Về di tích thờ Dương Tự Minh ở Thái Nguyên và các vùng lân cận
- 07/10/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 1229
Thái Nguyên là quê hương sinh ra Dương Tự Minh, vùng đất còn lưu giữ nhiều nhất di tích thờ ông và các di sản văn hóa liên quan đến ông. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 500 cơ sở tín ngưỡng, bao gồm đình, đền, miếu, nghè, phủ, điện và phần lớn các di tích thờ Dương Tự Minh – chiếm tỷ lệ đến trên 60% tổng số di tích trong tỉnh. Và trong số đó, rất nhiều di tích lịch sử – văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng. Huyện Phú Bình và thị xã Phổ Yên là các địa phương có khối lượng di tích tín ngưỡng nhiều nhất tỉnh, trong đó số ngôi đình thờ Dương Tự Minh chiếm một phần, số còn lại còn thờ Cao Sơn, Quý Minh, Tam Ty Quý Giang thời Hùng Vương và Tam Giang ở thế kỷ VI thời Hậu Lý Nam Đế và các vị thần khác.
Cảm quan về hình ảnh người Thủ lĩnh áo chàm một thời đã có công phò vua, giúp nước, giúp dân đã là một hình ảnh đẹp trong tâm thức người dân. Các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên và các vùng lân cận đều có đình, đền, miếu thờ Dương Tự Minh. Đến làng xã nào cũng thấy nhân dân kể về sự tích công đức của Dương Tự Minh với lòng ngưỡng mộ sâu sắc. Và lòng ngưỡng mộ đó được nhân dân thể hiện trong các công trình tín ngưỡng tiêu biểu ở huyện Phú Bình như: đình Phương Độ, đình Xuân La, đình Hộ Lệnh, đình Đông, đình Thanh Lương, đình làng Hin, đình Diệm Dương, đình Đoài. Ngoài ra, điều đó còn thể hiện qua việc kể chuyện các sự tích, thờ cúng, diễn các tích trong các dịp lễ hội làng. Làng Xuân La có lễ hội đình vào mồng 6 tháng Giêng là ngày tưởng niệm Dương Tự Minh (trùng với Lễ hội đền Đuổm). Tại lễ hội đình, nhân dân địa phương rước bộ kiệu bát cống trên để bát hương cùng lễ vật tên hèm của Dương Tự Minh rước từ đình ra nghè để vui hội cùng hai nàng công chúa Diên Bình và Thiều Dung là hai người vợ yêu của ông được thờ ở hai nghè thuộc làng Xuân La. Ở làng Phương Độ cạnh làng Xuân La ngày 10 tháng 10, lại có tục rước hai vị quan văn, quan võ từ nghè Trên và nghè Dưới về phụng sự ngài Dương Tự Minh ở đình. Thị xã Phổ Yên có đình Thù Lâm xã Tiên Phong có hội đấu vật chọn người khỏe mạnh, có tục “cơm hòm” gắn với sự tích tiếp tế nuôi quân diệt giặc. Huyện Phú Lương có đình Làng Pháng, đình Đồng Tâm có tục góp gạo, gà thổi cơm chung sau lễ tưởng niệm Dương Tự Minh… Ngoài ra các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Võ Nhai, thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công đều có những đình, đền, những tục lệ thờ và hội làng phản ánh về thời hỗn mang, tưởng nhớ công lao của Dương Tự Minh – vị thần thành hoàng đã có công với dân với nước, đem lại niềm thái bình, hạnh phúc cho dân.
Dân gian thường truyền câu: “Thượng Đu, Đuổm, hạ Lục Đầu” với ý là các vùng đất từ xứ Thái Nguyên đến Lục Đầu Giang nhân dân lập đền thờ tưởng niệm ông. Quả thật như vậy, ngoài Thái Nguyên thì vùng Việt Bắc và các tỉnh lân cận cũng đều có đình, đền thờ Dương Tự Minh. Ở Cao Bằng có đền Quan Triều nằm ở trung tâm thành phố thờ Dương Tự Minh có lưu đầy đủ tài liệu công tích của ông tương tự như thần tích ở đền Đuổm của tỉnh Thái Nguyên. Ở tỉnh Bắc Kạn có đền Thác Giềng, động đá Thạch Long; tỉnh Bắc Giang ở huyện Hiệp Hòa có đình Đồng Áng (xã Đồng Tân), đình Hoằng Lại (xã Thanh Vân), đình Chợ Vân, nghè Sư, đình An Cập (xã Hoàng An), đình Lạc Yên, đình Vạn Thạch, đình Thường Thắng (xã Thường Thắng), đình Trung Sơn, đình Quế Sơn (xã Thái Sơn), đình Xuân Biều (xã Xuân Cẩm), đình Đông Lỗ (xã Đông Lỗ)… đều thờ Dương Tự Minh.
Trong các di tích thờ Dương Tự Minh thì nổi tiếng có đền Đuổm, tương truyền cuối đời ông đã về và mất ở đây. Sự kiện này không ghi trong chính sử nhưng truyền thuyết dân gian và tâm thức nhân dân đã không quên ghi lòng tạc dạ nhớ ơn ông và tri ân bằng cách lập đền thờ. Và đền Đuổm là một trong những di tích có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong tâm thức dân gian về cuộc đời và sự nghiệp của Dương Tự Minh tại tỉnh Thái Nguyên và vùng Việt Bắc.
Đền thờ vị danh tướng Dương Tự Minh chứa đựng nhiều giá trị ý nghĩa bởi nó là nơi lưu giữ bảo tồn một khối lượng tài liệu hiện vật giá trị liên quan đến nhân vật lịch sử này, đó là sắc phong, thần tích, câu đối, hoành phi, tượng… Những tài liệu hiện vật này rất cần được tìm hiểu nghiên cứu kỹ hơn.
Tuy là nơi thờ vọng Dương Tự Minh nhưng đình làng thực sự là mảng di tích đặc sắc bởi đình làng là “ngôi nhà chung” nơi thể hiện những tài hoa, trí tuệ, khát vọng chân chính của người Việt được thể hiện ở việc trưng bày về tượng thần, đồ thờ, các mảng chạm khắc có giá trị như ở một loạt các đình: Hộ Lệnh, Xuân La, Phương Độ, Đình Đông… trên đất Thái Nguyên.
Ngoài thờ Dương Tự Minh ở các ngôi đền, nghè, miếu còn thường thờ mẹ và hai người vợ thân yêu của ông. Tại đây nhân dân địa phương hằng năm thường sắm lễ vật đến cúng tế, xuân thu nhị kỳ ở các di tích cũng thường làm lễ khai đài, cầu phúc, mở hội để nhằm tưởng nhớ công đức của các nhân vật lịch sử đã từng có công với dân với nước.
Các di tích thờ Dương Tự Minh rất phong phú qua đó có thể thấy ông có ảnh hưởng rất sâu đậm trong tâm thức nhân dân tỉnh Thái Nguyên và vùng Việt Bắc. Nhiều nghệ nhân dân gian bằng tài hoa trí tuệ của mình đã vẽ tranh màu nước chân dung ông thờ ở di tích, bằng lòng tôn kính sự ngưỡng mộ ông họ cũng đã sáng tạo ra nhiều sự tích, biểu tượng xoay quanh các hiện tượng tự nhiên để ca ngợi công lao, tài đức độ của Dương Tự Minh ở địa phương. Tại quần thể Núi và đền Đuổm là một ví dụ tiêu biểu.
Di tích thờ danh nhân Dương Tự Minh là cả một mạch nguồn không bao giờ cạn, như dòng nước mát luôn thấm sâu vào tâm khảm, tâm thức dân gian của người dân Thái Nguyên và vùng lân cận. Thiết nghĩ, chúng ta cần tìm hiểu công tích sự nghiệp đóng góp của danh nhân lịch sử Dương Tự Minh một cách tường tận để có cách ứng xử phù hợp với các di sản văn hóa thờ ông. Cũng trên cơ sở đó để làm tốt việc bảo tồn, gìn giữ, khai thác và phát huy tốt giá trị của di tích, phát huy truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, một truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc.
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên