Làn gió xuân trên vùng chè cổ
- 06/04/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 585
Sản xuất theo hướng hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm, nhất là dòng sản phẩm chè uống liền (chè matcha) là hướng đi mới của HTX Bắc Thái (Tân Cương, TP. Thái Nguyên) do chị Dương Thị Thơm làm giám đốc.
Tự tin khẳng định vị thế
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Bắc Thái (HTX Bắc Thái) do chị Dương Thị Thơm làm giám đốc mới được thành lập tháng 1 năm 2021 nhưng đã bước đầu khẳng định được tên tuổi trong các cơ sở làm chè lâu đời tại chính Tân Cương.
Vụ chè xuân 2021 bội thu khiến các hộ thành viên của HTX Bắc Thái (xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên) rất phấn khởi. Các sản phẩm chè búp khô mang nhãn hiệu “Bắc Thái trà” của HTX Bắc Thái có giá từ 2 triệu – 10 triệu đồng/kg đối với trà cao cấp, dòng bình dân mức giá từ 350-700 nghìn đồng/kg. Sản phẩm chè matcha (sản phẩm bột chè chế biến có thể được uống hoàn toàn) cũng vừa được gửi mẫu sang Singapore hứa hẹn thị trường bền vững, lâu dài.
Dễ thấy, việc thành lập mới cơ sở chuyên về sản xuất kinh doanh chè tại vùng chè Tân Cương vào khoảng thời gian này là khá mạo hiểm. Bởi vốn dĩ Tân Cương là đất tổ của chè Thái Nguyên. Chỉ riêng trên địa bàn xã đã có vô số các HTX, các cơ sở sản xuất kinh doanh chè có uy tín vững chắc trên thị trường.
Mặt khác, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn đang khiến việc sản xuất, tiêu thụ của ngành chè nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ cho HTX Bắc Thái khi mới đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, chị Thơm tự tin khẳng định, các sản phẩm chè của của HTX Bắc Thái hoàn toàn có thể tạo ra hướng đi riêng trên thị trường trà Thái Nguyên hiện nay.
Bí quyết và “linh hồn” làm chè ngon của thương hiệu “Bắc Thái trà” của HTX Bắc Thái, đó chính là ông Ngô Mạnh Hinh (thành viên cốt cán của HTX Bắc Thái), cũng là một trong số nghệ nhân kỳ cựu của đất chè Tân Cương. Ông Hinh không chỉ là người tiên phong làm chè an toàn ở xóm Hồng Thái 1, mà còn có “đôi bàn tay vàng” làm ra những sản phẩm chè thuộc hàng cao cấp nhất.
Tham gia vào HTX, ông góp luôn diện tích 4.000 m2 chè sản xuất, xưởng chế biến chè gồm toàn bộ giàn 10 máy sao, vò cùng 5 lao động lành nghề trong gia đình. Mặc dù luôn làm ra những sản phẩm chè hảo hạng, được thu mua với giá cao, gia đình ông Hinh sẵn sàng theo chiến lược đầy tính táo bạo của Giám đốc HTX Dương Thị Thơm để hướng tới những sản phẩm mới mẻ, nhắm vào thị trường mới, đối tượng khách hàng mới.
Chuyển hướng mới sang chè matcha
Tâm sự về cơ duyên đến với vùng vùng chè Tân Cương, chị Dương Thị Thơm kể: Quê chị ở xã Cát Nê, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), giáp chân núi Tam Đảo, cũng là vùng chè truyền thống.
Từng làm việc ở doanh nghiệp về nông nghiệp, nhất là từ khi làm việc ở một doanh nghiệp chuyên kinh doanh về phân bón hữu cơ, chị Thơm luôn đau đáu về ý tưởng về phát triển cây chè theo hướng hữu cơ.
Ý tưởng xây dựng thương hiệu chè theo hướng hữu cơ của chị Thơm khởi nguồn từ vùng chè ở các xã Như Cố, Quảng Chu (huyện Chợ Mới, Bắc Kạn). Đó là khoảng thời gian chị làm việc trong một số dự án phát triển sản xuất cây chè theo hướng hữu cơ. Người dân tỏ ra nghi ngại loại phân hữu cơ mới với thành phân chủ yếu là phân dơi thiên nhiên.
Chị đã liều đánh cược với những hộ dân trồng chè lâu năm ở vùng chè Như Cố, Quảng Chu về hiệu quả của việc sử dụng phân bón hữu cơ cho cây chè. Kết quả, những vườn chè bón phân hữu cơ của chị Thơm búp lên mơn mởn, chè thơm ngon khác hẳn.
Nhiều nông dân, cán bộ ngành nông nghiệp có am hiểu về cây chè tại huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) đã tới thăm quan mô hình trồng chè theo hướng hữu cơ của chị Thơm tại vùng chè Như Cố – Quảng Chu đều đánh giá cao chất lượng và tính bền vững, hiệu quả của cách làm này.
Về sau, nhiều hộ dân tại vùng chè Như Cố – Quảng Chu đã dần tin tưởng và thực hiện canh tác chè sử dụng phân bón hữu cơ. Để nâng cao giá trị, hiệu quả cho sản xuất chè, chị Thơm đã hướng dẫn bà con về kỹ thuật, tạo điều kiện cho phép mua phân bón hữu cơ trả chậm để sản xuất chè…
“Tiếng lành đồn xa”, nhờ chất lượng chè sản xuất theo hướng hữu cơ, thị trường tiêu thụ của vùng chè Như Cố – Quảng Chu ngày càng mở rộng. Chị Thơm đã thành lập Công ty Cổ phần Mộc Linh tại Như Cố (xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn) vào giữa năm 2019. Hiện, giá chè búp khô sản xuất tại các vườn của nông dân xã Như Cố vẫn đang có giá khoảng 600 nghìn đồng/kg.
Xác định theo nghề chè, chị Thơm đã nhắm tới vùng nguyên liệu chè vốn đã vang danh “đệ nhất trà” cả thế kỷ nay tại vùng chè Tân Cương (Thái Nguyên).
Từ chỗ quy mô hoạt động nhỏ lẻ ban đầu tại vùng chè xã Như Cố (Chợ Mới, Bắc Kạn), Công ty Cổ phần Mộc Linh của chị Thơm đã mạnh dạn thành lập thêm chi nhánh của Công ty Cổ phần Mộc Linh tại Tân Cương.
Sau một thời gian hoạt động, bên cạnh các sản phẩm chè Tân Cương truyền thống, chị Thơm đã nghiên cứu và chuyển thêm hướng sản xuất sang sản phẩm chè giải khát pha uống liền (chè matcha). Hiện nay, công ty của chị Thơm đã liên kết với 7 hộ thành viên tại vùng chè Tân Cương để thành lập HTX sản xuất, chế biến chè. Theo đó, HTX nhất trí sẽ hướng tới các sản phẩm chè xuất khẩu chất lượng cao, đặc biệt là khai thác tiềm năng đối với sản phẩm chè matcha.
Với các sản phẩm chè truyền thống, HTX đã định hướng chiến lược sản phẩm phải khác lạ, tạo được sự độc đáo hơn.
Đơn cử như với sản phẩm chè búp, thường được đóng thành phẩm xuất bán theo quy cách túi hút chân không từ 100g trở lên. Một số cơ sở kinh doanh đóng túi chè theo lượng chè pha vừa cho từng ấm, đóng vào hộp theo dạng quà tặng…
Song theo chị Thơm, những cách làm này vẫn không khắc phục được việc phải tráng rửa ấm thu đổ bã chè mất khá nhiều thời gian cho người thưởng trà, trong khi nhiều người công việc bận rộn nên đành gác bỏ thú vui uống trà.
Hiện, HTX đã có sản phẩm chè búp chia thành từng ấm nhỏ (5g) đựng trong túi lọc trong suốt, sản xuất từ bột ngô, rất thẩm mỹ mà rất tiện lợi. Sau khi uống trà xong, chỉ cần nhấc túi bỏ vào sọt rác hoặc đem phơi khô là có thể tận dụng bã trà để bón các loại cây, hoa cảnh. Đơn giản vậy, nhưng giá thành sản xuất sẽ bị đội lên 200 nghìn đồng tiền túi lọc/1 kg chè, nếu không phải đối tượng khách hàng cao cấp thì khó chấp nhận.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam