Bài phát biểu của lãnh đạo Cấp ủy, chính quyền tỉnh Nam Định tại Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia “ Mộ và đền thờ Trạng nguyên Đào Sư Tích”
- 23/10/2017
- Ban Thông tin truyền thông
- 19062
Ông Ngô Gia Tự – Thường vụ Tỉnh ủy, phó chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định phát biểu
BÀI PHÁT BIỂU
Tại Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia “ Mộ và đền thờ Trạng nguyên Đào Sư Tích”
Kính thưa Anh Linh Tiên Tổ, họ Đào – Dương – Phạm!
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Trực Ninh và thị trấn Cổ Lễ.
Kính thưa ông Dương Đình Chiến – nguyên Vụ trưởng Vụ phòng chống tham nhũng, chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam! Thưa các Cụ cùng các vị đại biểu dòng Họ Dương!
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý! Thưa toàn thể nhân dân!
Hôm nay, tôi rất vui mừng, phấn khởi về dự lễ đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia – Di tích “Mộ và Đền thờ Trạng nguyên Đào Sư Tích”. Thay mặt Tỉnh ủy, HĐHD, UBND tỉnh tôi gửi đến các quý vị đại biểu, khách quý, cùng toàn thể nhân dân lời chào trân trọng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Kính thưa các vị đại biểu! Thưa toàn thể nhân dân!
Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, tỉnh Nam Định chúng ta vinh dự và tự hào có 5 vị Trạng nguyên, trong đó có 2 vị Trạng nguyên thời Trần, đó là Trạng nguyên Nguyễn Hiền và Trạng nguyên Đào Sư Tích. Đến nay cả 2 di tích thờ 2 vị Trạng nguyên đã được Nhà nước xếp hạng là di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Trạng nguyên Đào Sư Tích (1348-1396) người làng Cổ Lễ, huyện Nam Chân (nay là huyện Trực Ninh) thuộc phủ Thiên Trường (nay là tỉnh Nam Định). Ông là con trai Tiến sĩ Đào Toàn Bân, là quan tới chức Thẩm hình viện sự dưới thời Trần. Thưở nhỏ Đào Sư Tích thông minh, sức học hơn người, lại có tài ứng đối và năng khiếu về thơ phú. Khoa thi năm Giáp Dần niên hiệu Long Khánh thứ 2 (1374) đời vua Trần Duệ Tông, Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên, làm quan tới chức Tả thị lang trung, Nhập nội Hành khiển. Năm 1383, vua Trần Phế Đế giao cho ông đề tựa đầu sách “Bảo Hòa điện dư bút”. Nhưng đến năm 1392, do bị hặc tấu, ông bị giáng xuống Trung thư thị lang, Tri thẩm hình viện sự. Trong giai đoạn này, đất nước rối ren, nghịch thần chuyên quyền, ông đã cáo quan về quê dạy học và làm thuốc chữa bệnh cứu người. Ông đã đào tạo nhiều học trò giỏi và có nhiều công lao với nhân dân địa phương. Vì vậy, sau khi ông qua đời, nhân dân địa phương lập đền thờ phụng, tôn làm Thành hoàng Phúc thần, được các triều đại phong kiến sắc phong làm Thượng đẳng thần.
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Di tích đền thờ Trạng nguyên Đào Sư Tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, đó không chỉ là sự tôn vinh danh nhân và khẳng định những giá trị lịch sử văn hóa của di tích mà còn là sự ghi nhận công lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, của dòng Họ Dương. Thay mặt lãnh đạo tỉnh tôi xin chúc mừng dòng Họ Dương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Cổ Lễ nói chung, dòng Họ Dương nói riêng.
Kính thưa các vị đại biểu! Thưa toàn thể nhân dân!
Để tiếp tục phát huy giá trị của di tích, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, Tôi đề nghị Cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban ngành đoàn thể, các tầng lớp nhân dân thị trấn Cổ Lễ nói riêng, huyện Trực Ninh nói chung cần làm tốt một số nội dung sau:
1.Xây dựng nội quy, quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến tham quan, học tập;
2.Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo vệ và phát huy di tích đền thờ Trạng nguyện Đào Sư Tích;
3.Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các thế hệ học sinh, sinh viên về truyền thống hiếu học của các danh nhân, các nhà khoa bảng tại địa phương.
Từ mốc son ngày hôm nay, tôi đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị trấn Cổ Lễ, UBND huyện Trực Ninh cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Mộ và Đền thờ Trạng nguyên Đào Sư Tích xứng tầm với vị thế của một di sản cấp Quốc gia; đồng thời cùng quản lý khai thác thật khoa học và hiệu quả kho tàng di sản, coi đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Chúc các quý vị đại biểu, khách quý, cùng toàn thể nhân dân sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cám ơn!