Nghệ sĩ chèo Dương Lan: “Em muốn góp phần nhỏ bé để gìn giữ nghệ thuật chèo”
- 12/03/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 976
Sinh năm 1999, diễn viên chèo Dương Lan là một trong những gương mặt trẻ nhất của Trung tâm Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Dù tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ nhưng Dương Lan đã bước đầu gặt hái được thành công ở bộ môn nghệ thuật chèo. Bản tin Họ Dương đã có cuộc trò chuyện với cô diễn viên trẻ đầy triển vọng này.
Chào Dương Lan, xin chúc mừng em đã giành Huy chương Bạc trong cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc. Em có thể chia sẻ thêm thông tin về vai diễn đã mang đến vinh quang cho em?
– Hiện tại em đang công tác tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên và em về công tác tại đây được hơn 1 năm. Năm 2019 em có tham gia Liên hoan Chèo toàn quốc tổ chức tại thành phố Bắc Giang và giành Huy chương Bạc cá nhân với vai diễn Công Hoa trong vở chèo “Huyền thoại sông và núi”. Năm 2020, em tham gia Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc diễn ra tại Hà Nam và em lại may mắn giành Huy chương Bạc với vai diễn Súy Vân trong trích đoạn “Súy Vân giả dại”. Đây là một vai diễn chèo cổ và đã được nhiều nghệ sỹ lớn trong làng chèo Việt Nam thể hiện.
Phải nói rằng, Súy Vân là một trong những vai diễn khó của chèo truyền thống. Súy Vân là một cô gái chất phác, mộc mạc nhưng sau khi lấy chồng là Kim Nham đã bị dòng đời xổ đẩy, gặp nhiều trắc trở của cuộc đời khiến cô phải lựa chọn con đường giả điên để lên án xã hội phong kiến thời bấy giờ. Súy Vân là vai diễn có nhiều cảm xúc nội tâm, lúc nhiều tình cảm lắng đọng, có lúc lại giả ngây giả dại. Cái khó nhất của vai diễn này là ánh mắt vì ánh mắt thể hiện tâm hồn của vai diễn. Nhìn vào ánh mắt của Súy Vân khán giả sẽ thấy được nội tâm của Súy Vân, thấy được những giằng xé trong tâm hồn của một cô gái muốn bứt ra khỏi những kiềm tỏa của xã hội phong kiến nhưng một cô gái nhỏ nhoi như Súy Vân không đủ sức để thay đổi được xã hội ấy. Bản thân em rất yêu thích vai diễn này.
Theo em, Liên hoan chèo toàn quốc đem lại hiệu quả gì cho một đơn vị hoạt động nghệ thuật chèo nói riêng và sân khấu chèo nói chung?
– Nghệ thuật biểu diễn chèo là ngành nghệ thuật truyền thống của cha ông ta từ nhiều đời trước để lại và chúng ta vẫn phát huy, duy trì, gìn giữ bộ môn nghệ thuật này.
Bản thân em từ khi tiếp xúc với chèo thì thấy rằng các cuộc thi như Liên hoan Chèo toàn quốc hay Tài năng trẻ diễn viên chèo đem lại hiệu quả rất lớn cho các đơn vị hoạt động nghệ thuật chèo trên cả nước và sân khấu chèo nói chung. Thông qua các cuộc thi này không chỉ phát hiện những nhân tố mới, những gương mặt mới để kế thừa, nối tiếp, phát huy nghệ thuật chèo mà còn giúp các cá nhân nghệ sĩ trau dồi về chuyên môn cũng như kinh nghiệm trong diễn xuất để ngày càng có những vai diễn hay hơn, làm nghề tốt hơn.
Ngoài ra các cuộc thi còn giúp lan tỏa nghệ thuật chèo đến người dân, để mọi người biết đến chèo nhiều hơn, từ đó sẽ thấy nét đẹp của chèo và yêu mến bộ môn này. Hiểu được chèo, thế hệ sau sẽ gìn giữ, kế nghiệp, phát huy nghệ thuật chèo của cha ông.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Phú Bình, Thái Nguyên, một vùng đất không gắn bó với chèo, vậy cơ duyên nào đã đưa em đến với bộ môn nghệ thuật này?
– Trong tứ chiếng chèo xưa thì Thái Nguyên nằm trong chiếng chèo Bắc. Thực tế, chiếng chèo Bắc, ngoài Hà Nội thì chỉ phát triển ở trấn Kinh Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh ngày nay). Ở Thái Nguyên, đặc biệt là Phú Bình nghệ thuật chèo rất ít được lan tỏa. Phải nói rằng em đến với chèo là một cái duyên, như ông cha mình vẫn nói là “nghề chọn người”.
Từ nhỏ đến lớn em chưa bao giờ xác định theo nghiệp chèo. Ước mơ của em là lớn lên trở thành một ca sĩ dòng nhạc dân ca quê hương. Thậm chí lúc nhỏ em nghe chèo, tuồng, cải lương còn không phân biệt được các bộ môn này. Một cơ duyên đã đưa em đến với nghệ thuật chèo, hiểu, yêu và gắn bó với bộ môn nghệ thuật này. Đó là vào năm 2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có đề án đào tạo đội ngũ diễn viên, nhạc công nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương và Dân ca kịch cho các đơn vị nghệ thuật tại địa phương. Những học viên qua sơ tuyển khóa đào tạo này sẽ được Nhà nước nuôi ăn ở, không phải đóng học phí với cam kết sau khi hoàn thành khóa học về công tác tại đơn vị nghệ thuật ở địa phương. Sau khi sơ tuyển ở địa phương sẽ được học 3 năm tại trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.
May mắn là em có anh trai làm nghệ thuật và có quen với các cô chú ở Đoàn nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên nên biết đến chương trình này và có hỏi em có muốn theo học không. Em lên mạng tìm hiểu về chèo và thử nghe điệu “Đào liễu” trích trong vở “Tấm Cám” do nghệ sĩ Minh Phương thể hiện. Em thử hát, cảm thấy giọng mình cũng phù hợp với chèo nên quyết định nộp đơn sơ tuyển tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên và đã trúng tuyển khóa đào tạo.
Vì sao em chọn Chèo chứ không phải bộ môn nghệ thuật nào khác?
– Ngay từ khi chưa học chèo, chưa hiểu gì về chèo mới nghe một điệu “Đào liễu” em đã thấy chèo rất hay, rất sâu lắng. Tuy nhiên lúc đấy em chưa hiểu sâu, mà chỉ nghĩ đơn giản là mình sẽ được đi học, được đào tạo trong một môi trường chuyên nghiệp là Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh. Khi thực sự đến với chèo, được học và hiểu về chèo thì em thấy rất yêu, thật sự muốn gắn bó với bộ môn nghệ thuật này.
Theo nghiệp chèo, em có những thuận lợi, khó khăn gì? Làm thế nào để em vượt qua những điều đó?
– Đến với chèo, em có thuận lợi nhất là về thanh âm. Em có giọng hát phù hợp với các bộ môn nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là chèo. Hơn nữa, trong chèo lại là “nhất thanh nhì sắc”, muốn làm được nghề phải hát được. Em may mắn có được giọng hát phù hợp với chèo, đấy là một thuận lợi lớn khi em theo đuổi bộ môn nghệ thuật này.
Khó khăn lớn nhất của em là giải phóng hình thể. Chèo là một bộ môn nghệ thuật kết hợp giữa hát, múa và diễn. Khi mới đến với nghệ thuật chèo em chưa có kinh nghiệm diễn xuất nên diễn vẫn còn ngượng, động tác múa không được thanh thoát. Sau khi xuống trường được các thầy cô chỉ bảo, rèn luyện em đã có tiến bộ rất nhiều. Chính vì vậy em đã vượt qua được chính mình, giải phóng được hình thể. Với sự chỉ bảo của các thầy cô và sự nỗ lực của bản thân, sau 3 năm học ở trường em đã cải thiện được rất nhiều về phần múa và phần diễn, có thể tự tin đứng trên sân khấu biểu diễn.
Hiện nay, dường như các nghệ sỹ theo đuổi các bộ môn nghệ thuật truyền thống thường ít được biết đến hơn những bộ môn nghệ thuật hiện đại? Em suy nghĩ gì về điều này?
– Mọi người thường có suy nghĩ, thời hiện đại ngày nay mọi người chỉ quan tâm đến các bộ môn nghệ thuật khác, các nghệ sĩ theo đuổi các bộ môn nghệ thuật truyền thống ít được mọi người biết đến. Nhưng em nghĩ, thời đại nào cũng vậy, nếu cá nhân mỗi người yêu thích một bộ môn nghệ thuật nào đó sẽ tìm hiểu và đương nhiên họ sẽ biết đến những nghệ sĩ nổi tiếng, gạo cội của bộ môn nghệ thuật đó. Theo em nghĩ các nghệ sĩ theo đuổi bộ môn nghệ thuật truyền thống không phải là không được mọi người biết đến mà ngược lại mọi người biết đến rất nhiều. Mỗi bộ môn nghệ thuật có đặc điểm hay riêng, nếu những người làm nghệ thuật biết cách đánh thức tình yêu nghệ thuật trong mỗi khán giả sẽ kéo được khán giả đến với mình. Cá nhân em rất hâm mộ các nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật chèo. Và bản thân em lúc nào cũng luôn cố gắng học hỏi để nối tiếp những thế hệ nghệ sĩ đi trước.
Em có thể chia sẻ về dự định sắp tới của mình?
– Trước mắt em cần không ngừng học tập, rèn luyện để có những vai diễn hay hơn cống hiến cho Trung tâm nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên và cho khán giả. Qua đó góp một phần nhỏ bé vào việc gìn giữ và phát triển chèo Thái Nguyên nói riêng và nghệ thuật chèo nói chung.
Nếu được nói với các bạn trẻ về nghệ thuật truyền thống, em muốn nhắn nhủ điều gì?
– Nếu được nói với các bạn trẻ hiện nay, em rất muốn nói rằng: Nếu để ý tìm hiểu, các bạn sẽ thấy nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng, rất hay, sâu lắng, phản ánh sâu sắc cuộc sống của chúng ta. Con người có nhiều giai đoạn của cuộc đời và đến một giai đoạn đủ để lắng đọng lại một chút sẽ thấy nghệ thuật truyền thống rất đẹp, đậm nét bản sắc dân tộc. Nghệ thuật truyền thống của Việt Nam khi ra thế giới được bạn bè rất yêu mến. Các bạn trẻ hãy hãy dành một chút thời gian tìm hiểu các bộ môn nghệ thuật truyền thống, các bạn sẽ thấy cái hay, cái đẹp riêng. Biết đâu các bạn sẽ yêu thích và có thể góp phần vào việc gìn giữ, phát huy truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Một điều nữa, em rất tự hào vì mình là con cháu của Họ Dương và đặc biệt là một trong những người con của Họ Dương theo đuổi bộ môn nghệ thuật truyền thống, em cảm thấy rất vui. Em sẽ không ngừng phấn đấu, học hỏi để xứng đáng là một người con của dòng họ, để đạt được những thành tích cao hơn và góp phần vào việc gìn giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng.
Cảm ơn Dương Lan và chúc em sẽ gặt hái thêm nhiều thành công trên con đường nghệ thuật!
Dương Phạm Ngọc