Triết lý 4 chữ “D” của ông chủ Phố Xinh Dương Quốc Nam
- 04/06/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 630
Ông chủ của thương hiệu nội thất Phố Xinh coi việc sống giàu là cuộc sống bình thường nhưng giàu khát vọng (Desire), động lực (Drive), kỷ luật (Discipline), quyết tâm (Determination).
Doanh nhân Dương Quốc Nam sinh ra trong gia đình anh cũng từng kinh doanh mặt hàng nội thất. Đang vào cái tuổi ăn tuổi chơi ông đã biết suy nghĩ nhiều về chuyện buôn bán.
Trưởng thành từ đam mê thực sự
Từ khi còn nhỏ, cậu bé Dương Quốc Nam đã có thói quen luôn quan sát và phân tích công việc kinh doanh của gia đình và mọi người xung quanh rồi tự tìm lời giải cho riêng mình. “Thấy người ta bán hủ tiếu tôi cũng so sánh, tại sao quán này lại đông khách hơn quán kia? Và tôi bắt đầu tìm hiểu để trả lời cho câu hỏi ấy”, chuyện kinh doanh của Dương Quốc Nam đã khởi đầu đơn giản như thế.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Quản trị Kinh doanh của trường Đại học Kinh tế TPHCM, ông vẫn nuôi khát vọng mở siêu thị nội thất. Ngoài việc góp nhặt kiến thức kinh doanh từ hè phố đến từng quán ăn nhỏ, anh còn học thêm các lớp về thiết kế, phối màu…và bắt đầu làm quen với kinh doanh đồ nội thất. Khi tích lũy đủ vốn, Dương Quốc Nam quyết định thực hiện ước mơ của mình.
Từ một cửa hàng nội thất nhỏ, ngày 15/11/2001 công ty Hoàng Nam được thành lập. Cùng với niềm vui này là việc siêu thị nội thất đầu tiên với thương hiệu Phố Xinh đã ra đời.
Ông chủ Phố Xinh bộc bạch: “Hình ảnh siêu thị nội thất đã có trong tâm trí tôi từ năm 13 tuổi, khi nghe người cô miêu tả về siêu thị nước ngoài qua điện thoại. Nghề nội thất có nguồn gốc từ bố tôi với công ty mỹ nghệ của gia đình. Nhưng đến mình, tôi muốn nó trở thành nơi có thể chứa đựng tất cả những gì thuộc về nội thất, với không gian rộng lớn hơn, đưa ra nhiều xu hướng hơn, kết hợp hài hòa từ kiểu dáng, màu sắc, đường nét trong từng sản phẩm để người ta cảm thấy thật thoải mái trong ngôi nhà thân yêu của mình”.
Phố Xinh được hình thành khi thị trường sính gỗ lim, gỗ trắc để dùng cả mấy chục năm. Ông Nam lại có ý tưởng về những sản phẩm không làm hại môi trường, có tính hiện đại hơn như gỗ công nghiệp, gỗ ghép, laminate…
Khi đó, các cửa hàng nội thất với bề ngang vài mét tập trung thành khu, còn ông lại chọn một mặt bằng có diện tích 2.000m2 trên đường Ba Tháng Hai với giá cao ngất ngưởng để lập siêu thị. Việc làm đó đã gặp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình. Thế nhưng, ông quyết tâm làm thay đổi cách nhìn của mọi người. Kết quả là, Phố Xinh đã khởi sắc, tạo thành trào lưu hấp dẫn.
Chia sẻ về cái tên “Phố Xinh”, ông Nam chia sẻ, ước mong của tôi là không chỉ làm đẹp cho một ngôi nhà mà còn làm đẹp cho cả một con phố. Nếu là một thành phố hay một quốc gia thì nghe to tát quá, nhưng một con phố ở nhiều nước khác nhau thì có thể được. Và mỗi con phố này sẽ có nét riêng khác nhau”.
Đi tìm “câu chuyện” cho sản phẩm
“Giá trị cốt lõi của Phố Xinh là đồng hành cùng khách hàng để tạo ra một không gian sống theo sở thích của họ”, ông Nam nói.
Việc chọn khách hàng cao cấp cũng nằm trong chiến lược của ông, nhằm tạo sự khác biệt với số đông thương hiệu trong thời điểm đó và thật ra, khi đó, chỉ những khách hàng hạng sang mới đủ tài chính để tạo một phong cách sống riêng biệt.
Đặc điểm chung của khách hàng thuộc phân khúc nội thất cao cấp là khó tính. Điều này không thay đổi trong gần 20 năm qua. Ông Nam cho rằng, ai hiểu họ và đáp ứng được đúng nhu cầu, thì sẽ có lợi thế trong cuộc đua này.
Định vị thương hiệu cao cấp, khách hàng hạng sang, nên ông chủ Phố Xinh luôn đi đầu trong việc tìm ra các giải pháp lan tỏa thương hiệu của mình. 10 năm trước, khi khái niệm tiếp thị với người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội chưa phổ biến, thì Phố Xinh đã khá “sành sỏi” trong chuyện này.
Khi thương mại điện tử phát triển chóng mặt ở Việt Nam, năm 2016, Phố Xinh đã hợp tác với Công ty Rever để số hóa showroom dưới dạng thực tế ảo, giúp khách hàng ở nhà vẫn có xem sản phẩm nội thất trước khi chọn mua hàng.
Ông chủ Phố Xinh hiểu rõ, với đơn hàng giá trị cao, thì việc lựa chọn nội thất tại cửa hàng là phổ biến, song ông vẫn đầu tư cho mua sắm trực tuyến nhằm gia tăng tương tác với khách hàng.
Theo ông Nam, tiếp cận và thuyết phục được người có tiền mua sắm sản phẩm nội thất cao cấp không đơn giản như nhiều người nghĩ. Đầu tư vào nội thất không chỉ thể hiện điều kiện tài chính, mà còn là cách mà những người có tiền chọn để thể hiện phong cách sống.
Chính vì thế, bản thân người kinh doanh phải tạo được không gian sống riêng, truyền tải được câu chuyện trong các sản phẩm mình kinh doanh và phải biết sắp xếp chúng hài hòa với nhau trong cùng một không gian.
Theo quan điểm của ông Nam, kinh doanh nội thất cao cấp không chỉ là bán sản phẩm, mà còn là chia sẻ trải nghiệm về một không gian sống đẳng cấp với khách hàng.
“Điều thành công nhất của Phố Xinh trong thời gian qua là trải nghiệm này được nhiều khách hàng sẻ chia và ủng hộ”, ông Nam nói.
Sống giàu nên chừng mực
Chia sẻ quan điểm về khả năng của một người lãnh đạo ông Nam nói: “Trước hết, bản thân người chủ phải luôn tận tụy với công việc kinh doanh của mình. Tôi còn nhớ đã có lần đọc được đúc kết của phương tây với doanh nhân cần phải hội tụ đủ 4 chữ D, và tôi nghiệm thấy hoàn toàn đúng, đó là: khát vọng (Desire), động lực (Drive), kỷ luật (Discipline), quyết tâm (Determination).
Bên cạnh đó, ông cho rằng người làm kinh doanh cũng cần phải có kiến thức về bán hàng và marketing, sau đó mới đến quản lý điều hành và tuyển chọn được nhân sự tốt. Qua kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh, ông Nam đánh giá một đội ngũ nhân sự tốt và trung thành là sự thành công 50% cho doanh nghiệp của bạn. “Tôi luôn có suy nghĩ chính họ là những người làm nên sự thành công của Phố Xinh ngày hôm nay, nên tôi luôn coi nhân viên của mình như những người trong gia đình”, ông Nam chia sẻ.
Ông Quan niệm khi trở nên giàu có, nổi tiếng, người ta rất khó giữ được sự bình thường vì nói gì cũng được tung hô, rất dễ mắc bệnh chủ quan, dẫn tới thất bại. “Tôi luôn “kéo” những người bạn doanh nhân của mình xuống, có thể dùng lời thật khó nghe, nhưng có lúc cũng phải “mượn gió bẻ măng”” bởi theo ông: “Biết chừng mực thì đời sống đỡ khổ, đỡ mệt, nhưng rất khó để làm được điều đó. Thất bại cũng như thành công đều cho mình biết nhìn lại những giá trị sống”.
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp