Cây mắc ca nở hoa trên đất Sơn Tây, Quảng Ngãi
- 07/07/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 734
Ngày 12/6, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, UBND huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) và ngân hàng LienVietPostBank đã phối hợp tổ chức Hội thảo tổng kết mô hình trồng cây mắc ca tại địa phương.
Sơn Tây là một huyện vùng cao nằm ở phía tây tỉnh Quảng Ngãi. Tháng 7/2014, huyện Sơn Tây đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để triển khai mô hình trồng mắc ca tại 3 xã Sơn Long, Sơn Liên và Sơn Bua với tổng diện tích khoảng 6ha. Ông Trần Quý – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tây chia sẻ: “Để đưa cây mắc ca về trồng tại Sơn Tây, thời gian đầu, địa phương cũng gặp không ít khó khăn. Tuy đã đi khảo sát thực tế, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi khác nhưng không ai dám chắc điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Sơn Tây phù hợp với cây mắc ca”.
Qua 6 năm trồng thử nghiệm, đến nay, các vườn mắc ca ở Sơn Tây đều sinh trưởng và phát triển tốt. Cây ra hoa hai đợt trong năm, khoảng 80 – 95% đều đậu quả, tương đương với hiệu quả của mắc ca trồng ở vùng Tây Nguyên. Năm thứ 3, cây đã cho quả bói, năm thứ 4 tiếp tục cho quả đều và năm thứ 5 chính thức cho thu hoạch vụ đầu tiên với sản lượng khoảng hơn 3kg/cây. Vào các năm tiếp theo, dự báo cây sẽ cho quả nhiều hơn và có khả năng đạt 25 – 30kg/cây/năm.
Ngoài 6ha đang trồng thí điểm thì một người dân trong huyện cũng đã chủ động trồng 6,5ha. Sau 3 năm, cây cũng đã cho quả bói. Trong thời gian chờ mắc ca cho quả, người dân còn có thể trồng xen canh các loại cây trồng ngắn ngày để xoay vòng vốn. Ông Nguyễn Lên – chủ vườn mắc ca rộng 6,5ha này cho cho biết, thời gian qua, gia đình ông đã thu hơn 200 triệu đồng từ cây mì, cây đậu phộng và hiện đang tiếp tục triển khai trồng cây nghệ trong vườn mắc ca.
Đánh giá hiệu quả của mô hình, ông Lê Văn Tùng – Bí thư Huyện ủy Sơn Tây nhấn mạnh: “Bằng sự quyết tâm, táo bạo, kiên định với con đường đã chọn, đến hôm nay mô hình đã cho quả ngọt như mong đợi, giải tỏa sự lo lắng của huyện nhà từ nhiều năm nay”. Thành công của mô hình đã khẳng định cây mắc ca hoàn toàn thích hợp với vùng đất Sơn Tây, từ đó cho người dân thêm một lựa chọn loại cây trồng nhằm tăng thu nhập, từng bước làm giàu.
Theo ông Huỳnh Ngọc Huy – Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, với giá bán ước tính từ 80.000 đồng/kg – 110.000 đồng/kg, từ năm thứ 5 khi cây đã cho sản lượng thu hoạch ổn định thì có thể đem lại doanh thu trung bình từ 150 – 200 triệu đồng/ha/năm đối với hình thức trồng thuần, chi phí chăm sóc hàng năm chỉ chiếm khoảng 25% doanh thu. Ngoài ra, trồng mắc ca cũng góp phần nâng độ che phủ rừng vì cây mắc ca là cây thân gỗ, tuổi thọ dài. Nếu được chú trọng đầu tư, đây sẽ là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong thời gian tới, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam sẽ nỗ lực phối hợp với địa phương trong công tác hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân, tạo đầu ra cho sản phẩm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng LienVietPostbank để hỗ trợ người dân vay vốn, nhân rộng mô hình.
Trong tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc mắc ca cho nông dân tại các tỉnh Nghệ An (06/6), Hòa Bình (12/6), Kon Tum (19/06) và Gia Lai (30/6).
Tại Hội thảo, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã giới thiệu cho bà con nông dân những thông tin về cây mắc ca như nguồn gốc, giá trị sử dụng, thị trường tiêu thụ, tiềm năng phát triển… và hướng dẫn quy trình kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản mắc ca. Đồng thời, lãnh đạo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cũng trực tiếp giải đáp những thắc mắc của bà con về nguồn cây giống, công tác bao tiêu sản phẩm, chính sách hỗ trợ vốn…
Nguồn: Tạp chí Nông thôn Việt