Thạc sĩ Dương Thị Minh Thu: “Người mẹ” đặc biệt của hàng triệu bệnh nhân nhi
- 07/12/2021
- Ban Thông tin truyền thông
- 513
12 năm liên tiếp, vừa trong vai trò của một “người mẹ”, vừa là “bác sĩ” chữa lành những vết thương tâm hồn cho hàng nghìn gia đình bệnh nhân nhi, Thạc sĩ Dương Thị Minh Thu – Trưởng phòng Công tác xã hội, bệnh viện Nhi TƯ là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành Công tác xã hội, chăm sóc người nghèo trong khối bệnh viện.
Những ngày đầu đông, chị Thu lại tất bật với khối công việc dày đặc chuẩn bị cho những chuyến đi cứu trợ đồng bào miền Trung trước sự hoành hành khủng khiếp của cơn bão số 9. Để hẹn gặp chị không khó, nhưng câu chuyện sẽ được chắp nối ở văn phòng, ở phòng bệnh của các khoa và có thể là ở cả ngoài sân bệnh viện, bởi “đôi chân” người trưởng phòng Công tác xã hội dường như không một phút giây nào yên.
“Thời tiết khắc nghiệt quá, nhiều cháu ở các tỉnh đang chịu ảnh hưởng của bão lũ được chuyển xe cấp cứu ra đây là mọi người trong phòng phải nắm bắt ngay để hỗ trợ kịp bữa ăn, quần áo vì họ có còn gì nữa đâu. Rồi các chương trình tổ chức đi cứu trợ cho đồng bào nữa, các chị đang phải rất khẩn trương để xe lăn bánh nhanh chóng” – chị Thu trao đổi khi đôi mắt vẫn chăm chú dõi theo danh sách các bệnh nhân nhi có hoàn cảnh đặc biệt cần được hỗ trợ khẩn cấp.
Công việc tất bật là thế, nhưng những ngày đầu tiên bắt tay vào làm, chị phải thừa nhận “không hiểu công tác xã hội là cái gì, và mình phải bắt đầu từ đâu”. Trong trí nhớ của người phụ nữ Hà thành này, ngày 28/9/2008 trở thành dấu mốc không bao giờ quên, bởi Ban Giám đốc bệnh viện Nhi TƯ quyết định thành lập Tổ Công tác xã hội và tin tưởng giao cho chị làm Tổ trưởng. Nhận trọng trách bệnh viện giao, cùng với tâm sự của GS.Nguyễn Thanh Liêm (khi đó đang là Giám đốc bệnh viện Nhi TƯ) về vấn đề có nhiều bệnh nhân nhi trốn viện vì không có tiền đóng viện phí, khiến chị băn khoăn, trăn trở.
Không có một giáo trình cụ thể nào hướng dẫn, suốt 2 tháng suy nghĩ có những lúc tưởng chừng rơi vào bế tắc, chị gầy xọp với đôi mắt hốc hác vì nhiều đêm không ngủ. Chị và 2 nhân viên trong Tổ (thời điểm đó Tổ Công tác xã hội chỉ có vỏn vẹn 3 người) luôn ám ảnh câu hỏi: “Làm thế nào để bệnh nhân không còn trốn viện? Làm thế nào để họ không nơm nớp, sợ hãi số tiền đóng viện phí mà yên tâm điều trị?”. Xác định lấy người bệnh là trung tâm, những thắc mắc đó liên tục được đặt ra khiến chị càng hoang mang, rơi vào ngõ cụt… Và rồi nút thắt cũng dần được tháo gỡ, khi chị bất ngờ nhận thông tin về một cậu bé 13 tuổi bị viêm đa rễ dây thần kinh, đang cấp cứu tại khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện.
“Chị nhận thông tin từ Trưởng khoa về cậu bé 13 tuổi nằm cấp cứu, người mẹ thì đang có bầu rất to, cứ vật vã ngoài cửa phòng bệnh cầu xin mọi người cứu con. Chị đã ngay lập tức lên khoa và chứng kiến cảnh đó. Cảm giác lạnh toát sống lưng và rùng mình vì nghĩ, nếu như đứa trẻ kia là con mình thì mình sẽ sống sao đây. Từ giây phút đó, trong đầu chị lóe lên suy nghĩ phải nhờ luôn báo chí viết bài về hoàn cảnh cậu bé để tìm kiếm sự trợ giúp từ cộng đồng. Mặt khác, chị liên lạc đi xin tiền tài trợ cho em ở một số nơi khác” – Thạc sĩ Dương Thị Minh Thu tâm sự những công việc đầu tiên khi vào ngành Công tác xã hội của mình.
Kết quả, số tiền quyên góp hỗ trợ cho cậu bé lớn đến không ngờ (khoảng 2 tỉ đồng) và em được cứu sống. Cậu bé ấy giờ khỏe mạnh, thi thoảng gọi điện lên cho “mẹ Thu” khiến chị càng có niềm tin vào công việc mình đã và đang làm trong suốt 12 năm qua.
“Vui lắm, khi một bệnh nhân nhi được cứu sống. Ngoài ra cũng có nhiều cháu ra đi, rồi còn vô vàn những vấn đề phức tạp xung quanh nữa, nhiều không kể xiết. Làm công việc này phải tập cho mình thái độ bình tĩnh, nước mắt chảy vào trong để làm sao có những cư xử đúng mực, hợp tình, hợp lý với bệnh nhân” – chị Thu ngưng lại, đôi mắt nhìn xa xăm, chứa đầy những tâm sự về những thời khắc buộc con người ta phải vừa mềm, vừa cứng để đưa ra những quyết định.
Nhiều gia đình là người dân tộc thiểu số ở vùng cao xuống chữa bệnh cho con, suất ăn được hỗ trợ, tiền chữa bệnh cũng được giúp đỡ nhưng khi con không may qua đời, họ nhất định không mang về nhà làm ma mà để lại bệnh viện. Trước tình thế ấy, chị vừa giận, vừa thương, lại vừa phải đặt mình vào chính hoàn cảnh của họ để hiểu. Không phải vì họ không thương xót con cái mà cũng vì một chữ “nghèo quá”, tiền đâu mang con về, tiền đâu làm đám cho con đây?
Ngay lập tức, chị và các cán bộ Công tác xã hội sẽ kêu gọi các chuyến xe cấp cứu miễn phí, điều phối kịp thời chở mọi người về quê cùng khoản tiền hỗ trợ lo ma chay. Rồi có cả những tình huống chị buộc phải xử lý luôn dù là vắng mặt, chứ không thể đợi đến khi trực tiếp có mặt tại bệnh viện: “Chị nhớ vài năm trước, khi đó miền Trung cũng lũ lụt ghê lắm. Chị đang đi theo đoàn bệnh viện cứu trợ trong Thừa Thiên- Huế thì nhận được điện thoại của nhân viên trong phòng thông báo có trường hợp bé tử vong nhưng bố mẹ kêu gào khóc thảm thiết không đưa con về được, vì lý do gia đình ở Nghệ An đang ngập lụt hết rồi.
Mình lúc đó trong lòng nóng như lửa đốt, nhưng đợi trở ra Hà Nội thì không kịp nữa, nên ngay lập tức phải kết nối, hướng dẫn các em trong phòng kết hợp với các phòng ban khác, đưa cháu xuống nhà lạnh của bệnh viện. Đồng thời hỗ trợ chỗ ăn, nghỉ cho bố mẹ và liên hệ với chính quyền địa phương để nắm thông tin đợi nước rút mới đưa cả gia đình về sau”.
Rồi có cả những lúc tình thế căng như dây đàn khi bố mẹ bệnh nhân vì quá đau xót bởi con mất mà quay ra bắt đền bác sĩ và bệnh viện. Tính chất sự việc buộc chị Thu phải vừa nhu, vừa cương trên tinh thần lắng nghe, tôn trọng và chân thành để giải quyết. Trước sự “ra đi” của các con, là một người mẹ, một người phụ nữ, chị cũng run rẩy, cũng bàng hoàng nhưng quan trọng hơn cả là phải trấn an tinh thần của những đấng sinh thành ra các cháu. Chị xác định đó là một phần công việc của người làm Công tác xã hội, nên cố gắng hoàn thiện mỗi ngày vì mục tiêu , hướng đến sự hài lòng của tất cả mọi người khi đến khám và điều trị bệnh tại bệnh viện Nhi TƯ.
Với 12 năm miệt mài làm việc, phòng Công tác xã hội bệnh viện Nhi TƯ do chị Thu lãnh đạo đã huy động được tổng số gần 174 tỉ đồng cho các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Xác định công việc của nhân viên phòng Công tác xã hội là cần kíp, liên quan đến tính mạng bệnh nhân, nên phải trực điện thoại 24/24h kể cả các ngày lễ tết. Ngoài ra, phòng Công tác xã hội còn tư vấn, hỗ trợ về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người bệnh cũng như thủ tục giấy tờ, quy trình của những chính sách mà người bệnh được hưởng trong quá trình khám và điều trị tại bệnh viện. Các bệnh nhi khó khăn khi xuất viện hoặc chuyển tuyến không có kinh phí được phòng vận động nhà hảo tâm hỗ trợ xe về, thuốc men điều trị.
Định kỳ tổ chức 4 sự kiện vui chơi, giải trí lớn hàng năm vào các dịp: Tết thiếu nhi, Tết Trung thu, Giáng sinh và Tết Nguyên đán. Phối hợp với các câu lạc bộ, mạng lưới tình nguyện viên tổ chức thường niên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chiếu phim, kể chuyện, vẽ tranh, sinh nhật tháng… Phối hợp với các khoa phòng tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ chuyên khoa như: Câu lạc bộ đái tháo đường, câu lạc bộ wilson, câu lạc bộ bệnh hiếm…, nhằm hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm cho các gia đình bệnh nhi cách chăm sóc và theo dõi trẻ tại nhà.
Những công việc ấy với chị Thu vừa là trách nhiệm, vừa là niềm đam mê, bởi chỉ cần nhìn thấy nụ cười của những bệnh nhân nhi với chị đã là món quà vô giá. Chị kể: “Sự sống của bệnh nhân nhi có thể tiếp diễn hay dừng, lại mình quan niệm do nghiệp duyên mang lại. Khi có mặt trên cõi đời này, sống kiếp này hãy luôn gieo hạt, bởi gieo tốt, hạt sẽ nảy mầm và xanh tươi”.
Đó cũng là triết lý sống của chị để mỗi ngày trôi qua “những hạt yêu thương lại tiếp tục được gieo trồng” để “gia tài” của chị ngày một nhiều hơn những đứa con khỏe mạnh được trở về nhà. Mùa đông đến rồi, chị lại tất bật chuẩn bị những chiếc chăn ấm, những bộ áo quần và cả những suất cơm nóng hổi cho các con ấm lòng và có đủ sức mạnh “chiến đấu” với bệnh tật và, tử thần luôn rình rập.
Nguồn: Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống