Ông Dương Thế Tỵ được phong tặng nghệ nhân Ưu tú
- 17/12/2020
- Ban Thông tin truyền thông
- 577
Tối 15/12, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội), Bộ Công Thương tổ chức Lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ năm 2020. Trong số các Nghệ nhân được vinh danh dịp này có ông Dương Thế Tỵ – Người “giữ lửa” nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ.
Phường Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) được biết đến là cái nôi của nghề gỗ mỹ nghệ, các sản phẩm của làng nghề đã ghi dấu ấn đặc trưng của từng thời kỳ lịch sử. Cho đến ngày nay, làng nghề luôn tự hào vì đã gìn giữ trọn vẹn được nghề tổ không bị thất truyền, thành quả này phải kể đến tình yêu và tâm huyết giữ nghề của những nghệ nhân như ông Dương Thế Tỵ.
Gắn bó với nghề điêu khắc gỗ từ khi còn là thanh niên, nghệ nhân Dương Thế Tỵ có thâm niên trên 40 năm trực tiếp làm nghề. Ông là người đầu tiên khôi phục lại nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ trong tỉnh Bắc Ninh vào năm 1974, khi nghề này bị ngưng trệ thời chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.
Sản phẩm của nghệ nhân Dương Thế Tỵ là đồ thủ công mỹ nghệ giả cổ. Theo sự phát triển kinh tế của đất nước, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ tăng lên, ông thành lập Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Thành Đạt (Bắc Ninh), sản xuất theo quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn. Nghệ nhân Dương Thế Tỵ chia sẻ: “Những tác phẩm giả cổ rất phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao ở tất cả các khâu, từ pha chế gỗ đến khi hoàn thiện, điêu khắc rất tinh xảo. Nhờ vậy các sản phẩm của ông được khách hàng đón nhận, dần dần được bạn bè nước ngoài chú ý và lên đường xuất khẩu”.
Từ khi cơ chế chưa mở cửa, sản phẩm của ông cũng đã xuất đi các nước và vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Campuchia, Lào… Sau khi cơ chế thị trường mở cửa, nhà nước khuyến khích mọi ngành nghề thủ công mỹ nghệ được xuất nhập trực tiếp, sản phẩm xuất khẩu rất thuận lợi. Bên cạnh các thị trường cũ, doanh nghiệp Thành Đạt còn xuất đi các nước châu Âu như: Liên Xô, Đức, Canada… Đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ yếu của đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ.
Khoa học ngày càng tiến bộ, hàng hóa phát triển đòi hỏi tay nghề người thợ ngày càng cao hơn, nghệ nhân Dương Thế Tỵ sang Đài Loan, Trung Quốc tham quan và học tập kinh nghiệm sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Nhờ đó ông học được nhiều kinh nghiệm sử dụng máy móc, về áp dụng tại phân xưởng của mình, đem lại nhiều lợi ích về chất lượng và năng suất sản phẩm. Đặc biệt, ông đã mời một người thợ Đài Loan về xưởng sản xuất để chuyển giao công nghệ hoàn thiện đánh bóng các mặt hàng tranh, tượng, bàn ghế, tủ, sập bằng sơn ta có chất lượng cao.
Khi được hỏi về những tác phẩm tiêu biểu, những món đồ tâm đắc của bản thân, nghệ nhân Dương Thế Tỵ cho biết, trong mấy chục năm làm nghề, ông đã chế tác ra hàng trăm mặt hàng, mẫu mã sản phẩm, qua thời gian nâng cao tay nghề mà dần đẹp đẽ, tinh xảo hơn. Một số tác phẩm tiêu biểu có nhiều nét độc đáo về nghệ thuật, có giá trị kinh tế cao phải kể đến tủ chùa cuốn thư, tủ chùa bầu, bộ bàn ghế chạm rồng, bàn ghế chiến quốc đời Minh, sập tủ chè khảm ốc, tượng quan công, tranh vinh quy bái tổ chạm khắc… Đặc biệt, nghệ nhân Dương Thế Tỵ đã phục chế được 10 pho ngựa thờ bị xuống cấp, hư hỏng tại các đình, đền, di tích lịch sử và văn hóa ở địa phương như: đình Đồng Kỵ, đình Kinh Bắc, đền Đô Đình Bảng, đình làng Trịnh Xá…
Với những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, nghệ nhân Dương Thế Tỵ được Bộ Khoa học và Công nghệ trao danh hiệu Bàn tay vàng tại Hội chợ Thương mại Kinh Bắc, tổ chức tại Bắc Ninh năm 2002.
Hơn nửa đời người gắn bó với nghề gỗ mỹ nghệ, nghệ nhân Dương Thế Tỵ luôn đau đáu tâm nguyện bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống. Ông đã truyền nghề cho các con trai, con gái, các cháu của mình. Hiện cả 3 người con trai của ông đều đang nối nghiệp cha viết tiếp những trang sách mới về tương lai cho nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ. Nghệ nhân Dương Thế Tỵ trải lòng: “Tôi luôn sẵn lòng truyền nghề chứ không giấu giếm. Tôi tin rằng, không chỉ riêng cá nhân tôi mà những người nghệ nhân ưu tú đều có tâm huyết phát triển ngành nghề của họ. Bản thân tôi mong muốn toàn dân cả nước nếu đã học được nghề đồ gỗ mỹ nghệ này thì nên gìn giữ, khỏi để mai một, vì nghề này tinh xảo và quý giá vô cùng”.
Ông là người thợ, người thầy đã truyền nghề cho rất nhiều học viên tại địa phương, các xã bạn trong và ngoài tỉnh. Trong số học viên của ông đã có trên 70 người có tay nghề cao, tự tổ chức thành lập được phân xưởng riêng. Đến nay, nghệ nhân Dương Thế Tỵ đã lui về sau, không còn trực tiếp tham gia sản xuất sản phẩm nhưng ông vẫn chưa thôi gắn bó với nghề, tiếp tục giữ vai trò cố vấn cho lớp trẻ. “Nhìn thế hệ sau đang tỉ mẩn, trau chuốt tạo ra các sản phẩm tinh xảo, đây có lẽ là trái ngọt mà một người hơn 40 năm làm nghề nhận được và trân trọng” – nghệ nhân chia sẻ.
Mão Dương