Dương Văn Tư chàng trai Mông vươn lên thành triệu phú nhờ nuôi dê
- 01/08/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 528
Nhờ nuôi dê trên đỉnh núi, anh Dương Văn Tư, người dân tộc Mông, không những đã đưa ra đình thoát được nghèo mà còn làm ăn khấm khá ở nơi thâm sơn cùng cốc lắm dốc gập ghềnh ở huyện miền núi Đồng Hỷ – Thái Nguyên.
Sinh ra và lớn lên ở vùng núi cao hẻo lánh, quanh năm gắn với trồng trọt và chăn nuôi, lao động vất vả nhưng thu nhập không đủ ăn, không cam chịu trước hoàn cảnh và sự nghiệt ngã của núi rừng, nuôi chí thoát khỏi sự nghèo nàn lạc hậu, năm 2017 anh Dương Văn Tư đã một mình một nải xuống núi tìm hiểu mô hình chăn thả và cách chăm sóc dê. Ban đầu anh vay mượn và dùng tất cả số vốn có mua 150 con dê nuôi thả trên diện tích đồi núi 30ha.
Với những kiến thức học được dưới xuôi cộng thêm sự chịu khó, cần cù và kinh nghiệm tập quán canh tác, chăn nuôi bao đời của người Mông, đàn dê của anh Tư lớn nhanh. Trên các thung lũng hoặc đồi núi, hàng ngày anh lùa bầy dê đi ăn từ 3h chiều đến 6h tối. Nhờ nguồn thức ăn là các loại lá cây tự nhiên, hoàn toàn không sử dụng cám công nghiệp nên anh tiết kiệm được khá nhiều chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, chuồng trại chỉ cần xây dựng cao ráo, vệ sinh thường xuyên sẽ tránh được ẩm thấp và bệnh tật. Phân dê được ủ từ 2 – 3 tháng và dùng để bón cho cây chè, tận dụng tối đa nguồn phân bón an toàn cho cây, đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường.
Mô hình của anh Dương Văn Tư càng thành công hơn khi dê cho thịt với giá thị trường ngày càng cao đem lại lợi nhuận khá lớn. Anh Dương Văn Tư cho biết, dê nuôi trung bình từ 5 – 6 tháng có thể xuất chuồng. Hiện nay, với giá 120 nghìn đồng/kg, mỗi con dê có giá trị từ 2,5 – 3 triệu đồng. Trung bình mỗi năm gia đình anh Tư thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng/năm.
Từ một gia đình nghèo khó nhất bản người Mông ở xóm Mỏ Ba, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, gia đình anh Dương Văn Tư giàu lên trông thấy nhờ đầu tư vào nuôi dê khiến nhiều người phải kinh ngạc.
Hỏi về bí quyết để làm giàu anh Tư cho biết: “Do tập quán của bà con người Mông chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thiên nhiên, tự cung tự cấp về lương thực, thực phẩm nên cái đói, cái nghèo vẫn luôn bủa vây. Muốn thoát khỏi điều đó, chỉ có cách là thay đổi, mạnh dạn đầu tư. Dù biết sẽ gặp phải muôn vàn khó khăn, nhưng nếu cứ mãi dậm chân tại chỗ, cuộc sống sẽ chẳng thể khấm khá lên.
Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi dê thả của anh Dương Văn Tư đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của gia đình nói riêng và của bà con người Mông ở xóm Mỏ Ba nói chung. Trong thời gian tới, anh sẽ giúp đỡ các gia đình trong bản cùng tham gia xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống đủ đầy hơn.
Như Cương