Ông Dương Phú Quý và ký ức những ngày Tổng khởi nghĩa
- 31/08/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 448
Men theo con đường bê tông dọc theo cầu Bình Ca mới được xây dựng bắc qua sông Lô, chúng tôi tìm đến nhà ông Dương Phú Quý, sinh năm 1925, cán bộ tiền khởi nghĩa ở thôn Thúc Thủy, xã An Khang,TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Căn nhà xây nhỏ ấm cúng nằm nép mình trên sườn đồi, xung quanh có một cái sân rộng với đầy cây và hoa. Bước trong nhà ra là một ông cụ 96 tuổi tóc trắng như cước vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn, tươi cười đon đả mời khách vào nhà. Biết phóng viên Báo Tuyên Quang xuống tìm hiểu về cách mạng tháng Tám, mắt ông sáng quắc. Ông bảo trước năm 1945, người dân Tuyên Quang sống cuộc đời lầm than nô lệ của giặc ngoại bang Pháp, Nhật. Bản thân ông phải đi làm phu cực khổ cho mỏ than của Pháp ở phường Minh Xuân ngày nay. Sau đó chuyển sang nấu ăn cho quan ba, quan tư của Pháp làm trong hai bệnh viện Nhà thương Pháp ở khu Thành Tuyên Quang bây giờ và Nhà thương ta tại phường Minh Xuân.
Năm 1944, ông Dương Phú Quý bắt đầu theo Việt Minh. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ở mỗi khu phố của Tuyên Quang chúng lập ra các bảo an binh và bảo an điếm do những người Việt thân Nhật cai quản. Nhờ thông thuộc địa hình và móc nối được với những người Việt làm cho Nhật nhưng có tấm lòng yêu nước, ông Quý đã chỉ đạo anh em lấy trộm được 20 tấn muối, 10 khẩu súng trường của Nhật ở kho Xã Tắc, phường Tân Quang giao cho ông Khắc Hùng, xã Tràng Đà lấy thuyền sắt chở vào chiến khu. Chiến khu lúc này là những cơ sở cách mạng của ta hoạt động ở khu vực Bình Ca, Vĩnh Lợi (Sơn Dương).
Nghe tiếng ông Quý hoạt động sôi nổi ở Trung đội Nhượng, lập nhiều chiến công, đồng chí Song Hào, phụ trách Phân khu ủy Nguyễn Huệ đã cho gọi ông Quý lên giao làm việc trong Ban trừ gian. Ngày 16-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Tuyên Quang được thành lập do đồng chí Song Hào làm Chủ tịch, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Đúng 2 giờ sáng ngày 17-8-1945, lệnh khởi nghĩa giành chính quyền tại thị xã Tuyên Quang được phát đi. Các mũi tiến công của quân ta đồng loạt tiến công vào các vị trí trọng yếu của địch. Ông cùng đồng đội nhận nhiệm vụ trừ gian, cắt đứt đường, phá cầu, chặn sự liên lạc của quân địch. Đến ngày 21-8-1945 quân ta giành chính quyền. Lúc này, tổ chức giao ông đi thông báo cho người dân trong tỉnh về mít tinh mừng thị xã được giải phóng. Sau ngày giải phóng với vai trò trong Ban trừ gian, ông cùng các đồng chí đẩy lùi sự xâm nhập của Quốc Dân Đảng tại Tuyên Quang.
Năm 1950, một vinh dự lớn đến với ông Dương Phú Quý là được tổ chức kết nạp Đảng. Ông tiếp tục tham gia chống Pháp ở chiến trường Đông Khê, Thất Khê, tỉnh Cao Bằng. Rồi cùng làm đường chuyển pháo từ Cao Bằng về Tuyên Quang để bộ đội kịp thời chuyển lên chiến trường Điện Biên Phủ. Ông học thêm nghề y, năm 1958 được giao làm Trưởng phòng Y tế huyện Chiêm Hóa, bình phong bí mật nhằm bóc dỡ hoạt động của Đảng Nhất tâm dân tộc. Năm 1969, khi hai nhà báo Pháp tìm đến nhà ông phỏng vấn về hoạt động của chiến sỹ giải phóng quân và chiếc máy bay Pháp rơi ở Bình Ca, ông bắt tay rồi bảo: “Khi đánh nhau là kẻ thù, giờ hòa bình chúng ta là bạn”. Năm 1985 ông về hưu với vai trò Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Y tế Tuyên Quang. Rồi ông xung phong tham gia làm Trạm trưởng Y tế xã An Khang một thời gian. Từ một đảng viên, hiện nay gia đình ông có thêm 3 đảng viên là con trai, con gái và cháu nội.