Chị Dương Thị Hồng Phương và thương hiệu nha đam cô Ba Gần
- 25/07/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 449
Nhờ gợi ý của cô con gái thứ ba, tên gọi thân mật là Ba Gần, học sinh lớp 8, chị Dương Thị Hồng Phương ở ấp Tân Đức, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau đã chọn cây nha đam để phát triển kinh tế.
Nhận thấy nha đam là loài cây không chỉ được trồng làm cảnh mà còn được chế biến thành nhiều món ăn, đồ uống được ưa chuộng Ba Gần đã khích lệ mẹ trồng và nhân giống loài cây này để cung cấp cho thị trường như một loại thực phẩm sạch. Tháng 9/2020, Tổ hợp tác trồng nha đam ấp Tân Ðức, xã Tân Ðức được thành lập do chị Dương Thị Hồng Phương làm tổ trường. Tổ hợp tác chọn giống nha đam Việt Nam để trồng bởi so với các giống khác thì cây dễ trồng, dễ chăm sóc, rút ngắn thời gian thu hoạch. Loài cây này có thể chịu nóng, hạn, bẹ nha đam có kích thước lớn, trung bình chỉ thu hoạch từ 3 – 5 bẹ sẽ được 1kg. Nha đam cũng là cây cho thời gian thu hoạch kéo dài, mỗi đợt trồng cho thời gian thu hoạch kéo dài từ 5 – 8 năm.
Nhờ được thị trường ưa chuộng, tổ hợp tác trồng nha đam Tân Đức không ngừng phát triển ngày càng mở rộng quy mô canh tác. Đến nay tổ hợp tác đã lên tới 19 thành viên, trong đó có 8 hộ tham gia trồng nha đam. Số lượng đơn đặt hàng ngày các tăng nên các hộ đều mở rộng diện tích trồng để cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến cho tổ hợp tác.
Chị Phương chị Phương cho biết, hiện tại tổ hợp tác cung ứng 2 loại sản phẩm từ nha đam là nha đam thành phẩm đóng gói được hút chân không và nước nha đam đóng chai. Sản phẩm được cung cấp cho thị trường ở dạng sơ chế, người tiêu dùng có thể chế biến theo ý thích của mình là không mất công sơ chế sản phầm. Tất cả quy trình từ nguyên liệu đến chế biến, đóng gói ra thành phẩm đều được thực hiện tại chỗ nên rất đảm bảo tươi ngon và an toàn thực phẩm. Để sản phẩm nha đam đến được với thị trường Ba Gần – con gái chị Phương đã hướng dẫn mẹ cách đăng tải hình ảnh và bán sản phẩm trên mạng xã hội. Chính vì vậy, chị Phương chọn tên Ba Gần để đặt thương hiệu cho nha đam do tổ hợp tác sản xuất. Sử dụng tiện lợi, đảm bảo chất lượng, sản phẩm nha đam của tổ hợp tác do chị Dương Thị Hồng Phương là tổ trưởng ngày càng mở rộng thị trường, sản phẩm sản xuất ra đến đâu bán hết ngay tới đó. Hiện nay, mỗi ngày tổ hợp tác cung cấp cho thị trường từ 30 – 40kg nha đam thành phẩm, những tháng hạn thì số lượng còn tăng hơn nữa. Với giá bán buôn 30.000/kg, giá bán lẻ 40.000/kg, nước nha đam đóng chai 10.000/chai, việc trồng nha đam đã mang lại cho chị Phương và các thành viên tổ hợp tác nguồn thu nhập khá. Để đa dạng hóa sản phẩm, tăng thêm nguồn thu nhập cho các thành viên tổ hợp tác còn sản xuất thêm chả tôm thành phẩm với nguồn nguyên liệu được thu mua tại các hộ chị em phụ nữ trên địa bàn.
Từ loại cây được trồng như vị thuốc, tạo cảnh quan thiên nhiên, với sự linh hoạt, sáng tạo trong việc định hướng thị trường đã giúp nhiều hộ có nguồn thu nhập ổn định, địa phương có thêm vùng nguyên liệu tại chỗ, tạo hướng đi đầy triển vọng trong tương lai.
Hiện nay, thương hiệu nha đam Cô Ba Gần được xã Tân Ðức lựa chọn là mô hình tiêu biểu tham gia chương trình OCOP (chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị). Chị Phương cho biết, sắp tới tổ hợp tác sẽ tiến hành nhân rộng số lượng nha đam lên 7.000 cây, đồng thời thu mua thêm của các hộ dân trong vùng để đảm bảo hoàn thiện các tiêu chí cũng như đáp ứng đơn hàng lớn. Cùng với đó, tổ hợp tác sẽ cải tiến bao bì để vừa đảm bảo tiêu chí tiện lợi, có thể di chuyển xa đồng thời mẫu mã hiện đại, đẹp mắt để thương hiệu nha đam cô Ba Gần ngày càng tiến đến thị trường xa hơn.
Dương Thùy Dịu