Trung tá QNCN Dương Thanh Tịnh – “Người lái đò” thượng nguồn sông Ngàn Sâu

16 năm gắn bó với đồng bào dân tộc Chứt (Hà Tĩnh) từ khi vừa chân ướt chân ráo đến định cư nơi thượng nguồn sông Ngàn Sâu, bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh), Trung tá QNCN Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ công tác bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Tĩnh như một “người lái đò” cần mẫn, trách nhiệm để hướng dẫn, đưa đường giúp đồng bào vượt lên đói nghèo, lạc hậu và thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng…

Giúp đồng bào vượt qua đói nghèo

“Mới đây, bà Hồ Thị Thành vừa bán 3 con bò được hơn 50 triệu đồng. Bây giờ tôi phải đến xem bà sử dụng tiền vào những việc có cần thiết không để còn hướng dẫn”, vừa gặp, mới kịp chào hỏi nhau, anh Tịnh đã nói với tôi như vậy rồi vội vã lên đường. Cách đây nhiều năm, trong lần đầu gặp mặt, tôi cũng phải đợi hàng giờ đồng hồ vì anh phải vào bản Mới xem xét tình hình tái định cư của đồng bào dân tộc Chứt. Lần này, tôi đề nghị được đi cùng anh.

Đã ở tuổi 58 nhưng đây là lần đầu tiên bà Thành có một số tiền lớn trong tay, thế nên, niềm vui của bà vẫn trào dâng trong căn nhà nhỏ. Số tiền đó được bà đem gửi tiết kiệm ở ngân hàng, vậy là hằng tháng, gia đình bà sẽ có thu nhập thêm vài trăm nghìn tiền lãi. Hiện tại, đàn bò nhà bà vẫn còn 7 con. Nhưng qua câu chuyện với gia đình bà Thành, tôi cảm thấy anh Tịnh là người vui hơn cả. Anh cho biết: “Một thời, quan niệm “đói không lo, no không mừng” đã ăn sâu vào đời sống đồng bào. Họ kiếm ra đồng nào là ăn hết đồng đó, ngay cả gạo chính quyền vừa cấp xong để cứu đói cũng đem đi đổi rượu uống. Vì thế, tư duy của đồng bào thay đổi là nền tảng quan trọng để tìm hướng phát triển kinh tế, giúp đồng bào thoát nghèo”.

Trước đây, trong khi tuần tra biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Giàng gặp một tộc người Chứt chỉ còn 18 người sống ở hang núi ven suối nơi đại ngàn Trường Sơn. Thấy BĐBP, những người này hoảng hốt lùi vào hang đá và phát ra tiếng thông báo để BĐBP không nhầm mình là thú hoang mà nổ súng. Trước tình hình trên, đồn đã báo cáo lên cấp trên và vận động bà con người Chứt về định cư ở gần đồn. Thế nhưng, vì bản tính quen với nếp sống biệt lập, lạc hậu, sợ sệt khi tiếp xúc với người khác, ban ngày ngủ, ban đêm vào rừng săn bắt hái lượm nên sau một thời gian ngắn, đồng bào lại kéo nhau về rừng sinh sống trong đói nghèo và đứng trước thảm họa tuyệt chủng vì tập tục hôn nhân cận huyết thống. Trước tình hình trên, năm 2000, người dân lại được hỗ trợ đến định cư ở bản Rào Tre. Đảng, Nhà nước giao cho Đồn Biên phòng Bản Giàng thành lập Tổ công tác bản Rào Tre để giúp đỡ đồng bào.

Nhớ lại thời kỳ đầu gian khó khi về bản Rào Tre, tái hòa nhập với cuộc sống cộng đồng nơi biên cương, bà Thành tâm sự: “Ngày trước, người Chứt chúng tôi đã quen săn bắt hái lượm ở rừng, đào hết củ rừng nơi này là lại di cư sang nơi khác. Về bản Rào Tre, không biết làm gì ăn, ngày nào chúng tôi cũng đói. May nhờ được cán bộ Tịnh và các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ gạo, dụng cụ sản xuất, rồi hướng dẫn, động viên giúp đỡ, người Chứt mới biết làm lúa, chăn nuôi, trồng trọt”.

Trung tá QNCN Dương Thanh Tịnh thăm, động viên đồng bào dân tộc Chứt (Hà Tĩnh) vươn lên trong cuộc sống (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: PHẠM KIÊN

Chúng tôi được biết, từ 100% số hộ nghèo, đói, đến nay, tuy điều kiện phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong đồng bào dân tộc Chứt đã có 5/44 hộ dân thoát nghèo theo tiêu chí mới. Tiêu biểu như: Hộ gia đình trưởng bản Hồ Thị Kiên có tổng thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, trong đó thu nhập từ chăn nuôi đạt hơn 6 triệu đồng/tháng; hộ gia đình bà Hồ Thị Nham có 7 con trâu, 4 con bò và nuôi gà, vịt…, tất cả mô hình kinh tế hiện cho hiệu quả cao, đánh dấu bước phát triển ở bản nghèo.

Nặng nghĩa tình với bà con dân tộc Chứt

Sau khi đi một vòng thăm, kiểm tra mô hình chăn nuôi của một số hộ gia đình, anh Tịnh mới vui vẻ trở về. Tính anh từ trước đến giờ vẫn vậy, luôn coi đồng bào dân tộc Chứt như bà con ruột thịt. Năm 2003, anh Tịnh được giao nhiệm vụ là Tổ trưởng Tổ công tác bản Rào Tre. Đến năm 2017, anh được cấp trên quan tâm phân công nhiệm vụ mới, nhưng vì lo lắng cho đồng bào dân tộc Chứt, năm 2018, anh xin được trở lại công tác tại bản Rào Tre. Vậy là đến nay, anh đã gắn bó với đồng bào hơn 16 năm.

Ngày đầu nhận nhiệm vụ, bản Rào Tre bị chia cắt với trung tâm xã Hương Liên bởi con sông Ngàn Sâu. Mỗi lần đến với đồng bào là bước chân của các anh phải vượt đá, lội sông. Cung đường quen thuộc theo năm tháng đã được bê tông hóa và xây cầu. Khi tôi tới nơi này, đoạn đường trước kia chỉ có đá, có rừng, cây cỏ hoang dại hôm nay thơm mùi lúa đang thì con gái vụ hè thu. Mỗi sự đổi thay của quê hương Rào Tre là niềm vui, hạnh phúc của người cán bộ biên phòng cắm bản và cũng là trái ngọt kết tinh từ giọt mồ hôi, thậm chí cả máu và nước mắt, từ sự đau đáu tìm giải pháp thoát nghèo cho đồng bào dân tộc Chứt. Chỉ tay về phía ruộng lúa, anh Tịnh cho biết: “Hiện tại, bản Rào Tre có khoảng 5ha lúa nước làm hai vụ, diện tích lúa tuy còn nhỏ nhưng sản lượng lúa, gạo cũng tạm đủ ăn. Ngày trước, khi đồng bào về đây, không ai biết đến trồng cây lúa nước. Cán bộ, nhân viên Đồn Biên phòng Bản Giàng đã đến tận nơi hỗ trợ đồng bào khai hoang, trồng cây lúa nước”.

Ngày ấy, khi vận động đồng bào đi làm ruộng, anh Tịnh cùng các cán bộ biên phòng Bản Giàng phải đến từng nhà, nhưng có hôm vẫn vắng bóng bà con. Hóa ra, đồng bào vẫn theo thói quen đi rừng săn bắt hái lượm vào buổi tối nên buổi sáng thường ngủ dậy muộn. Rồi các anh nghĩ ra biện pháp “khoán ngày công”, đó là không hỗ trợ gạo một lần theo tháng nữa mà hỗ trợ gạo theo ngày, ai đến làm ruộng sẽ được hỗ trợ gạo ăn. Nhờ phương pháp hỗ trợ từng ngày mà đồng bào đã hạn chế được rất nhiều trường hợp nhận gạo xong đổi ra rượu để uống. Đồng thời, những thửa ruộng dần được mở rộng theo năm tháng, đưa lúa, gạo về với đồng bào dân tộc Chứt.

Từ cây lúa, anh Tịnh lại tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị và cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ các mô hình chăn nuôi lợn, trâu, bò, trồng hoa màu và trực tiếp phối hợp, hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc cũng như kiểm tra tình hình sản xuất kinh tế của đồng bào. Vì thế, đồng bào đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sản xuất kinh tế để bảo đảm cuộc sống. Bên cạnh đó, nhiều tập tục lạc hậu cũng được anh Tịnh và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Giàng giúp đồng bào xóa bỏ, giữ gìn vệ sinh nơi ăn ở; giúp bà con nhận biết về sự nguy hại của tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Kể về vấn đề này, anh Tịnh cho biết: “Trẻ em đồng bào dân tộc Chứt rất hay bị khuyết tật và nhiều bệnh nền do hôn nhân cận huyết thống, nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng. Mặt khác, tỷ lệ nữ giới lại quá thấp so với nam giới nên nam giới dân tộc Chứt rất khó cưới vợ, đặc biệt là cưới vợ ngoài dân tộc của mình. Trước kia, BĐBP Bản Giàng đã giới thiệu cho đồng bào dân tộc Chứt lấy người Kinh và tạo mọi điều kiện, tổ chức các buổi giao lưu, hỗ trợ về cuộc sống cho đồng bào dân tộc Chứt (Hà Tĩnh) lấy vợ hoặc cưới chồng là dân tộc Chứt (Quảng Bình), nhờ vậy cũng hạn chế được phần nào tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Đến nay, từ 18 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre đã tăng lên 156 nhân khẩu”.

Đồng chí Trần Phúc Anh, Bí thư Đảng ủy xã Hương Liên cho biết: “Đồng chí Dương Thanh Tịnh nói riêng và BĐBP Bản Giàng nói chung đã giúp địa phương rất nhiều trong việc hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào dân tộc Chứt xây dựng đời sống, thoát khỏi cảnh tuyệt chủng. Đặc biệt, đồng chí Tịnh và các cán bộ ở Tổ công tác bản Rào Tre còn giúp ngành giáo dục địa phương trong vận động xã hội hóa để giúp đỡ về vật chất, trang bị học tập, cũng như đưa đón và vận động trẻ em đồng bào dân tộc Chứt đến trường. Nhờ sự tận tâm của các anh nên ý thức về việc học tập đã được phụ huynh và trẻ em dân tộc Chứt coi trọng hơn. Đây là một nền tảng quan trọng để các thế hệ kế cận đồng bào dân tộc Chứt có thể hòa nhập tốt hơn cũng như xây dựng một cuộc sống vững vàng, ấm no bằng tri thức nơi đại ngàn Trường Sơn”.

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com