sử học, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia:
“Dương Đình Nghệ với công cuộc gây dựng nền tự chủ thế kỷ X”
Với nhiều báo cáo có giá trị của các Nhà sử học, vai trò của nhiều nhân vật Họ Dương trong lịch sử giữ nước, giành quyền tự chủ cho dân tộc được làm sáng tỏ.
Năm 2012
Văn phòng Hội đồng Dòng tộc Họ Dương Việt Nam chuyển về đóng ở phố Trung Kính Hà Nội, Ông Dương Phúc Hiệu thường trực văn phòng.
– Hội đồng Họ Dương Kinh Bắc thành lập năm 2011, văn phòng đóng ở 22 Lý Thái Tổ, TP Bắc Ninh.
Hai Hội đồng kết hợp làm công tác khuyến học- khuyến tài (KH – KT) của Họ Dương.
– Ông Dương Công Minh bắt đầu nhận tài trợ cho hoạt động KH-KT và mừng thọ. Ngày 2-12-2012, tại TP Bắc Giang, Hội nghị vinh danh học sinh giỏi HDVN lần thứ nhất được tổ chức trọng thể.
Năm 2013
Lễ hội mùa Xuân HDVN lần thứ nhất (Hội nghị toàn thể Họ Dương Việt Nam lần thứ VI) được tổ chức vào 10-3-2013 (29 tháng Giêng Quý Tỵ), tại Trung tâm Văn hóa Quan họ tỉnh Bắc Ninh, với 2 nghìn đại biểu đến dự.
– Phần chủ yếu của Lễ hội là báo cáo kết quả hoạt động năm 2012, đề ra kế hoạch năm 2013; tiếp theo là trao thưởng KH – KT cho học sinh giỏi, mừng thọ người cao tuổi Họ Dương.
Nghị quyết:
– Đổi tên Hội đồng Dòng tộc Họ Dương Việt Nam thành Hội đồng Họ Dương Việt Nam. Bầu Hội đồng HDVN nhiệm kỳ (2013-2018), ông Dương Đình Chiến làm Chủ tịch; 8 PCT; 48 ủy viên.
– Tổ chức LHMX thường niên vào thứ 7 và chủ nhật tuần thứ 2 sau tết Nguyên Đán.
Năm 2014
Lễ Hội Mùa Xuân được tổ chức vào ngày 8,9 -2-2014 (9,10 tháng Giêng Giáp Ngọ), tại Nhà thi đấu thể thao -TP Bắc Ninh – tỉnh Bắc Ninh, với sự có mặt của 5 nghìn đại biểu.
Tại lễ hội đã tổ chức trao thưởng KH-KT và Mừng thọ với tổng số tiền là 7,1 tỷ đồng trích từ quỹ KH-KT và MT của HĐHDVN do ông Dương Công Minh tài trợ.
– Đã có 40 tỉnh thành thành lập HĐHD; 2 HĐHD nước ngoài.
– Thông qua kế hoạch xây dựng bộ sách Lịch sử HDVN gồm 5 tập; công bố điều lệ HĐHDVN, Tộc Kỳ, Tộc Ca.
Hội đồng Họ Dương Việt Nam khoá 2013 – 2018 ban hành điều lệ Họ Dương Việt Nam
Năm 2015
Lễ hội mùa xuân Họ Dương Việt Nam được tổ chức vào ngày 28/2 và 1-3 năm 2015 (10-12,tháng Giêng Ất Mùi), tại Nhà thi đấu thể thao TP Bắc Ninh, với sự tham dự của hơn 10 nghìn lượt người.
Thưởng KH-KT và MT là 7,7 tỷ đồng trích từ quỹ của HĐHDVN do ông Dương Công Minh tài trợ.
Năm 2015, có 54 tỉnh thành trong nước đã có HĐHD, 3 HĐHD nước ngoài.
Thành lập CLB DN-DN HDVN và Tổng hội TN,HS-SV HDVN.
Năm 2016
Lễ hội mùa xuân Họ Dương Việt Nam được tổ chức ngày 19, 21-2-2016 (12 – 14 tháng Giêng Bính Thân), tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Ninh, với hơn 12 nghìn lượt người đến dự. Thưởng KH-KT, MT là 8,273 tỷ đồng trích từ quỹ của HĐHDVN do ông Dương Công Minh tài trợ.
Nghị quyết: tổ chức Lễ hội mùa xuân luân phiên các miền; năm 2017 tại TP Đà Nẵng.
Năm 2016, đã kết nối 63 tỉnh thành trong cả nước có HĐHD, 4 HĐHD ở nước ngoài.
Bản đồ kết nối Họ Dương Việt Nam năm 2016
Năm 2017
Lễ hội mùa xuân Họ Dương Việt Nam được tổ chức vào ngày 10 – 12 tháng 2 năm 2017 (14,15,16 tháng Giêng Đinh Dậu) tại Cung Tiên Sơn, TP Đà Nẵng.
Kết quả xét duyệt đợt 1 tính đến 5-12-2016 về KH-KT và MT năm 2016 với tổng số tiền thưởng là: 8 tỷ 279 triệu đồng trích từ quỹ của HĐHDVN do ông Dương Công Minh tài trợ, sẽ được trao vào Lễ hội mùa xuân Họ Dương Việt Nam 2017.
Đến nay, việc kết nối thành lập Hội đồng Họ Dương cấp tỉnh đã hoàn thành trên 63 tỉnh, thành cả nước. Hoạt động của Hội đồng Họ Dương Việt Nam từ đây bước sang giai đoạn mới: Coi trọng chiều sâu và nâng cao chất lượng các hoạt động nhằm thực hiện tốt 5 nhiệm vụ cơ bản nêu trong Điều lệ Họ Dương Việt Nam.
Tổng hợp: Dương Xuân Thìn, Dương Văn Đảm – PCT HĐHDVN