Dương Văn Khoa – người không sợ thất bại
- 14/10/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 860
5 năm với mô hình trồng dưa vàng và dâu tây ứng dụng công nghệ cao thì có tới 3 năm anh Dương Văn Khoa thất bại. Quyết không thay đổi sự lựa chọn, anh tiếp tục theo đuổi mô hình…
Người trồng dưa vàng đầu tiên ở Cẩm Thủy
Anh Dương Văn Khoa sinh năm 1989, thôn Song Nga, xã Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy). Nghe anh chia sẻ, tôi cảm thấy anh có quá nhiều mâu thuẫn hoặc vì anh chưa định hướng được con đường mình chọn nên cho phép bản thân được tự do, được “hồn nhiên”… Bắt đầu từ câu chuyện ở giảng đường đại học. Dương Văn Khoa từng thi đậu Trường Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), nhưng học 2 năm, anh bỏ. Sau đó anh theo học 4 năm tại Học viện Quản lý giáo dục, khoa Công nghệ thông tin. Tốt nghiệp ra trường, Khoa lại rẽ sang hướng khác, anh đi thực tập sinh 1 năm về nông nghiệp công nghệ cao ở Israel.
Tại Israel, hằng tuần, anh đi làm 5 ngày ở một trung tâm nghiên cứu rau quả, 1 ngày lên giảng đường, chỉ nghỉ 1 ngày. Về Việt Nam, anh lên kế hoạch đi Bỉ nhưng không thành. Anh trải lòng: “Ở Israel, tôi học được người Do Thái nhiều điều, về văn hóa, về tư duy làm việc. Đặc biệt, tôi thích những cánh đồng dưa lưới của họ, trông rất đẹp. Nhưng khi về nước, tôi lại muốn tiếp tục được đi đây đi đó để khám phá những điều mới mẻ hơn chứ không phải làm nông nghiệp”.
Sau dang dở với kế hoạch đi Bỉ, Dương Văn Khoa dường như bế tắc vì chưa biết sẽ làm gì thì nhớ đến những cánh đồng dưa lưới ở Israel. Lúc này anh mới nghĩ đến việc trồng dưa tại quê nhà. Một quyết định không xuất phát từ đam mê.
Tháng 9/2016, từ số vốn dành dụm khi làm thực tập sinh ở Israel, anh Khoa trồng thử nghiệm 500m² dưa lưới với 1.400 gốc trên đất đồi của gia đình. Nhưng vụ đầu tiên này, anh thất bại hoàn toàn do chưa có kinh nghiệm xử lý nấm bệnh, đã làm mất hàng chục triệu đồng. Anh lại đi học hỏi thêm kinh nghiệm và chuyển sang cây dưa Kim Hoàng hậu. Lần này cũng trồng thử nghiệm trên 500m² đất đồi và cũng không đạt hiệu quả.
Năm 2018, bố mẹ thế chấp sổ đỏ để hỗ trợ anh trồng dưa. Anh đã mở rộng quy mô lên 3.000m², xây dựng nhà màng và lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt Israel. Song cũng thất bại do bệnh héo xanh vi khuẩn. Anh Khoa chia sẻ: “Tôi thất bại liên tiếp, thậm chí chỉ còn 2 tuần nữa là thu hoạch nhưng vẫn bị mất trắng. Sau mỗi lần thất bại, tôi lại đi học hỏi ở nhiều nơi. Từ năm 2016 đến năm 2019, tôi mới hoàn thiện được kinh nghiệm trồng loại dưa vàng này. Trồng không đơn giản, để có trái ngon, đạt năng suất, chất lượng cần rất nhiều kỹ thuật”.
Từ năm 2020 đến nay là khoảng thời gian khẳng định thành công mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu của anh Khoa. Hiện anh đang trồng 5.000m2, cho thu nhập 200 triệu đồng/vụ.
… Đến người trồng dâu tây đầu tiên trên đất Thanh
Song hành cùng trồng dưa vàng, cuối năm 2019, tình cờ lên Mộc Châu (tỉnh Sơn La), được ngắm những trang trại dâu tây đã khiến anh Khoa ước muốn trồng loại cây này trên vườn đồi quê nhà. Nghĩ là làm, anh đã mua giống dâu tây Hàn Quốc về trồng thử nghiệm trên 1.500m² đất đồi. Không chỉ học hỏi kinh nghiệm từ người trồng dâu tây Mộc Châu, anh Khoa còn tham khảo kiến thức trên mạng internet. Tuy nhiên, sau 75 ngày gieo trồng, năng suất đạt nhưng chất lượng kém, thua lỗ hàng chục triệu đồng.
Cuối năm 2020, anh Khoa chuyển sang trồng dâu tây Nhật Bản với diện tích 5.000m². Anh đã sử dụng chế phẩm sinh học để phòng, chống sâu bệnh và hệ thống bơm cao áp để bơm, hút nước từ giếng ngầm tưới cho cây. Theo anh Khoa, giống dâu tây Nhật Bản ngọt, thơm, được thị trường chấp nhận, trung bình mỗi cây cho năng suất khoảng 200 gram/vụ. Anh nói: “Dưa vàng trồng vào hè còn dâu tây hợp mùa đông. Dâu tây là loại cây khó trồng và không phải nơi nào cũng trồng được. Thời gian thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Rất mừng, với giống dâu này, đã có những thành công nhất định. Tôi chỉ quảng cáo trên mạng xã hội qua facebook, zalo nhưng khách đến mua dâu tại nông trại rất đông. Năm vừa rồi, siêu thị Co.opmart cũng đặt vấn đề nhưng không đủ sản phẩm”.
Với 10.000m² trồng dâu tây và dưa vàng, hiện anh có tổng thu nhập từ 500 – 600 triệu đồng/năm. Anh Khoa đang có ý định mở rộng thêm 1ha để trồng dâu tây, đưa sản phẩm đến các siêu thị, tạo thị trường ổn định. Anh cho biết: “Thời gian tới tôi sẽ kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch trải nghiệm, khách đến tham quan được ngắm cây, hái quả, cùng thưởng ngoạn vẻ đẹp của núi rừng…”.
Nguồn: Báo Thanh Hóa