Đến Tĩnh Gia Viên, nghe chuyện Tiến sĩ Họ Dương
- 16/07/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 912
Trí thức tiêu biểu miền lặng gió
Làng cổ Yên Tân với nhiều ngõ sâu hun hút, để đến được Tĩnh Gia Viên, chúng tôi phải hỏi đường nhiều lần. Nhắc đến PGS.TS Dương Văn Tiển và vợ là nhà giáo Kiều Then, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Hoà Tiến, người dân đều dành cho họ sự trọng thị: Ông ấy là trí thức tiêu biểu miền “lặng gió” Yên Phong đấy!
Sinh ra trong một gia đình Nho học, ông nội là hương sư Dương Văn Trà, người làng Yên Tân thường gọi là cụ đồ Triện (tên con gái cả), người thạo cả chữ Nho lẫn Quốc ngữ, bởi vậy từ bé Dương Văn Tiển đã được thụ hưởng nền giáo dục, giáo lý chuẩn mực. Ngay cái tên “Tiển” cũng là sự sắp đặt đầy ẩn ý của ông nội với người cháu đích tôn.
Nhà giáo Nghiêm Đình Thường giải thích: Trong chữ Hán thì “Tiển” gồm 2 bộ, bộ Kim ghép với bộ Tiên. Kim là kim loại quý có màu sắc ánh lên sáng như vàng; Tiên là ý chí con người luôn tiến về phía trước. Ý sâu xa của cụ đồ Triện là muốn đứa cháu đích tôn sau này phải giàu nghị lực, có chí tiến thủ và sẽ làm vẻ vang dòng họ Dương ở Yên Tân.
Cha của Dương Văn Tiển cũng là người có ý chí và thức thời, nên mới lớn đã tìm cách thoát ly khỏi lũy tre làng, ra làm việc và sinh sống tại Hà Nội. Cậu bé Tiển ở với ông bà nội ở quê, cấp 1 học tại Hoà Tiến nhưng đến cấp 2 thì được cha mẹ cho ra Hà Nội học trường Mạc Đĩnh Chi và đến cấp 3 thì vào trường Bưởi danh tiếng, tức Trường THPT Chu Văn An ngày nay. Trường Bưởi, lại học lớp chọn, nơi hội tụ những tài năng nhưng chàng trai xứ Kinh Bắc vẫn luôn có tên trong bảng vàng danh dự của lớp, được thầy, bạn nể trọng. Cũng bởi thế, năm 1965, khi Đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, gia đình mới chuyển Tiển về trường cấp 3 Yên Phong (nay là THPT Yên Phong số 1) dù trường Bưởi muốn giữ cậu lại làm hạt giống. Thời ấy học xong cấp 3 không phải thi Đại học, Dương Văn Tiển được tỉnh cử đi học tại Trường Đại học Thuỷ Lợi (ĐHTL), một sự lựa chọn phù hợp?
PGS-TS Dương Văn Tiển nhớ lại: Tôi hăm hở nhận quyết định với suy nghĩ thật giản đơn, đất nước mình lắm mưa nhiều nắng, thiên tai lũ lụt triền miên, bản thân tôi từng chứng kiến 2 trận lụt lịch sử làm vỡ đê Mai Lâm năm 1957 và sau là vỡ đê Cống Thôn nước ngập đến mái nhà. Quê tôi ngày ấy nhà nào cũng có chiếc thuyền nan bắc gác trong nhà để phòng thân khi lũ lụt. Nếu đi học thuỷ lợi vừa giúp bà con đỡ khổ mùa lũ, rồi “dẫn thuỷ nhập điền” mùa khô hạn thì hạnh phúc nào bằng?
Với khát vọng ấy, những năm học Trường ĐHTL Hà Nội, chàng sinh viên Dương Văn Tiển không chỉ học giỏi mà luôn nảy ra nhiều ý tưởng hay trong học tập. Tốt nghiệp năm 1972 được trường giữ lại làm giảng viên, rồi Phó chủ nhiệm bộ môn Thuỷ văn công trình (TVCT).
Năm 1984, thầy Tiển được cử đi Nghiên cứu sinh tại Tiệp Khắc (nay là CH Séc) và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ kỹ thuật về TVCT năm 1989. Thời kỳ này, ở Việt Nam khởi tạo nhiều công trình thuỷ lợi quan trọng, ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh. TS Tiển bằng kiến thức lý luận và thực tiễn phong phú đã cùng các đồng nghiệp cho ra đời nhiều công trình khoa học quan trọng đóng góp đáng kể cho ngành thuỷ lợi của nước Nam. Năm 1996, TS Tiển được Nhà nước phong hàm Phó Giáo sư.
Thời điểm TS Tiển về nước, Trường ĐHTL Hà Nội thành lập Khoa Sau đại học chuyên đào tạo trình độ trên đại học, ông được bổ nhiệm Phó chủ nhiệm khoa năm 1990, Chủ nhiệm khoa từ năm 1995, được công nhận là Giảng viên cao cấp (GVCC) đầu năm 2006. Từ tháng 4/2006 ông không làm quản lý, nhưng với năng lực cùng uy tín trong giới khoa học, PGS.TS Dương Văn Tiển vẫn được nhiều trường mời thỉnh giảng, phải đến năm 2016 khi bước vào tuổi 70 ông mới thực sự nghỉ ngơi.
Chuẩn bị cho cuộc sống mới, năm 2009, TS Tiển quyết định, chuyển khẩu từ Hà Nội về hẳn làng Yên Tân, xã Hoà Tiến. Bên cạnh ngôi nhà cổ 5 gian bề thế có niên đại gần 200 năm do các cụ để lại làm nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà đã xây ngôi biệt thự để gia đình làm nơi ở và sinh hoạt của con cháu những ngày cuối tuần. Ông bà đặt tên cho khu nhà này là “Tĩnh Gia Viên Dương Tiển – Kiều Then”, tức nhà vườn yên tĩnh có diện tích gần 1.500 m2 với ý nghĩa: Ngoài cuộc đời dù hối hả, xô bồ đến đâu thì Tĩnh Gia Viên vẫn là tổ ấm thân thương và chan chứa nghĩa tình.
Tiến sĩ về làng
Từ khi chuyển khẩu về Yên Tân, người dân vẫn thương mến gọi ông là Tiến sĩ về làng. Cả đời công tác ở thủ đô, nhưng khi về làng, ông lại thành người quê thực thụ, hoà đồng với xóm làng, họ mạc.
Bây giờ, bên thế giới người hiền, hẳn cụ đồ Triện có thể mỉm cười về người cháu đích tôn mà cụ đã dày công chọn chữ đặt tên?
Nhưng, thành công của TS Tiển còn phải kể đến một nguồn cảm hứng nữa, đó là người vợ hiền thảo, nhà giáo Kiều Thị Then, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS xã Hoà Tiến. Cũng giống như gia đình TS họ Dương, cô giáo Kiều Thị Then từ thơ bé đã chịu ảnh hưởng bởi nếp sống nho giáo, rất nghiêm khắc và chuẩn mực.
Năm 1975, Dương Văn Tiển và cô giáo Kiều Then nên duyên vợ chồng nhưng ngặt nỗi, gia đình cô chỉ có 2 chị em gái, bố mất sớm, em gái lấy chồng sớm nên cô không thể ra Hà Nội cùng chồng mà ở lại quê chăm sóc mẹ già. Khi bố chồng mất, cô đón mẹ chồng về ở cùng mẹ đẻ và chăm sóc hai cụ sống an vui đến tuổi thượng thọ. Dân làng xem cô giáo Kiều Then là gương sáng về tấm lòng hiếu thảo.
Nếp nhà với nhiều giá trị chuẩn mực được gây dựng, trao truyền từ ông cha, gia đình nhà giáo Dương Tiển – Kiều Then đã tiếp nối, phát huy và trở thành một gia đình hiếu học tiêu biểu của tỉnh. Gia đình có 3 người con thì cả 3 đều thành danh, thành đạt, trong đó 2 con trai là PGS, TS, giảng viên Đại học Thuỷ Lợi Hà Nội; con gái là trung tá, công tác tại Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng. Các con đều có gia đình riêng, nhưng dịp cuối tuần, hay các ngày lễ, tết thì Tĩnh Gia Viên vẫn là chốn đi về để con, cháu được quây quần bên ông bà, tận hưởng bầu không khí ấm áp tình người tại quê hương.
Với bản tính khiêm nhường lại dễ gần, ở làng, TS Tiển rất được lòng bà con Yên Tân và bạn hữu gần xa. Biết ông có tâm lẫn tầm, dân tín nhiệm bầu ông vào Ban kiến thiết của làng, giao ông vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí tu sửa, xây mới đình, chùa làng tới cả tỷ đồng. Tại lễ khánh thành, dân làng trân trọng mời ông đánh trống, cắt băng và phát biểu. Là thành viên trong Hội đồng họ Dương Việt Nam, TS Tiển từ dạo nghỉ hưu đã lặn lội khắp các làng, xã có người họ Dương sinh sống của huyện Yên Phong để truyền cảm hứng học tập đến các cháu học sinh. Họ Dương là họ lớn của Việt Nam, nhiều năm tổ chức đại lễ mùa xuân họ Dương tại Bắc Ninh và TS Tiển từng được mời đọc chúc văn trước gần 1 vạn người con ưu tú của họ Dương cả nước về dự lễ hội.
Còn một lý do nữa để TS Tiển đắm mình với các phong trào làng xã, đó chính là niềm say mê nghệ thuật. Những tưởng ông TS thủy lợi cả đời gắn với những con số đo đạc khô khan, nào ngờ lại là người rất đa cảm, chỉ một thoáng bâng khuâng là bật ngay ra những vần thơ hay. Nhà giáo Nghiêm Đình Thường kể, ông Tiển rất mê Quan họ, bởi thế ông có mặt trong nhiều canh hát ở nhà các anh hai, chị hai khắp vùng. Ngay Tĩnh Gia Viên cũng diễn ra nhiều canh hát để ông có dịp học hỏi, giao lưu với các bạn hát, bạn thơ. Với tập “Thơ hái dọc đường” gồm hơn trăm bài thơ ca ngợi quê hương, gia đình, bè bạn (trong đó nhiều bài được giải trong các cuộc thi thơ của tỉnh và huyện) TS Tiển đã đủ “vốn” gia nhập các chiếu thơ quê và từng có 3 năm làm Chủ nhiệm CLB thơ huyện Yên Phong.
Cứ mùa hè đến, khi ao sen xanh tỏa ngát hương thơm, Tĩnh Gia Viên lại họp mặt các bạn thơ giao lưu ngâm cho nhau nghe những vần thơ gan ruột, rồi lên kế hoạch dã ngoại tìm cảm hứng sáng tác. Với đất Hòa Tiến, TS Tiển mời các văn nghệ sĩ đi thực tế tìm cảm hứng sáng tác ca ngợi quê hương. Ông còn trực tiếp biên tập, hỗ trợ kinh phí để xã in cuốn “Hòa Tiến tôi yêu” dày 300 trang do NXB Thanh Niên phát hành, đây được xem là cuốn địa chí và văn nghệ đầu tiên về quê hương của Hòa Tiến…
Rời chốn đô thành, Tiến sĩ về làng, hòa cùng nhịp sống thôn quê và hình như ông thấy “lãi” nhiều hơn, bởi ở cái tuổi bảy lăm niềm vui tinh thần đã khiến ông thêm khỏe, nhất là khi làm được những việc có ích cho xóm làng, dòng họ. Ông Trần Trọng Thức, cựu sinh viên Trường ĐHTL Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Phong, là bạn thơ tại quê hương, đã có những nhận xét chí tình về ông: TS Tiển về làng đã truyền cảm hứng, làm bừng sáng bức tranh văn hóa văn nghệ thôn quê.
Nhà giáo Nghiêm Đình Thường thì nhận xét ngắn gọn về người bạn tâm giao của mình như sau: PGS.TS Dương Văn Tiển xứng đáng là tấm gương tiêu biểu của lớp trí thức mới ở miền lặng gió Yên Phong.
Nguồn: Báo Bắc Ninh