Bài viết đạt Giải Khuyến khích cuộc thi Tìm hiểu Lịch sử – Văn hóa Họ Dương VN: Thượng Dương Hoàng hậu Dương Hồng Hạc
- 12/08/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 3035
Cám ơn Hội đồng Họ Dương Việt Nam, Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương Việt Nam đã tổ chức một cuộc thi Lịch sử để chúng con có thể tìm hiểu về cội nguồn, về lịch sử oai hùng của Dòng tộc và của dân tộc ta. Trong bài viết tìm hiểu lịch sử về nhân vật Họ Dương, với tư cách là một hậu thế, con muốn viết về một nhân vật mà tình cờ con được biết qua Cuốn sách “Sử Việt 12 khúc tráng ca” của Dũng Phan. Từ trước đến nay trong môn học Lịch sử chưa bao giờ con biết đến nhân vật này, cảm giác như lịch sử đã bỏ quên, thế hệ trẻ chúng con hoàn toàn thiếu quan tâm về lịch sử. Ngoài những nhân vật Họ Dương nổi tiếng trong Lịch sử mà chúng con đã được học như: Dương Tam Kha, Dương Đình Nghệ, Dương Vân Nga, Dương Như Ngọc, Dương Quảng Hàm, Dương Minh Châu… thì đây có lẽ là nhân vật lịch sử ít người biết đến. Tuy rằng vụ án của Bà rất nổi tiếng trong lịch sử (nếu tìm hiểu), con viết bài này dưới một góc nhìn nhỏ bé về thân phận của người phụ nữ xưa, và vì muốn được chia sẻ câu chuyện này cho nhiều người. Bởi vì từ khi biết đến nhân vật này, con đã đi hỏi nhiều người trẻ, câu trả lời là luôn là không biết đó là ai. Như các nguồn tư liệu chính thống và lượm lặt trên mạng thì con được biết nhân vật chính trong vụ án này là ai, tình tiết sự vụ cụ thể ra sao, cho đến ngày nay vẫn còn là bí ẩn.
Nhân vật lịch sử mà con muốn mọi người cùng được biết là “Thượng Dương Hoàng Hậu Dương Hồng Hạc”. Khoan bàn đến công lao của Bà hay Bà đã làm được gì cho lịch sử, chỉ cần biết bà là ai, đã từng tồn tại như thế nào, đúng hay sai không quan trọng vì “kẻ thắng thì viết nên lịch sử”.
Hoàng hậu Thượng Dương là ai?
Chính sử không ghi chép về xuất thân của bà Hoàng hậu Thượng Dương, không rõ gia thế của bà thế nào, quê quán ra sao?
Dã sử thì có những thuyết khác nhau, có người rằng bà hoàng này mang Họ Dương (không rõ tên), có thuyết thì nói không thể khảo cứu được những thông tin về bà, ngay cả Họ Dương cũng chưa chắc đã đúng vì khi còn sống bà ở trong cung Thượng Dương. Sách Ngự chế Việt sử tổng vịnh của vua Tự Đức triều Nguyễn có thấy chép theo sách Đường thư cho biết rằng: Cung Thượng Dương xây cất giữa niên hiệu Thượng Nguyên đời Đường Túc Tông. Vua Đường Cao Tông ở cung ấy, để dự thính triều chính. Do đó, triều nhà Lý lấy chữ Thượng Dương đặt cho tên cung của bà Thái hậu ở. Chính vì ở trong cung cấm có tên gọi như vậy nên người ta thường gọi bà là Hoàng hậu Thượng Dương, hoặc gọi tắt là Dương Hoàng hậu.
Cũng có tài liệu ghi rằng Dương Hồng Hạc là cháu của Hoàng hậu Thiên Cảm, vợ vua Lý Thái Tông. Dương Hồng Hạc vốn là con của Dương Đức Uy và là cháu gọi Hoàng hậu Thiên Cảm, vợ vua Lý Thái Tông, bằng cô. Khi Hoàng hậu Thiên Cảm được vua Lý Thái Tông sủng ái, cha của bà là Dương Đức Thành được phong làm Tể Tướng. Từ đó thế lực Họ Dương được hình thành như: Dương Đạo Gia, Dương Đức Uy, Dương Đức Thao, Dương Đức Huy… ba thế hệ lần lượt nắm giữ các chức vụ quan trọng trong triều. Để tạo thêm thế lực cho Họ Dương, Hoàng hậu Thiên Cảm đã đem đứa cháu gọi bằng cô ruột là Dương Hồng Hạc gả cho con chồng là thái tử Lý Nhật Tôn để khi Nhật Tôn lên làm vua thì Hồng Hạc trở thành Hoàng hậu. Tương truyền Dương Hồng Hạc và Lý Thường Kiệt là thanh mai trúc mã nhưng vì Gia tộc Dương Hồng Hạc trở thành vợ Thái Tử Nhật Tôn lúc bấy giờ, từ đó sau này trở thành mọi bi kịch cuộc đời Bà (có thuyết cho rằng trước khi lấy Hồng Hạc, thái tử Nhật Tôn đã được cảnh giác về việc Họ Dương lộng quyền có thể dẫn đến cướp ngôi vua, vì vậy Nhật Tôn không muốn gần gũi với Hồng Hạc vì lo sợ nếu có con sẽ trúng kế Họ Dương. Mặc dù làm vợ Thái tử nhưng Dương Hồng Hạc không hề được chồng đoái hoài tới nên bà muốn nhờ người tình cũ là Lý Thường Kiệt, người đang giữ chức Thái tử Mật thư tỉnh sự giúp thái tử Nhật Tôn ở Đông cung, để được “ban hồng ân”. Song có lẽ vì lo cho hậu vận nhà Lý nên Thường Kiệt đã không nhận lời giúp đỡ Hồng Hạc. Vì thế, một số nhà nghiên cứu lịch sử đương thời cho rằng, đó là lý do khiến ông bị Hồng Hạc và Hoàng hậu Thiên Cảm ra tay bức hại trong một đợt tịnh thân tuyển hoạn quan vào cung? Hậu quả của việc này cũng giải thích phần nào lý do tại sao Lý Thường Kiệt đã đứng về phe của bà Ỷ Lan chứ không phải là phe của Hoàng hậu Thượng Dương trong việc tranh giành quyền “nhiếp chính” sau khi vua Lý Thánh Tông mất…)
Theo chính sử, vì không có con nối dõi trong khi tuổi đã cao nên Lý Thánh Tông đã đi cầu tự, sử chép: “Nhà Vua 40 tuổi, chưa có con trai, thường đi các đền chùa để cầu tự; ngự giá đến đâu, người xem chật đường. Khi đến làng Thổ Lỗi, có người con gái hái dâu đứng tựa vào khóm cỏ lan, Vua lấy làm lạ, cho vời vào cung, lập làm Ỷ Lan phu nhân. Đến khi có mang, sinh Hoàng tử Càn Đức, nhà Vua mừng lắm.
Ngày hôm sau lập làm Thái tử, đổi niên hiệu, đại xá, phong Ỷ Lan phu nhân làm thần phi, lại gọi là nguyên phi, đổi làng Thổ Lỗi làm làng Siêu Loại, vì là sinh quán của nguyên phi” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
Như vậy, Lý Thánh Tông hiếm muộn chưa có con trai chứ không phải là không có người con nào như có sách sau này ghi chép nhầm. Theo dã sử và một số nguồn thư tịch dân gian, Hoàng hậu Thượng Dương sinh hạ được hai công chúa là Từ Thục, Từ Huy và một phi tần sinh ra công chúa Thiên Thành; còn những người khác đều không sinh được con nào (mãi sau này vua đi cầu tự nhiều nơi, rồi gặp Ỷ Lan lấy về làm vợ mới sinh được hai người con trai, con cả là Lý Càn Đức được nối ngôi, tức Lý Nhân Tông).
Về hai người con của Hoàng hậu Thượng Dương, do chịu ảnh hưởng của Phật giáo, khi chớm tuổi trưởng thành, hai công chúa Từ Thục, Từ Huy xin được xuất gia tu hành, Lý Thánh Tông đã cho xây dựng tại làng Đông Phù (nay thuộc xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) ngôi chùa Hưng Long tự (còn gọi là chùa Nhót) cho hai con gái.
Sống ở nơi thôn dã, thấy dân chúng còn nghèo khổ, hai bà xin vua và được ban hơn 3000 nghìn mẫu ruộng đem chia hết cho dân 9 làng thuộc đất Nam Phù (phía Nam huyện Thanh Trì ngày nay) rồi cho dựng điền trang, dạy dân khai khẩn ruộng đồng, đem giống mới về trồng cấy, dạy dân một số nghề thủ công.
Nhớ ơn hai bà, nhân dân các làng Đông Phù, Tự Khoát, Ninh Xá, Tự Trúc, Mỹ Liệt, Việt Yên… dựng thêm chùa, xây đền đều tạc tượng, lập bài vị thờ phụng. Đời sau sắc phong, suy tôn hai công chúa là Nhị vị vương bà, Đại Thánh bao phong đại Bồ Tát hồng liên tọa hạ, Thượng đẳng phúc thần, Lý Liễu đoan trang công chúa.
Vụ án Thượng Dương Hoàng Hậu và 72 cung nữ
Năm 1072, Vua Lý Thánh Tông mất, hưởng dương 50 tuổi. Thái tử Lý Càn Đức mới 7 tuổi lên nối ngôi Vua. Sử gọi là Vua Lý Nhân Tông.
Vua còn nhỏ tuổi chưa hiểu chuyện để trị nước, triều đình và nội cung rơi vào cuộc đấu đá cạnh tranh quyền lực giữa phe của hoàng thái phi Ỷ Lan được Thái úy Lý Thường Kiệt ủng hộ và phe của Thượng Dương Hoàng Thái hậu được thái sư Lý Đạo Thành phò tá.
Nguyên bấy giờ Ỷ Lan Hoàng thái phi là mẹ đẻ của vua, lại là người có tài trị quốc, từng có kinh nghiệm nhiếp chính lúc tiên đế Lý Thánh Tông thân chinh nên được nhiều triều thần ủng hộ.
Nhưng Thái sư Lý Đạo Thành là người trọng lễ giáo, ông đã cùng những người ủng hộ suy tôn Thượng Dương Hoàng Thái Hậu – người vợ chính thức của Tiên đế Lý Thánh Tông lên làm Nhiếp chính. Thượng Dương Hoàng Thái hậu tuy có được danh chính ngôn thuận nhưng là người không thông hiểu chính trị và thiếu uy tín.
Ỷ Lan vốn tự phụ mình là người có công sinh ra vua lại giỏi giang hơn, có nhiều công lao hơn mà không được dự quyền chính nên sinh lòng ghen ghét, bất phục. Cô gái hái dâu vùng Kinh Bắc ngày nào giờ đã trở thành người phụ nữ đầy tham vọng và mưu mô.
Bà đã cố gắng thuyết phục Thái úy Lý Thường Kiệt về phe của mình trong cuộc chiến tranh giành quyền lực để làm áp lực lên Vua nhỏ Lý Nhân Tông và triều thần. Mặc khác, với thân phận là mẹ đẻ của Vua, Ỷ Lan Hoàng thái phi đã nói riêng với Vua: “Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú qúy người khác được hưởng thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?”.
Vua Lý Nhân Tông đã vì chữ hiếu với mẹ đẻ mà ra tay, Thượng Dương Hoàng Thái hậu bị giam lỏng trong cung Thượng Dương cùng với 72 tì nữ của bà. Năm 1073, Vua Lý Nhân Tông cùng một số triều thần lại thể theo tục lệ tùy táng vốn thịnh hành trong giới quý tộc thời trung đại, bắt Thượng Dương Hoàng thái hậu và 72 tì nữ phải chết theo tiên đế Lý Thánh Tông.
Sau khi Thượng Dương Hoàng thái hậu chết, Ỷ Lan Hoàng thái phi được Vua phong làm Linh Nhân Hoàng Thái hậu, giữ vai trò nhiếp chính, cùng với Thái úy Lý Thường Kiệt làm phụ chính. Vua phong cho Lý Thường Kiệt chức Đôn Quốc thái úy, Đại tướng quân, Đại tư đồ, gia hiệu Thượng phụ công, đứng đầu cả hai ban văn võ.
Thái sư Lý Đạo Thành và toàn bộ những người ủng hộ Thượng Dương Hoàng Thái hậu đã hoàn toàn thất thế. Thái sư Lý Đạo Thành lãnh chức Tả gián nghị đại phu, được điều ra coi châu Nghệ An. Đối với một vị Thái sư thì chức vụ này chẳng khác gì bị đi đày. Vốn đây là một bước đi loại trừ địch thủ chính trị tại trung ương của Ỷ Lan Linh Nhân Hoàng Thái hậu.
Đánh giá về sự kiện này, sử thần Ngô Sĩ Liên triều Hậu Lê đã có nhận xét dưới cái nhìn của đạo đức Ngô gia: Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật, sao lại đến nỗi giết đích thái hậu, hãm hại người vô tội, tàn nhẫn đến thế ư? Vì ghen là thường tình của đàn bà, huống chi lại mẹ đẻ mà không được dự chính sự.
Linh Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải kêu với vua. Bấy giờ vua còn trẻ thơ, chỉ biết chiều lòng mẹ là thích, mà không biết là lỗi to. Thái sư Lý Đạo Thành phải ra trấn bên ngoài, biết đâu chẳng vì can gián việc ấy?
Vì vụ án này mà vua Lý Nhân Tông cũng bị than phiền, sách Đại Nam quốc sử diễn ca có câu rằng:
Năm mươi năm lẻ lâu bền,
Vũ công, văn đức rạng truyền sử xanh.
Thượng Dương, sao lỡ bạc tình?
Để bà Dương hậu một mình ngậm oan.
KẾT LUẬN
Về cuộc đời của Thượng Dương Hoàng hậu Dương Hồng Hạc có oan hay không đến nay lịch sử vẫn chưa làm rõ được, vai trò của bà trong Lịch sử cũng không được nói tới nhiều. Tuy nhiên trên phương diện gia đình, Bà đã hoàn thành chữ hiếu của mình, mang trên vai gánh nặng bảo vệ và giữ vững quyền lực của dòng Họ Dương thời bấy giờ. Phải từ bỏ người mà mình yêu thương, sống trong mưu đồ chính trị, cung đấu với những thế lực khác, người phụ nữ đó ắt hẳn mang nhiều khổ tâm. Vì thế là một hậu nhân, xin hãy nhìn Thượng Dương Hoàng Hậu Dương Hồng Hạc bằng con mắt cảm thông và đồng cảm. Một người mẹ nuôi dạy con cái hướng thiện, tu tâm tích đức, phổ độ chúng sinh không thể nào là một người độc ác được. Một người phụ nữ cam chịu nhẫn nhục, một tiểu thư đài các cao sang nhưng không mưu mô chính trị, người đó đáng thương hơn là bị lịch sử quên lãng. Cho dù Hoàng hậu có tội hay không có tội thì cái chết đau đớn cùng 72 cũng nữ vẫn là một sự thực khủng khiếp.
Bài viết mang tâm tưởng đi tìm hiểu lịch sử, không nhận định đúng hay sai, chỉ mong mọi người có thể biết nhiều hơn về Lịch sử đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay.
Dương Hoàng Yến
Câu lạc bộ Thanh niên Họ Dương Thành phố Hồ Chí Minh