Dương Văn Giang – Người đi chinh phục ước mơ

Qua nhiều nghề với những thăng trầm, Dương Văn Giang, 39 tuổi, xã Phú Xuân (Thọ Xuân) đã viết nên câu chuyện đẹp về ý chí và niềm tin khi anh đã vực dậy nghề làm kẹo lạc truyền thống quê nhà. Sản phẩm không chỉ đứng vững ở thị trường trong nước mà đã có mặt tại một số nước trên thế giới…

Những năm tháng khốn khó

Năm 2002, Dương Văn Giang là sinh viên năm thứ nhất Khoa Du lịch, chuyên ngành Quản lý nhà hàng, khách sạn, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội. Trước đó, do nhà nghèo, mẹ anh đã ra Hà Nội để đi bán báo, kiếm tiền trang trải cuộc sống cho gia đình ở trong Thanh Hóa. Khi con trai học ở Hà Nội, bà lại càng nỗ lực làm việc, nuôi con ăn học. Thương mẹ, Dương Văn Giang vừa học vừa làm. Anh cũng đi bán báo, đánh giày, rửa bát trong các quán cơm, bán tờ rơi kết quả xổ số… Cuối năm thứ 3, anh dành dụm mua được chiếc wave “Tàu” để vừa thực tập vừa làm tại một khách sạn Nhật Bản. Năm 2005, Dương Văn Giang ra trường, về làm việc ngay tại khách sạn này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang thăm gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP kẹo lạc, kẹo gạo lức của anh Dương Văn Giang.

Không chỉ làm một khách sạn, anh còn đi làm quản lý một số khách sạn khác tại Hà Nội. Năm 2007, khi tích cóp được ít tiền, anh vay thêm họ hàng, bạn bè để mở nhà hàng dù nhiều người không đồng ý với kế hoạch này. Chỉ một năm sau đó, nhà hàng không những phải đóng cửa mà còn nợ hơn 400 triệu đồng. Dương Văn Giang ngậm ngùi: “Bán nhà hàng cũng không đủ để trả nợ. Tuy nhiên, tôi không thích làm công ăn lương mà muốn làm cái gì đó cho riêng mình. Có lẽ tôi ngựa non háu đá nên thất bại”.

Hết làm ông chủ, Giang quay lại làm thuê. Anh tiếp tục làm quản lý cho một số nhà hàng, khách sạn khác tại Hà Nội. Cuối năm 2011, anh trở về Thanh Hóa, đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho sự thành công sản phẩm kẹo lạc, kẹo gạo lức Đức Giang sau này.

“Tiếng vọng” từ một làng nghề

Giữa năm 2011, cuộc gặp gỡ giữa Dương Văn Giang và doanh nhân Trịnh Thị Loan, Giám đốc Công ty Cổ phần Dạ Lan (Thanh Hóa) tại Hà Nội là một trong những cơ duyên giúp anh về làm việc ở quê nhà. Chính bà Loan là người đã mời anh về tại công ty này để làm quản lý kiêm đào tạo viên. Sau 3 năm làm việc tại đây, anh đã trả hết số nợ do thua lỗ khi mở nhà hàng. Năm 2014, do có việc gia đình nên Dương Văn Giang tạm xin nghỉ về quê tại xã Xuân Yên (bây giờ là xã Phú Xuân, Thọ Xuân). Anh nhớ lại: “Làng tôi từng nổi tiếng với nghề truyền thống làm kẹo lạc. Trong ký ức của tôi, khi 9, 10 tuổi, vừa học vừa đi quấn kẹo lạc thuê, ngày nhiều được 30-40 kg, quấn đến nỗi phồng cả tay. Năm tháng qua đi, nghề cứ dần mai một, tiếng thơm của nghề cũng lắng xuống, không mấy ai còn nhớ đến kẹo lạc Xuân Yên”.

Thời điểm Dương Văn Giang trở về quê, số hộ làm nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, chất lượng kẹo không còn như trước. Từ thực trạng trên, bỗng dấy lên trong anh mơ ước, sẽ có ngày anh vực dậy niềm kiêu hãnh nghề truyền thống quê mình. Và Dương Văn Giang bắt tay ngay thực hiện ý tưởng, khép lại nghề quản lý nhà hàng, khách sạn. Từ đây, mở ra một trang mới với những bước tiến vững chắc của anh trên con đường chinh phục mơ ước.

Tiếng vang hôm nay

Đầu năm 2015, Dương Văn Giang đã tìm đến những người cao tuổi trong làng để tìm hiểu về công thức làm kẹo lạc truyền thống. Cùng đó, anh đã đặt chân đến nhiều nơi làm kẹo lạc ngon trên cả nước để học nghề. Một mình một xe máy, anh đi Hà Nội, Nam Định, Hải Dương…, mỗi lần đi 3-4 ngày mới về. Thử hết công thức này đến công thức khác, cuối cùng anh mới chọn được một công thức riêng. Anh cho biết: “Công thức này là sự kết hợp tinh tế của rất nhiều công thức khác mà tôi được biết. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, không biết bao nhiêu mẻ kẹo đã bị bỏ đi, mỗi mẻ cứ vài trăm nghìn, lúc đó vợ chồng rất xót ruột. Nhưng với tôi, kẹo phải đạt đến độ ưng ý, tức phải giòn tan, lạc thơm, ngọt thanh, tôi mới hài lòng”.

Khi thành công với công thức, Dương Văn Giang bắt đầu làm thị trường. Anh mở một văn phòng giới thiệu sản phẩm tại TP Thanh Hóa, lấy địa chỉ sản xuất tại đây chứ không phải xã Phú Xuân. Theo Dương Văn Giang, nếu làm thị trường ở thành phố sẽ dễ hơn, đến gần và nhanh hơn với người tiêu dùng. Anh đưa sản phẩm đến một số đại lý lớn trong tỉnh dưới hình thức ký gửi. Năm 2016, kẹo lạc Đức Giang bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường. Lúc này, anh thay mẫu mã, bao bì đẹp hơn, đồng thời đổi cơ sở sản xuất về xã Phú Xuân. Anh nói: “Khi sản phẩm được đón nhận, tất cả trong tôi vỡ òa. Tôi hạnh phúc vì mong muốn đã thành hiện thực, lấy lại thương hiệu cho làng nghề”.

Không dừng ở đây, năm 2018, anh tiếp tục cho ra đời sản phẩm kẹo gạo lức Đức Giang. Sản phẩm được anh nghiên cứu 3 năm trước đó và đã lọt Top 100 sản phẩm tiêu biểu nhất miền Bắc năm 2019. Cũng trong năm này, hai sản phẩm là kẹo lạc và kẹo gạo lức Đức Giang đã được công nhận OCOP 3 sao. Hiện, sản phẩm đã có mặt tại 7 tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu sang 2 nước là Lào và Nga.

Không chỉ chú trọng về chất lượng, Dương Văn Giang còn quan tâm đến mẫu mã, bao bì với sự cẩn thận và thẩm mỹ, anh chú ý đến từng chi tiết nhỏ mà ở đó khắc họa được nét tinh tế, thể hiện tình yêu với sản phẩm của mình.

Lúc này, Dương Văn Giang vẫn đang tiếp tục với những mạch nguồn cảm xúc, anh đang có ý tưởng sẽ cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng khác như trà hoa gạo lức, dầu lạc, dầu mè đen… Nhưng để làm được điều này, anh cần một địa điểm sản xuất quy mô hơn, ở đó anh sẽ viết tiếp câu chuyện đẹp về ý chí và niềm tin…

Chuyên trang Văn hóa đời sống – Báo Thanh Hóa

Ban Thông tin truyền thông
Ban Thông tin truyền thônghttp://hoduongvietnam.com.vn/

Bản tin điện tử Họ Dương Việt Nam. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Dương Văn Mão - Phó Ban Thông tin truyền thông Hội đồng Họ Dương Việt Nam.

BẢN TIN ĐIỆN TỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM
© 2005-2018 Họ Dương Việt Nam. All rights reserved

Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên,
Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: thongtinsukienhdvn@gmail.com